Bạn đang ở đây

Căng thẳng Biển Đông: ngành hàng không cần hỗ trợ khẩn

Khách đi lại giữa Việt Nam và Trung Quốc giảm mạnh, các hãng hàng không cắt giảm hàng loạt chuyến bay và sụt doanh thu hàng nghìn tỷ đồng kể từ khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép.

Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu vừa thay mặt Bộ Giao thông Vận tải gửi báo cáo lên Thủ tướng về chính sách hỗ trợ các hãng hàng không Việt Nam trong giai đoạn chịu ảnh hưởng tiêu cực do tình hình biển Đông. Theo đó, các hãng, nhất là Vietnam Airlines được nhận nhiều ưu đãi như tăng giới hạn số lượng chuyến bay trong một giờ, giảm phí sân bay...

vna-may-bay-1-3289-1407129353.jpg

Vietnam Airlines được tăng giới hạn chuyến bay, tăng chuyến sau những thiệt hại nặng vì sự kiện Biển Đông.

Báo cáo của Bộ Giao thông cũng đã nêu chi tiết những thiệt hại mà các hãng hàng không gặp phải trong thời gian qua. Sau các vụ bạo loạn lợi dụng biểu tình Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam hồi tháng 5, chính quyền Trung Quốc, Đài Loan và Hong Kong đã khuyến cáo nhằm hạn chế người dân đến Việt Nam. Khách du lịch Trung Quốc cũng như khách từ Việt Nam đã hủy hết các chương trình du lịch trong giai đoạn hè vừa rồi giữa hai nước.

Các sự kiện này đã ảnh hưởng lớn đến thị trường hàng không, ở trong nước bị ảnh hưởng lớn nhất là Vietnam Airlines. Hãng đã hủy 13 đường bay đến 12 điểm tại Trung Quốc từ giữa tháng 5 đến cuối tháng 10. Hiện hãng chỉ duy trì các đường bay đến Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu.

Tổng cộng, tính đến tháng 10 vừa rồi, có 1.476 chuyến bay hai chiều đã bị hủy giữa Việt Nam và các khu vực Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan, Thái Lan, gây thiệt hại về doanh thu cho hãng trên 2.880 tỷ đồng. 

Ngoài Vietnam Airlines, Jetstar Pacific cũng chịu thiệt hại do đường bay đi Macao bị giảm quy mô, khiến hãng phải hủy chuyến hàng loạt trong tháng 5 và 6. K6- hãng liên doanh thành lập của Vietnam Airlines tại Campuchia cũng bị ảnh hưởng, phải rút ngắn hợp đồng thuê và trả sớm một tàu bay cho Vietnam Airlines.

Ngoài các hãng nói trên, Tổng công ty Cảng và Tổng công ty Quản lý bay thiệt hại về thu phí vì hàng không nước ngoài hủy chuyến đến Việt Nam. Theo đó, China Southern Airlines, Spring Airlines, Hong Kong Airlines và Uni Air hủy hơn 230 chuyến bay khứ hồi tới Việt Nam tính đến tháng 10/2014.  Số lượng chuyến bay điều hành giữa Việt Nam và Trung Quốc, Đài Loan, Hong Long giảm 34% trong lịch bay mùa hè vừa rồi.

Để giảm thiểu những thiệt hại nói trên, bản thân các hãng phải tìm cách cắt giảm chi phí nội bộ, tăng thu. Trong đó, Vietnam Airlines cho biết phải giảm chi phí khai thác, giảm lương, tinh giản nhân sự ở các vị trí không cần thiết, giảm chi phí thuê tàu bay, quảng cáo... Bên cạnh đó, hãng tăng doanh thu từ việc tăng tần suất trên một số đường bay tại Đông Nam Á, Đông Bắc Á và nội địa. Nhằm đảm bảo khai thác đội tàu bay A321 đang bị ảnh hưởng bởi các thị trường liên quan tới khách Trung Quốc, Đài Loan, Hong Kong, hãng sẽ chuyển dịch sang các đường bay khác không bị ảnh hưởng. 

Bộ Giao thông đã cho phép Vietnam Airlines tăng cường khai thác các chuyến bay xuất phát từ TP HCM. Do hiện nay giới hạn số lượng chuyến bay khai thác trong một giờ (30 chuyến) đã kín lịch, hãng được tăng giới hạn lên 32 chuyến. Sau chỉ đạo của Bộ, Cục Hàng không cũng phê duyệt cho hãng được tăng chuyến, điều chỉnh giờ bay phù hợp trên nhiều đường bay đi từ Hà Nội và TP HCM.

Ngoài ra, nhằm giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc trong dự báo tình hình căng thẳng còn kéo dài, Bộ Giao thông chỉ đạo Vietnam Airlines tiếp tục phát triển các đường bay xuyên lục địa. Hãng được yêu cầu xây dựng kế hoạch khai thác đường bay thẳng đến Ấn Độ từ Lịch bay mùa hè 2015, cho phép áp dụng chính sách giảm giá dịch vụ với đường bay này trong thời gian 3 năm.

Bên cạnh chính sách ưu đãi riêng cho Vietnam Airlines, hai hãng còn lại là Vietjet Air và Jetstar Pacific được hưởng chung chính sách giảm giá 25% trên biểu phí dịch vụ điều hành bay đi và đến, giá cất hạ cánh tại các cảng hàng không và giá soi chiếu an ninh hàng hóa, hành lý từ ngày 1/5/2014 đến hết năm. Bộ cũng đang nghiên cứu để chỉ đạo Tổng Công ty Cảng chưa tiến hành tăng giá thuê mặt bằng, các giá dịch vụ tại các sân bay đối với các hãng trong năm nay.

Ngoài các chính sách ưu đãi mà Bộ có thể tự quyết, Bộ Giao thông cũng gửi thêm kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính xem xét giảm thuế nhập khẩu xăng dầu cho tàu bay trong năm 2014 từ 7% xuống còn 3%. Ngoài ra, Bộ cũng kiến nghị nới lỏng chính sách visa nhập cảnh đối với một số thị trường hành khách quan trọng như Anh, Pháp, Đức, Australia và Ấn Độ.

Theo VnExpress

people like INLOOK.VN fanpage