Bạn đang ở đây

Giải mã tập tục thờ cúng Thổ Địa - Thần Tài

Ngày nay, Thổ Địa và Thần Tài được thờ tự khá phổ biến trong nhiều gia đình. Các vị gia thần này thân thiết và gần gũi với tín chủ đến nỗi gần như không có một quy thức nào cần phải tuân thủ khi thờ cúng.

 

Để truy cứu đôi điều về cách thức thờ cúng Thổ Địa - Thần Tài, tập trung vào việc xác định lệ cúng vía, cách thức và lễ vật cúng kiếng. Lệ cúng Thổ Thần -Thổ Địa vào ngày 10 âm lịch năm tháng đầu năm có nhiều nơi tuân theo, nhất là ngày 10/3 âm lịch.

Theo Đại Nam quấc âm tự vị thì “Mồng chín vía trời, mồng mười vía đất” tức mồng chín sinh ra trời nên cử hành lễ vía Ngọc Hoàng, và mồng mười là ngày cúng Đất, gọi là vía Đất. Ngày mồng chín, mồng mười tháng Giêng, thói tục hay cúng Trời cúng Đất, hiểu là ngày Trời, Đất sinh”.

Lệ cúng đất vào ngày mồng 10 cả 5 tháng đầu năm như vậy bắt nguồn từ quan niệm cho rằng mồng 10 tháng Giêng là ngày vía sinh, tức cúng mừng “sinh nhật” của Đất và đến tháng 5, có ngày Địa lạp tức ngày ky lạp (giỗ kỵ) của Đất, có nghĩa là ngày “địa chết”, có lẽ bắt nguồn từ một chu kỳ canh tác cổ xưa hay một tín lý nào đó mà ngày nay đã biến đổi khiến khó có thể truy cứu được. Việc cúng vào ngày mồng 2 và 16 hàng tháng âm lịch vốn là các ngày cúng cô hồn cốt để chúng không quấy phá việc làm ăn buôn bán cũng hàm chức năng cầu công việc làm ăn hanh thông, buôn may bán đắt nên được thế nhân coi đó là lệ cúng... Thần Tài.

Nói chung, tập tục thờ cúng Thần Tài ra đời và phổ biến rộng cùng với sự phát triển của lực lượng doanh thương. Bởi vậy, trong những thập niên vừa qua tập tục thờ Thần Tài, cầu tài lộc nói chung cũng gia tăng và theo đó. Nói chung, lệ cúng trở nên đa tạp như vậy là do sự tích hợp nhiều tín lý của một tập thành tín ngưỡng đa dạng do tiến trình phát triển của lịch sử, đặc biệt là sự hội nhập các thần tài lộc từ nhiều nguồn khác nhau vào hệ thống gia thần xứ ta.

Tượng Thần Tài.

1. Chất liệu composite hiện đại; 2. Gốm men màu Lái Thiêu.

Thần Tài và tín ngưỡng tài lộc

Dựa trên những tài liệu, thư tịch ít ỏi có được, chúng ta thấy rằng Thần Tài được thờ tự đầu thế kỷ XX và chỉ non một thế kỷ đã trở nên một gia thần phổ biến và gần gũi với mọi nhà. Điều này coi ra có phần phù hợp với sự biến đổi về kinh tế - xã hội cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, giai đoạn lịch sử mà nền kinh tế hàng hóa phát triển và phong trào tranh thương đã được đẩy lên bởi lớp điền chủ tư sản Việt, theo đó, nghề nghiệp doanh thương đã không còn bị đánh giá thấp như ở thời phong kiến trước đó.

Thần Tài là một đối tượng tín ngưỡng mà sự phân biệt trước kia giữa Thần Tài và Thần Đất không rõ ràng. Chính vì vậy mà trong Đại Nam quấc âm tự vị, biên soạn hồi cuối thế kỷ XIX khi cắt nghĩa Thổ thần và Tài thần đều cho là “Thần Đất, thần giữ tiền bạc” (Tome II, tr. 336). Hiện tượng này, trước hết, bắt nguồn từ một biện sự của nguyên lý sinh sản của đất như đã trình bày trong phần đầu và mặt khác, là do sự tích hợp một số gia thần vào chung một bài vị: “Ngũ phương ngũ thổ Long thần/Tiền hậu địa chủ Tài thần”.

Ngày nay, việc thờ Thần Tài bên cạnh Ông Địa đã trở nên rất phổ biến, không chỉ ở các đền, miếu, đình, chùa và gia đình, tiệm, quán mà còn ở các trụ sở công ty, xí nghiệp, văn phòng và thậm chí ở công sở. Đi kèm với sự sùng tín vị thần này là sự đa tạp về các tín lý cũng như các loại tranh tượng thờ liên quan. Điều này đã chỉ ra sự phức tạp của dạng thức tín ngưỡng này khi tìm hiểu về chính tập tục thờ cúng hay về hình tướng và lai lịch của các loại tranh tượng thờ của vị thần này.

Cặp đôi Thổ Địa - Thần Tài.

Thật khó xác định được thời điểm chính xác của việc Thần Tài được thờ tự ở xứ ta, nhất là khi Thần Tài được hội nhập vào hệ thống thần bản gia - tức các thần linh bảo hộ cho gia đình và dường như công năng của vị gia thần chủ về tiền tài này vẫn chưa thật sự tách khỏi tín lý phồn thực của Thổ Địa (Ông Địa) - một gia thần vốn có công năng phò cho gia chủ được mùa, giàu có.

Cuối thế kỷ XIX, sự phân biệt giữa thần Đất (Thổ Thần) và Tài Thần vẫn chưa thực sự rõ rệt. Trong Đại Nam quấc âm tự vị (xuất bản 1895), tác giả Huỳnh Tịnh Của cắt nghĩa Thổ Thần và Tài Thần đều là: “Thần đất, thần giữ tiền bạc” (Tome II, tr 336). Sự nhập nhằng coi ra vô lý này lại được thực tế công nhận: người ta thường thờ chung Ông Địa và Thần Tài cùng một chỗ và cứ như hai vị thần này là một cặp đôi không thể nào tách rời được. Hiện tượng phổ biến này có nguồn gốc tín lý cổ xưa về Thần Đất - có hai công năng: một là bảo hộ cho một diện tích đất đai nào đó (nền nhà, vuông vườn, xóm ấp...) và hai là nguyên lý sinh sản (hoa màu, nông sản...) của đất theo tín lý phồn thực. Nói cách khác, Thổ Địa cũng làm cho chủ nhà phát đạt, giàu có (được mùa, bội thu...). Đó là tín lý của thời nông nghiệp còn là hoạt động sản xuất chính yếu; nhưng về sau, kinh tế hàng hóa phát triển, thương nghiệp và doanh nghiệp càng lúc càng có vị trí quan trọng trong hoạt động kinh tế thì tiền bạc, vàng là dấu hiệu của sự giàu có, chứ không phải là “lúa thiên, ruộng mẫu” thì con người cần một hình tướng mới chuyên trách cho việc phát tài: ông Thần Tài.

Ở đây tín niệm tương sinh của ngũ hành “Thổ sinh Kim” cũng cung cấp một tín lý về việc coi Thổ Địa là một tài thần. Câu liễn thờ Thổ Địa phổ biến sau đây là một ví dụ về tín niệm này:

Thổ năng sinh bạch ngọc

Địa khả xuất hoàng kim.

(Đất hay sinh ngọc trắng

Địa có thể nảy vàng ròng)

Nói tắt một lời: Ông Địa, Thần Tài là hai mặt của một vấn đề. Ông Địa là lý, Thần Tài là sự; và hai ông thờ chung với nhau là “lý sự viên dung” của thời đại mà nông thương còn đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế quốc dân. Điều này còn duy trì mãi sau này trong loại hình tượng Thần Tài tay một xách xâu tiền điếu và tay kia ôm bó lúa.

Thần Tài:

1. Dạng ôm bó lúa; 2. Dạng xách xâu tiền điếu.

Ở loại tranh Đông Hồ, theo công bố của Marcus Durand vào thời điểm năm 1960, có bức tranh Tăng Phúc Thần Tài. Đây là bức tranh thuộc bộ sưu tập của trường Viễn Đông Bác Cổ thực hiện và được triển lãm lần đầu vào năm 1946. Tức bức tranh này có thể xuất hiện trước năm 1946.

Còn ở Nam bộ, việc thờ Thần Tài xuất hiện vào thời điểm nào đến nay chúng ta cũng không có tư liệu xác thực, ngoài chứng liệu từ bài thơ Vịnh Thần Tài của ông Đồ Sáu Mới/Võ Văn Tân (1864 - 1927) hồi đầu thế kỷ XX. Thần Tài xứ ta là một vị thần ý niệm, biểu trưng cho tiền tài, sự giàu có, tức không có thần tích, thần phả gì cả. Còn xét về hình tướng, chúng ta dễ nhận ra ông Thần Tài xứ ta về cơ bản giống Thổ Địa Phước Đức chính thần của người Hoa chỉ khác là một tay vuốt râu và tay kia cầm xâu tiền điếu (hay thoi vàng xuồng). Đây là hình tướng Thần Tài phổ biến nhất. Kế đó là loại Thần Tài tay ôm bó bông lúa, tay cầm xâu tiền điếu; hoặc tay cầm bó bông lúa, tay vuốt râu. Cá biệt cũng có loại Thần Tài giống ông Thọ (trong bộ Phúc - Lộc - Thọ) với cái đầu hói đặc trưng, tay cầm quạt ba tiêu, cổ đeo xâu tiền điếu quanh bụng, dài quá rốn...

Một số biểu tượng Thần Tài ở Việt Nam và các nước

Thần Tài xuất hiện tại một số quốc gia mang ý nghĩa cầu tài lộc như Trung Hoa, Nhật, Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam… Trước hết, tập hợp các thần linh Trung Quốc, trong đó có Thần Tài, vốn đã từng được các nhóm di dân người Hoa nhập cư thờ tự ở các đền miếu, hội quán và tư gia đã ảnh hưởng đến tín ngưỡng người Việt.

Tập hợp Thần Tài của người Hoa ở vùng Chợ Lớn (Quận 5, TP. Hồ Chí Minh) chẳng hạn, rất đa dạng bao gồm Thần Tài võ như Triệu Công Minh, Quan Vũ; Thần Tài văn bao gồm Tỷ Can, Phạm Lãi (Đào Công), Tài Bạch tinh quân, Văn Xương đế quân, Phúc Lộc Thọ tam tinh; Thần Tài phụ (gọi Thiên Tài thần: chỉ các Thần Tài giúp con người kiếm tiền bằng con đường không chính đáng, thiên lệch) như Ngũ lộ Tài thần, Hắc Bạch vô thường và các Thần Tài không chính danh (tức các thần linh không hẳn là Thần Tài nhưng lại kiêm nhiệm việc tài lộc) như Lưu Hải, Hòa Hợp nhị tiên, Táo Quân, Thổ Địa… Trong danh sách các Thần Tài nêu trên, phổ biến trong cộng đồng người Việt là Triệu Công Minh, Đào Công/Phạm Lãi, Tài Bạch tinh quân, Văn Xương đế quân, Phúc Lộc Thọ tam tinh, Lưu Hải, Hòa Hợp nhị tiên và gần đây là sự sùng tín linh vật: Tỳ hưu, cóc ngậm tiền...

Ngoài tập hợp Thần Tài của người Hoa, gần đây tập hợp Thần Tài Nhật Bản cũng đã có mặt trong các khám thờ hay trên các kệ tủ của tiệm quán. Phổ biến là có Chiêu Tài miêu Mannekineko; Thần Tài Daroku; Thần Tài Daruma.

Kế đó là Thần Tài Thái Lan Nang Kwak cũng được sùng tín. Vị nữ thần Tài Thái Lan này, được người Khmer gọi là Niêng Bật - Niêng Bột (Nàng Ngoắt - Nàng Vẫy) và người Việt gọi là “Bà Ngoắt” bởi hình tướng là một phụ nữ: một tay cầm túi tiền/ vàng và tay kia co lên vẫy mời khách hàng, cử chỉ ngoắt tay này do tích hợp tín lý của Chiêu Tài miêu Nhật Bản.

Ngoài ra ít phổ biến hơn là Thần Tài Ấn Độ, mình người đầu voi Ganesha và trong vài năm gần đây, một xu hướng thời thượng là thờ Thần Tài Phật giáo Sivali; kế đó là các Thần Tài Mật Tông: Hắc Tài Thần (Mahakala), Hoàng Tài Thần, Bạch Tài Thần, Tài Phú Thiên Vương, Thần Tài đầu voi Ganesha (Hoan Hỷ Thiên), Cát Tường Thiên Mẫu, Ngũ Lộ Tài Thần Jambhala, Tài Nguyên Thiên Mẫu, Tài Bảo Thiên Mẫu...

Ngoài các tượng thờ, tranh thờ Thần Tài “nhập cảng” nói trên là vô số các vật thờ chiêu tài cầu lợi, dưới danh nghĩa là “vật linh phong thủy” đã ồ ạt xuất hiện tràn ngập trong nhiều gia đình với sự xác tín rằng chúng sẽ đem đến cho gia chủ tiền bạc, phù hộ cho sự thành đạt trong công việc làm ăn. Toàn cảnh việc thờ tự Thần Tài và các linh vật chiêu tài đã làm cho tín lý thờ Thần Tài thời “kinh tế thị trường” này trở nên vô cùng phong phú.

Việc thờ cúng và lễ vật

Thần Tài tuy càng lúc càng trở nên đối tượng tín ngưỡng quan trọng song trông như vẫn còn lệ thuộc vào vị Thần Đất, Thổ Địa. Điều đó không chỉ biểu hiện ở việc hai vị thần này trở thành một cặp đôi không tách rời mà còn biểu hiện ở lệ cúng kiếng thông thường.

Ngày nay, lệ vía vẫn có theo “lịch lễ”, song đa số việc cúng kiến các thần này rất tự do. Sáng sáng mở cửa hàng, người ta thắp nhang, cúng Thổ Địa - Thần Tài ly cà phê, điếu thuốc, cái bánh bao hoặc gói xôi. Rằm, mồng một cúng chè, chuối, trái cây theo lệ sóc vọng hay tuần tiết, lễ trọng hơn cúng “tam sênh” (tam sanh/sinh) hoặc thịt heo quay, sau khi đạt được một kết quả tài chính nào đó nên biện lễ tạ thần. Nói chung là không theo lịch lễ nào, cũng chẳng chú tâm gì đến lễ vật và cũng không cần thiết phải khấn vái gì. Đó là sự thay đổi khác với tập tục cũ.

Một số lễ trọng cúng Thổ Địa và Thần Tài, theo tập tục truyền thống có văn cúng nghiêm túc.

Rõ ràng là Thần Tài chỉ là một trong các gia thần được thờ, nhưng việc tôn vị thần này lên địa vị chủ chốt đã chỉ ra sự biến đổi trong mục đích tín ngưỡng: người ta cầu tài hơn là cầu phúc. Nơi thờ Thổ Địa và Thần Tài thường là cái khám đặt sát mặt đất, bên cạnh bàn thờ Tổ tiên, ở vị trí quan trọng nhất là phía gốc cây đòn dông, tức phía trái (tính từ hướng trong nhà nhìn ra cửa), vì các thần ấy là thần Đất, thần Long mạch.

Cặp đôi Ông Địa - Thần Tài:

1. Thần Tài dạng Ông Thọ, tay ôm bó lúa; tay xách xâu tiền. 2. Ông Địa.

Nói tóm lại, tín ngưỡng Thổ Địa - Thần Tài là một tổng hợp thể của nhiều tín lý và những biện sự thế tục. Do vậy cách thức thờ tự, cúng kiến cũng pha trộn đạo đời lẫn lộn, và chính sự biến hóa sinh động ấy mà tín ngưỡng này phù hợp với yêu cầu của thế nhân từ lúc còn “dĩ nông vi bản” đến thời “kinh tế thị trường”. Lý giải về ngày vía Thần Tài, NNC Huỳnh Ngọc Trảng chia sẻ thêm: “Sở dĩ, người dân mình thường hay chọn mùng 10 tháng Giêng là ngày vía Thần Tài vì muốn gửi gắm ước mong và niềm tin vào tiền tài sẽ sinh sôi nảy nở với sự phấn đấu làm ăn kinh tế trong năm mới. Thường thấy người kinh doanh hay mua vàng trong ngày này, niềm tin mua vàng hy vọng về một năm sẽ làm ăn phát đạt. Niềm tin này cần được đặt ở chánh tín, đặt vào ngày mai tươi sáng hơn. Cuộc sống vốn luôn tồn tại niềm tin và hy vọng vào ngày mai tươi sáng hơn. Dĩ nhiên, ước muốn cần luôn đi kèm với phấn đấu làm việc không ngừng”.

Tập sách Thần Đất: Thổ Địa & Thần Tài của Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng do NXB Văn hóa – Văn nghệ TP.HCM ấn hành đầu năm 2021.

Theo NXB Văn hóa - Văn nghệ TP.HCM

people like INLOOK.VN fanpage