Bạn đang ở đây

[Sách mới] Mở mắt mà mơ

Tập sách là tập hợp những giấc mơ của con người trước số phận và cuộc sống. Có giấc mơ đẹp đẽ đầy hy vọng, có cả cơn ác mộng ám ảnh không thể quên. Những giấc mơ bắt đầu từ hiện thực (giấc mơ kiếm tiền, giấc mơ sống yên ổn, giấc mơ tha thứ cho nhau...) chuyển mình qua từng cảm xúc mơ hồ (giấc mơ về tổn thương quá khứ, giấc mơ về những ký ức đau buồn...), tiến đến những câu chuyện huyền ảo (mượn giấc mơ để thể hiện sự phản kháng thực tại).

 

Nhắm hay mở, mơ hay thực?

Phát Dương sinh năm 1995, chàng trai nhỏ này còn khá trẻ và hiện đang là sinh viên ngành Văn học của Đại học Cần Thơ, ấy vậy mà với văn chương, cái tên Phát Dương đã ghi đậm một dấu ấn.

Bước ra từ cuộc thi Văn Học Tuổi 20, Phát Dương xuất hiện đều đặn trên các mặt báo với phong cách viết điềm tĩnh và sắc lạnh. Những truyện ngắn của tác giả trẻ này, mở ra một lối viết không cần cốt truyện, cứ dẫn dụ bạn đọc đi từ lát cắt này qua mảng miếng nọ. Có những truyện ngắn, Phát Dương bỏ ngỏ đoạn kết, tưởng chừng đẩy độc giả vào hụt hẫng, nhưng hóa ra là để độc giả tự chọn lấy cho riêng mình một cái kết.

Đầu tháng 10 vừa qua, Phát Dương lại cho ra mắt bạn đọc tập truyện ngắn Mở mắt mà mơ do Nhà xuất bản Văn Hóa Văn Nghệ Thành Phố Hồ Chí Minh ấn hành. Có thể nói đây là đúc kết của một năm qua, kể từ khi anh đoạt giải Tư của cuộc thi “Một Nửa Làm Đầy Thế Giới”, do Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư tài trợ và phối hợp với Nhà xuất bản Văn Hóa Văn Nghệ Thành Phố Hồ Chí Minh tổ chức.

Một năm với nhiều trải nghiệm và thử thách ngòi bút chính mình, Phát Dương thật sự đã trưởng thành hơn trong lối viết. Dễ dàng nhận thấy trong 18 truyện ngắn của Tập truyện Mở mắt mà mơ, lần này, tác giả trẻ đã biết làm mới mình bằng một cách viết đào sâu cốt truyện, cũng như nội tâm nhân vật. Điều đặc biệt, một chút ma mị trong cách viết của anh chàng tác giả trẻ này, khiến bạn đọc thích thú khám phá nhiều sự ẩn ý tinh tế trong từng câu chuyện.

Chọn cho mình văn phong Nam Bộ, hào sảng với câu chữ, cốt truyện luôn thấm đẫm một nỗi đời hiện thực. Như trong “Không ai bắt máy”, Phát Dương nói về các số phận của tài xế xe ôm công nghệ, nhưng khéo léo lồng vào đó một câu chuyện đau thắt lòng dạ. Chạm đúng tới đáy của những lo âu, rồi lại vỡ ra những nghi ngở lo sợ hóa ra là từ chính mình áp đặt lên tâm trí mình. Thế nhưng, kết truyện lại là một vết cứa vào tâm thức chúng ta về một sự nhân văn của đời thường này. Sự bàng quang của xã hội đối với một thân phận phải chăng chính là tiếng chuông ráo hoảnh gióng lên để xã hội cần có những tấm lòng bác ái hơn nữa. Truyện buồn lạnh tê lòng, nhưng lại là cái lạnh khiến chúng ta soi chiếu lại mình. Đời cần lắm những tấm lòng. Đời cần lắm những cái bắt máy, biết đâu đó, đầu dây bên kia của cuộc gọi là một sự sống đang cần chúng ta. Bao lâu rồi chúng ta vì những cuộc điện thoại rác, mà bỏ lửng những cái bắt máy?

Phát Dương chứng tỏ nội lực viết của mình đa dạng kết cấu, và lồng lộng các lát cắt của trong cùng một câu chuyện kể. Rất nhiều truyện ngắn trong tập sách, thể hiện rõ phong cách “lật miếng” liên tục này của tác giả, khiến cho độc giá cứ thôi thúc mình lật thêm trang tiếp theo hòng giải tỏa tâm trạng khi đọc. Cái háo hức, cái xa xót, cái mong ngóng sẽ khắc khoải theo từng diễn biến của cốt truyện. Dẫu đó là truyện, hay là thực, thì ai khi gấp trang sách này lại, cũng đều nghĩ suy một cái kết khác cho các nhân vật. Dẫu là lạnh tanh sắc lẻm như một vết cứa, nhưng truyện của Phát Dương lại đem đến cho chúng ta nhiều suy ngẫm mang giá trị trải nghiệm cực kì nghiêm cẩn. Những “Người, củi cùng khô”, “Đám ma chung”, “Những khung chữ nhật”, như một bức tranh cuộc đời được khắc họa rõ ràng, rành mạch bằng màu sắc u uẩn, nhưng từ trong góc tối đó, vẫn thấy sáng lên một thông điệp nhân văn mạnh mẽ.

 

Tập sách là tập hợp những giấc mơ của con người trước số phận và cuộc sống. Rất nhiều giấc mơ đẹp đẽ lẫn ác mộng. Sáng tươi lẫn tăm tối. Từ tâm thức tổn thương đến huyền ảo ru mình. Nhưng suy cho cùng, giấc mơ nào cũng chỉ là một điểm tựa, một lối thoát, là một sự vỗ về chính mình. Bởi chẳng có giấc mơ nào thành hiện thực, chẳng ai sống hoài trong mộng ảo. Tất thẩy chúng ta rồi sẽ tỉnh dậy, sẽ tự phải giải quyết mọi ngổn ngang, trắc trở của cuộc đời mình. Hành trình mưu cầu sự an ổn luôn là hành trình đan xen nhiều ảo thực, mà chỉ khi biết lúc nào nên nhắm lúc nào nên mở, lúc nào là mơ lúc nào sống thực, chúng ta mới nhặt lấy cho mình một cuộc đời bình yên.

Trúc Thiên

people like INLOOK.VN fanpage