Bạn đang ở đây

Nhật kí “vua săn gái” Casanova

Tất cả những người tình của Giacomo Casanova đều “biết ơn” ông bởi Casanova đã biết cách yêu họ say đắm, biết cách chiếm đoạt họ một cách nhiệt thành và cũng đã biết cách rời bỏ họ một cách lịch lãm.

Có lẽ không cần chứng minh sự nổi tiếng của Casanova - tiểu thuyết gia kiêm nhà thám hiểm nổi tiếng nhất thế kỉ 18 nhờ nghệ thuật quyến rũ và chinh phục phái đẹp. Cùng với Don Juan, cái tên Casanovathậm chí đã trở thành một tính từ khi người ta nhắc đến thói trăng hoa, lăng nhăng của đàn ông. Cả đời chỉ viết một cuốn sách duy nhất tự thuật về cuộc đời mình mang tên Histoire de ma vie (tạm dịch: Câu chuyện đời tôi), nhưng Casanova lại khiến ngay những nhà văn vĩ đại nhất thời đó phải nghiêng mình kính nể vì sức hấp dẫn và tầm ảnh hưởng lan tỏa rộng khắp châu Âu của cuốn sách này. Bản thảo cuốn nhật kí đặc biệt này cũng làm cả thế giới xôn xao với một cái giá “trên trời” và những trang viết bí ẩn, cực kỳ lôi cuốn.
 


Casanova đã trở thành biểu tượng cho thói lăng nhăng


Sinh ra tại Venice, Casanova từ nhỏ đã ưa thích những chuyến phiêu lưu, và nhanh chóng trở thành nhà thám hiểm khi trưởng thành. Tất cả hành trình vượt đại dương cùng vô số cuộc tình nồng nhiệt, đầy đam mê với những người phụ nữ đẹp đã được Casanova kể lại trong Histoire de ma vie. Mặc dù chính ông thừa nhận: “Tôi viết cuốn sách là để cười nhạo chính bản thân mình” với những đoạn nói về nghệ thuật quyến rũ phụ nữ đầy hài hước nhưng nó lại nhanh chóng xuất hiện khắp nơi trên toàn thế giới và tạo ra một “cơn sốt” Casanova ở châu Âu thời đó.
 

 
Bản thảo Histoire de ma vie 
 
Nếu bạn là một độc giả đã từng xem qua Chuyện đời tôi, hẳn bạn sẽ thấy thích thú khi được lướt qua những áng văn chương bay bổng để có một cái nhìn cận cảnh về lối sống của một Giacomo Casanova thích ăn, thích ngủ, thích ôm ấp, thích quan sát, suy ngẫm và tìm hiểu. Casanova sinh ở Ý, nói và viết trôi chảy bằng tiếng Hy Lạp, Tây Ban Nha nhưng ông đã viết tự truyện của mình bằng tiếng Pháp. Đó là ngôn ngữ của tình yêu. Casanova là một huyền thoại và những câu chuyện về ông chưa bao giờ chấm dứt.


Nửa đời người đầy ắp nhân tình

Casanova là một người cao lớn (1m87) nhưng tác phong lại ân cần, nhẹ nhàng. Khi tiền rủng rỉnh trong túi thì chải chuốt, còn khi đã ném hết vào các cuộc vui thì lại trở về với phong cách xuề xòa, “sao cũng được”. Những gì ông làm chỉ để đi theo một thứ vui duy nhất, theo đuổi phụ nữ. Phụ nữ là “chuyện lớn” của đời ông. Tài liệu ghi lại rằng Casanova có đến 122 người tình trong quãng thời gian gần nửa thế kỷ. Trong số đó, nhiều người đã mang đến cho Casanova niềm đắm đuối, có người mang đến cho ông tai họa, bệnh tật và đau khổ. Một số tình nhân của ông là người đức hạnh, còn số khác thì phóng túng. Nhưng nói chung, tất cả những người tình của Giacomo Casanova đều “biết ơn” ông bởi Giacomo Casanova đã biết cách yêu họ say đắm, biết cách chiếm đoạt họ một cách nhiệt thành và cũng đã biết cách rời bỏ họ một cách lịch lãm.



Cuối đời cô độc

Duy chỉ có một “điểm yếu” trong cả cuộc đời mà Giacomo Casanova thú nhận, đó là sự già nua, cứ như “một con quỷ dữ đang muốn tống khứ khỏi khán phòng một vị khán giả đang chăm chú theo dõi màn trình diễn trên sân khấu, trong khi vở diễn đó vẫn chưa kết thúc”. Sự già nua là một ngục tù đã nhốt kín Casanova trong những ngày cuối đời cùng bệnh tật, thiếu thốn và cô độc. Ông phải trả giá quá nhiều để có được trong tay rất nhiều phụ nữ, bởi những đồng tiền mà ông có được đều từ các phụ nữ lần lượt là bạn tình của ông chu cấp, chứ bản thân ông lại không có gì. Cuối đời, một con người chỉ biết tung hoành, nay phải tự giam mình để suy ngẫm và hồi tưởng. Đó chính là yếu tố khiến tác phẩm chứa đầy tâm sự chân thành. Giacomo Casanova đã sống lại cuộc đời ông một cách chân thành nhất bằng quyển hồi ký Chuyện đời tôi.
 
Giacomo Casanova đã hưởng thụ quá nhiều từ cuộc đời của mình. Khi đã 64 tuổi, ông thuật lại đời mình ở thì hiện tại, như thể những ngày tháng xa xưa của ông như chỉ mới hôm qua. Rất nhiều lời văn được viết ra phù hợp với cách sống của Casanova trong suốt cả cuộc đời, ví dụ như “không có gì có thể ngăn được tôi tận hưởng niềm vui thú trong cuộc đời này”, hay “tôi đã phải dũng cảm để được sống hạnh phúc”. Bởi lẽ, đối với Giacomo Casanova, sống là tận hưởng.

 Báu vật của nước Pháp

Sau khi Giacomo Casanova qua đời, một trong những người cháu trai của ông đã lưu giữ quyển hồi ký trên, rồi chuyển nhượng cho nhà xuất bản (NXB) Brockhaus của Đức với một giá rất hời vào năm 1820. Suốt nửa thế kỷ sau đó, NXB này chỉ cho phép một số ít ỏi các độc giả thân tín đến tham khảo mà thôi. Vào khoảng năm 1822- 1938, có hai NXB tại Pháp đã in quyển hồi ký này nhưng với giọng văn “thanh thoát” hơn so với bản gốc. Năm 1943, NXB Brockhaus bị ném bom và Chuyện đời tôi được chuyển vào lưu giữ tại một ngân hàng. Năm 1945, quyển hồi ký tiếp tục được chuyển đến một căn cứ quân sự Mỹ tại Wiesbaden. Và 15 năm sau, lần đầu tiên quyển hồi ký mới được tái bản ra “một cách trung thực” so với bản gốc. Năm 2007, một “mật sứ” của NXB Brockhaus đến tiếp xúc với đại sứ Pháp tại Đức, rồi vị đại sứ này sau đó liên lạc với giám đốc Thư viện Quốc gia Pháp. Giám đốc thư viện đã bí mật bay đến phi trường Zurich (Thụy Sĩ) để xem xét bản gốc Chuyện đời tôi và được NXB Brockhaus đề nghị nhượng lại cho nước Pháp với giá “từ 7 đến 20 triệu euro”.

Mãi đến năm 2009, một mạnh thường quân “trong bóng tối” đã bỏ ra 7,5 triệu euro để mua lại bản gốc quyển hồi ký này về cho nước Pháp. Người đó là ai? Không ai biết! Song, dù sao đi nữa, hẳn tác giả Giacomo Casanova sẽ rất mãn nguyện nơi chín suối khi biết được rằng mỗi một trang viết trong 3.700 trang trong quyển hồi ký của ông sẽ được đóng dấu màu đỏ bằng mực vĩnh cữu (không tẩy xoá được), bởi giờ đây Chuyện đời tôi đã trở thành “báu vật quốc gia” của nước Pháp.
 

 

Trích đoạn Chuyện đời tôi (Minh họa của họa sĩ Auguste Leroux) 

- “Tại Paséan, người ta đã cho tôi trú chân tại một tầng trệt. Ngày hôm sau, khi tỉnh giấc, tôi quá bất ngờ trước một bóng hình tuyệt đẹp đang bước đến cạnh giường tôi với tách cà phê nóng. Đó là một cô gái còn rất trẻ, hỏi ra thì biết cô bé chỉ mới 14 tuổi. Nước da trắng nõn, mắt huyền, tóc xõa cùng một đôi chân trần… Cô bé đến ngồi bên cạnh tôi, ngay trên chiếc giường của tôi, với một nụ cười mỉm đã nói lên tất cả”.

- “Tôi đã nhắc lại một cách rành mạch về những gì tôi vừa mới viết xong cho một nữ bá tước đầy bí hiểm. Bà bá tước đang nóng lòng chờ đợi tôi. Bà đã rơi lệ vì sung sướng và khi không thề kiềm chế được nữa, bà ôm chầm lấy tôi, khóc sướt mướt. Bà gọi tôi là thiên thần nhỏ của bà, là vị cứu tinh của bà”.

 
 
 
Mara tổng hợp/ Inlook.vn
 
people like INLOOK.VN fanpage