Bạn đang ở đây

'Sát thủ đầu mưng mủ': Người già mê, người trẻ chê

'Sát thủ đầu mưng mủ': Người già mê, người trẻ chê
Tối 29/3, tại Hội trường Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace, Hà Nội diễn ra buổi tọa đàm “Ngôn ngữ giới trẻ thời @ qua tranh của họa sĩ Thành Phong”. Buổi tọa đàm có sự tham gia của họa sĩ Thành Phong, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, GS Văn Như Cương, PGS. TS Phạm Văn Tình. Khán phòng Trung tâm văn hóa Pháp chật kín khán giả là những người trẻ đến để lắng nghe và bày tỏ tiếng nói về những vấn đề của chính họ.
 
"Sát thủ đầu mưng mủ" của Thành Phong - cuốn sách bị ngưng phát hành hồi tháng 10/2011 - là tâm điểm của buổi trò chuyện. Từng được coi là "hiện tượng xuất bản" trong năm 2011, cuốn sách tranh gây tranh cãi vì nhiều người cho rằng, việc cổ xúy những câu nói kiểu "Chán như con gián", "Chảnh như con cá cảnh", "Dở hơi biết bơi"... chính là cách làm méo mó tiếng Việt truyền thống. Cũng không ít ý kiến cho rằng giới trẻ ngày nay đã và đang làm biến đổi sự trong sáng và cái hay, cái đẹp vốn có của tiếng Việt.
 
Từ trái qua: Họa sĩ Thành Phong, GS Văn Như Cương, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, PGS.TS Phạm Văn Tình.
Từ trái qua: Họa sĩ Thành Phong, GS Văn Như Cương, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, PGS.TS Phạm Văn Tình.
 
Trong khi mọi lo ngại đang hướng về giới trẻ với cách tư duy và sử dụng ngôn ngữ quá khác với truyền thống, những người có mặt tại buổi tọa đàm “Ngôn ngữ giới trẻ thời @ qua tranh của họa sĩ Thành Phong” không khỏi ngạc nhiên và bất ngờ trước hai luồng ý kiến trái chiều: trong khi những người già có xu hướng ủng hộ cái mới thì chính người trẻ đứng lên để lật một mặt khác của vấn đề.
 
Giáo sư Văn Như Cương - người ngồi trên hàng ghế diễn giả với chòm râu bạc - bày tỏ sự thích thú với lối sáng tạo ngôn ngữ của giới trẻ hiện nay. Theo ông, những câu nói như “chảnh như con cá cảnh”, “khổ như con hổ”… mang lại những ý nghĩa quá thú vị và bất ngờ mà lối văn phong truyền thống không thể nào diễn tả được. Và nó thể hiện một sự chuyển đổi từ cái cũ sang cái mới. Vị giáo sư đưa ra ví dụ: Xưa ông cha ta nói “Cái khó bó cái khôn”, ấy là để chỉ cái đói cái nghèo ngăn trở chúng ta thành công trong cuộc sống. Nhưng trong kháng chiến chống Pháp, cả dân tộc gặp “cái khó” mới “ló cái khôn”, nỗ lực vượt lên mọi khó khăn để chiến đấu.

Tuy nhiên, nếu cứ đói mãi, cứ khó mãi, thì “cái khó ló cái ngu”. Ba câu nói thể hiện sự chuyển biến của ba thời kỳ lịch sử khác nhau chứ hoàn toàn không phải là sự biến đổi ngôn ngữ tùy tiện. Chỉ ra những cái đắc địa trong lối sử dụng ngôn ngữ của giới trẻ, GS Văn Như Cương thốt lên: "Làm sao tôi không mê cho được?".
Đông đảo giới trẻ có mặt tại buổi tọa đàm về ngôn ngữ thời @.
Đông đảo giới trẻ có mặt tại buổi tọa đàm về ngôn ngữ thời @.
 
Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên cũng cho rằng, sự xuất hiện của ngôn ngữ mới đôi khi là cách để diễn đạt những sắc thái ý nghĩa mới, mà giới trẻ là những người nhanh nhạy và sáng tạo đã vận dụng vào nhiều hoàn cảnh khác nhau. Theo ông, những câu tục ngữ của dân gian cũng ra đời trong những bối cảnh rất tự nhiên của đời sống. Từ một hoàn cảnh, một nhu cầu nào đó, dân gian nảy ra những câu nói để diễn đạt cho phù hợp. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên viện dẫn câu đồng dao: "Chim ri là dì sáo sậu, sáo sậu là cậu sáo đen..." để ví với trường hợp "Chảnh như con cá cảnh", "Phê như con tê tê"... cho thấy lối hiệp vần của giới trẻ ngày nay không xa lạ với dân gian.
 
PGS.TS Phạm Văn Tình đến từ Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam cũng khẳng định, cơ chế của ngôn ngữ là tự gạn đục khơi trong, những gì chưa được sẽ tự đào thải. Cũng có những từ ngữ trong truyền thống đã biến thiên theo thời gian, biến đổi hoàn toàn về mặt ngữ nghĩa nhưng được chấp nhận và sử dụng phổ biến. Ví dụ, lâu nay chúng ta vẫn hiểu đểu cáng có nghĩa là đểu, đểu giả. Tuy nhiên, nghĩa gốc của từ này là chỉ những người gánh thuê (đểu là gánh, cáng là khiêng). Đó chính là cơ chế bổ sung, làm giàu, làm đẹp thêm tiếng Việt. Vì thế, xu hướng làm mới ngôn ngữ của giới trẻ hiện nay là điều hoàn toàn tất yếu.
 
Sự ủng hộ của các bậc diễn giả cao tuổi những tưởng sẽ giải tỏa tâm lý khác biệt thế hệ và khiến người trẻ thỏa lòng. Tuy nhiên, có mặt tại buổi tọa đàm, một khán giả là sinh viên đại học ngay lập tức đưa ra thắc mắc, trong khi các diễn giả đều ca ngợi theo chiều hướng tốt, liệu việc quen với cái mới có làm mất đi cái biểu cảm đa dạng của ngôn ngữ cũ? Một người nghe khác cũng cho rằng, thực ra, giới trẻ ngày nay sử dụng “thành ngữ hiện đại” với những ẩn ý hơn là dựa vào sự bộc trực của ngôn từ. Cử tọa viện dẫn câu: “Miệt mài quay tay, vận may sẽ đến” và đặt câu hỏi, liệu có mấy người trong hội trường này khi nghe câu nói đó mà nghĩ đến chương trình “Chiếc nón kỳ diệu” của VTV3, hay là một ý nghĩ khác?
 
Bìa cuốn sách
Bìa cuốn sách "Sát thủ đầu mưng mủ" đã bị tạm ngưng phát hành của họa sĩ Thành Phong.
 
Có khán giả trẻ hoàn toàn phản đối việc cổ xúy lối nói kiểu “sát thủ đầu mưng mủ”. Người này cho rằng, chỉ một số câu trong cuốn sách về những "thành ngữ hiện đại" của Thành Phong là có nghĩa, còn lại là tầm phào và chỉ gây cười khi xuất hiện trong một trường hợp nào đó. Băn khoăn của người này thực chất đồng nhất với quan điểm của các diễn giả: không phải nói cái gì mà quan trọng là ngôn ngữ được sử dụng trong trường hợp nào. Họa sĩ trẻ Thành Phong chia sẻ, thực ra không có ngôn ngữ xấu - tốt mà quan trọng là ở người sử dụng.
 
Một cử tọa đưa ra ý kiến về việc có nên cho xuất bản các câu nói của giới trẻ thời đại @ thành sách hay không. Họa sĩ Thành Phong phát biểu, lâu nay chúng ta vẫn có một định kiến, đó là những gì đưa vào sách thì phải hàn lâm, chính thống. Thực ra sách hay mạng cũng chỉ là công cụ để truyền tải những điều muốn nói. Do đó, không nên có sự phân biệt ngôn ngữ của giới trẻ xuất hiện trên sách hay trên mạng.
 
Đáp lại băn khoăn liệu có nên đưa ngôn ngữ của giới trẻ thời @ vào từ điển, theo PGS.TS Phạm Văn Tình, từ điển Oxford hiện đã đưa vào một số tiếng lóng. Cuộc sống biến đổi và có những thứ con người ta phải chấp nhận. Nói vui từ ví dụ “chuẩn không cần chỉnh”, PGS.TS Nguyễn Văn Tình cho biết, “chuẩn” chỉ là một phạm trù tương đối. Có những cái ngày xưa là chuẩn nhưng đến hiện tại không còn là chuẩn. Tiếng Việt bao đời nay vẫn đang phát triển và việc du nhập thêm những lối nói, những từ mới là điều hoàn toàn hợp quy luật. Tất nhiên, trường hợp như “Sát thủ đầu mưng mủ” vẫn là một hiện tượng cần dừng lại và xem xét. Và thời gian sẽ đưa ra câu trả lời thỏa đáng.
 
Vẫn còn không ít băn khoăn đến từ người trẻ, nhưng trong quỹ thời gian có hạn, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên khép lại buổi tranh luận bằng câu nói nổi tiếng của học giả Phạm Quỳnh: “Tiếng Việt còn, nước ta còn”. Theo ông, trước hết hãy cảm ơn tiếng Việt. Sau đó, việc sáng tạo, chọn lọc, tiếp thu những cái hay, đắc địa của ngôn ngữ để làm giàu, làm đẹp thêm cho tiếng Việt chính là việc nằm trong tay những người trẻ hôm nay.
Theo Vnexpress
people like INLOOK.VN fanpage