Bạn đang ở đây

Câu chuyện thành công của Skype

Sau 15 năm ra đời, ứng dụng Skype đã trải qua rất nhiều thay đổi lớn nhưng đây luôn là hình mẫu khởi nghiệp, đổi mới và sáng tạo.

 

Vào tháng 8/2003, Skype lần đầu tiên xuất hiện. Đến năm 2012, chỉ sau 1 năm ứng dụng này được mua lại bởi Microsoft đã có 167 tỷ phút gọi và video thoại trên toàn cầu được thực hiện qua Skype, tốc độ tăng trưởng so với 2011 lên đến 44%. Thời điểm này, Skype đã định hình lại cách người dùng sử dụng Internet thực hiện các cuộc đàm thoại trực tuyến và trở thành mối đe dọa nghiêm trọng cho các nhà cung cấp viễn thông trên toàn cầu. Cùng với sự thành công của Skype, những nhà sáng lập của chúng trở thành những tỷ phú giàu có, có tầm ảnh hưởng lớn trong sự phát triển CNTT trên toàn thế giới.

Câu chuyện từ những năm 2000

Khi cơn sốt dot-com quét khắp nước Mỹ, một cổng thông tin giải trí và tin tức mang tên Everyday.com bắt đầu quy tụ các nhà cách mạng công nghệ châu Âu. Trang Web này được dựng lên bởi hai người có khởi nguồn từ lĩnh vực viễn thông là Niklas Zennstrom và Janus Friis và đây được xem là nền móng của những phần mềm, ứng dụng danh tiếng sau này từ Kazaa cho đến Skype.

Niklas Zennstrom và Janus Friis – Những nhà sáng lập Skype.

Tuy nhiên Everyday.com gặp phải vấn đề về nhân sự khi chi phí cho những lập trình viên tại Thụy Điển quá cao đối với một công ty khởi nghiệp. Họ tìm kiếm những tài năng tại Estonia với mức lương hào phóng là 330 USD, cao gấp 4 lần thu nhập bình quân tại đất nước nhỏ bé này.

Bộ ba Bluemoon gồm Jaan Tallinn, Ahti Heinla, và Priit Kasesalu là những người từng thất bại khi khởi nghiệp trong lĩnh vực trò chơi điện tử. Nhà tuyển dụng đòi hỏi lập trình viên am hiểu ngôn ngữ PHP và bộ ba này đã nghiên cứu trong ngày cuối tuần và hoàn thành bài kiểm tra một cách ấn tượng. Mảnh ghép cuối cùng mà sau này hình thành nên Skype là Toivo Annus, được thuê ở Tallinn - thủ đô của Estonia để quản lý sự phát triển của Everyday.com.

Hệ thống nhân sự phát triển trang Web đã hình thành với Zennstrom và Friis làm việc tại Luxembourg và Amsterdam còn Annus cùng bộ ba Bluemoon làm việc từ Tallinn, Estonia.

Kazaa – nền tảng công nghệ ưu việt

Để kiếm nhiều tiền hơn, Zennstrom và Friis bắt đầu tham gia cơn sốt chia sẻ file mà mạng âm nhạc Napster khởi xướng.

Jaan Tallinn chính là người đứng đầu phát triển Kazaa - phần mềm chia sẻ tập tin P2P cho phép các tập tin được truyền trực tiếp từ máy này sang máy khác mà không cần máy chủ trung gian, do đó đã giải quyết được những vấn đề của Napster trước đây. Dịch vụ ra mắt hồi tháng 9/2000 đã nhanh chóng thu hút người dùng, trở thành chương trình được tải xuống nhiều nhất trên Internet vào thời điểm đó.

Nhưng về mặt kinh doanh, hai ông chủ Zennstrom và Friis đã thất bại trong việc ký kết một thỏa thuận với các công ty điện ảnh, âm nhạc của Mỹ. Kazaa bị kiện vì đã cho phép các tác nhân vi phạm bản quyền. Âm nhạc, phim, và nội dung khiêu dâm "bị đánh cắp" đã được phân phối thông qua ứng dụng, và những người chủ của Kazaa đã phải trốn tránh cuộc truy lùng gắt gao của đội quân luật sư hung dữ đến từ nước Mỹ.

Các chàng trai Bluemoon bắt đầu mã hóa tất cả thư từ và ổ cứng của họ. E-mail không được lưu trữ lâu hơn 6 tháng. Đối với người Estonia, Kazaa như là cuộc chiến không cân sức với người khổng lồ nhưng chúng thú vị và gây ấn tượng mạnh với cộng đồng CNTT.

Skype ra đời

Trong khi Kazaa đang ở vào tình thế dầu sôi lửa bỏng thì người sáng tạo phần mềm này đã tìm ra một lối thoát mới và hợp pháp hơn cho công nghệ P2P của mình. Ý tưởng Skype nảy mầm vào mùa hè năm 2002 khi Annus và Friis đề nghị giải pháp thực hiện các cuộc gọi thoại giá rẻ và dễ dàng bằng cách chia sẻ dữ liệu ngang hàng giống như Kazaa đã làm. Họ thậm chí còn nói về việc tạo ra điện thoại Wi-Fi, một ý tưởng mà sau này sẽ được thực hiện trong Skype. 

4 người từ trái qua phải bao gồm Jaan Tallinn, Ahti Heinla, Sten Tamkivi, Niklas Zennstrom

Phiên bản đầu tiên của ý tưởng này xuất hiện đầu năm 2003 với cuộc thử nghiệm nội bộ khoảng 20 người. Tên của dự án bắt nguồn từ "sky - bầu trời" và " peer - ngang hàng". Phiên bản đầu tiên có rất nhiều vấn đề, âm thanh cũng như khả năng kết nối không ổn định nhưng tất cả mọi người tham gia thử nghiệm đều nhận ra rằng giờ đây họ có thể nói chuyện với người khác thông qua chiếc máy tính nối mạng.

Ý tưởng về Skype đã đe dọa các mạng viễn thông vào thời điểm đó khi doanh thu cuộc gọi đường dài lên đến hàng trăm triệu USD mỗi năm. Ngay từ đầu, các cuộc hội thoại qua Skype đã được mã hóa và không thể chặn được vì thế nó trở thành công cụ yêu thích của giới tội phạm. Không những vậy, dịch vụ trả tiền của Skype còn trở thành công cụ để rửa tiền từ thẻ tín dụng bị đánh cắp. Công ty đã gặp khó khăn trong việc chống lại điều này. Không những vậy, hàng loạt hãng công nghệ cũng tham gia vào cuộc chơi điện thoại Internet khiến thành công của Skype không được đảm bảo. Không giống như các dịch vụ khác, Skype dễ dàng vượt qua tường lửa. Chương trình không để lại dấu vết trên Internet, âm thanh được cải thiện đáng kể, và dịch vụ hoạt động ấn tượng. Nhưng như thế chưa đủ, kế hoạch kinh doanh của Skype không đủ thuyết phục các nhà đầu tư tiềm năng. Khi bong bóng dot-com bùng nổ, Internet đã trở thành vùng đất chết từ góc độ đầu tư tuy nhiên lĩnh vực viễn thông vẫn còn màu mỡ. Các nhà đầu tư tiềm năng lo lắng  không chỉ về việc mất tiền trong khoản đầu tư như Skype mà còn phải đối mặt với những rắc rối pháp lý khi các nhà mạng viễn thông khởi kiện.

William Draper, một nhà đầu tư mạo hiểm người Mỹ, là một trong số ít người nói rằng đó là thời điểm thích hợp để đầu tư vào công nghệ P2P. Ông cùng với một số nhà đầu tư thiên thần khác nhanh chóng rót hàng triệu USD đầu tư vào Skype - và thu hồi khoản đầu tư của họ hàng nghìn lần trong vòng 3 năm.

Skype chính thức cung cấp dịch vụ lần đầu tiên vào ngày 29/8/2003. Ngay trong ngày đầu tiên đã có hơn 10 ngàn lượt tải Skype, và đã có một triệu người dùng chỉ sau vài tháng. Sự ra mắt quá thành công khiến các nhà đầu tư mạo hiểm bắt đầu thèm khát Skype. Tập đoàn các nhà đầu tư mạo hiểm, bao gồm Index Ventures, Bessemer Venture Partners, Mangrove Capital, và Draper Fisher Jurvetson đã rót 18 triệu USD.

Môi trường lý tưởng cho doanh nghiệp

Mặc dù có khuynh hướng tránh các quy định quốc tế, Zennstrom và Friis đã phải  học cách hòa mình với luật pháp của mỗi quốc gia khác nhau. Những gì bị cấm ở Mỹ có thể hoàn toàn hợp pháp ở nơi khác. Skype ẩn mình và không khoa trương, đã từng là một công ty quốc tế từ năm 2004 nhưng các văn phòng ở Estonia, London và Luxembourg thậm chí không có biển tên.

Trụ sở chính của Skype ngay từ đầu đã được xác định đặt tại  Luxembourg. Đất nước nhỏ bé này có tỷ lệ thuế VAT thấp nhất (15%) ở EU, đó là lý do tại sao tất cả doanh số của Skype đều qua Luxembourg. Tuy nhiên, Luxembourg quan trọng đối với Skype còn vì một lý do khác: đất nước đảm bảo một môi trường làm việc thân thiện.

Bán lần đầu

Tin tức về việc Skype được bán cho eBay với giá 2,6 tỷ USD  hồi tháng 9/2005 đã gây chấn động toàn thế giới. Ba chàng trai Bluemoon và Annus mỗi người có khoảng 42 triệu USD, Friis và Zennstrom hơn 10 lần. Những người khác ở văn phòng Tallinn và 40 người ở London cũng có các lựa chọn khác về tiền và cổ phiếu.

Việc bán Skype cũng gây ra một số mâu thuẫn, các nhà đầu tư không đồng ý với việc bán và cho rằng giá trị của Skype nên được tăng thêm một chút. Các nhà sáng lập, chủ yếu là Zennstrom và Friis là những người đưa ra quyết định bán. Quyết định này đến từ nỗi sợ khi MSN và Yahoo đã thay đổi mạnh mẽ hơn, và Google ra mắt Talk cũng trong năm 2005 cùng tin đồn rằng dịch vụ cho phép người dùng gọi điện thoại miễn phí. Trong khi đó, cuộc gọi điện thoại trả phí vẫn là nguồn thu nhập duy nhất cho Skype.

Sự đụng độ của các nền văn hóa

Khi thỏa thuận được thực hiện, người Mỹ đã gửi người quản lý Brian Sweeney tới Tallinn để tìm hiểu xem họ đã mua được gì. Vị đại diện đến văn phòng Skype, và thực sự ngạc nhiên khi thấy mọi người ở đây chỉ lặng lẽ gõ máy tính của họ.

Brian Sweeney cho biết, những năm đầu tiên mọi người nhiệt tình với công việc của họ và không hề có sự bực mình hay khoe khoang. Nhưng doanh thu tăng trưởng liên tục đã thay đổi hoàn toàn mọi thứ ở Skype. Nhân viên ở Tallinn cuối cùng cũng cảm thấy một sự phân biệt rõ ràng giữa họ và các văn phòng khác của Skype, đặc biệt là London. Một vấn đề liên quan đến nhân sự. Estonia có rất nhiều kỹ sư tuyệt vời, nhưng không có người quản lý thương hiệu. Thay vì đào tạo, Skype đã huy động đội ngũ quản lý ở London, trong khi các lập trình viên vẫn ngồi làm việc ở Tallinn.

Những cuộc tranh cãi đã diễn ra liên tục và khiến nhiều kỹ sư ở đây mất động lực làm việc. Các nhà sáng lập cũng chỉ ra rằng họ không những luôn  phải đối mặt với cả kỹ thuật so với phi kỹ thuật và cũng là những thách thức về văn hóa và giao tiếp giữa Estonia và Anglo-Saxon

Nhưng đối với Ebay thì dường như Skype lại là một thực thể tách rời với họ. Công cụ thoại này được hứa hẹn trở thành kế hoạch lớn của eBay kết hợp công nghệ với việc đấu giá và dịch vụ chi trả qua Paypal nhưng chúng chưa bao giờ thành hiện thực.

Microsoft thay đổi cục diện

Những vấn đề phức tạp, thị trường cho việc cung cấp dịch vụ điện thoại với máy tính qua kết nối Internet băng thông rộng ngày càng tăng kể từ khi Skype khai sáng con đường. Cuộc gọi miễn phí đã trở thành tiêu chuẩn của các dịch vụ instant-messaging của Yahoo, Microsoft cũng như hàng loạt các công ty mới khác.

Một mối lo lắng khác của Skype là làm thế nào để người sử dụng, đa số đều gọi miễn phí từ máy tính đến máy tính, trả tiền cho các dịch vụ cao cấp. Trong thực tế, Skype dường như đang vật lộn với một trong những nguồn thu nhập chính của mình: cước mỗi phút cho các cuộc gọi đến điện thoại truyền thống. Ebay đã không thể giải quyết các bài toán của Skype. Mối lương duyên này cuối cùng cũng chấm dứt khi họ không thể hòa hợp và Microsoft đã mua Skype với giá 8,5 tỷ USD.

Microsoft cũng cung cấp một dịch vụ tương tự cho phép khách hàng gọi điện thoại giữa máy tính và mạng điện thoại, có tên là Windows Live Call, và sau đó tiếp tục cung cấp dịch vụ chat, chat voice và chat video Windows Live Messenger. Mua Skype là việc mà Microsoft cần phải làm. Xét cho cùng, 8,5 tỷ USD trị giá hợp đồng không “thấm tháp” gì với Microsoft, nhưng  bản hợp đồng này được đánh giá sẽ mang lại những lợi ích quan trọng về lâu dài.

Lần thứ hai, Zennstrom và Friis kiếm bộn tiền từ việc bán Skype. Bộ đôi này vẫn nắm giữ cơ sở nền tảng công nghệ P2P và họ chỉ đơn giản cấp phép cho Skype. Một vụ kiện hồi năm 2009 đã cho phép Zennstrom và Friis một phần quyền sở hữu Skype, khiến họ kiếm được nhiều tiền hơn khi Microsoft mua lại công ty.

Số tiền Microsoft trả sẽ được chia như sau, eBay với 30% cổ phần nhận khoảng 2,55 tỷ USD. Hai nhà đồng sáng lập với 14% nhận khoảng 1,19 tỷ USD trong khi Silver Lake, Andreessen Horowitz và  Canada Pension Plan Investment Board (CPPIB) với 56% cổ phần kiếm được khoảng 3,76 tỷ.

Nơi sản sinh ra Skype không phải là thung lũng Silicon hay một quốc gia hùng mạnh về công nghệ nào mà là Estonia - một đất nước bé nhỏ ở Đông Âu. Đất nước này chỉ với ngành công nghiệp phát triển phần mềm khiêm tốn chỉ có 2.500 chuyên gia đang làm việc, dân số khoảng 1,3 triệu (số liệu năm 2017), nhưng Estonia là một đất nước trẻ và năng động đã tận dụng công nghệ như bệ phóng nhanh nhất để đuổi kịp các nước phương Tây. Skype đã chứng tỏ cho thế giới biết là bạn có thể thực hiện được ý tưởng lớn với ít nguồn lực và chinh phục cả thế giới.

Thạch An

people like INLOOK.VN fanpage