Bạn đang ở đây

Lụa: Khúc bi ca của những khát khao hoan lạc và niềm đau

Lụa - tác phẩm đã giúp đưa tên tuổi nhà văn Ý Alessandro Baricco đến với đông đảo bạn đọc quốc tế - vừa trở lại với bạn đọc Việt Nam trong diện mạo mới.

"Dù người cha đã hình dung anh có một tương lai rực rỡ trong quân đội, Hervé Joncour cuối cùng vẫn kiếm sống bằng một nghề khác thường, và như một sự trớ trêu kỳ cục, cái nghề không phải xa lạ với một nét của tướng mạo anh, dễ thương đến mức để lộ ra một sự chuyển giọng nữ mờ hồ".

Một sự chuyển giọng nữ mờ hồ? Alessandro Baricco đã mở đầu cuốn tiểu thuyết danh tiếng Lụa (Quế Sơn dịch) của mình bằng cách thông báo một sự chuyển giọng như thể vượt ra khỏi cái tên sách gợi hình, Baricco xác quyết cấu trúc tác phẩm của mình được dựng bằng thanh âm như ông đã bộc bạch trong Lời tác giả: "Tất cả những câu chuyện đều có âm nhạc riêng. Chuyện này có âm nhạc trắng".

Vậy trong thứ âm nhạc trắng ấy có gì?

Từ du ca đến tình ca

Tiểu thuyết Lụa trước nhất là một khúc du ca. Hervé Joncour ba mươi hai tuổi, anh mua và bán những con tằm. Công việc này đưa đẩy anh đến xứ Phù Tang xưa sau cuộc hành trình dài.

Là "âm nhạc", tiểu thuyết Lụa có những điệp khúc trở đi trở lại, nhấn mạnh vào những gian khổ, cách trở về địa lý, dị biệt về văn hoá trong chuyến đi của nhân vật chính.

Trên chuyến đi đến nước Nhật để mua trứng tằm, Hervé Joncour bước từ không gian yên bình vùng tỉnh lị châu Âu để dấn thân vào một chốn khốc liệt đang chìm trong hỗn loạn ở một nước châu Á xa xôi và giữa chiến tranh ngân lên một khúc "tình ca" nối vào khúc "du ca" của Hervé.

Anh yêu, một tình yêu trắng như sương tuyết, một tình yêu không thành lời nhưng day dứt với người đàn bà anh gặp trên đất Nhật.

Hai giọng chủ đạo ấy nắm quyền chi phối cuốn tiểu thuyết mỏng manh này. Sáu mươi lăm chương sách như sáu mươi lăm nốt nhạc lần lượt được nhấn xuống để dệt nên bản hoà tấu mang tên Lụa. Cái tên khiến ta nhớ đến cách đây sáu thập kỷ, thi sĩ Trần Dần từng gọi trường ca Đi! Đây Việt Bắc! của ông là "hùng ca - lụa" (Epopée sur soie).

Lụa dĩ nhiên không phải là hình ảnh mơ hồ. Thị Hervé Joncour sống hành nghề dệt lụa, anh phải đi sang nước Nhật xa xôi mua trứng tằm để cứu các nhà máy sợi. Nên có thể nói, lụa là phần nào khởi nguyên cho toàn bộ câu chuyện này.

Khúc nhạc đời tuôn chảy

Nhưng đó chỉ là phần hữu thanh của Lụa, giờ phải nhắc đến phần vô thanh. Hervé yêu, một tình yêu không lời, một tình yêu tưởng thoáng qua mà khắc ghi đến chết, một tình yêu ngỡ dễ dàng từ bỏ mà đau đớn khôn nguôi. 

Nhưng trong câu chuyện tình của Hervé còn có bóng dáng người vợ nơi quê nhà và trong người vợ cũng tồn tại một tình yêu. Một thứ tình yêu thuỷ chung, hy sinh và cao thượng. Một thứ tình yêu câm lặng lấp lánh trong bóng tối.

Lụa không phải đơn thuần là tình ca, du ca hay bi ca, nó là tổng hoà tất cả những thành tố hoà điệu thành thứ "âm nhạc trắng" bảng lảng, thuần khiết mà tác giả muốn đạt được.

Điều làm nên tính cân bằng cho tiểu thuyết Lụa chính ở chỗ chuyển đổi nhịp nhàng giữa hai âm chủ đạo tình ca và du ca để rồi chuyển thành một khúc bi ca của những khát khao hoan lạc và niềm khổ đau.

Bởi vì khát khao mà đau khổ, càng khát khao càng đau khổ, cơ hồ biến câu chuyện tưởng chừng chỉ là chuyện ái tình trở nên ám ảnh, như khúc nhạc đời của một cá nhân cứ tuôn chảy vào cái bất tận của đời sống. Tiểu thuyết như một "thứ âm nhạc trên lụa" được vẽ đi vẽ lại ăn chặt vào từng thớ ký ức, không cách gì tẩy xoá được.

Tâm huyết của dịch giả Quế Sơn

Cũng cần nói thêm về bản dịch Lụa xuất bản lần này. Hơn hai mươi năm trước, bản dịch của dịch giả Quế Sơn được NXB Trẻ ấn hành lần đầu tiên và tuyệt bản đến ngày nay.

Trong suốt hai thập kỷ đó, dịch giả Quế Sơn vẫn trở đi trở lại bản dịch này, hiệu chỉnh, đối chiếu với nguyên tác. Hai mươi năm dành cho một bản thảo chưa đến hai trăm trang cũng đủ thấy sự tâm huyết của dịch giả cho sản phẩm dịch của mình.

 

Theo Tuoitre (https://tuoitre.vn/lua-khuc-bi-ca-cua-nhung-khat-khao-hoan-lac-va-niem-d...)

people like INLOOK.VN fanpage