Bạn đang ở đây

Tính nhân văn của Tác động vì hòa bình

40 bức ảnh đen trắng của nhiếp ảnh gia Sean Sutton như một câu chuyện được kể bằng hình về những con người chịu ảnh hưởng của chiến tranh đến những hành động tích cực của Nhóm cố vấn bom mìn tại vùng đất đã bị chiến tranh tàn phá.

Buổi triển lãm nhằm tôn vinh các tác phẩm của nhiếp ảnh gia Sean Sutton, người đã từng dành được rất nhiều giải thưởng quốc tế, đồng thời triển lãm cũng là nơi trưng bày hình ảnh về hoạt động của Nhóm cố vấn bom mìn (MAG) - tổ chức phi chính phủ hoạt động rà phá và xử lý bom mìn của Anh đã hoạt động tại Việt Nam từ năm 1999.

Trong hơn 20 năm qua, nhiếp ảnh gia Sean Sutton đã đặt chân đến nhiều nơi trên thế giới để ghi lại hình ảnh người dân trong và sau những cuộc chiến. Ông đã đến với những người dân Karen trong cuộc nội chiến tại Burma từ năm 1989 đến 1991 và năm năm tiếp sau đó, Sean liên tục có mặt tại Yugoslavia cũ, Campuchia, Afghanistan, Angola, Albania và Lào.

 

Đám trẻ Kosovo hồn nhiên chơi đùa trên chiếc xe tăng đã bị phá hủy (1999).

 

Một người dân Iraq bên cạnh chiếc xe tăng bỏ phế cùng vỏ mìn vương vãi vào năm 2003 - thời điểm khốc liệt nhất của cuộc chiến Iraq - Mỹ.


Cũng như phương thức hoạt động của các cơ quan báo chí quốc tế, Sean thường xuyên hợp tác với các cơ quan cứu trợ hoạt động trong các lĩnh vực phát triển và cứu trợ khác nhau. Năm 1993, với các kinh nghiệm ban đầu của mình, Sean đã quyết định tập trung vào lĩnh vực bom mìn và dành nhiều thời gian chụp hình về đề tài này bất kể trách nhiệm và công việc khó khăn thế nào.

Suốt 14 năm làm việc cho tổ chức MAG, Sean liên tục có các chuyến đi tới nhiều quốc gia trên thế giới, như Lebanon, Sri Lanka, Iraq, Việt Nam và Sudan, ghi lại những hình ảnh về ảnh hưởng của bom mìn, vật liệu chưa nổ, các loại vũ khí chiến tranh... đối với người dân và những giải pháp mà tổ chức MAG mang tới.

 

Nhiếp ảnh gia Sean Sutton bên cạnh những tác phẩm của mình trong cuộc triễn lãm tại Bảo tàng Chiến tranh hoàng gia phía Bắc, Manchester, Vương quốc Anh.


Từ đây, công việc của Sean đã cho ra đời những bộ ảnh, những cuộc triển lãm ảnh, các thước phim và các ấn phẩm đầy ý nghĩa phục vụ cho hoạt động giáo dục, tuyên truyền đa phương tiện của MAG.

Các bức ảnh của Sean được xuất bản rộng rãi trên nhiều đầu báo và tạp chí. Sean cũng đã nhận được rất nhiều giải thưởng với các tác phẩm của mình. Các cuộc triển lãm ảnh của ông được tổ chức nhiều nơi trên thế giới.

 

Nông dân Nguyễn Đức Cảnh, 40 tuổi, ở Quảng Trị, bên cạnh con gái của mình. Anh bị mất một mắt, hai ngón tay và bị nhiều vết thương khác khi rà mìn để bán phế liệu vào năm 2005. Ảnh được chụp vào năm 2007.

 

Candre Antonio, 13 tuổi, ở Amazon, mất một chân và bị thương ở đầu do bom mìn.


40 bức ảnh đen trắng của Sean Sutton như một câu chuyện được kể bằng hình ảnh về những con người chịu ảnh hưởng của chiến tranh đến những hành động dũng cảm của các nhân viên bản địa MAG và tác động tích cực của những hành động này đối với sự phát triển về kinh tế và xã hội.

Triển lãm diễn ra tại Ngôi Nhà Nghệ Thuật (Maison des Arts - 31A Văn Miếu, Hà Nội), từ ngày 7 đến 16/10/2011.

Một số tác phẩm ấn tượng khác của Sean Sutton:

 

Chai - 18 tuổi, và em trai Song - 12 tuổi, người Lào, đánh cược mạng sống của mình với thần chết để rà mìn bán phế liệu. Mỗi đợt rà mìn như vậy, hai chị em phải lang thang trên núi có khi đến một tuần và sống lây lất bằng cơm nắm. Xe tải đến vùng núi này thu mua phế liệu mỗi ngày.

 

Một nhân viên của tổ chức MAG tại Angola đang cẩn thận tháo gỡ một quả mìn (1995).

 

Một tay súng của tổ chức Những Con Hổ Tamil. Ảnh được chụp tại Sri Lanka vào năm 2002.

 

Vô số làng mạc phía Sri Lanka đã bị phá hủy nặng nề vì chiến tranh.

 

Những cậu bé đang chơi trò tập trận trên đống đổ nát ở Misrata.

 

Xem video clip Sean Sutton chia sẻ cảm xúc của mình tại triển ảnh Surviving the Peace ở Bảo tàng Chiến tranh hoàng gia phía Bắc, Anh, vào tháng 6/2011.

 

Châu Minh

Clip: YouTube

people like INLOOK.VN fanpage