Bạn đang ở đây

Hoạ sĩ trẻ vẽ chân dung thế hệ mới

Những người trẻ tuổi của thế kỷ XXI đang hướng tới một phong cách sống hiện đại, hòa nhập với những giá trị văn hoá phổ quát toàn cầu. Ngày càng trở nên tự do với ý thức về "cái tôi" mạnh mẽ, tuy nhiên, họ cũng phải đối đầu với chính những mâu thuẫn nội tại.

Đáng chú ý trong thời gian gần đây là hai triển lãm hội hoạ của hai tác giả trẻ: Trần Thị Hương (sinh năm 1983) với triển lãm Made in Huong và Lê Trần Anh Tuấn (sinh năm 1981) với Thế hệ mới tại Hà Nội. Điểm chung giữa hai tác giả là mối quan tâm tới thế hệ trẻ - điển hình là các cô gái. Lê Trần Anh Tuấn vẽ hàng chục gương mặt thiếu nữ như được "sao từ một bản" có thể nhìn thấy ở bất kỳ đâu; Trần Thị Hương lấy chân dung chính mình, biến hóa qua các kiểu đầu tóc, trang phục sành điệu, gợi cảm táo bạo... Thú vị ở chỗ, hai triển lãm, với hàng chục bức sơn dầu khổ lớn, chỉ là chân dung của vài cô gái nhưng lại có thể đại diện phần nào cho một thế hệ.

Mượn các ẩn dụ thị giác như cá vàng, cá chọi, hoa bướm, bong bóng... Lê Trần Anh Tuấn lồng ghép hình ảnh lượn lờ của những chú cá vàng sặc sỡ, những con "cá cảnh" vô ưu, hay sự phù phiếm như bong bóng nhiều màu dễ vỡ, những con cá chọi kích động quấn lấy nhau bồng bột, những đám lục bình, hoa bèo sặc sỡ "nhiều sắc nhưng không có hương" (*). Rất nhiều tác phẩm mang tên Mơ 1, Mơ 2, Mơ 3 hay Chân dung thế hệ mới có thủ pháp kết hợp rất khéo léo những ẩn dụ về một đời sống phù du, hời hợt với những khuôn mặt đầy mộng mị. Lật đật của Tuấn nhân lên như vô tận những đơn thể tròn trịa, đẹp vô cảm như búp bê, bày tỏ sự e ngại về những chân giá trị.

 

Party - một tác phẩm của Trần Thị Hương.

 

Tác phẩm Dreaming 1 trong triển lãm Thế hệ mới.

 

Trần Thị Hương và Lê Trần Anh Tuấn cùng sở hữu những kỹ năng hội họa sơn dầu nhuần nhuyễn, mạnh ở khả năng biểu hình, tả chất tinh tế. Đằng sau thần thái của những thiếu nữ có vẻ ngoài rất hiện đại, sang trọng, quyến rũ - những hóa thân của Trần Thị Hương trong các tác phẩm như Party, Dream, Tồn tại, Ngày yêu... dường như là những trăn trở giữa thế giới vật chất với một nội giới đầy mâu thuẫn. Không thể tìm thấy một gương mặt mãn nguyện, hạnh phúc nơi các cô gái của Hương, họ như vẫn đang kiếm tìm một cái đích ở phía trước. Có thể nhận xét rằng, nghệ thuật của Trần Thị Hương "già" hơn tuổi đời của cô và "sâu" hơn những gì bày ra trên bề mặt tranh hết sức kỹ càng, tinh khéo. Thực tế, những chủ đề mà Hương quan tâm vốn dĩ luôn đồng hành với đời sống của con người, nhưng ngôn ngữ hội hoạ của cô thật sự đã mang được sức tươi mới của tuổi trẻ và thời đại.

Hai triển lãm là hai tiếng nói khác nhau cùng về một đối tượng. Lê Trần Anh Tuấn bày tỏ suy nghĩ, mối e ngại của mình trước những tác động tiêu cực của quá trình toàn cầu hóa tới thế hệ trẻ. Trần Thị Hương với tiếng nói của "người trong cuộc", như lời thổ lộ từ bên trong, rằng họ - những cô gái hiện đại luôn phải đối đầu với những xung đột giữa các giá trị của đời sống. Không thể đại diện hoàn toàn cho một bức tranh tổng thể về thế hệ tương lai, nhưng hai triển lãm thực sự đã phác ra những nét chính yếu, tiêu biểu cho những cách nhìn về thế hệ trẻ - thế hệ mới.

(*) Trích ý của nhà phê bình mỹ thuật Phạm Trung về triển lãm Thế hệ mới.

 

Theo SGTT

people like INLOOK.VN fanpage