Bạn đang ở đây

5 'đại hạn' lớn của Việt Nam năm 2013

Một loạt các vụ việc “động trời” trong y tế, giáo dục, giao thông, thực phẩm,… liên tiếp xảy ra gây bức xúc trong dư luận.
“Đại hạn” của ngành y tế

Một loạt các vụ việc “động trời” của ngành y tế liên tiếp xảy ra gây bức xúc trong dư luận trong năm 2013. Đầu tiên là sự kiện nhiều trẻ tử vong sau khi tiêm vắc xin Quainvaxem (thuộc chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia). Sự kiện này bắt đầu xảy ra từ cuối năm 2012 và kéo dài gần như xuyên suốt trong cả năm 2013.

Trong khi vắc xin dịch vụ trở nên “đắt hàng” hơn trước những sự cố liên quan đến Quinvaxem thì lại xảy ra “scandal” ăn bớt vắc xin ở Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội vào tháng 5/2013. Đặc biệt nghiêm trọng vào đầu tháng 8/2013, vụ việc “nhân bản kết quả xét nghiệm” để rút ruột BHYT diễn ra tại bệnh viện đa khoa huyện Hoài Đức (Hà Nội) bị phanh phui khiến dư luận bàng hoàng, phẫn nộ.

Gần đây nhất là vụ việc bác sỹ của thẩm mỹ viện Cát Tường không có giấy phép làm chết người sau đó phi tang khiến dư luận không khỏi xôn xao.

Tai nạn giao thông thảm khốc

Năm 2013 là năm thứ 2 số người chết vì tai nạn giao thông ở mức dưới 10.000 người, nhưng vẫn cao hơn so với năm 2012, đặc biệt là những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.

Tai nạn giao thông thảm khốc và khiến nhiều người thương vong nhất trong năm 2013 là vụ xe khách đấu đầu, hơn 60 người thương vong. 9 người đã chết tại chỗ, 2 người chết trên đi cấp cứu và 1 người chết tại bệnh viện, cùng với đó là hơn 50 người bị thương, hai xe khách bẹp dúm. Cơ quan chức năng đã phải dùng xe cẩu, máy cắt khung xe để cứu người và xử lý vụ việc.

Một vụ việc đau thương khác khiến những cô giáo nghèo đã kết thúc dang dở trong chuyến du lịch định mệnh. Vụ tai nạn thương tâm này xảy ra lúc 9h45 sáng 7/6 trên đường đèo Khánh Lê - Đà Lạt, thuộc địa phận xã Sơn Thái, huyện Khánh Vĩnh (tỉnh Khánh Hòa).

Ngày 25/10, xe ô tô khách BKS 15B-01076 chở 47 người từ Hải Phòng lên lễ đền Bảo Hà (Bảo Yên, Lào Cai), đã bị mất phanh, lao xuống vực sâu hơn 30 mét. Vụ tai nạn khiến 7 người chết và 29 người bị thương.

Góc tối ngành giáo dục 2013

Trong năm qua, ngành giáo dục cũng không ít lần làm dậy sóng dư luận vì những câu chuyện không hề mới như chuyện lạm thu, gian lận thi cử, trẻ bị bạo hành trên lớp học,… 

Đầu năm học 2013-2014, Sở Giáo dục Hà Nội đã thành lập 20 đoàn thanh tra làm việc tại 121/2.500 trường và đã phát hiện ra nhiều sai phạm trong việc thu chi tại nhiều trường. Các khoản thu như tiền vệ sinh lớp, photo tài liệu, tiền kiểm tra, mua vở học sinh,…đều là những khoản không nằm trong bản quy định của Sở nhưng nhiều trường như THCS Bình Minh (Thanh Oai); THCS Huy Tưởng (Đông Anh) vẫn dự kiến thu… Tình trạng này cũng diễn ra ở nhiều tỉnh thành khác trên cả nước.

Đáng báo động nhất là nạn bạo hành trẻ nhỏ. Clip ghi lại hình ảnh những đứa trẻ ở trường mầm non tư thục Phương Anh (TP.HCM) bị bảo mẫu ép buộc ăn uống bằng những hành động bạo lực như tát đánh, ghì đầu, bịt mũi bắt ăn,… khiến dư luận bàng hoàng. Mỗi một bữa ăn nơi đây giống như vừa trải qua “địa ngục” với các em nhỏ khi luôn trong sợ sệt, chan chứa nước mắt. Và đến khi về nhà các em cũng khỏi ám ảnh, không dám nói với cha mẹ, ngủ cũng không ngon giấc vì sang chấn tâm lý.

Cháy nổ kinh hoàng

Vụ nổ ở nhà "Phương khói lửa" khiến 11 người chết; 26 người thiệt mạng sau khi kho pháo hoa Phú Thọ nổ tung; Cháy "trung tâm vui chơi" của giới trẻ Zone 9 khiến 6 người tử vong; 500 tỷ đồng bị thiêu rụi trong vụ cháy TTTM Hải Dương...là những vụ, cháy nổ để lại hậu quả đau lòng nhất trong năm 2013.

Nghiêm trọng nhất là vụ nổ pháo hoa 26 người chết, 98 người bị thương tại nhà máy sản xuất pháo hoa Z121 (Thanh Ba) vào sáng ngày 12/10 đã khiến 26 người tử vong và 98 người bị thương, trong đó nhiều trường hợp bị bỏng trên 90% cơ thể phải cấp cứu tại Viện Bỏng quốc gia.

Scandal thực phẩm bẩn chấn động dư luận năm 2013

Thực phẩm bẩn, chứa chất độc hại hưởng tới sức khỏe luôn là vấn đề nhức nhối chưa có cách giải quyết. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay các vụ thực phẩm bẩn liên tục được phanh phui khiến người tiêu dùng càng hoang mang, lo lắng về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đầu tháng 7/2013, Cơ quan chức năng phát hiện bún, phở trên thị trường TP HCM có chứa chất làm trắng quang học Tinopal (còn gọi là huỳnh quang). Trong 30 mẫu bún, bánh hỏi, bánh canh, bánh phở, bánh cuốn, bánh ướt… mà Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn về tiêu dùng (thuộc Hội Tiêu chuẩn bảo vệ người tiêu dùng) đã khảo sát trên thị trường ở TP HCM, có đến 24 mẫu chứa chất làm trắng quang học.

Sản phẩm sữa của tập đoàn Fonterra, nhà sản xuất sữa lớn nhất New Zealand và là nhà xuất khẩu sữa lớn nhất thế giới, bị nhiễm khuẩn. Một danh sách các nước đã nhập khẩu nguyên liệu sữa nhiễm khuẩn được Fonterra công bố. Các hãng sữa ở nhiều nước đã tiến hành thu hồi sản phẩm, một số dù có hay không có tên trong danh sách trên đã ngừng nhập khẩu các sản phẩm sữa của New Zealand.

Bên cạnh đó trà chanh, nước mía vỉa hè nhiễm khuẩn, độc tố kim loại; gia cầm nhuộm bằng bột sắt, lòng lợn được làm sạch bằng... ủng; thịt cá tẩm ướp hóa chất khiến người dân hết sức hoang mang.

 

Theo Báo Đất Việt

people like INLOOK.VN fanpage