Bạn đang ở đây

LHP Venice lần thứ 68: Tiệc phim nhiều xúc cảm

Kỷ lục 65 phim ra mắt thế giới lần đầu tiên đã khiến tiệc phim LHP Venice lần thứ 68 năm nay - diễn ra từ ngày 31/8 đến 10/9 tại Venice, Ý - được đánh giá là quyến rũ và thịnh soạn hơn bao giờ hết.

Từ thảm đỏ đến màn ảnh

Cùng với LHP Toronto, Venice được xem là vạch xuất phát đầu tiên trên con đường chạy đua tới giải thưởng Oscar danh giá. Điều này lý giải vì sao các nhà sản xuất phim từ Đông sang Tây bán cầu lại chọn Venice làm bàn đạp để chinh phục thế giới điện ảnh.

Để lựa được phim vào ba chương trình chính thức gồm vòng tranh giải, ngoài vòng tranh giải và xu hướng mới, ông giám đốc nghệ thuật Marco Müller và đội ngũ của mình đã phải xem hơn 116 bộ phim được sản xuất trong năm qua. Chừng ấy đã đủ cho thành phố kênh đào huyên náo bởi sự xuất hiện của các ngôi sao quốc tế đến ra mắt phim do họ đạo diễn hoặc tham gia diễn xuất như: Madonna, Goerge Clooney, Kate Winslet, Colin Firth, Keira Knightley...

Nhưng sinh khí mà Venice có được trong mười ngày qua, rõ ràng không chỉ nhờ những hào nhoáng của thảm đỏ, dù chúng giúp phô trương thanh thế, mà còn nhờ những cung bậc cảm xúc để lại sau mỗi buổi công chiếu, từ tán thưởng đến la ó, lan nhanh từ rạp phim ra khắp thế giới nhờ truyền thông và mạng xã hội. Ít nhất hai nhân tố đình đám tại liên hoan năm nay có ý định làm người xem kinh hoàng, gồm: 4:44 Last Day on Earth (tạm dịch 4 giờ 44 phút ngày cuối cùng trên trái đất) của đạo diễn Abel Ferrara và Contagion (Bệnh truyền nhiễm) của đạo diễn Steven Soderbergh. Cả hai mang đến cho người xem cái nhìn giả định và sống động về ngày tàn của thế giới, vốn nằm trong mối lo sợ của không ít người.

 

Keira Knightley vào vai nữ bệnh nhân trong A Dangerous Method, một phim dựa trên cuộc đời có thật về hai bậc thầy phân tâm Freud và Jung.


Những ngõ ngách tâm lý con người còn được đào sâu ở nhiều phim có tên trong chương trình chính thức. Nhà làm phim người Nhật Sion Sono mang đến Himizu, bộ phim thuật câu chuyện chàng trai trẻ vật lộn với những ám ảnh của tâm trí để tinh thần trở lại bình thường. Hay A Dangerous Method (Liệu pháp nguy hiểm) của đạo diễn David Cronenberg, phim dựa trên những cuộc đời có thật, xoay quanh mối quan hệ đầy nhục tính và phức tạp giữa hai bậc thầy phân tâm Freud và Jung với người phụ nữ trẻ suy sụp thần kinh Sabina Spielrein (Keira Knightley).

Dòng chảy sáng tạo

Trong buổi ra mắt Tinker, Tailor, Soldier, Spy (Thợ hàn, thợ may, người lính, điệp viên), nam diễn viên Colin Firth - người đã có một vai thứ chính xuất sắc trong phim - lên tiếng than phiền rằng phim ảnh đang đánh giá thấp trí tuệ của khán giả. Phát biểu của anh có thể được hiểu như một ngầm ý rằng bộ phim mới nhất của anh đòi hỏi sự tập trung cao độ. Bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết tình báo kinh điển của nhà văn John le Carré, xoay quanh câu chuyện một điệp viên về hưu buộc phải quay về nghề cũ trong một điệp vụ thử thách lòng tin, tình bạn giữa ông và những đồng nghiệp mà ông từng tín cẩn.

 

Lễ trao giải LHP Venice 2011 sẽ diễn ra vào lúc 19g ngày 10/9 (khoảng 0 giờ ngày 11/9, giờ Việt Nam). Các giải thưởng chính ở Venice là "Leone d'Oro" ("Sư tử vàng") trao cho bộ phim hay nhất, và "Volpi Coppa" ("Cúp Volpi") dành cho cho nam và diễn viên xuất sắc nhất.

Nhưng Venice rất khác với Oscar ở sự bất ngờ "không giống ai" của các giải thưởng. Trong số những nhân tố sáng tạo gây được nhiều chú ý tại liên hoan năm nay, còn có tên của đạo diễn Andrea Arnold, người đã tái tạo lại câu chuyện nổi tiếng Wuthering Heights (Đỉnh gió hú) một cách triệt để khiến nó không hề giống bất cứ bộ phim nào trước đây. Trong đó, vai diễn Heathcliff được giao cho James Howson, một chàng trai da đen 25 tuổi chưa từng có kinh nghiệm diễn xuất. Điều thú vị, đây chính là lựa chọn gần đúng nhất với những gì mà nữ văn sĩ Emily Bronte đã mô tả về Heathcliff như "chàng trai du mục da ngăm đen gốc Ấn".

 

Nam diễn viên da đen James Howson vào vai Heathcliff trong phim Đỉnh gió hú phiên bản 2011. (Ảnh: Cinehouse)


Điểm đáng chú ý khác trong liên hoan lần này là sự xuất hiện dòng phim của các nghệ sĩ thực hành nghệ thuật thị giác, khiến người ta phải gọi họ là những nghệ sĩ - nhà làm phim. "Cớ gì phải giới hạn nghệ thuật của bạn trong phòng triển lãm trong khi nó có thể tồn tại ở một dạng phức hợp hơn?", nhận thức có tính đột phá đã thúc đẩy họ làm những bộ phim mang tính trình diễn nghệ thuật thị giác, thích hợp với một phòng triển lãm được thiết kế vừa vặn như phòng chiếu phim với không gian được xếp chỗ.

Trong dòng chảy đi tìm sự phá vỡ ranh giới giữa nghệ thuật thị giác và điện ảnh này, nghệ sĩ tiên phong Steve McQueen đã gây chia rẽ giới phê bình với phim Shame (Nỗi hổ thẹn). Phim kể câu chuyện về Brandon (Michael Fassbender), chàng trai độc thân 30 tuổi sống ở New York, có việc làm thu nhập cao, nghiện tình dục và không thích kéo dài bất cứ mối quan hệ nào có khả năng dẫn tới yêu đương hay thân thiết. Thế giới riêng tư của Brandon bị xâm phạm bởi chuyến viếng thăm của cô em gái nghèo túng (Mulligan diễn xuất). Rất ít lời thoại được thốt ra, nhưng những cảnh tình dục khác nhau được mô tả suốt chiều dài bộ phim khiến không ít người đứng dậy la ó.

McQueen chia sẻ, sau khi làm bộ phim Hunger (Cơn đói) về người đàn ông mất tự do, anh thích làm một bộ phim về người đàn ông hoàn toàn tự do. "Cả hai đều bàn về chính trị và tự do... Anh ta không phải là người xấu. Anh ta là người sống cho hiện tại, (và mắc vào) tất cả những cái bẫy của hiện tại. Bởi chúng định dạng cuộc sống của anh ta, làm hư hỏng anh ta. Với tư cách một nhân vật, tôi nghĩ anh ta rất giống mỗi người chúng ta", nghệ sĩ - nhà làm phim nói.

 

Diễn viên Michael Fassbender và đạo diễn Stece McQueen trả lời phỏng vấn tại LHP Venice 2011.

 

Theo SGTT

Ảnh: Cinehouse

Clip: Youtube

people like INLOOK.VN fanpage