Bạn đang ở đây

Nhớ Hà Nội xưa qua Nhật ký mùa hạ

Đọc Nhật ký mùa hạ để biết thêm một tuổi thơ khác - tuổi thơ của những người sống ở thành phố mà không phải ai cũng được trải qua. Tuổi thơ gắn với những con phố Hà Nội vừa thân thuộc quen quen, lại vừa lạ lạ như thể tất cả mới vừa đi qua, mọi thứ vẫn còn đâu đây.

Nhà văn Di Li từng được biết đến với thể loại trinh thám kinh dị, dịch thuật... rồi lại bất ngờ với tản văn, truyện ngắn trữ tình và giờ là thể loại nhật ký - ký ức chân thật của thời học sinh. Lựa chọn những phong cách viết khác nhau, những vấn đề khác nhau, Di Li đã chứng tỏ phần nào nội lực dồi dào ngòi bút của mình. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đánh giá Di Li là một trong không nhiều nhà văn chuyên nghiệp hiện nay, chuyên nghiệp trong cách viết, in ấn tác phẩm cho đến khi ra mắt tác phẩm.

Tại buổi ra mắt, nhà văn Di Li cho biết lý do bắt tay vào viết cuốn sách là từng kể một câu chuyện tuổi thơ của chính mình trên blog và nhận được sự hưởng ứng của đông đảo độc giả. Nhật ký mùa hạ bao gồm 51 câu chuyện học đường có thật được viết từ năm 2008.

 

Nhà văn Di Li và nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên tại buổi giới thiệu sách.


Nói về nội dung cuốn sách, tác giả Nguyễn Xuân Thủy cho rằng mình đọc với tâm thế của người cùng thế hệ với Di Li - sinh sau năm 1975. Đó là thế hệ lớn lên bằng bột mì, bằng khoai sắn với biết bao sự thiếu thốn. Tác phẩm đã chứng minh thế hệ đó dù còn thiếu thốn nhưng sống vẫn hồn nhiên, vẫn sâu sắc, giàu xúc cảm. Đọc Nhật ký mùa hạ để biết thêm một tuổi thơ khác - tuổi thơ của những người sống ở thành phố mà không phải ai cũng được trải qua. Tuổi thơ gắn với những con phố Hà Nội vừa thân thuộc quen quen, lại vừa lạ lạ như thể tất cả mới vừa đi qua, mọi thứ vẫn còn đâu đây. Cái điều vừa mơ vừa thực ấy khiến cho những ai không sống ở Hà Nội giai đoạn đó có thể hình dung về Hà Nội ngày hôm qua, hình dung về Hà Nội qua lăng kính của một cô bé.

Cuốn sách của Di Li có thể ví như "chiếc vé đi tuổi thơ" mà Nguyễn Nhật Ánh từng trao lại cho các em, cho những gì đẹp đẽ trong trẻo nhất của một thời đã xa. Với Nhật ký mùa hạ độc giả tin rằng Di Li hoàn toàn có thể viết cho trẻ em được và hy vọng đây chỉ là của chặng đường 20 năm đã qua để chặng 20 năm nữa với thật nhiều bất ngờ thú vị và bí mật sẽ nối tiếp con đường văn chương cho chị.

Còn người trực tiếp biên tập cuốn sách Nhật ký mùa hạ - chị Hồng Hạnh, làm việc tại Nhà xuất bản Văn học thì coi đó là "sự hoài niệm, lưu luyến, lại cả sự trân trọng. Đó chính là những năm tháng, thời điểm mà tôi cũng đã đi qua, ở những ngôi trường phổ thông Hà Nội. Những đứa trẻ sinh ra trong bối cảnh giữa ranh giới cái cũ và cái mới, cùng vào lớp 1 những năm đầu xoá bỏ bao cấp. Suy nghĩ của những đứa trẻ này chịu nhiều ảnh hưởng tương chiếu, chúng mang những cò kè chi li của thời mới thoát khỏi thiếu thốn, lại a dua khao khát cái mới".

Di Li biết lồng vào câu chuyện những chi tiết, thời điểm với liều lượng hết sức vừa phải, chừng mực nhưng tái hiện một cách nhuần nhuyễn khiến cho kỷ niệm thật sự trong trẻo. Có đứa trẻ ưa thích tiếng động, buổi trưa không ngủ, lang thang đóng đinh lên tường, mang thớt ra băm thịt, bắc nồi nhựa đun... (Những buổi trưa hè); có đứa trẻ đầy phấn khích đá phải lon sữa bò vì nóng vội ham ăn (Món bánh caramen), thích chí nhảy té từ tầng hai xuống gãy tay khi thấy thằng em họ tới chơi (Cái tay gãy). Có đứa con gái hung hăng, không chịu sự cai quản (Con gái), nhiệt tình đặc biệt trong các "công cuộc làm đẹp" (Nhiếp ảnh gia vườn)...

Trong số rất nhiều các câu chuyện vận động ấy, có một đặc điểm dễ nhận thấy ở tác giả sau này, đó là hình ảnh của cô gái thích dịch chuyển khi cùng bạn nước ngoài đi chèo thuyền (Cuộc họp đặc biệt), 16 tuổi khám phá biển bằng cách ra ga mua vé tàu một sớm mùa đông (Biển mùa đông ngày ấy) hay chạy xe Chaly cùng cậu bạn đi chùa Trầm, Bích Động (Cuộc phiêu lưu bất đắc dĩ)...

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã diễn tả khi đến với thế giới văn chương thuở thiếu thời của Di Li: "Tôi không có cảm giác đang đọc một cuốn sách mà bắt gặp mình đang bồi hồi đặt chân vào miền cỏ hoang của tâm tưởng - một vương quốc xa xăm thoang thoảng mùi long não ủ trong ngăn kéo của ký ức, lại vừa gần kề như những sớm mai... Đọc cuốn sách này của chị, tôi gần như rón rén lật từng trang, không phải sợ làm đứt những sợi chỉ khâu ở gáy sách mà sợ chạm đến sợi tơ mà chị dùng để khâu những kỷ niệm ấu thơ vào trí nhớ rồi kể lại bằng giọng văn từ tốn và ngập tràn tiếc nuối".

Song hành với việc ra mắt Nhật ký mùa hạ bằng sách in còn có bản mềm - sách điện tử do Công ty Vinapo phát hành. Đây là một bất ngờ vì lần đầu tiên hai đơn vị làm sách - sách in và sách điện tử mà lâu nay chúng ta luôn nghĩ họ là những đối thủ cạnh tranh độc giả của nhau lại bắt tay vào thực hiện một cuốn sách tại cùng một thời điểm phát hành. Liệu với ưu thế của sách điện tử thì sách in có "lép vế" không và việc in 5.000 bản đầu tiên cho Nhật ký mùa hạ có phải là mạo hiểm không? Đại diện sách in - Công ty Văn hoá Truyền thông Phương Đông khẳng định là không. Ở mỗi cách thức tiếp cận cuốn sách đều có độc giả riêng mà không ảnh hưởng gì nhau. Trước đây khi chưa có sách điện tử hợp pháp, phải chung sống với các loại sách lậu, từ sách in đến các bản mềm trôi nổi không thể kiểm soát được trên mạng thì các đơn vị làm sách in vẫn in sách, vẫn tái bản chứ không vì thế mà sách in thất thế.

Di Li cũng là một trong những tác giả tham gia đầu tiên vào dự án sách điện tử của Vinapo. Nhật ký mùa hạ cũng là đầu sách thứ 8 của Di Li mà Công ty Phương Đông đảm nhiệm, tuy nhiên đây là cuốn sách đầu tiên được ra mắt bằng hai phiên bản: Sách in và sách điện tử. Việc ra mắt bằng hai phiên bản khác nhau thực ra không ảnh hưởng gì đến tác giả, thậm chí nó còn có sức lan tỏa, mở rộng đối tượng độc giả hơn. Liệu đây có thể trở thành một thông lệ phát hành sách mà các tác giả, các đơn vị làm sách lưu tâm hay không? Chúng ta chưa thể khẳng định vội vàng vì còn có nhiều yếu tố, bởi chúng ta chưa có tiền lệ, chưa có một khoảng thời gian kiểm chứng... Và biết đâu còn cả sự bảo hiểm của từng cái tên tác giả khi đứng trên kệ sách?

Với lối diễn đạt tự nhiên, linh hoạt, văn phong Di Li khá dung hòa giữa phong cách tự sự với lối chuyển xuất từ ngữ, điệu ngữ, cảm giác nên mỗi câu chuyện trong Nhật ký mùa hạ đều có được sự vận động cốt truyện, tính văn học, tính rành mạch, điểm nhấn và tính nhân văn của Di Li nhẹ nhàng. Giọng văn tự nhiên, "trôi" lạ kỳ, cách diễn đạt có duyên, cùng với bài ca về cái đẹp của sự sống. Nhật ký mùa hạ trong trẻo nhưng mang lại cảm xúc mãnh liệt không chỉ ở từ ngữ mà còn ở vẻ đẹp của sự hoài niệm giản dị, yêu quý.

 

C.M. tổng hợp

people like INLOOK.VN fanpage