Mẹ ăn con lớn

Nguồn dinh dưỡng đầu đời sẽ ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe cũng như sự phát triển toàn diện của trẻ sau này, và sữa mẹ chính là thức ăn hoàn hảo mà tạo hóa ban tặng cho các bé thơ.
"Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ" - thông điệp này xuất hiện gần như thường xuyên trên các phương tiện truyền thông, đủ để thấy tầm quan trọng và những lợi ích của sữa mẹ - thức ăn đầu tiên lý tưởng nhất cho các thiên thần nhỏ.

 
Sau khi sinh, các bà mẹ vẫn phải tiếp tục chế độ dinh dưỡng tương tự khi mang thai. Phụ nữ cho con bú có nhu cầu năng lượng rất cao; trung bình mỗi ngày, một bà mẹ "sản xuất" khoảng 600 - 1000ml sữa. Điều này đòi hỏi cơ thể phải nạp thêm ít nhất 500 calo mỗi ngày để đảm bảo sức khỏe cho mẹ và lượng sữa cần thiết cho bé.

Chất lượng sữa mẹ chỉ bị ảnh hưởng trong trường hợp bị thiếu hụt dinh dưỡng trầm trọng, khi kiêng khem quá mức hoặc do ăn quá nhiều loại thức ăn nào đó; nhưng số lượng sữa thì phụ thuộc rất nhiều vào chế độ ăn uống của người mẹ. Thực phẩm hấp thu trong giai đoạn này không chỉ đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng tăng đáng kể sau khi sinh của mẹ, mà còn dùng để sản sinh sữa cho con.

 

Trẻ sơ sinh có thể nhận đến 1000 calo mỗi ngày từ sữa mẹ; nếu mẹ không nạp đủ năng lượng, sữa vẫn được duy trì cho bé, nhưng cơ thể mẹ sẽ suy kiệt dần vì phải ưu tiên năng lượng cho việc sản xuất sữa. Cơ chế này cũng tương tự như khi mang thai, nhu cầu dinh dưỡng của bào thai sẽ được đáp ứng trước nhu cầu của thai phụ.
 
Vậy các bà mẹ nên ăn uống thế nào?

Đa dạng và đủ 4 nhóm



Hiện nay có rất nhiều bà mẹ vẫn còn thói quen kiêng khem qua mức sau khi sinh. Thói quen này hình thành từ những kinh nghiệm dân gian của ông bà xưa với khá nhiều "cấm đoán" và răn đe về những tác hại về sau nếu không tuân thủ nghiêm ngặt. Điều đáng nói là những thực đơn cho "bà đẻ" theo kiểu này thường nhiều chất béo, thiếu chất xơ và không cung cấp đủ những vitamin cũng như khoáng chất cần thiết cho cả hai mẹ con.


Thực tế, chế độ ăn uống của bà mẹ sau khi sinh cũng gần như khi mang thai, nghĩa là nên đa dạng và nhiều dinh dưỡng. Ăn nhiều loại thực phẩm không chỉ giúp cơ thể hấp thu nhiều dưỡng chất cần thiết mà còn khiến mẹ cảm thấy ngon miệng; điều này khá quan trọng, vì một số bà mẹ sau khi sinh do mệt mỏi hoặc stress trở nên chán ăn, cảm giác này sẽ tăng lên trầm trọng nếu bữa ăn quá đơn điệu và nhàm chán.

Ngoài việc tăng cường protein, các bữa ăn cần phải đáp ứng đủ nhu cầu về chất sắt, kẽm, magiê, vitamin D, vitamin E và acid folic. Kẽm có trong thịt, trứng và ngũ cốc. Magiê có trong ngũ cốc và các loại đậu. Vitamin E có trong các loại hạt, dầu thực vật và ngũ cốc. Thịt, cá, trứng, các loại rau lá xanh cũng giàu chất sắt.

 
Hạn chế thức ăn nhiều chất béo, đường, chúng không chỉ khiến mẹ tăng cân nhiều mà còn dẫn đến nguy cơ béo phì, tiểu đường cho bé. Không nên dùng thực phẩm chưa nấu chín kỹ. Thức ăn nhiều gia vị cay nồng đôi khi cũng khiến bé khó chịu. Tốt nhất mẹ nên theo dõi phản ứng của bé, vì "mẹ ăn gì, con hưởng nấy", nếu để ý quan sát, bé sẽ cho bạn biết chính xác những món nào nên loại ra khỏi thực đơn của mình.
 
Nếu bạn hoặc gia đình không có tiền căn dị ứng thức ăn thì hãy yên tâm, hầu hết thực phẩm bạn dùng sẽ không gây vấn đề gì với con. Một số món như sữa tươi, trái cây thuộc họ cam quýt, đậu phộng... có thể khiến bé đau bụng, thở khò khè hay khó chịu. Thường thì khoảng 4 - 6 tiếng kể từ khi mẹ dùng thức ăn, sữa sẽ bị ảnh hưởng.
 
Khi cho con bú, mẹ thường có cảm giác mau đói. Nhưng 5 - 6 bữa ăn nhỏ sẽ tốt hơn 3 bữa chính ê hề cộng các món ăn vặt "dằn bụng" khi đói. Những bữa ăn nhỏ có thể ăn cháo, bánh canh, phở, bún... hoặc bất cứ món gì bạn thích, miễn là vẫn đảm bảo đầy đủ các thành phần dinh dưỡng như trên.
 
Mặt khác, ăn uống với số lượng vừa đủ và trải đều trong ngày cũng có lợi cho hệ tiêu hóa. Mỗi lần ăn nhẹ cũng là một cơ hội để uống thêm nước, ăn thêm một sản phẩm từ bơ sữa ít béo hoặc một miếng trái cây. Với cách ăn này, cơ thể bạn lúc nào cũng có đủ lượng calo cần thiết.
 
Tăng cường chất xơ bằng cách ăn nhiều rau, trái cây hoặc uống nước ép trái cây để tránh tình trạng táo bón sau khi sinh, lại thêm vitamin và khoáng chất cho cơ thể.
 
Cắt giảm tối đa món nhiều chất béo bão hòa và đường như khoai tây chiên, bánh kẹo, nước ngọt... để không thừa cholesterol.


Nên uống nhiều hơn

Thành phần chính của sữa mẹ là nước, vì vậy mẹ cần phải uống nhiều hơn bình thường để đảm bảo lượng sữa cho con và cả lượng nước cần thiết cho cơ thể mình. Nước lọc, nước ép trái cây, nước súp, canh hoặc sữa đều tốt. Nên uống ít nhất từ 6 - 8 ly nước một ngày, ngay khi cảm thấy khát hoặc mỗi khi cho con bú. Uống nước nhiều sẽ giúp sản sinh sữa mẹ đều đặn, tránh tình trạng mất nước, táo bón và ngăn ngừa tắc sữa.
 
Trong thời kỳ cho con bú, mẹ cần tuyệt đối kiêng bia rượu, thức uống có cồn, hạn chế tối đa thức uống chứa cafein hoặc chất kích thích. Những loại thức uống "bổ dưỡng" theo kiểu truyền miệng cũng không nên dùng nếu không có cơ sở khoa học.

 

Không nhiều không ít

Nhu cầu dinh dưỡng của phụ nữ cho con bú đương nhiên cao hơn bình thường, nhưng cũng nên cân bằng ở mức hợp lý. Sự điều độ lúc nào cũng cần thiết, vì vậy mẹ chỉ nên ăn đủ, không cần phải ép mình bồi bổ quá mức để rồi sau đó lại khổ sở với số cân thừa "chẳng biết để đâu cho hết".
 
Có những bà mẹ than thở về việc "ăn nhiều, sữa nhiều nhưng con vẫn cứ... còi", và cũng có những bà mẹ nuôi con bụ bẫm đến... hết hồn. Vì sao? Đó là vì sự mất cân đối trong dinh dưỡng, việc tăng cường bồi bổ hay kiêng khem quá đáng đều tai hại như nhau.


Vậy "bao nhiêu cho đủ" và "cái nào thì cần"? Hãy lưu ý hai vấn đề sau:

Lắng nghe nhu cầu bản thân và quan sát phản ứng của con: không có chuẩn mực hay định lượng nào chính xác cho tất cả mọi người, có thể với người này là ít, với người kia là nhiều. Vì vậy hãy ăn theo nhu cầu của cơ thể, nhưng nếu nhu cầu đó đi ngược lại những nguyên tắc ăn uống lành mạnh thì phải điều chỉnh ngay. Cần phân biệt nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể với nhu cầu thỏa mãn vị giác, vì một đằng là "ăn cho đủ" và một đằng là "ăn cho sướng miệng, cho đã thèm"...
 
Ngoài ra, mỗi em bé cũng sẽ có phản ứng khác nhau với những loại thực phẩm tiêu thụ của người mẹ. Do đó mẹ cần phải quan sát kỹ con mình để nắm bắt kịp thời những dấu hiệu cho thấy bé đang "phản đối". Nói nôm na, nếu con có biểu hiện khác thường thì trước hết, mẹ nên kiểm tra lại những thứ mình đã ăn trong vòng 24 tiếng. Bằng cách này, dần dần bạn sẽ xây dựng được chế độ ăn an toàn và hợp lý cho cả hai mẹ con.
 
Ghi nhớ quy luật của tháp dinh dưỡng từ đó bạn sẽ rút ra được tầm quan trọng và số lượng cần thiết của các thành phần dinh dưỡng để có thể kết hợp tốt các loại thực phẩm khác nhau sao cho đủ chất và lượng.
 
Cuối cùng, ngoài chế độ ăn uống cân đối và hợp lý, mẹ cũng cần giữ tinh thần thoải mái, vì tâm trạng ảnh hưởng rất nhiều đến số lượng và chất lượng sữa. Nên nhớ rằng tại thời điểm này, "ưu tiên số một" chính là thiên thần bé nhỏ của bạn; vì thế, bằng mọi cách hãy nâng niu và gìn giữ nguồn thức ăn quý giá cho con, bạn nhé!


Theo Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Ánh - Khoa Sản Phòng khám Quốc tế Victoria Healthcare

 

 

people like INLOOK.VN fanpage