Bạn đang ở đây

5 món quà nổi danh nhất hành tinh

Viên kim cương khổng lồ của Nữ hoàng Anh, tượng Nữ thần tự do ở Mỹ hay Cung điện Taj Mahal ở Ấn Độ là những món quà thể hiện tình cảm nổi danh nhất thế giới.
Quà Quốc vương Ảrập Xêút tặng Tổng thống Obama

Nhằm củng cố mối quan hệ với Mỹ, Quốc vương Abdullah của Ảrập Xêút đã tặng Tổng thống Mỹ Barack Obama hàng loạt đồ trang sức, sách hiếm và các mặt hàng giá trị khác khi ông nhậm chức nhiệm kỳ đầu. Giới phân tích đánh giá món quà của ông hoàng dầu mỏ vượt quá giới hạn của phép lịch sự thông thường. Có lẽ nó là món quà đắt tiền nhất mà các nguyên thủ dành tặng cho nhau trong vài thập niên gần đây.

Món quà Quốc vương Abdullah tặng Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh: Toptenz.

Một phần món quà là bộ sưu tập đá quý sang trọng trị giá 190.000 USD (một viên đá hồng ngọc và một bộ đồ trang sức kim cương có giá trị khoảng 132.000 USD). Bộ quà tặng của Quốc vương Abdullah bao gồm nhiều món đồ khác, với tổng giá trị đạt 300.000 USD.

Tượng Nữ thần Tự do

Nằm trên đảo Liberty tại cảng New York, tượng Nữ thần Tự do là một trong những biểu tượng nổi danh nhất của nước Mỹ. Bức tượng với chiều cao 46 m là món quà tuyệt vời mà người Pháp dành tặng người Mỹ nhằm tôn vinh tình hữu nghị giữa hai nước. Nó là tác phẩm của nhà điêu khắc Bartholdi nổi tiếng.

Tượng Nữ thần Tự do người Pháp tặng người Mỹ. Ảnh: Toptenz.

Với hình dáng của Nữ thần Libertas – thần Tự do trong thần thoại La Mã, tay phải tượng cầm ngọn đuốc trong khi tay trái ôm tấm bia đá khắc ngày nước Mỹ giành độc lập. Chân tượng giẫm lên một đoạn xích gãy, thể hiện sự chiến thắng của tự do. Chi phí xây dựng bức tượng là 530.300 USD, do người Pháp trả. Phần bệ trị giá 280.000 USD do dân chúng Mỹ đóng góp.

Viên kim cương Orlov

Orlov là tên món quà mà bá tước Grigory Orlov tặng Nữ hoàng Nga Catherine đệ nhất sau khi bà cử 800 nông nô tới giúp Orlov xây dựng cung điện tráng lệ. Món quà là một viên kim cương to bằng nửa già quả trứng chim bồ câu. Nó có màu xanh lá cây, khối lượng 198,62 carat.

Viên kim cương Orlov trên quyền trượng của Nữ hoàng Nga Catherine đệ Nhất. Ảnh:Toptenz.

Trên thực tế, viên kim cương Orlov được coi là món quà vô giá. Nữ hoàng Catherine đệ nhất dùng nó làm vật trang trí trung tâm trên chiếc vương trượng của bà. Người ta ước đoán viên đá quý trị giá 400.000 rúp theo tỷ giá năm 1798, một số tiền thực sự lớn vào thời điểm bấy giờ.

Viên kim cương Kohinoor

Kohinoor là viên kim cương khổng lồ, được khai quật ở bang Andhra Pradesh, Ấn Độ từ nhiều thế kỷ trước. Nó là viên kim cương lớn nhất mà con người tìm thấy. Ban đầu, Kohinoor thuộc sở hữu của vua Ấn Độ nhưng sau đó nó rơi vào tay người Anh khi quân đội Hoàng gia đánh bại vua Maharajah Dhulip Singh.

Viên kim cương Kohinoor. Ảnh: Toptenz.

Để tránh mang tiếng cướp bóc, người Anh dựng kịch bản để buộc Maharajah Dhulip Singh phải tặng viên đá quý cho Nữ hoàng Elizabeth. Bất chấp tính miễn cưỡng của hành động tặng quà, sử sách vương quốc Anh vẫn ghi nhận Kohinoor là tặng phẩm dành cho Nữ hoàng. Ngày nay, viên kim cương Kohinoor bị cắt thành nhiều mảnh nhỏ, trong đó khối lượng mảnh lớn nhất chỉ bằng một nửa so với viên đá ban đầu.

Trên thực tế, các tài liệu chưa bao giờ ghi lại giá trị của viên kim cương Kohinoor. Tuy nhiên, những phần còn sót lại của viên đá này vẫn là trang sức quý giá nhất trong bộ sưu tập nữ trang của Hoàng gia Anh, trị giá khoảng 10 tới 12,7 tỷ bảng. Giới chuyên gia đoán viên kim cương lớn nhất trong bộ sưu tập có giá vài tỷ bảng.

Đền Taj Mahal

Người Ấn Độ coi ngôi đền Taj Mahal là biểu tượng vĩnh cửu của tình yêu đích thực. Năm 1632, Hoàng đế Shah Jahan ra lệnh xây dựng ngôi đền vĩ đại hoàn toàn bằng đá cẩm thạch trắng để thể hiện tình yêu ông dành cho người vợ Mumtaz Mahal đoản mệnh. Nó được coi là hình mẫu tuyệt vời nhất của kiến trúc Môgôn, tổng hợp những nét tinh hoa của kiến trúc Ba Tư, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Hồi giáo.

Ngôi đền Taj Mahal lừng danh. Ảnh: Toptenz.

Công chúa Ba Tư Mumtaz Mahal là người vợ mà Hoàng đế Shah Jahan hết mực yêu thương. Sau khi bà qua đời năm 39 tuổi, Hoàng đế Jahan ra lệnh xây dựng ngôi đền để tưởng nhớ bà. 20.000 công nhân và thợ thủ công phải làm việc liên tục trong 22 năm để hoàn thành ngôi đền. Chi phí xây dựng nó lên tới 32 triệu rupee, tương đương 710.000 USD theo tỷ giá năm 1653. Đây là số tiền khổng lồ ngoài sức tưởng tượng thời bấy giờ.

Theo Zing

people like INLOOK.VN fanpage