Bạn đang ở đây

Sách “Những người đàn bà phi thường”: câu chuyện từ những người rất đỗi bình thường

Họ phi thường là ở chỗ có khả năng thích nghi "siêu đẳng" trước những khúc biến động của cuộc đời, đóng vai trò không nhỏ cùng người đàn ông lèo lái con thuyền gia đình.

 

Sáng Chủ Nhật ngày 04/10/2020, Thăng Long Media tổ chức chương trình giao lưu ra mắt sách “Những người đàn bà phi thường” cùng tác giả Đinh Giang tại Đường Sách TP.HCM

Tháng 10 vừa đến nhắc nhớ về ngày Phụ nữ Việt Nam 20.10, về những “đóa hoa” trong cuộc đời mỗi người chúng ta. Suốt cả cuộc đời của mỗi người đều có sự hiện diện xuyên suốt bóng hình người phụ nữ, được yêu thương chăm sóc bởi người phụ nữ. Nữ giảng viên Đinh Giang (người con xứ Huế) đã viết  “Những người đàn bà phi thường” với nguồn cảm hứng bất tận từ thời thơ ấu và những người phụ nữ trong cuộc đời cô. Bước chân nhỏ bé nhưng đầy kiêu hãnh của họ đã theo dòng chảy lịch sử từ chiến tranh lướt đến những ngày hòa bình. Những người phụ nữ biết chấp nhận nghịch cảnh và tìm mọi cách vượt qua những ngày nguy khó.

“Những người đàn bà phi thường” là tác phẩm đầu tay của Đinh Giang gồm 18 tập truyện ký, tản văn gần gũi, bình dị của những phụ nữ được ví mềm mại như dòng nước chảy nhưng lại gánh trên vai nghị lực  như đá. Đó đều là những người phụ nữ can trường, đầy lòng nhân hậu và kiên nhẫn, đặc biệt sức mạnh tiềm ẩn trong họ càng được thể hiện rõ rệt hơn bao giờ hết khi đối diện với những khó khăn, mất mát, đau khổ trong cuộc đời. Qua những diễn biến của lát cắt số phận, độc giả như được “thức tỉnh” về sự yêu thương, “ngưỡng mộ”, trân trọng hơn những người phụ nữ bên cạnh mình.

Trời sinh người đàn bà bộ xương nhỏ và mỏng, kích thước cơ thể bé nhỏ, hệ cơ yếu ớt nên sức khỏe cũng ít nhiều hạn chế vậy mà đàn bà lại có khả năng chịu đựng khó khăn vất vả rất tốt. Trong những cơn đớn đau tột độ về thể xác hoặc tinh thần, họ hay bất giác kêu “Trời ơi…!!!”. Không biết để làm gì, nhưng theo Đinh Giang thì nó không hề làm giảm bớt cơn đau.

Người đàn bà, vốn dĩ nhỏ bé và mong manh, nhìn tưởng chừng như yếu đuối là vậy, nhưng trên thực tế họ hiện diện trong mọi lĩnh vực, từ phát minh khoa học hay chinh phục vũ trụ. Họ, cứ ngỡ là bình thường với công việc chợ búa cơm nước, chăm sóc con cái, nhưmg để vừa chu toàn công việc lẫn gia đình, họ đã phải nỗ lực gấp nhiều lần người đàn ông. Bởi vậy, nói họ phi thường là ở chỗ họ có khả năng thích nghi siêu đẳng. Trong những khúc biến động của cuộc đời, đàn bà có thể nhanh chóng thích ứng và cân bằng cuộc sống, đóng vai trò không nhỏ cùng người đàn ông lèo lái con thuyền gia đình.

Đối với Đinh Giang: “Những người đàn bà như mệ nội hay mạ tôi, tập tính nuôi con nên góc nhìn bé nhỏ. Họ không cần biết chiến sự đã xoay trở ra sao, đàn ông đang âm mưu vẽ lại bản đồ thế giới như thế nào, cuộc chiến của họ đơn giản là giữ lấy mái nhà cho bầy con của mình. Họ lấy sức chịu đựng làm vũ khí bí mật, nội tâm bao dung làm sức mạnh để chiến đấu với cuộc đời”.

Lịch sử nhắc tên rất ít tên những người đàn bà có thể xoay chuyển dòng chảy của tiến trình nhân loại nhưng trên khắp mọi ngả đường nhộn nhịp hay hẻo lánh nào của hành tinh này đâu đó cứ thấy bóng dáng của đàn bà, bé nhỏ nhưng bao dung, bước những bước chân nhỏ nhẹ băng qua lịch sử. Những người đàn bà vĩ đại, không phải với thế giới, mà với con cái, người thân của họ.

Nhà văn Nguyễn Đông Thức đồng cảm: “Chỉ có đàn bà mới có thể viết về đàn bà tinh tế và sâu sắc đến vậy! Chỉ là vài gương mặt thôi, trong một mối quan hệ khá hẹp, không gian và thởi gian giới hạn, mà sao đọc cứ thấy bao nhiêu lá đàn bà Việt Nam, hàng nghìn năm, đang ở hết trong đây! Những con người tưởng chỉ biết cam chịu, nhưng lại chính là người mạnh mẽ xoay chuyển số phận cuộc đời. Những con người luôn đứng mũi chịu sào giữa tâm bão, mềm như nước mà rắn như đá…”

Xuyên suốt 160 trang sách là hình ảnh những người đàn bà mà ta có thể bắt gặp ở bất cứ nơi đâu trong chính đời sống của chúng ta. Đó là người mẹ đã đứng trên cả mọi biến động thời cuộc để gia đình mình có những bữa ăn tươm tất nhất; là người bà dù tư tưởng vẫn còn vương vấn nền giáo dục phong kiến nhưng đã tự mình thay đổi để thích nghi; là cô gái trẻ đi làm nghề giúp việc đã sống hết tấm lòng với gia đình chủ nhà, để đến khi cô rời đi, một khoảng trống mênh mông không gì bù đắp được trong trái tim những đứa trẻ mà cô chăm sóc; là những người con gái yêu bằng cả trái tim để rồi nhận lại nhiều thương tổn vẫn chẳng hề trách móc. “Đàn bà bao giờ cũng là người cuối cùng ngồi lại cho đến khi tàn cuộc, nhặt nhạnh, dọn dẹp cho bằng hết những đổ nát không phải do họ gây ra”. Họ làm tất cả điều đó, chỉ với tình yêu và sự bao dung.

Đối với nhà văn Trần Thùy Mai: “Cái nền của câu chuyện mà Giang kể là những điều hàng thế kỷ nữa người ta còn nhắc nhở: một cuộc chiến tranh, rồi một cuộc hòa bình, với những rung lắc đến tận cùng cuộc sống sau ngày thống nhất đất nước. Những người đàn bà đứng ở đâu trong tâm bão của cuộc đổi đời ấy?”

Khúc quanh lịch sử năm 1975, một biến cố trọng đại với cả dân tộc Việt đã biến nhiều cô gái ngây thơ, nhiều người phụ nữ chỉ biết tề gia nội trợ thành những người đàn bà phi thường, những trụ cột kinh tế và tinh thần cho cả gia đình. Dù rằng, cả một thời con gái, họ chưa một lần được rèn luyện để trở thành. Những người đàn bà ấy có hai cuộc đời, một thong dong, nề nếp đã ở phía sau và một tất tả ngược xuôi đang chờ ở phía trước. Dù xuất thân có thể khác nhau nhưng tất cả họ đều như những mũi tên, chỉ biết căng mình, lao về phía trước để yêu thương, sinh đẻ, kiếm tiền và nuôi dạy con cái bằng bản năng đàn bà ưu việt. Họ kiêu hãnh xốc cả gia đình xuyên qua thời kỳ tái thiết, mệt nhoài giữa cũ và mới.

Thông tin tác giả:

Đinh Giang tên thật là Đinh Khắc Quỳnh Giang. Cô sinh năm 1979 tại Huế.

Đinh Giang tốt nghiệp ngành Báo chí - Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân Văn TP. Hồ Chí Minh, Thạc sĩ ngành Báo chí và hiện đang là Giảng viên khoa Báo chí Truyền thông của Trường Đại học Huế.

Đinh Giang cũng là cô em gái út trong gia đình của nam nghệ sĩ Long Nhật.

people like INLOOK.VN fanpage