Bạn đang ở đây

Mùa nước nổi trong đời sống văn hóa Đồng bằng sông Cửu Long

Mấy trăm năm qua, từ khi đặt chân lên đồng bằng sông Cửu Long, qua nhiều thế hệ, người Việt ở Nam bộ đã nắm bắt và vận dụng quy luật tự nhiên vào cuộc sống. Đồng thời, người dân căn cứ vào đặc điểm các hiện tượng tự nhiên mà ở quê cũ không có, mà khoác cho khái niệm “mùa nước nổi” một cái tên, một khái niệm mới cho phù hợp hơn. Từ “nước nổi” hay “nước lên” ra đời và tồn tại suốt từ đó cho đến nay.

 

Hay nói cách khác, các thuật ngữ như nước ngập, nước lụt, nước lên, mùa nước là phương ngữ Nam bộ, phản ánh cụ thể một hiện tượng tự nhiên tại địa phương, không có ở nơi khác; thể hiện quá trình nhận thức, đúc kết kinh nghiệm, trí tuệ dân gian trong mấy trăm năm mở cõi. Mùa nước nổi chính là một sản phẩm văn hóa trong lĩnh vực ngôn ngữ; thể hiện bản sắc địa phương, góp phần làm giàu, làm phong phú, đa dạng hơn cho ngôn ngữ dân tộc, được hình thành và tồn tại mấy trăm năm của người Việt ở vùng Nam bộ, thể hiện qua lời ăn tiếng nói cũng như đã đi vào văn học dân gian lẫn văn học tác gia.

Theo tác giả - nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Hiếu, đồng bằng sông Cửu Long, một vùng sông nước với mạng lưới sông rạch chằng chịt như màng nhện, với hơn 4000 sông rạch có chiều dài khoảng 54000km và đặc biệt hằng năm với mùa nước nổi (còn gọi là mùa nước ngập, hay nước lên, hay nước lụt) kéo dài từ hai đến bốn tháng tùy theo vùng cao hay vùng thấp, cùng hiện tượng nước lớn nước ròng hằng ngày.

Có hai vùng ngập sâu nhất là Tứ giác Long Xuyên (với bốn góc: Long Xuyên, Châu Đốc, Hà Tiên, Rạch Giá) và Đồng Tháp Mười (thuộc ba tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang và Long An) mà nhìn xa người ta dễ liên tưởng đó là biển cả. Nước đến chậm, ở lại lâu, lại không qua hung dữ, nên người dân địa phương gọi đó là “mùa nước nổi”.

Mùa nước nổi ở đồng bằng sông Cửu Long chỉ kéo dài tối đa bốn tháng trong năm, là thời điểm mà cư dân địa phương tập trung cao độ tri thức, phương tiện ứng phó với thiên nhiên. Khác với khái niệm “lũ” ở vùng núi miền Bắc, miền Trung vốn do mưa to, thì lụt hay “nước lên” ở miền Tây là hiện tượng mang tính quy luật, chu kỳ, chủ yếu do ảnh hưởng từ lượng nước từ thượng nguồn sông Mê-kông đổ về, qua Thái Lan, Lào rồi Campuchia, sau đó tràn đồng và theo hai nhánh sông Tiền, sông Hậu, và cả sông Vàm Cỏ đổ vào vùng Đồng Tháp Mười lẫn Tứ giác Long Xuyên.

Những hoạt động sản xuất kinh doanh và sinh hoạt đời thường khác của cư dân địa phương trong mùa nước nổi góp phần tăng thêm sự phong phú đa dạng, nhiều màu sắc cho văn hóa miền sông nước đồng bằng sông Cửu Long.

Trong tập sách biên khảo này, tác giả đã khéo kéo phân nội dung thành các chương như (1) Mấy nét về mùa nước nổi ở đồng bằng sông Cửu Long; (2) Nơi ăn chốn ở trong mùa nước nổi; (3) Hoạt động kinh tế, đi lại vận chuyển và chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trong mùa nước nổi; (4) Mùa nước nổi trong đời sống văn hóa tinh thần, qua đó giúp độc giả hiểu hơn, tường tận hơn về sự khác nhau giữa lũ với lụt, các nét văn hóa độc đáo trong đời sống vùng miền Tây sông nước trong mùa nước nổi,…

Có thể khẳng định rằng, tập biên khảo với một số hình ảnh tiêu biểu, đã phần nào khắc họa được vai trò, sự tác động và ảnh hưởng của mùa nước nổi trong đời sống vật chất và tinh thần của cư dân đồng bằng sông Cửu Long.

Dẫu qua thời gian, cùng với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật và sự phát triển của kinh tế xã hội, thì một số hoạt động trong mùa nước nổi đã lặng lẽ lùi vào quá khứ. Nhưng hơn bao giờ hết, “mùa nước nổi” vẫn luôn ẩn hiện dưới nhiều hình thức khác nhau trong trí thức dân gian, trong phương ngữ, trong lời ăn tiếng nói của từng địa phương, trong tên làng tên xóm, trong ký ức tập thể của nhân dân, trong phong túy, trong tín ngưỡng, và trong văn hóa vật chất.

Theo KHPT

Sách hiện có bán tại Cửa hàng sách Văn hóa Văn nghệ (88-90 Ký Con, P.Nguyễn Thái Bình, Q.1, TP.HCM), và quầy M3 – đường sách TP.HCM (đường Nguyễn Văn Bình, Q.1).

 

people like INLOOK.VN fanpage