Bạn đang ở đây

Thấy gì qua "làn sóng" trở về của nghệ sĩ hải ngoại?

Cả những ca sĩ ngôi sao, đã ở tuổi xế chiều hay những ca sĩ trẻ đang cố gắng tìm chỗ đứng cho mình đều có cuộc "ra quân" rầm rộ tại quê nhà. Tại sao họ phải trở về? Những người "đi chậm", "về sau" đang phải đối mặt với những khó khăn gì?

Kỳ 1: Về nguồn

Chưa bao giờ nghệ sĩ hải ngoại trở về Việt Nam rầm rộ như trong khoảng hơn một năm trở lại đây. 15 năm trước, lớp ca sĩ hải ngoại đầu tiên trở về như: Elvis Phương, Hương Lan, Đức Huy... làm sôi động những sân khấu lớn. Kế tiếp là Tuấn Ngọc, Duy Quang, Thái Châu, Giao Linh, Khánh Hà, Lệ Thu, Thái Hiền, Thái Thảo, Phi Nhung, Quang Toàn, Gia Huy, nghệ sĩ Hoài Linh, Chí Tài...

Chỉ trong tháng 6/2011, chúng tôi tiếp xúc đến hơn 10 ca sĩ hải ngoại mới bắt đầu về Việt Nam trong một, hai tháng gần đây. Có ca sĩ từng một thời đình đám; có ca sĩ khá nổi tiếng trong cộng đồng người Việt ở Mỹ, Úc, Canada nhưng chưa quen thuộc lắm với khán giả trong nước; có ca sĩ thuộc thế hệ trẻ, đang loay hoay tìm chỗ đứng ở nơi họ đang sinh sống, hoàn toàn "mới toanh" với khán giả trong nước như Thúy Khanh, Sunny Lương, Hiếu Dũng, Nguyên Lê, Hồ Minh Chánh...

Sở dĩ chúng tôi gọi đây là những người "về muộn" bởi thứ nhất, trong khoảng 10 năm trở lại đây, các ca sĩ hải ngoại đã về Việt Nam gần như đầy đủ. Thứ hai, những ca sĩ từ hải ngoại trở về đến thời điểm này thực sự không còn thu hút khán giả như trước đây, đặc biệt giữa năm 2010 đầu năm 2011, ngoại trừ những tên tuổi như: Kim Anh, Nhật Hạ, Thanh Tuyền, Sơn Tuyền,  Lưu Bích, Ý Lan, Linda Trang Đài, Minh Tuyết, Hà Phương, Lê Uyên, Ngọc Ánh, Thu Hà, Tuấn Vũ, Mạnh Đình, Quang Lê, Dương Triệu Vũ, Trường Vũ, Tommy Ngô, Johny Dũng...

 

Quang Lê (trái) và Thanh Hà trong live show Đôi mắt người xưa. (Ảnh: Lý Võ Phú Hưng)

 

Còn nhớ cách đây năm năm, live show Tuấn Vũ lần đầu tại Việt Nam do Trung tâm băng nhạc Rạng Đông tổ chức đã lỗ nặng vì bấy giờ khán giả trong nước không mặn mà dòng nhạc này. Thế nhưng một, hai năm gần đây thị trường âm nhạc bắt đầu bão hòa; các sân khấu, chương trình ca nhạc quanh đi quẩn lại chỉ bấy nhiêu ca sĩ, bấy nhiêu bài hát; các sáng tác mới không thực sự tạo được dấu ấn trong lòng khán giả, thì sự trở về của các ca sĩ hải ngoại với dòng "nhạc sến" là một sự thay đổi khẩu vị đối với khán giả trong nước. Họ đón nhận những ca sĩ hải ngoại như những đứa con đi xa mới về với tất cả ưu ái, mặc dù bây giờ phần lớn những giọng ca này đã ở tuổi về chiều, thanh sắc và phong độ không còn như trước.

Hỏi lý do trở về với bất kỳ ca sĩ nào chúng tôi cũng đều được nghe câu trả lời: "Về để được phục vụ khán giả quê nhà". Đúng, tìm về cội nguồn là xu hướng tất yếu, không riêng gì nghệ sĩ mà bất cứ một người con xa xứ nào cũng mong mỏi. Thế nhưng, bên cạnh đó không thể không đề cập đến thị trường ca nhạc ở Mỹ và trong cộng đồng người Việt ở các nước lân cận hiện nay, các ca sĩ Việt Nam rất khó để tạo dựng được tên tuổi và rất ít show diễn. Gần như ca sĩ nào cũng phải kiếm sống bằng nghề khác, thậm chí có người còn phải lao động chân tay. Những tên tuổi như Khánh Hà, Minh Tuyết, Bằng Kiều, Quang Lê... có thể kiếm được 3.000-5.000 USD (tương đương 60-100 triệu đồng) ở một show lớn, nhưng có khi cả tháng trời mới có một show như vậy.

Phần lớn các ca sĩ phải đi hát đám cưới, sinh nhật, hội chợ hoặc những địa điểm tổ chức kiểu "mì ăn liền" như các chương trình tạp kỹ ở tỉnh. Tuy nhiên, để được hát ở những chỗ này cũng không hề đơn giản, phải có mối quan hệ quen biết, chưa kể sự cạnh tranh không lành mạnh theo phe cánh. Ngay cả Khánh Ly cũng từng tâm sự trên báo là có lúc phải làm thêm dưa chua, cà pháo bỏ mối để kiếm sống. Thế nên những sự "trở về" này như là một xu hướng tất yếu. Về biểu diễn trong nước, tuy cát-xê không cao, nhưng có nhiều show diễn, thậm chí có đến 2-3 show trong một đêm.

 


  Tóc Tiên (áo cam) biểu diễn trong một chương trình của cộng đồng người Việt ở Mỹ. (Ảnh: Youtube)

 

Sự thành công của các live show Tuấn Ngọc, Tuấn Vũ, Khánh Hà, Lưu Bích, Minh Tuyết, Trường Vũ, Quang Lê... đã khiến cho các ca sĩ chưa từng về nước nhộn nhịp với kế hoạch "về nguồn". Trong đó gồm những ca sĩ thuộc thế hệ trước và cả những ca sĩ trẻ như đã đề cập ở trên. Giới bầu show trong nước cũng tập trung khai thác các ca sĩ hải ngoại. Mặc dù được chào đón nồng nhiệt nhưng không phải show diễn nào cũng thành công, bởi còn tùy thuộc vào vùng miền. Ví dụ live show xuyên Việt Đôi mắt người xưa của Quang Lê khi tổ chức ở Hà Nội thì lại quá thành công, trong khi đưa về Cần Thơ và Đà Nẵng lượng vé bán không được như mong đợi.

Ngay tại thành phố Hồ Chí Minh, không phải sân khấu, phòng trà nào cũng có thể tổ chức được các chương trình hoặc live show cho ca sĩ hải ngoại. Phần lớn nhà tổ chức hoặc bản thân ca sĩ hải ngoại đều nhắm đến sân khấu Trống Đồng, kế đến là Lan Anh. Nhà hát Hòa Bình thì chỉ có những giọng ca thuộc dòng "nhạc sang" như Elvis Phương, Tuấn Ngọc, Khánh Hà... mới có thể tổ chức được. Tuấn Ngọc khi mới về Việt Nam cũng đã có hai đêm diễn rất thành công tại đây.

Còn nếu làm mini live show thì ở phòng trà Tiếng Xưa. Đây là nơi được các ca sĩ hải ngoại nhắm đến. Có những đêm diễn rất thành công như live show của ca sĩ Ý Lan, Nhật Hạ, Tuấn Ngọc, Tuấn Vũ, Randy... Tuy nhiên, cũng có những live show chỉ bán được hơn 30 vé.

 

Lưu Bích biểu diễn trong live show Hương thời gian. (Ảnh: Quang Khải)

 

Nhiều người cho rằng dòng "nhạc sến" dễ nghe, không kén khán giả là không chính xác, bởi theo như phân tích ở trên, cũng khá kén khán giả và kén sân khấu. Sự đón nhận nồng nhiệt ban đầu của khán giả một phần cũng vì "khẩu vị lạ". Một cái khó nữa của nhà tổ chức chính là những đòi hỏi về cát-xê cao ngất ngưởng của ca sĩ hải ngoại. Trong cộng đồng người Việt ở Mỹ, những ca sĩ không tên tuổi đi hát đám cưới hoặc các show kiểu hội chợ cũng được 500 USD (10 triệu đồng) một show, những ngôi sao dao động trong khoảng 3.000-5.000 USD (tương đương 60-100 triệu đồng) một show.

Ca sĩ Duy Quang, chủ phòng trà Duy Tân từng kêu trời khi mời một nữ ca sĩ hải ngoại, chị này cứ nhất quyết đòi 3.000 USD (tương đương 60 triệu đồng), trong khi số ghế của phòng trà chỉ khoảng 100. Chủ phòng trà Tiếng Xưa cũng than thở khi một nữ danh ca ngoài chuyện lấy cát-xê 2.000 USD (tương đương 40 triệu đồng) một đêm, còn đòi phải được ở khách sạn 5 sao và có xe đưa đón trong những ngày về Việt Nam.

Một vài ca sĩ không phải vô danh nhưng cũng không phải ngôi sao, khi về Việt Nam cứ nhất quyết đòi cát-xê 25-35 triệu đồng một show, chưa kể buộc đơn vị tổ chức phải mời thêm các em, cháu của ca sĩ này hát cùng, với cát-xê cũng cao ngất ngưởng. Một đơn vị tổ chức xin được giấu tên nói rằng, một vài lần đầu khi mới lạ còn bán được vé nên bấm bụng mời chứ không thể mời đến lần thứ ba, thứ tư vì khán giả không còn tò mò. Với mức cát-xê như vậy, thà mời những ngôi sao trong nước có lượng khán giả đông hơn mà không kén sân khấu.
 

Theo CA

people like INLOOK.VN fanpage