Bạn đang ở đây

Lũng đoạn hay đầu cơ thị trường ca nhạc?

Việc vung tay trả cát-sê cho ca sĩ hải ngoại hát trong nước cao gấp 4-5 lần giá bên Mỹ là cách làm ăn chụp giật, không tính đường dài, chỉ đánh vào tò mò của khán giả. Nếu ca sĩ sáng suốt nhận ra được thì sẽ thấy kiểu làm ăn đó sẽ giết họ vì chỉ được "nước đầu".
Kỳ 1: Sự thật đằng sau live show ca sĩ hải ngoại giá "khủng" - Từ đâu có giá "trên trời?

>> Thấy gì qua "làn sóng" trở về của nghệ sĩ hải ngoại?

>> Chế Linh - nghiệt ngã duyên tình

Giá vé "5 sao"!

Tiền cát-sê trả cho ca sĩ thường được hiểu là chuyện "nhạy cảm", vì thế cả ca sĩ lẫn bầu sô đều ít muốn tiết lộ. Tuy nhiên, khi giá vé của sô diễn ca sĩ hải ngoại tại Việt Nam đang "nóng hầm hập" và có dấu hiệu ngày càng tăng nhiệt, chúng tôi đã bỏ công điều tra những con số cụ thể để có thể so sánh. "Chúng tôi mong muốn khán giả không bị đẩy vào vòng xoáy "phá giá", bởi gánh nặng cát-sê trả cho ca sĩ sẽ dồn vào giá vé và khán giả mới là người phải gánh chịu, chứ bầu sô đâu có móc tiền túi ra bù lỗ" - chủ một phòng trà khẳng định. Theo đó, số tiền trả cho các ca sĩ "sao" với live show giá 3 triệu đồng/vé đang ở mức từ 7.000 đến 10.000 USD! Trong khi đó, cát-sê trả cho một đêm diễn của ca sĩ hải ngoại rất nổi tiếng nhưng tự trọng nên kiên quyết không "nói thách" chỉ ở mức 800 đến 1.000 USD, số tiền một nam ca sĩ thị trường hàng đầu trong nước nhận cho một đêm hát đến "hết hơi" tại phòng trà cũng chỉ xấp xỉ 1.200 USD.



Quang Lê trong live show Hát trên quê hương.


Chưa nói đến tinh thần phục vụ quê hương, chỉ cần ca sĩ hát sô trong nước bằng với giá sô diễn của chính mình tại hải ngoại thì giá vé cũng đã hạ xuống rất nhiều lần so với hiện nay. Vì thế, trong cuộc đua giá vé "5 sao" đang trên đà nước rút của các nghệ sĩ hải ngoại, khán giả là những người thiệt thòi nhất. Thực chất của những live show gần đây được nhà tổ chức (bầu sô) cho là đầu tư rất khủng từ 5-6 tỉ đến trên dưới hàng chục tỉ đồng? Không ít khán giả dốc túi mua vé giá 2-3 triệu thậm chí 4-5 triệu đồng (vé "siêu VIP"!?) sau đó phải lắc đầu hỡi ôi khi tận mắt xem những sân khấu bày biện sơ sài, âm thanh ánh sáng lèo tèo như sô tỉnh lẻ, ca sĩ "độc quyền" thì hầu hết đều đã qua thời vàng son, đã ở cuối con dốc sự nghiệp! Việc mời và xin phép cho một số giọng ca lần đầu trở về "tái ngộ khán giả Việt Nam" không có gì lạ. Đáng nói là bầu sô đã lợi dụng cái danh nghĩa "lần đầu trở về" để đánh vào thị hiếu khán giả. Mặt khác, để "độc quyền" ca sĩ, bầu sô không ngần ngại "phá giá" trả cát-sê cho họ cao ngất ngưởng so với mặt bằng thị trường ca nhạc trong nước.

Lũng đoạn thị trường ca nhạc

Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm lớn của thị trường ca nhạc cả nước, hầu hết bầu sô nổi tiếng đều quy tụ ở đây, sau các live show "giá khủng" vừa qua, ai cũng lắc đầu ngao ngán. Việc vung tay trả cát-sê cho ca sĩ hải ngoại hát trong nước cao gấp 4-5 lần giá bên Mỹ là không thể chấp nhận được. Một bầu sô nổi tiếng từng tổ chức sô cho nhiều ca sĩ hải ngoại tại TPHCM hàng chục năm qua đã bức xúc: "Cách làm ăn đó là chụp giật, làm ăn không tính đường dài, chỉ đánh vào tò mò của khán giả. Nếu ca sĩ sáng suốt nhận ra được thì sẽ thấy kiểu làm ăn đó sẽ giết họ vì chỉ được "nước đầu". Sau đó vì sĩ diện ca sĩ sẽ không xuống giá, dẫn đến hậu quả là ca sĩ chỉ lấy được tiền lần đầu. Hơn nữa, bầu sô khác sẽ không muốn tổ chức sô cho ca sĩ hải ngoại khác nếu ca sĩ cứ nhìn vào cát-sê khủng như vậy". Và như thế, một cánh cửa vô hình được dựng lên và sẽ đóng sầm đối với không ít ca sĩ hải ngoại khác muốn về nước biểu diễn!
 


Nguyễn Hưng trong live show Tình yêu và bước nhảy.


Gặp một số bầu sô từng tổ chức sô cho ca sĩ hải ngoại ở TPHCM, họ tiết lộ từ trước đến nay ca sĩ hải ngoại về nước hát trước hết là vì tinh thần phục vụ khán giả quê nhà nên hầu hết đều nhận cát-sê thấp hơn khi biểu diễn ở Mỹ như Mạnh Quỳnh, Phi Nhung... chỉ một số ít danh ca thật sự là ngôi sao hải ngoại như Tuấn Ngọc, Ý Lan... mới đề nghị cát-sê nhỉnh hơn nhưng tối đa cũng chỉ bằng cát-sê họ nhận bên Mỹ. Một bầu sô nói: Ca sĩ hải ngoại được họ mời về hát đều nộp thuế thu nhập đàng hoàng, riêng các ca sĩ hải ngoại do bầu Hoàng Tiến mời về và trả cát-sê "khủng" có nộp thuế đúng với thu nhập "khủng"?

Hay đầu cơ ca nhạc?

Không ít người thắc mắc, bầu sô lấy tiền đâu ra để trả thù lao cho ca sĩ cả chục ngàn đô-la mỗi sô diễn? Chắc chắn tất cả được tính vào giá vé, nghĩa là khán giả phải trả cát-sê cho ca sĩ. Rồi người ta lại thốt lên: Khán giả Việt Nam bây giờ "chịu chơi" hơn khán giả Việt kiều. Vé xem ca nhạc Việt ở Mỹ mà leo đến 100 USD đã khiến khán giả phải đắn đo rồi. Vấn đề là khán giả quê nhà có đáng phải trả quá nhiều tiền "thật" để xem những điều "hứa ảo".  

Việc khán giả mua vé giá cao để được xem những gì không tương xứng sẽ là hệ lụy nghiêm trọng đối với ca sĩ. Dám móc túi trả đến 150 USD để xem ca sĩ hát một đêm chỉ có thể là các fan cực kỳ hâm mộ. Liệu sau khi xem một sô "khủng" với chất lượng thấp thì khán giả sẽ nghĩ gì về thần tượng mà mình hằng tôn thờ? Chỉ nhận một lần cát-sê ngất ngưởng nhưng đổi lại là sự đội nón ra đi của đông đảo người hâm mộ, ca sĩ nên lựa chọn phía nào?

Theo nguồn tin chúng tôi thu thập được, bầu Hoàng Tiến đang tiếp tục thương thảo với nữ ca sĩ hải ngoại Như Quỳnh và đẩy giá cát-sê lên đến 12.000 USD (!?) cho mỗi sô diễn trong đợt ca sĩ này sẽ "lần đầu tái ngộ khán giả trong nước".
 

Theo Công An TPHCM
Ảnh: Ngọc Trần, Hải Đường

people like INLOOK.VN fanpage