Bạn đang ở đây

Cấm trẻ em dưới 16 tuổi!

Đọc cái tít nghe có vẻ giật gân, cũng như mấy bộ phim chiếu rạp có dán nhãn “cấm trẻ em dưới 16 tuổi”. Bởi càng nói cấm dưới 16 tuổi thì càng hút khách vì ai cũng tò mò, muốn xem có gì bạo lực hay sex dữ lắm hay sao mà lại cấm. Nhưng thường kết cục là tẽn tò nhiều hơn vì chẳng thấy có gì ghê mà phải cấm! Cấm để... kéo khách ham... trái cấm

Như bộ phim Kỷ nguyên rock đang chiếu tại các rạp tuần này. Phim không hề có những cảnh sex lộ liễu thấy “hàng” như các bộ phim Việt, nhưng vẫn bị dán nhãn “cấm trẻ em dưới 16 tuổi”! Bi đừng sợ chiếu cho mọi đối tượng, “hàng họ” của nam nữ diễn viên chính phơi chình ình trên màn ảnh còn được phép, thì sá gì với Kỷ nguyên rock – một bộ phim ca nhạc dễ thương có Tom Cruise đóng vai ngôi sao nhạc rock, đáng xem (ai chưa xem thì cuối tuần này nên rủ nhau vào rạp để giải trí, rất đã mắt, đã tai), nhất là với những ai là tín đồ của nhạc rock. Vậy mà thật khó hiểu khi phim “cấm trẻ em dưới 16 tuổi”! Hỏi vì sao phim có nhãn R16, nhà phát hành nói là do “các chú” ở hội đồng duyệt phim “phán” thế, mà đã “phán” thì phải chấp hành thôi, biết đâu còn được  lợi vì những ai khoái tưởng tượng về cái vụ “cấm trẻ em dưới 16 tuổi” sẽ ham đi coi hơn. Nghe cũng buồn cười. Thực tế, phim chỉ có những màn hôn nhau hơi cuồng nhiệt thôi, chứ không hề lộ hàng, hay có các cảnh làm tình ướt át. Những màn sex có trong phim mà có thể vì đó mà các chú “phán” thì lại vô cùng duyên dáng, hài hước và không hề dung tục, thô thiển chút nào. Thế mới thấy, Hollywood làm cảnh sex có nghề đến cỡ nào, khi chỉ có mấy cảnh hôn nhau thôi mà đem lại cho người xem nhiều dư vị cảm xúc, đâu như phim Việt hiện giờ, phim nào cũng có cảnh nóng, PR phim bằng cảnh nóng nhưng lại cứ đơ ra, nguội ngắt, cả diễn viên đóng cảnh nóng lẫn khán giả khi xem cảnh (được cho là) nóng đó.

Cảnh trong phim: Bi ơi, đừng sợ.

 

Cấm nhưng không kiểm vì... đề cao ý thức trẻ em???

Thời gian qua, khá nhiều phim ra rạp bị dán nhãn cấm trẻ em dưới 16 tuổi theo yêu cầu của Hội đồng duyệt phim quốc gia nhưHotboy nổi loạn (VN), Bóng đêm kinh hoàng, Yêu không ràng buộc, Hừng đông phần I, Dối trá ngọt ngào… Tất nhiên có phim đáng cấm, nhưng có phim, lý do cấm… lãng xẹt và trời ơi đất hỡi đến không hiểu được. Phim có khuyến cáo “cấm trẻ em dưới 16 tuổi” là một chuyện, nhưng thực hiện việc kiểm soát độ tuổi của khán giả vào xem như thế nào mới là quan trọng và có cấm được hhay không mới là vấn đề. Muốn vào rạp xem phim “cấm”, phải trình chứng minh thư? Có lẽ đó là cách duy nhất để không lọt đối tượng khán giả dưới 16 tuổi, nhưng mấy ai đi xem phim cầm theo đủ chứng minh thư và rạp nào cũng muốn có khán giả càng nhiều càng tốt để kiếm lời khi bỏ cả đống tiền ra mua bản quyền phim. Việc kiểm tra chứng minh thư cũng sẽ khiến chủ rạp tốn tiền thuê thêm nhân viên, rồi nhân viên mất thêm thời gian; và nếu có thực thi cũng không chắc kiểm soát được hết lượng khán giả chưa đủ tuổi. Còn nhớ lúc phim Chuyện ấy là chuyện nhỏ (Sex and the city) ra rạp, cũng có dán nhãn R16, con nít ở khu tôi ở kéo nhau đi coi rần rần, tụi nó vẫn vào xem được và chẳng có ai hỏi chứng minh thư gì cả. Mà thật ra phim này cũng chẳng có sex gì quá, chỉ thể hiện qua cảnh… một con chó chuyên làm tình với cái gối và một anh chàng chuyên tắm khỏa thân để các bà già nhìn. Một cái tựa phim được “chuyển thể” qua tiếng Việt “quá hớp” như vậy, lại đề thêm cấm trẻ em dưới 16 tuổi, bảo sao không ăn khách.

Cấm... mở rộng Bây giờ không chỉ có phim cấm trẻ em dưới 16 tuổi mà còn có kịch “cấm” nữa, như ở sân khấu kịch Sài Gòn, kịch Phú Nhuận... Và kịch cũng như phim, nói cấm cho vui và câu khách thôi, chứ ai mua  vé cũng đều được vào rạp xem tuốt; còn cái gọi là cấm của kịch cũng chỉ là mấy cái màn lăn lê bò toài (có mặc đồ, hoặc quấn khăn) theo kiểu hình thể của các diễn viên trên sân khấu. Bởi sex gì được với mấy chú quản lý văn hóa khi công việc chính của họ là chuyên  đi cắt và phán! Thế mới nói, phim hay kịch nào mà “được” dán nhãn cấm trẻ em dưới 16 tuổi là nhà phát hành, bầu sô mừng hết lớn, chứ họ không có buồn phiền gì như họ (nếu có) phải “diễn” cảnh trần tình nỗi oan ức, ức chế. Ca sĩ Tần Khánh không ai biết đến kể cả đã tung chiêu PR “ca sĩ bán rau củ chợ Cầu Muối”, “sẽ phẫu thuật thẩm mỹ toàn bộ gương mặt, sau khi đã sửa mũi, để được đẹp trai như con bà Hai” cũng rất biết nắm bắt cơ hội cái vụ “cấm” này, nên đã nhanh chân tung hàng, sản xuất bài hát rảnh nhảm có cái tựa kịch độc là “Cấm trẻ em dưới 18 tuổi”, cho trôi nổi lềnh bềnh trên các trang mạng. Tuy nhiên, trái hẳn với phim và kịch cấm, rất tiếc, trường hợp này đã không thành công. Đến nay, anh chàng bán rau vẫn chẳng thể nổi tiếng và có khách! Anh đã cố gắng hết sức, nhưng phải đành bó tay!  

Theo Tin nhanh/VNNew

 

people like INLOOK.VN fanpage