Bạn đang ở đây

Bán hàng trên Facebook vẫn phải tuân thủ Nghị định 52/2013/NĐ-CP

Facebook không có đại diện (chi nhánh, văn phòng đại diện hay tên miền.vn) tại Việt Nam, nên không chịu sự chi phối của Nghị định 52/2013/NĐ-CP, nhưng cá nhân bán hàng trên mạng xã hội này vẫn phải tuân thủ các quy định trong Nghị định 52.
Trước những nhập nhằng về các website bán hàng khiến người tiêu dùng không thể phân biệt được, đang gây xôn xao dư luận và trên mạng xã hội hiện nay. Ngày 9/01/2013, Sở công thương TP.HCM phối hợp với Cục thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (VECITA), Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức buổi tập huấn về pháp lý thương mại điện tử nhằm làm rõ cho những tổ chức, cá nhân hoạt động buôn bán điện tử nắm bắt thông tin rõ ràng nhất.

Tại buổi tập huấn, bà Nguyễn Thị Hạnh, trưởng đại diện Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (VECITA) giải đáp những thắc mắc xung quanh hoạt động thương mại điện tử (TMĐT).Theo đó, TMĐT là việc tiến hành một khâu hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động thương mại bằng phương tiện điện tử có kết nối với nạng Internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác. Còn hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi bao gồm mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại… Các đối tượng áp dụng bao gồm thương nhân, tổ chức, cá nhân Việt Nam.Cá nhân nước ngoài cư trú tại Việt Nam và thương nhân, tổ chức nước ngoài có sự hiện diện tại Việt Nam (chi nhánh, văn phòng đại diện, tên miền.vn).

Người bán hàng trên Facebook phải tuân thủ quy định tại điều 37 Nghị định 52/2013/NĐ-CP

Về quy định website Thương mại điện tử: theo khoản 8, điều 3, Nghị định 52/2013/NĐ-CP, Website thương mại điện tử (dưới đây gọi tắt là website) là trang thông tin điện tử được thiết lập để phục vụ một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động mua bán hàng hóa hay cung ứng dịch vụ, từ trưng bày giới thiệu hàng hóa, dịch vụ đến giao kết hợp đồng, cung ứng dịch vụ, thanh toán và dịch vụ sau bán hàng. Và tại khoản 1 và 2 điều 25, Nghị định này cũng nêu rõ, Website thương mại điện tử bán hàng là website thương mại điện tử do các thương nhân, tổ chức, cá nhân tự thiết lập để phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ của mình.  Website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử là website thương mại điện tử do thương nhân, tổ chức thiết lập để cung cấp môi trường cho các thương nhân, tổ chức, cá nhân khác tiến hành hoạt động thương mại. Website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử bao gồm các loại sau: Sàn giao dịch thương mại điện tử; Website đấu giá trực tuyến; Website khuyến mại trực tuyến; Các loại website khác do Bộ Công Thương quy định.

Giải đáp phần lớn thắc mắc về việc có hay không chuyện áp dụng nghị định đối với trang mạng xã hội lớn nhất hiện nay là Facebook, bà Hạnh cho biết, với những trang mạng xã hội như Facebook.com, dịch vụ xuyên biên giới, không chịu sự chi phối của Nghị định 52, bởi Facebook không có đại diện (chi nhánh, văn phòng đại diện hay tên miền.vn) tại Việt Nam. Tuy nhiên, những cá nhân, tổ chức là người Việt Nam mua bán, trao đổi sản phẩm, hàng hóa trên Facebook, mặc dù không phải thông báo hoặc đăng ký với Bộ Công Thương, nhưng vẫn phải chịu sự chi phối của điều 37, Nghị định 52/2013/NĐ-CP.

Còn đối với những box mua bán trong diễn đàn như 5 giây, Tinh Tế… là đối tượng chịu sự chi phối của Nghị định 52/2013/NĐ-CP, kể cả các website đăng tin giới thiệu hàng hóa, chào hàng nhưng thanh toán offline vẫn được tính là một hoạt động TMĐT. Những cá nhân mua bán hoặc trao đổi thông tin, giới thiệu sản phẩm trên các trang đã có đăng kí, chỉ cần làm rõ nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm và chịu toàn bộ trách nhiệm của một người bán hàng trên sàn giao dịch liên quan đến sản phẩm của mình (quy định tại điều 37).

Mọi thủ tục đăng ký và thông báo cho Bộ Công Thương, các cá nhân, tổ chức,  đều thực hiện trực tuyến qua website: www.online.gov.vn.  Ngoài ra, trước rất nhiều thắc mắc về việc bán hàng trên trang tin điện tử, mạng xã hội, Ban tổ chức lớp tập huấn cho biết, họ sẽ tiếp tục tổ chức các lớp tiếp theo và ở các lớp này sẽ có thêm sự tham dự của Sở TT&TT.

Điều 37. Trách nhiệm của người bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử:

1. Cung cấp đầy đủ và chính xác các thông tin quy định tại Điều 29 Nghị định này cho thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử khi đăng ký sử dụng dịch vụ.

2. Cung cấp đầy đủ thông tin về hàng hóa, dịch vụ theo quy định từ Điều 30 đến Điều 34 Nghị định này khi bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trên sàn giao dịch thương mại điện tử.

3. Đảm bảo tính chính xác, trung thực của thông tin về hàng hóa, dịch vụ cung cấp trên sàn giao dịch thương mại điện tử.

4. Thực hiện các quy định tại Mục 2 Chương II Nghị định này khi ứng dụng chức năng đặt hàng trực tuyến trên sàn giao dịch thương mại điện tử.

5. Cung cấp thông tin về tình hình kinh doanh của mình khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ hoạt động thống kê thương mại điện tử.

6. Tuân thủ quy định của pháp luật về thanh toán, quảng cáo, khuyến mại, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các quy định của pháp luật có liên quan khác khi bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trên sàn giao dịch thương mại điện tử.

7. Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật. 

 

Theo ictnews

people like INLOOK.VN fanpage