Bạn đang ở đây

Bệnh "ảo" trên mạng xã hội và những “con bệnh” không thể chữa

Bản thân chẳng có gì nổi bật, nhưng trên mạng xã hội Facebook, anh Long lại thu hút khá nhiều lượt like nhờ post ảnh “ăn sung mặc sướng”, cuộc sống vương giả… sưu tầm trên mạng.

Mạng xã hội đã và đang làm thay đổi thói quen sử dụng Internet của giới trẻ, trong đó có thể nói dẫn đầu là Facebook. Hiện tại, Facebook đang thu hút khoảng 500 triệu người sử dụng ít nhất một lần mỗi ngày. Ở Việt Nam, sử dụng mạng xã hội này đã trở thành thói quen không thể thiếu của nhiều người. Không chỉ thu hút giới trẻ, ngay cả thế hệ U40, U50 cũng tự lập cho mình tài khoản Facebook để giao lưu bạn bè và quản lý con cái.

Tính năng liên kết của mạng xã hội đã khiến nhiều người tham gia không thể dứt nổi sự quan tâm thái quá, có thể nói là “nghiện”. Trung bình mỗi thanh niên Việt Nam ngồi trước màn hình mạng xã hội 60 phút mỗi ngày, chưa kể lượng lớn khác chìm đắm hàng giờ, mỗi phút lại phải “lượn” vào thế giới ảo một lần. Những người sử dụng nhiều đều phải chấp nhận sự thật: không dứt nổi mắt khỏi mạng xã hội.

Chính vì dành quá nhiều thời gian cũng như mê đắm thế giới ảo, ngoài việc đề cao thái quá hình ảnh bản thân, nhiều người sử dụng mạng xã hội còn bị ám ảnh đến mức sống ảo, xây dựng luôn cho mình một cá tính ảo không kém.

Anh Lê Long, sinh năm 1986, là nhân viên một công ty phần mềm trên phố Thái Hà. Công việc của anh khá đơn giản nhưng khô khan, không có nhiều diễn biến phức tạp. Thế nhưng, trên mạng xã hội thì anh Long hoàn toàn “lột xác thành người khác”.

Từ việc post những bức ảnh toàn gái đẹp, chụp trong khung cảnh gợi cảm như đèn ngủ mờ, phòng ốc sang trọng ấm cúng, rồi chú thích “Sáng ra chỉ cần thế này”, hoặc “Mưa quá, đi ngủ thôi”, cho đến ảnh du lịch, toàn ở các resort đắt tiền, đẹp long lanh. Nói chung là post toàn ảnh ăn sung mặc sướng, cuộc sống vương giả… Anh Long khiến người khác nghĩ rằng cuộc sống của anh là như vậy.

Facebook của anh có khá nhiều friends: khoảng 2.500 người, hầu hết toàn do anh tự add hoặc cố tình để public những bức ảnh mang tính câu view, thu hút người khác add mình. Nhưng anh Long cũng tự thú nhận, bạn thực sự biết anh chỉ khoảng 20 người. Họ cũng không quan tâm lắm đến những bức ảnh sưu tầm trên mạng kia vì biết cuộc sống ngoài đời của anh khá đơn điệu, bản thân chẳng có gì nổi bật. Nhắc đến anh Long và trang cá nhân của anh, bạn bè thường nói: “Sống ảo ấy mà, để ý làm gì!”.

Những trường hợp như Lê Long không phải là hiếm gặp trong thời buổi hiện tại. Nhiều người trẻ vò đầu bứt tai viết cho bằng được một cái status câu view, lâm ly bi đát hoặc triết lý về tình yêu, cuộc sống, mùi mẫn như một nhà văn. Nhưng thực chất ngoài đời, họ nói một câu rõ ràng chủ ngữ, vị ngữ còn khó!

Bệnh "ảo" trên mạng xã hội và những “con bệnh” không thể chữa 1


Những bức ảnh mang tính chất "hưởng thụ" như thế này chưa chắc là thật ở ngoài đời (Ảnh minh họa).

Thế giới ảo của Facebook là việc người sử dụng dành phần lớn thời gian để chỉnh sửa ảnh long lanh nhất, sưu tầm những câu nói hay nhất để chia sẻ. Nhìn lên một bức tường (wall) của ai, chỉ thấy toàn những điều tốt đẹp nhất mà người dùng cố tình chưng ra, ít ai thấy sự thật ẩn giấu sau đó. Vì ai cũng nhìn thấy như vậy, nên người ta lại càng phải bịa, phải sửa, tạo thành một dòng chảy đều đặn sự ảo tưởng. Người dùng nó đâm nghiện không cưỡng nổi, và mắc "bệnh ảo" lúc nào không hay. Tuy thế, biết là “nghiện” mà không thể chữa.

Thùy Linh (sinh năm 1993) được biết đến như một hot Facebooker với lượng ảnh đẹp nhiều hơn bất cứ hot girl nào. Thế nhưng, Linh vẫn chưa được các tạp chí dành cho giới trẻ mời đi chụp mẫu, giống như các cô gái nổi lên nhờ mạng xã hội khác. Một lý do thật dễ đoán: ngoài đời, Linh không xinh như trên Facebook, Instagram…

Cô gái này là "con nghiện" của các phần mềm ảnh như Instagram, Camera360, Photo Wonder…, chỉ cần chụp qua những phần mềm này, mặt mũi sẽ xinh hơn đáng kể với làn da trắng như tuyết, mịn màng như da em bé. Những bức ảnh chụp mặt, Linh post lên bất cứ trang mạng xã hội nào cô tham gia, đều nhận được lượng like đáng kể.

Một nhiếp ảnh gia trẻ, theo bước chân dòng like ấy tìm đến Linh, ngay lần đầu tiên đã phải thất vọng vì mặt Linh không hề mịn, mắt không tròn to và chẳng có nét gì ăn ảnh. Trước ống kính máy ảnh, bộ phận chụp ảnh phải làm việc khá vất vả để cố tìm ra nét đẹp của Linh. Sau lần đó, không ai có ý định mời hot girl Facebook và Instagram đến chụp nữa.

Biết điểm yếu của mình nếu thiếu các phần mềm chỉnh ảnh và những trang mạng xã hội kia, nhưng Thùy Linh không thể không sử dụng chúng. Cô tâm sự: “Nhờ chúng, lượng friends và follower đăng ký theo dõi mình rất nhiều. Một lời chia sẻ của mình trên Facebook luôn nhận lại nhiều comment và like ủng hộ. Buồn hay vui mình đều muốn lên đây tâm sự, post ảnh. Cảm giác được quan tâm đặc biệt thích lắm”. 

Linh cũng thừa nhận mình thật sự nghiện Facebook: “Cứ vài phút lại phải vào một lần xem những ai like và comment. Lượn feeds xem dân tình cập nhật cũng là thú vui khó cưỡng nổi”.

Và cứ thế, trên mạng xã hội xuất hiện vô vàn những hình ảnh đẹp: "tiến sĩ, giáo sư" với các câu nói triết lý lâm ly, các "hot girl" đẹp hơn cả diễn viên người mẫu, các "đại gia" với xế xịn, điện thoại đắt giá, các "dân chơi" với ảnh lung linh trên bar sàn đắt đỏ… Nhưng sự thật có như thế hay không, thì cứ gặp ngoài đời sẽ rõ!

Dường như càng ngày, nhiều người trẻ càng khó phân biệt được mối liên hệ giữa con người trong đời thật và hình ảnh bản thân tự vẽ ra trong thế giới ảo, để rồi mãi chìm đắm trong những ảo tưởng về bản thân

people like INLOOK.VN fanpage