Bạn đang ở đây

"KHOẢNG TRỜI CỦA TÔI"- CUỐN SÁCH VỀ THẾ GIỚI CỦA NHỮNG TRẺ EM BỊ LẠM DỤNG TÌNH DỤC

"Khoảng trời của tôi" - cuốn sách là một bộ sưu tập những bức ảnh, những bài phỏng vấn, tranh vẽ đầy ám ảnh của cả nạn nhân lẫn hung thủ trong các vụ lạm dụng tình dục trẻ em tại Nam Phi, do Mariella Furrer thực hiện, với mỗi trang sách là một nỗi đau của nạn nhân, mỗi dòng chữ là lời ăn năn của thủ phạm.

* Bài viết dưới đây chính là những dòng tự sự của tác giả khi thực hiện quyển sách đầy ám ảnh này.

"Hồi năm tuổi, tôi bị một người lạ lạm dụng tình dục. Tôi không nghĩ vào tuổi đó mình hiểu được cụm từ đó nghĩa là gì, và điều gì thực sự đã xảy ra với tôi. Nhưng theo cách nào đó, tôi hiểu rằng mình đã trở thành nạn nhân của một cái gì đó sai trái và cảm thấy mình đã sai lầm khi để gã đàn ông đó chạm vào người.


Cô bé trong tấm hình này là nạn nhân của một cậu bé 9 tuổi đã tò mò "chơi trò người lớn" (Ảnh: Mariella Furrer/Al Jazeera)

Một thời gian sau, tôi kể chuyện này với cha mẹ. Tôi không thể hình dung được việc này lại tác động kinh khủng như vậy đến cha mẹ tôi, họ đau đớn và tức giận. Họ tức giận người đàn ông đã làm điều đó với tôi, tức giận bản thân đã không thể bảo vệ tội, và tức giận cả thế giới vì đã để điều tồi tệ đó đến với con gái họ.

Việc lạm dụng này chỉ kéo dài có vài phút, nhưng nó đã ảnh hưởng đến cuộc sống của tôi theo cái cách mà mình không thể nói rõ được. Bởi tôi cho rằng khi năm tuổi, bạn khó mà thực sự hiểu mình đã mất đi cái gì khi bị cưỡng hiếp, nhưng bạn cảm thấy là có gì đó đã thay đổi. Bạn bị cướp mất tuổi thơ, sự hồn nhiên bị tước đoạt, và sự tinh khiết con trẻ giờ trở thành nỗi ám ảnh về tính dục, một đứa trẻ con có những trải nghiệm lẽ ra nó chưa nên có.

Khi đó, mọi thứ với tôi trở nên vô cùng lạ lẫm. Tôi thu mình lại, lúc nào cũng mặc áo phông kể cả khi bơi, và cảm thấy căm ghét khi có một chàng trai nào tiếp cận mình. Tôi phải trải qua thời kỳ nghiện ăn và sau đó lại căm ghét chính cơ thể mình bởi nó gây quá nhiều sự chú ý.

Phải mất một thời gian dài, tôi mới dám đặt niềm tin vào một người – một lần nữa.


Tranh vẽ của một cô bé đang được chăm sóc tại Trung tâm y tế Gấu Teddy (Ảnh: Mariella Furrer/Al Jazeera)

Công việc của tôi bắt đầu vào tháng 10/2002, khi tôi nhận được một lời đề nghị hợp tác từ một tạp chí phụ nữ của Mỹ, chụp hình cho một bài viết về đề tài hiếp dâm trẻ em ở Nam Phi. Sau đó, tôi đã làm việc với đơn vị Cảnh sát bảo vệ trẻ em ở Nam Phi, đóng tại Port Shepstone – một thị trấn nằm ở phía Đông Nam đất nước. Tôi chỉ ở đó vài ngày, nhưng đã thực sự bị shock bởi số lượng trẻ em bị lạm dụng. Sau đó tôi quyết định tiếp tục đào sâu về vấn đề này, càng đào sâu, vấn đề càng mở rộng ra.

Hầu hết công việc của tôi đều được thực hiện tại Trung tâm y tế Gấu Teddy dành cho trẻ em bị lạm dụng tình dục, có trụ sở tại Johannesburg và Sở Cảnh Sát Nam Phi. Một số trường hợp khác là qua các mối quan hệ cá nhân tôi có được trong lĩnh vực bảo vệ quyền trẻ em.

Những đứa trẻ được bảo vệ bởi các nhà hoạt động vì quyền trẻ em và các cán bộ bảo vệ trẻ em, với mục đích tối cao là phúc lợi của các em. Tôi phải mất một thời gian dài để thuyết phục họ, nhưng một khi đã thành công, thì tôi trở thành một phần trong họ. Giờ đây, tôi tin rằng mình cũng đã làm nhiều việc để bảo vệ quyền lợi cho những đứa trẻ này như bao người khác, rất nhiều sĩ quan cảnh sát và các nhà nhân quyền giờ trở thành bạn thân của tôi, cũng như những nạn nhân và gia đình họ.


Đám tang Sibongile Mokoena, cô bé bị hiếp dâm và giết hại khi mới ba tuổi (Ảnh: Mariella Furrer/Al Jazeera)


Hai chân của Susanna, 24 tuổi. Cô đã phải chịu bạo hành tình dục trong gần 18 năm (Ảnh: Mariella Furrer/Al Jazeera)

Tất cả những bức ảnh và các cuộc phỏng vấn với các em đều được thực hiện với sự đồng ý của người giám hộ hoặc người chịu trách nhiệm chăm sóc. Tôi luôn giải thích với các em rằng (nếu chúng đủ lớn để hiểu) tôi đang làm một dự án nói về những điều xấu mà con người làm với trẻ em, và điều đó cũng đã xảy ra với chính tôi, và tôi thật sự hy vọng rằng một ngày nào đó, khi mọi người nhìn vào những tấm ảnh và đọc những bài phỏng vấn đó, họ sẽ đưa tay ra giúp đỡ những đứa trẻ có số phận tương tự.

Ngoài ra tôi cũng đảm bảo rằng những nạn nhân sẽ không bị lộ diện trong các tấm ảnh hay các bài phỏng vấn. Những đứa trẻ từng bị lạm dụng hay hiếp dâm, chúng thường dễ mất kiểm soát bởi chấn thương tâm lý và biến chuyển về cơ thể, vì vậy tôi thường phải vô cùng thận trọng kẻo sẽ gây tổn thương sâu hơn cho chúng.

Tôi thường ngồi ở một góc nhà, một nơi không chắn đường bất cứ ai cả. Một khi đã chọn được vị trí cho mình thì tôi rất ít khi di chuyển khỏi đó. Tôi chụp rất ít ảnh, thường là chỉ theo dõi lũ trẻ phản ứng ra sao với ống kính. Tôi tiếp xúc với chúng nhiều hơn và dần dần khiến chúng cảm thấy tin tưởng được tôi. Trong quá trình tác nghiệp, tôi luôn nói với chúng rằng bất cứ khi nào chúng thấy không thoải mái, hãy cứ nói và tôi sẽ dừng ngay.

Vài năm trôi qua, tôi quyết định rằng dự án này cần nhiều hơn là những tấm ảnh. Tôi tò mò muốn biết thêm về lạm dụng tình dục trẻ em, ảnh hưởng của nó đến nạn nhân, gia đình họ, cảnh sát, luật sư, và cố gắng hiểu được động cơ của thủ phạm. Bởi vậy tôi quyết định tiến xa hơn bằng các cuộc phỏng vấn.


Jennifer - 13 tuổi, được cứu thoát trong một cuộc đột kích đường dây mại dâm trẻ em tại Johannesburg (Ảnh: Mariella Furrer/Al Jazeera)

Tôi không dùng một format chung chung, thay vào đó, tôi thường đặt câu hỏi dựa theo đối tượng phỏng vấn của mình là ai, và việc đó có thể cho tôi góc nhìn tốt hơn về tâm sinh lý và cảm quan của đối tượng. Tôi luôn bắt đầu bằng cách yêu cầu đối tượng kể lại câu chuyện của mình và ghi lại tất cả những câu hỏi bật ra trong tâm trí. Khi câu chuyện kết thúc, tôi mới hỏi sâu hơn, riêng tư hơn xung quanh vấn đề tâm lý của thủ phạm. Họ đã nghĩ gì khi thực hiện tội ác đó? Và điều đó đã ảnh hưởng đến cuộc đời họ thế nào – về mặt cảm xúc và tính dục?

Khi tôi phỏng vấn các phạm nhân, quyển sách “Khoảng trời của tôi” đã sắp hoàn thành, và bởi tôi cũng đảm bảo rằng họ sẽ không bị lộ thân phận, nên quyển sách này sẽ không ảnh hưởng đến phán quyết của tòa án lên các tội nhân. Các cuộc phỏng vấn thủ phạm đã thôi thúc tôi tìm hiểu về tuổi thơ của họ, về thời điểm khi một đứa trẻ nào đó thu hút sự chú ý của họ - dù sau đó họ có tấn công đứa trẻ đó hay không, cách họ chọn nạn nhân, và cách thức tiếp cận.


Nước mắt một người bạn học của Sheldean Human - 7 tuổi, trong đám tang cô bé. (Ảnh: Mariella Furrer/Al Jazeera)

Việc tiếp xúc với thủ phạm đã khiến tôi thật sự suy sụp – nhưng không phải theo cách mà mọi người nghĩ. Sự thật là, trong mỗi chúng ta đều có nhiều bản ngã khác nhau, và các tội phạm kia cũng vậy. Họ là những kẻ hiếp dâm trẻ em, nhưng phần nào đó, họ cũng là những người vui tính, thông minh, sáng tạo và cẩn trọng.

Sau vài tuần làm việc với nhóm tội nhân, một người đã hỏi tôi trước cả nhóm, rằng tôi cảm thấy thế nào về họ.

“Cô có nghĩ chúng tôi là một lũ quái vật không?”

Không hề. Tôi phát hiện ra rằng, mặc dù không thể bỏ qua những gì họ đã gây ra, nhưng sự thật là tôi không hề ghét họ. Cái thế giới phân định rạch ròi giữa trắng-đen, đúng-sai, tốt-xấu của tôi đổ sụp.

Sau rất nhiều năm, con người tôi đã thay đổi ít nhiều. Không phải vì tôi đã có tuổi, mà bởi vì tôi đã học được nhiều điều – có lẽ là hơi quá nhiều. Gặp gỡ và nghe những câu chuyện của họ đã đẩy tâm trí tôi đến giới hạn của lý trí, cảm xúc và tinh thần. Nó thử thách tôi theo cái cách mà tôi chưa sẵn sàng đón nhận, và sau rất nhiều cuộc phỏng vấn, tôi chợt thấy mình nằm trên sàn nhà hàng giờ liền, bàng hoàng về những gì mình đã nghe được.

Đã rất nhiều lần tôi chỉ muốn chụp ảnh những tội nhân đó và cách xa khỏi họ; giả vờ rằng tôi chưa bao giờ thấy, cũng như nghe những câu chuyện đó. Thế nhưng nghĩa vụ của tôi với những người đã chia sẻ những bí mật sâu thẳm nhất, đen tối nhất trong họ đã giúp tôi có thêm sức mạnh tiếp tục công việc này.

“Khoảng trời của tôi” là một cuốn nhật ký hành trình trong thế giới của những đứa trẻ bị lạm dụng tình dục. Mặc dù các trường hợp trong quyển sách đều đến từ Nam Phi, một đất nước đang phải khổ sở chống lại nạn lạm dụng tình dục trẻ em, nhưng những gì trong đó không chỉ dành cho Nam Phi mà cho toàn thế giới. Qua những bức ảnh, hồi ký, tranh vẽ và những cuộc nói chuyện với cả nạn nhân lẫn kẻ lạm dụng, cuốn sách mang chúng ta đến với thế giới của sự băng hoại đạo đức, những nỗi kinh hoàng, nhưng cùng với đó là khả năng phục hồi đáng kịch ngạc của những người đã đấu tranh xây dựng lại cuộc sống của mình.

(Theo Depplus)

people like INLOOK.VN fanpage