Bạn đang ở đây

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân ra mắt tập thơ Bỗng lại hờn lại nhớ

Với nhiều người, làm báo và viết sách, sáng tác thơ là công việc, nhưng với nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, thì tất cả còn hơn thế, đó là sự say mê vốn dĩ được thăng hoa cùng một tinh thần lao động trí óc nghiêm túc, ở mọi giai đoạn của tuổi tác.
Nói như vậy, bởi ở thời điểm chúng ta cầm trên tay sở hữu một cái tên cũng rất đặc biệt “Bỗng lại hờn lại nhớ” này, thì năm 2020 cũng đã chính thức khép lại cùng tập sách thứ 5 trong vòng 5 năm gần đây được xuất bản của tác giả. Trong suốt chặng đường sáng tác của mình, đây là tập sách thứ 30 của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, khẳng định một “sức viết” không mệt mỏi, một cam kết luôn phụng sự xã hội, song hành cùng độc giả, ngày xưa là với những tác phẩm báo chí sắc bén, thì nay ở tuổi nghỉ hưu là những tác phẩm hồi ký, văn thơ, truyện ngắn.
 
Tập tành viết văn từ lúc 13 tuổi, sau 40 năm làm báo, từng nổi danh trong lĩnh vực phóng sự điều tra, và trực tiếp giảng dạy chuyên ngành báo chí tại nhiều trường đại học, tác giả Huỳnh Dũng Nhân trong 5 năm trở lại đây đã cho ra mắt nhiều tác phẩm đáng chú ý, có thể kể đến như tập thơ Ký ức chao nghiêng (NXB Văn hóa – Văn nghệ), hồi ký Chúng tôi - Một thời mũ rơm, mũ cối (NXB Tổng hợp TPHCM).
Tác giả Huỳnh Dũng Nhân cho biết, tập thơ Bỗng lại hờn lại nhớ là món quà mà bản thân muốn gửi đến bạn bè, đồng nghiệp, học trò và cả quý độc giả thân thương nhân kỷ niệm lần thứ 65 của ông, bởi khác với nhiều tác phẩm trước, tập thơ này mang dấu ấn riêng tư khá nhiều, truyền tải muôn vàn tình cảm mà bản thân giữ trong ký ức, trong kỷ niệm. 
 
Là một trong số vài độc giả đầu tiên "đọc" tập thơ của người cựu đồng nghiệp, nhà báo Lê Mỹ Ý nhận định rằng: Trong tập thơ của mình, một Huỳnh Dũng Nhân nhà báo nổi tiếng với các tác phẩm phóng sự gân guốc, sâu sắc... đã nhường chỗ cho một Huỳnh Dũng Nhân nhà thơ với những tâm tình từ nhiều ký ức cá nhân và thế sự. Thế nhưng vẫn không khó để gặp chất “phóng sự” trong thơ và cả sự lung linh ở những câu thơ rất mượt, vượt lên, dẫn dắt các “chi tiết” ngồn ngộn với nhiều phát hiện bất ngờ. Trân trọng ký ức của một người chắc chắn sẽ khiến bạn có cảm nhận rõ rệt “không tắm hai lần trên một dòng sông”, với mỗi lần đọc lại một bài thơ của cùng một tác giả - vốn là một người sống hết lòng với đời, với nghề và được nhiều người quý mến lâu nay.
 
Quả đúng như vậy, nhà văn - nhà báo - nhà giáo Huỳnh Dũng Nhân đã khéo léo bố cục tập thơ thành 4 chương, trải dài hết sức uyển chuyển theo chặng đường chiến đấu “sống, học tập và làm việc” của tác giả. Nếu như ở chương đầu tiên Gia đình yêu thương, chúng ta dễ dàng nhận thấy một thanh niên Huỳnh Dũng Nhân đặt trọng trách hàng đầu là sự nghiệp, tạo những nền móng vững chắc cho việc nuôi dưỡng tình yêu và chăm sóc gia đình ở tuổi nghỉ hưu, thì ở chương tiếp theo, đó là một Huỳnh Dũng Nhân đầy nội tâm, đầy suy nghĩ. 
 
Mở đầu chương một, là bài thơ anh viết tặng “chị nhà” nhân ngày Lễ tình nhân 14/2, đánh dấu sự sắt son với người phụ nữ đã cùng anh xây dựng tổ ấm, là nỗi nhớ da diết dành cho hai đứa con đang sống ở nước ngoài giữa bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành khắp toàn cầu, là sự sum vầy gia đình được khắc họa trong những tiết học trực tuyến của bọn trẻ, những cuộc thoại video-call đậm chất thời đại 4.0, là lòng hiếu thảo với mẹ già ở Vũng Tàu, là sự hiếu kính với người cha đã khuất. Tình cảm dạt dào, nhẹ nhàng cùng những vần thơ, chắc chắn sẽ giúp độc giả, những người bạn của tác giả, thân lẫn chưa quá thân, càng hiểu hơn về chính tác giả. 
 
Đọc chương hai “Một chút riêng tư”, là một Huỳnh Dũng Nhân luôn “trăn trở” trước thời cuộc, nhạy cảm với mọi thứ, hiện tại lẫn quá khứ, và kể cả với cảm xúc của mình, với mạng xã hội, bởi suy nghĩ “nghỉ hưu phải chăng sẽ là gác kiếm”. Câu trả lời của tác giả, là một buồng phổi căng tràn nhiệt huyết, một kho tri thức luôn sẵn sàng tuôn trào, cùng con chữ “phục vụ xã hội”, và quan điểm xuyên suốt ấy tiếp tục được dẫn dắt vào chương ba “Đây đó quanh tôi” của tập thơ.
 
Ở tuổi nghỉ hưu, có lẽ, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân nhìn mọi thứ tưởng chừng đơn giản, với tác giả đã diễn giải những ghi nhận của bản thân về xung quanh, cố tình hay hữu ý. Đó có thể là niềm vui vỡ òa khi đội tuyến U19 bóng đá nam giành chiến thắng, hay hay chuyển tải tình cảm dành cho miền Trung ruột thịt đang hứng chịu sự tàn phó của cơn bão lớn. Thơ của anh, được bạn bè, phổ nhạc xem như sự đồng cảm.
 
Cuối cùng, tác giả Huỳnh Dũng Nhân dành chương cuối cùng cho chủ đề Covid-19, xem như loạt câu hỏi, những day dứt mà chính anh đặt ra cho xã hội ở giai đoạn cơn đại dịch này đang khiến cả thế giới, khiến Việt Nam rơi vào tình trạng bình thường mới. Những câu thơ, rất ngắn ngọn nhưng đủ nghĩa, cặn kẽ về ý lẫn tứ, sẽ giúp chúng ta thêm vững tin, thêm kiên cường với niềm tin Việt Nam chiến thắng đại dịch.
 
Sách hiện có bán tại Cửa hàng sách Văn hóa Văn nghệ (88-90 Ký Con, P.Nguyễn Thái Bình, Q.1, TP.HCM, 0903033237), và quầy M3 – đường sách TP.HCM (đường Nguyễn Văn Bình, Q.1, 028.38224955), cũng như các kênh bán hàng trực tuyến như Tiki, Netbook.
 
Tác giả Huỳnh Dũng Nhân (sinh năm 1955) là nhà báo, nhà văn và nhà giáo. Trong lĩnh vực báo chí, Huỳnh Dũng Nhân là nhà báo nổi tiếng chuyên về thể loại phóng sự, từng giữ chức vụ Phó ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo TPHCM và Tổng biên tập Tạp chí Nghề báo. Ông hiện nghỉ hưu, và làm cố vấn cho Trung tâm Báo chí (Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM), tham gia giảng dạy tại một số trường, viện có chuyên ngành báo chí, truyền thông. Ông cũng tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện xã hội.
 
 

 

people like INLOOK.VN fanpage