Bạn đang ở đây

'Chất lạ' trong áo ngực TQ chỉ độc khi ngấm vào da'

Hai hóa chất có trong áo ngực chỉ gây độc khi ngấm qua da và qua đường tiêu hóa.

Chiều 8.11, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội công bố kết quả phân tích một số mẫu áo ngực Trung Quốc. Theo đó, các hạt tròn màu trắng trong các túi dung dịch là nhựa PS (Polystyrene Composit), không ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Dung dịch không màu, không mùi, trong suốt trong các túi polyme dẻo là dầu khoáng (Mineral seal Oil), có tỷ trọng 0,84, không tìm thấy các chất độc và các chất có hại với sức khỏe con người.

Theo Viện Hóa học Việt Nam, có 2 hóa chất "lạ" trong áo ngực Trung Quốc. Theo đó, hạt nhựa trong áo ngực là nhựa tổng hợp polystyren, dung dịch màu trong suốt được xác định là dầu khoáng (mineral oil), một loại farafin chiết xuất từ dầu mỏ. Đó cũng là kết quả kiểm nghiệm của Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường - Chất lượng 2 (Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng).

Gây hại khi ngấm vào da

Trao đổi với PV, PGS-TS Phạm Quốc Long- Viện trưởng Viện Hóa học, các hợp chất thiên nhiên (Viện Hóa học Việt Nam) khẳng định, 2 hóa chất vừa được kiểm nghiệm có trong áo ngực chỉ gây độc khi ngấm qua da và qua đường tiêu hóa. Còn ở điều kiện bình thường, có vỏ bọc thì không gây hại.

Thực tế tại Đà Nẵng, người tiêu dùng chỉ phát hiện chất lạ trong áo ngực khi vỏ bọc bị vỡ. Trong trường hợp đó, nếu người tiêu dùng không để ý, hóa chất có thể ngấm vào da, thậm chí có thể vô tình đi qua hệ tiêu hóa.

TS Phạm Quốc Long cho rằng: "Bất cứ hóa chất công nghiệp nào qua đường tiêu hóa cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe". Riêng về farafin, theo TS Long, cần có nghiên cứu của Bộ Y tế xem ngấm qua da hay qua đường tiêu hóa ở tỷ lệ bao nhiêu thì vô hại.

Người tiêu dùng “bế tắc”

Theo tìm hiểu của PV, phần lớn áo ngực Trung Quốctung ra thị trường để phục vụ “khách quen” là những người tiêu dùng có mức thu nhập thấp hoặc trung bình,phụ nữ nông thôn, sinh viên. Vì vậy, dù thông tin về “chất lạ” trong áo ngực đã dần được hé mở, nhưng người tiêu dùng không vì thế mà bớt hoang mang.

Bạn Nguyễn Hường, sinh viên Trường Cao đẳng Công nghiệp Hà Nội cũng cho biết: “Bọn em vẫn sử dụng loại áo có chất lạ. Biết có thể nguy hiểm nhưng sinh viên nghèo, tiền đâu mà mua loại đắt”.

Theo khảo sát, hầu như toàn bộ thị trường áo ngực bình dân, với mức giá 20.000 – 60.000 đồng/chiếc đều là hàng Trung Quốc. Hàng Việt Nam mới chỉ có khoảng 30 thương hiệu do hơn 10 nhà sản xuất cung ứng, như các hiệu Gwens, Annie, Relax, Wannabe, Misaki, Softy… và có giá khá cao, bình quân 120.000 – 250.000 đồng/chiếc.

Người thu nhập thấp nếu không chọn áo ngực Trung Quốc với giả cả hợp lý như vậy thì cũng không có lựa chọn nào khác.

'Chất lạ' trong áo ngực TQ chỉ độc khi ngấm vào da - 1

Áo ngực Trung Quốc bày bán tại nhiều chợ ở miền Trung.

Quảng Nam, Đà Nẵng: E ngại áo ngực chứa “chất lạ”

Ngày 8.11, sau khi xem xét kết luận về hai “chất lạ” trong áo ngực phụ nữ có nguồn gốc từ Trung Quốc, ông Huỳnh Phước Nhất - Giám đốc Trung tâm Kiểm nghiệm (Sở Y tế Quảng Nam) cảnh báo: “Theo tôi, người tiêu dùng không nên ham đồ rẻ mà mang họa vào thân, nhất là người dân ở nông thôn cần thận trọng khi mua những mặt hàng không có nguồn gốc, xuất xứ”.

Chiều cùng ngày, chị Đ.T.N.H (SN 1984, trú phường Phước Hòa, TP. Tam Kỳ, Quảng Nam) cho biết: Sau khi đọc thông tin về áo ngực Trung Quốc có chứa “chất lạ”, chị về nhà kiểm tra và phát hiện trong một chiếc áo ngực Trung Quốc có chứa hai gói dung dịch mềm, cắt ra không thấy có các viên thuốc như báo chí nêu, nhưng chạm tay vào thấy ngứa. Theo chị H, áo ngực này chị mua tại chợ Tam Kỳ cách đây gần 2 tháng với giá gần 50.000 đồng/chiếc.

Tại Đà Nẵng, chiều 8.11, ông Trần Cảnh Phúc - Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường Đà Nẵng cho biết, sẽ tiêu hủy tất cả những áo ngực Trung Quốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ tịch thu được. “Riêng về việc xử lý những người kinh doanh mặt hàng này, chúng tôi phải đợi thông tin chính thức từ cơ quan chức năng mới có hướng xử phạt cụ thể” - ông Phúc cho biết.

Hiện tại, trên thị trường áo ngực tại Đà Nẵng không thấy mặt hàng này. Chị Nguyễn Thị Lan Nô, buôn bán áo ngực ở chợ Cồn, cho biết: Chúng tôi không bán sản phẩm đó nữa vì có bán cũng không có ai mua. Mấy ngày nay, người dân khi mua áo ngực đều hỏi thăm, kiểm tra rất kỹ, nếu là áo ngực Trung Quốc thì nhất quyết không mua.

“Khách hàng bây giờ mua áo ngực lựa chọn rất kỹ. Loại áo ngực Trung Quốc bây giờ không ai dám buôn bán nữa” - chị Nguyễn Thị Xuân, tiểu thương chợ Cồn, cho biết.

Trương Hồng - Kim Oanh

 

Theo Diệu Linh - Lê An - Phương Vũ/ Dân Việt

people like INLOOK.VN fanpage