Bạn đang ở đây

Sion Sono - đạo diễn cuồng loạn của xứ Phù Tang

Tính bạo lực có thể coi là nét đặc trưng nhất nhất trong các tác phẩm của Sion Sono, qua đó phản ánh rõ sự xuống cấp trong nhân tính cũng như văn hóa truyền thống Nhật Bản, nơi mà cái tôi cá nhân không quan trọng bằng tập thể.

Biến thơ trở thành phim

Vào tháng 4/2002, sau khi ra mắt tại Liên hoan phim quốc tế Chicago, Suicide Club ngay lập tức trở thành một bộ phim gây xôn xao lớn trong cộng đồng người mê phim kinh dị. Ngay ở cảnh đầu tiên, đạo diễn đã để 54 cô gái trong trang phục nữ sinh cùng nắm tay nhảy xuống trước mũi một chiếc tàu điện chạy với tốc độ cao, biến sân ga trung tâm Tokyo trở thành một biển máu khổng lồ. Không chỉ gây sốc với cảnh đầu tiên ấy, toàn bộ những gì diễn ra trong suốt 99 phút phim đều kinh hoàng và thách thức khả năng tư duy, tạo ra một làn sóng phản đối sau khi được công chiếu. Tuy vậy, kể từ tác phẩm gây tranh cãi ấy, khán giả đã được chứng kiến sự nảy nở của một đạo diễn đầy táo bạo - Sion Sono (sinh năm 1961).

Thế nhưng trước đó, ngay từ khi bước chân vào làng nghệ thuật từ năm 17 tuổi, Sion Sono đã nổi tiếng với tư cách là một nhà thơ hơn là một đạo diễn. Vào năm 1985 ông đem tới Liên hoan phim PIA bộ phim đầu tay mang đậm tính thể nghiệm cá nhân có tên I Am Sion Sono! Với nội dung chỉ đơn giản là Sion đọc lại những bài thơ của mình trên màn ảnh. Nói về lý do chuyển sang làm phim, Sion nói: "Tôi muốn biến đổi từ ngữ thành một dạng nghệ thuật khác. Trong thơ, những từ bạn viết sẽ in ra trên giấy, thế nhưng khi truyền tải cảm xúc vào nét bút của mình, cảm xúc sẽ thể hiện rõ thông qua cách bạn viết. Tôi luôn muốn ghi nhớ những xúc cảm mình có với từng nét chữ nên mới bắt đầu "quay phim" những bài thơ ấy".

 

Đạo diễn Sono Sion tại buổi công chiếu phim Damsels in Distress trong khuôn khổ Liên hoan phim Venice lần thứ 68 - 9/2011, tại Ý.


Nếu lấy một loại thơ nào đó để mô tả phim của Sion Sono, thì có lẽ người ta phải chọn thể thơ mạnh mẽ và phá cách nhất thì mới lột tả nổi. Trong điện ảnh Nhật, nhiều đạo diễn kỳ tài đã sử dụng ngôn ngữ bạo lực rất riêng của mình để biến nó trở thành nghệ thuật như Shohei Imamura, Takeshi Kitano, Takashi Miike... Thế nhưng ở thời điểm hiện nay, Imamura đã qua đời, Kirano đã dần mất chất của mình (bộ phim Outrage là một thất bại nặng nề về chất lượng), còn Miike thì vẫn tỏa sáng với một số phim bạo lực nhưng lại dồn nhiều thời gian hơn vào những phim hành động hài (Yatterman, Ninja loạn thị), bớt "nặng đô" hơn hẳn so với các tác phẩm cũ như Audition, Ichi the Killer. Có thể nói, Sion Sono là vị đạo diễn "quyết liệt" đang ở đỉnh cao phong độ của mình tại Nhật Bản.

Trong thời kỳ khủng hoảng kịch bản hiện nay, khán giả dần trở nên nhàm chán với những bộ phim dễ đoán, nhợt nhạt thông thường của Hollywood, mà họ muốn được nếm những món ăn lạ hơn, kỳ cục hơn mà họ chưa bao giờ thấy. Cùng với những anh tài khác, Sion Sono đã đem tới cho người xem những trải nghiệm điện ảnh mới mẻ và đầy ẩn ý. Các bộ phim của ông dù theo nhiều thể loại khác nhau (tâm lý, tình cảm, kinh dị, tội ác) nhưng đều có điểm chung là có cách thể hiện mạnh mẽ đầy phá cách.

 

Cảnh trong phim Suicide Club.


Kẻ cuồng loạn đáng khâm phục của Nhật Bản

Tính bạo lực có thể coi là nét đặc trưng nhất nhất trong các tác phẩm của Sion Sono. Từ những nhân tố thường thất trong phim bạo lực như máu me, đao kiếm, lưỡi cưa... Sion đầy sự kinh dị lên một tầng cao hơn hẳn thông qua các thủ pháp nghệ thuật tạo cảm giác. Phim của ông ngập tràn những hình ảnh kinh rợn, những hành động cuồng loạn của các nhân vật chính, cùng không khí rùng mình đeo bám từng giây. Ngoại trừ Be Sure to Share (một bộ phim buồn thảm đậm tính cá nhân), các phim của Sion đều sẽ khiến khán giả sởn gai ốc với những cảnh tựng máu me, điên loạn trên màn hình trong suốt chiều dài phim. Không chỉ vậy, việc dàn dựng hiện trường nơi diễn ra tội ác luôn ngập tràn đèn neon sặc sỡ, đẹp đẽ, hoặc để các nhân vật phản diện hát những ca khúc vui càng khiến cho cảnh phim trở nên tương phản, đầy sự độc ác trở nên khó chịu.

Các bộ phim của Sion Sono phản ánh rõ sự xuống cấp trong nhân tính cũng như văn hóa truyền thống Nhật Bản, nơi mà cái tôi cá nhân không quan trọng bằng tập thể. Với Suicide Club, Sion đã thay đổi quan điểm nhìn nhận của nhiều người về vấn nạn tự tử (từ lâu đã trở thành vết nhơ trong văn hóa Nhật Bản), Strange Circus xây dựng ảnh hưởng tới tâm lý trẻ nhỏ trước sự đồi bại trong văn hóa phương Tây, còn đến Noriko's Dinner Table, ông đem tới một cái nhìn chua chát khi những giá trị gia đình bị gạt bỏ. Bằng nhiều cách, tất cả vấn đề ấy đều đã được thể hiện turớc đó trên màn ảnh, nhưng Sion Sono vẫn tìm ra được cái mới mẻ (đôi lúc siêu thực) để kể lại câu chuyện ấy theo ẩn ý của riêng mình.

 

Cảnh trong phim Cold Fish.

 

Những lớp nghĩa ẩn dụ tràn ngập trong các phim của Sion Sono, từ tác phẩm đầu tay Suicide Club cho tới tác phẩm mới nhất Cold Fish. Nhiều bộ phim đánh mạnh tới nền văn hóa pop đương đại, nơi những ca khúc nhạc pop là cánh cửa dẫn thanh niên tới cái chết (Suiside Club), đi theo phong cách thời trang biến con người trở thành nô lệ (Exte: Hair Extension), hoặc ánh hào quang tự do của các đô thị lớn làm lung lay niềm tin vào các gia đình tỉnh lẻ (Noriko's Dinner Table).

Thông điệp phản Chúa (Thiên Chúa giáo) cũng được thể hiện rất rõ xuyên suốt trong các tác phẩm của Sion. Đó là các nữ tu đi tiếp khách và nói năng bỗ bã trong Strange Circus, tiếng nhạc của Giáng Sinh an lành vang lên khi một cô gái bị bạo hành trong phim Exte, hay việc biến một nhà thờ nhỏ trở thành nơi phi tang xác chết trong phim Cold Fish. Đỉnh cao của tinh thần phản kháng này đã được đúc kết trong bộ phim Love Exposure, lột trần sự phi lý và đạo đức giả của các tổ chức tôn giáo. Trong phim, một vị cha sứ bắt người con trai đi xưng tội mỗi ngày, kể cả khi cậu có lỗi hay không, và dẫn tới việc cậu phải gây ra tội ác thật. Không chỉ thế, Sion Sono còn xây dựng nên Zero Church (Nhà thờ Zero), một tổ chức có lớp vỏ bọc bên ngoài đầy thân thiện, nhưng sẵn sàng chém giết, tra tấn và khống chế những con người đứng trên bờ tuyệt vọng.

 

Cảnh trong phim Love Exposure.

 

Trong phim của Sion Sono, các cảnh quay đều rất dài, quay liên lục không nghỉ (long take) và tạo được một không khí chân phương, khiến cảnh phim trở nên có sức sống hiện thực hơn. Sion hiếm khi bắt diễn viên phải quay lại một cảnh phim, bởi theo ông nói, nếu như các diễn viên nghĩ rằng họ chỉ quay một lần duy nhất, họ sẽ dồn toàn bộ tâm huyết của  mình vào cảnh quay ấy. Ngoài ra, ông sử dụng nhiều tên nhân vật lặp đi lặp lại như Taeko, Mitsuko, Murata, Tetsu, Yoko để tạo sự liên kết giữa các tác phẩm của mình, biến họ thành những co người thực sự trong thế giới của Sion. Vẫn là những con người đó hiện ra, nhưng các trở ngại xảy ra với họ thì luôn khác nhau, biến các bộ phim của ông cũng trở nên phức tạp như cuộc sống vậy.

Phong cách phim của Sion rất bạo lực và quyết liệt giống như nhiều anh tài khác của điện ảnh Nhật. Thế nhưng, vượt trên những chuẩn mực về bạo lực thông thường, tính chất bạo lực, máu me trong phim của Sion còn hàm chứa nhiều ý niệm sâu sắc, ẩn giấu sâu ở các hình ảnh mang tính biểu tượng cao. Khán giả sẽ có lúc phải lấy tay mà gạt bỏ máu trên màn hình đi để thấy được lớp nghĩa ẩn sâu đầy nhân văn về cuộc sống, cái chết, các mối quan hệ đã được Sion Sono găm đầy kín kẽ trong từng khuôn hình.

 

Trích đoạn Suicide Club.

 

Trích đoạn Cold Fish.

 

Trung Rwo

Ảnh: Google

Clip: YouTube

people like INLOOK.VN fanpage