Bạn đang ở đây

Bi kịch cụ ông tặng vợ 30 tỷ đồng để rồi… ra đường

“Sống đến cuối đời mới thấm thía... trò đời”, ông Linh gằn giọng kết luận về chuyện của mình.

Để vợ được yên lòng, ông Vương Chí Linh (70 tuổi, P.7, Q. Gò Vấp, TP.HCM) chấp nhận hạ bút ký tặng tất cả khối tài sản chung cho vợ (trị giá khoảng 30 tỷ đồng vào năm 2007). 

Thế nhưng, khi các văn bản ký tặng có hiệu lực, thì xảy ra mâu thuẫn vợ chồng nhiều hơn, đỉnh điểm là cả hai phải đâm đơn ra tòa án ly hôn. Khi bản án chưa ráo mực thì ông Linh chợt nhận ra từ một “đại gia”, bỗng chốc “trắng tay”.

Cái giá của niềm tin

Tôi đến nhà ông Linh cũng nhằm lúc đội thi hành án dân sự quận Gò Vấp đang đến cưõng chế, yêu cầu ông giao nhà cho vợ cũ là bà Nguyễn Thị Tường Vân (SN 1964, hiện cư ngụ tại địa chỉ số 443/8, Điện Biên Phủ, P.3, Q.3, TP.HCM), vì vậy ông phải làm đơn xin trú lại mấy ngày để thu xếp trước khi đi. 

Điều đáng nói, bà Vân lại là người được ông Linh tình nguyện hiến tất cả khối tài sản khổng lồ giá trị tiền tỷ trước đó. Ông Linh cho biết, khi bà Vân ra tòa đòi sở hữu tất cả tài sản thì ông không hề than vãn nhưng không ngờ bà Vân cũng đòi nốt căn nhà ông đang ở khiến ông thành kẻ trắng tay, có nguy cơ phải ra đường. 

“Sống đến cuối đời mới thấm thía... trò đời”, ông Linh gằn giọng kết luận về chuyện của mình. 

Ông Linh bảo, đời không ai biết trước được chữ ngờ, với ông thì càng hoàn toàn không thể. 

“Hồi sống chung, chúng tôi từng có quãng thời gian bên nhau hạnh phúc. Bà ấy làm việc nhà nước, tôi là người đảm đang cả việc kinh doanh nhà và nội trợ…cuộc sống ấm êm. Qua 8 năm gắn bó tình nghĩa vợ chồng, tuy không phải là quãng thời gian dài nhưng cũng đủ để hai người từng mơ ước về viễn cảnh bên nhau trọn đời tóc bạc răng long”, ông Linh kể. 

Ông Linh cho biết, vốn quê ở Hà Tây (cũ), từng qua một đời vợ trước khi lấy bà Vân. Năm 1985, ông Linh vào TP. HCM làm công chức ngành xây dựng. Nhờ bản tính cần cù, chịu khó nên ông sớm ổn định cuộc sống và có một căn nhà riêng. 

Thế rồi, tình cờ gặp và quen biết bà Vân - một người phụ nữ đã hơn nửa đời người nhưng vẫn “một lối đi về”. Qua thời gian, cả hai cùng hẹn hò, cảm thấy tâm đầu ý hợp nên quyết định đến với nhau. 

Ông Linh đang sống những tháng ngày tuyệt vọng 

Để chính danh, năm 2002, hai người tổ chức đám cưới với sự chứng kiến của đồng nghiệp, họ hàng. Trước khi đến với nhau, ông Linh và bà Vân đã có nhà, đất ổn định. 

Tài sản của ông Linh ngày ấy là lô đất nằm trên đường Bùi Đình Túy, P2. Q.Bình Thạnh (TP.HCM), giá trị khoảng hơn 1 tỉ đồng. Còn tài sản của bà Vân gồm có 2 lô đất nằm ở vùng ngoại thành khu vực Q.9 và Q. 12 (TP.HCM), trị giá cũng tương đương hơn 1 tỉ đồng. Sau ngày cưới, số tài sản này được hai vợ chồng xem là của chung. 

Vốn là dân xây dựng, nên ông Linh bàn với vợ sẽ dựa trên các mối quan hệ làm ăn của mình để cải tạo những lô đất, rồi mua đi bán lại khi được giá. Chính cách làm ăn thức thời của ông Linh, trong vòng 5 năm từ số tài sản chung của hai vợ chồng khoảng hơn 2 tỷ đã nhân lên giá trị hàng chục tỷ đồng. 

Khi đó cả hai ông bà có kinh tế vững vì nhà cửa đề huề, riêng tiền cho thuê đã giúp họ sống dư dả chứ chưa nói tiền lương hưu.

Ra đường vì tặng hết tài sản cho vợ! 

Thế nhưng, có vẻ khi tài sản nhiều lên thì tình cảm cả hai bắt đầu ít đi, nhiều mâu thuẫn bắt đầu nảy sinh. 

Theo ông Linh, dù nhà cửa, tài sản đều là của chung, từ đồng vốn cho đến cho sức đóng góp trong thời gian chung sống, nhưng không hiểu sao bà Vân cứ một mực đòi đứng tên mình trong tất cả số tài sản của hai vợ chồng. 

Ông Linh kể: “Bà ấy có lí giải rằng tôi đã tuổi cao sức yếu lại có con ngoài Bắc, sợ khi chết đi thì sẽ vấy vào những cuộc tranh chấp tài sản giữa bà và các con tôi. Quan điểm của tôi rất rõ ràng, con cái phải tự tạo dựng cuộc sống cho mình, nên tôi chưa hề có ý định cho con thừa kế bao giờ. 

Hơn nữa, cơ sở để tôi đặt niềm tin là nghĩ mình chẳng còn sống được bao lâu, mà bà ấy lại có cam kết sẽ chăm sóc tôi đến hết đời nên chẳng hề vướng bận. Vì thế tôi gật đầu đồng ý để vợ đứng tên hết trong các tài sản của hai vợ chồng”. 

Ông Linh cho biết, năm 2007, một loạt giấy tờ sở hữu nhà, đất kê khai giá trị khoảng 30 tỷ được ông đồng ý ký tặng cho bà Vân. Mọi thứ đều thực hiện giấy trắng mực đen rõ ràng và đúng pháp luật. 

Ông Linh không biết rằng, sau khi ký những giấy tờ đó, về mặt pháp lí thì ông chỉ là kẻ ở nhà của nhà vợ, bản thân đã hoàn toàn thất thế về lý nếu có tranh chấp xảy ra. 

Căn nhà cuối cùng mà ông Linh sắp phải ra đi 

Ông Linh ngậm ngùi kể, từ ngày ký giấy để cho vợ đứng tên tài sản “chẳng hiểu sao tình cảm của hai vợ chồng phát sinh mâu thuẫn, biến chuyển theo chiều hướng tiêu cực. 

Một phần thì có bất đồng quan điểm sống nên những mâu thuẫn cứ kéo dài triền miên, mà không tìm ra được giải pháp. Mối quan hệ của hai người trôi qua những ngày tháng nặng nề. 

Năm 2010, tức khoảng 3 năm sau ngày được chồng ký cho đứng tên toàn bộ tài sản, bà Vân gửi đơn lên Tòa án nhân dân quận Gò Vấp, TP. HCM xin ly hôn. 

Trong phiên tòa, ông Linh một mực không chấp nhận điều kiện ly hôn và cho rằng bà Vân có dấu hiệu lật lọng để chiếm tài sản. Thế nhưng, kết quả cuối cùng thì bà Tòa vẫn công nhận yêu cầu của bà Vân. 

Khi tòa xử phân chia tài sản sau li hôn thì ông Linh đã hoàn toàn thất thế vì chúng đứng tên của vợ và ông cũng đã kí giấy tặng không kèm theo điều kiện gì. Vì thế, đương nhiên toàn bộ tài sản chung của hai vợ chồng sẽ thuộc về bà Vân. 

Không đồng ý với kết quả phiên xử đầu tiên đó, ông Linh đã gửi đơn khiếu nại yêu cầu xử lên cấp cao hơn. Nhưng qua mấy phiên tòa xử đi xử lại thì phần đuối lí vẫn thuộc về ông bởi giấy trắng mực đen rõ ràng ông tặng hết tài sản cho vợ. 

Nói về chuyện kiện cáo trong mấy năm qua, ông Linh bảo không phải vì tiền. Bản thân ông mất khối tài sản giá trị hàng chục tỷ không hề tiếc, vì nếu sống vì vật chất thì ông đã không tự nguyện tặng tất cả những gì mình có cho vợ. 

Ông bảo, không hối hận vì những gì mình đã làm, vì đó là lựa chọn khi ông hoàn toàn tỉnh táo. Nhưng ông cay đắng vì niềm tin đã đặt sai chỗ, đã thương yêu và tin tưởng một cách mù quáng nên bây giờ nuốt không trôi cục tức. 

Mới đây, căn nhà cả hai vợ chồng từng sống tại 28 đường số 3, Q. Gò Vấp đã bị cơ quan thi hành án của quận đến cưỡng chế, buộc ông rời khỏi nhà để trả lại tài sản cho bà Vân. 

Ông Linh cay đắng nói: “Không hiểu bà ấy quyết tâm, gấp gáp đòi lại ngôi nhà từng thấm mồ hôi công sức của tôi làm gì trong khi nhà, đất bà ấy đã đề huề”. Đuối về lí, lại chưa có sự chuẩn bị nên ông Linh phải làm đơn gửi cơ quan cưỡng chế xin cho tạm trú lại mấy ngày để lo một số việc.
 

Xuyên suốt câu chuyện với chúng tôi, ông Vương Chí Linh luôn nhấn mạnh rằng, vấn đề của ông không phải là kiếm tiền như thế nào mà là…trăn trở tiêu tiền như thế nào cho có ý nghĩa. 

Bởi ông sống giản dị, nhu cầu cá nhân không cao, con riêng cũng đều ổn định, do đó khi có tiền ông đều dành mỗi tháng một khoản từ thiện cho những trung tâm nhân đạo, những người có hoàn cảnh khó khăn. 

Hiện tại, dù số tài sản do “lỡ ký tặng vợ” không có khả năng đòi lại nhưng ông nói mình vẫn còn chút ít khoản tiền lương hưu để cưu mang một số trường hợp sinh viên nghèo. Mỗi tháng, ông đều âm thầm gửi một khoản tiền không nhỏ để giúp đỡ. 

Ông bảo, những công việc thiện nguyện này ông tự làm một phần vì cái tâm, phần còn lại để tự trừng phạt mình vì… quá ngô nghê khi lỡ tin người quá mức để phải gánh hậu quả bi đát như hôm nay (!?).

Theo VTC
people like INLOOK.VN fanpage