Bạn đang ở đây

Đường hoa Nguyễn Huệ chưa mở, khẩu chiến đã nổ ra

Sài Gòn không có chuyện dẫm đạp hay cướp hoa như ở Hà Nội.

Đường hoa Nguyễn Huệ chưa mở, khẩu chiến đã nổ ra

Trong lúc các công nhân đang ráo riết thực hiện những công việc cuối cùng để ngày mai, 7/2, đường hoa Nguyễn Huệ khai mạc, thì một cuộc khẩu chiến về ý thức người xem hoa đang nổ ra.

Chứng kiến cảnh tất bật hoàn thành đường hoa, một độc giả có tên Tuấn Quách từ Hà Nội đưa ra ý kiến trên diễn đàn của VNExpress: "Mình thấy đẹp hơn đường Hoa ở Hà Nội nhiều, hy vọng là các bạn đừng giẫm đạp lên vườn hoa như ở Hà Nội". 

Ý kiến góp ý của bạn tuanquach từ Hà Nội khiến nhiều bạn đọc Sài Gòn phản ứng dữ dội.

"Yên tâm đi bạn tuanquach, ở SG đường Hoa Nguyễn Huệ đã có hơn 10 năm rồi, và chợ Hoa xuân thì có hàng mấy chục năm rồi bạn à. chưa năm nào mà người dân giẫm đạp hay khuân hoa trộm về nhà đâu bạn à", bạn đọc lephucquangtri nói.

 

Đạp rào lao vào hoa ở Hà Nội.

Bạn Hữu Hạnh ngạc nhiên với ý kiến từ Hà Nội: "Có năm nào đường hoa Nguyễn Huệ có cảnh giẫm đạp hoa đâu mà các bạn nói lung tung thế? Chen lấn thì có nhưng hái trộm thì mình chưa nghe bao giờ".

"Còn nhiều bạn trẻ vô đó ngắm hoa, chụp ảnh. Nhưng tuyệt đối tôi không thấy một ai giẫm đạp hay đụng chạm vào bông. Có những cây me bé xíu trĩu trái, mọi người đứng kế bên cây chụp ảnh nhưng không một ai thò tay hái trộm trái!", bạn đọc TrinhNguyen cho biết.

 

Nội quy dựng ở Hồ Gươm cũng chẳng còn nguyên.

Một bạn đọc khác tiếp lời: "Những người sinh sống ở TPHCM, dù là dân tỉnh hay dân gốc SG đều không có "thói quen" giẫm hoa đạp cỏ, khuân trộm hoa về nhà đâu các bạn ơi. Năm nào mình cũng đến tham quan đường hoa, có năm đến sớm, có năm đến muộn vài loại hoa kém tươi chứ không hề bị tàn phá. Mình tự hào về điều này".

Quả thật, lễ hội hoa ngay giữa Hồ Gươm nhiều năm qua đều chứng kiến những hành vi rất thiếu văn hóa. Lần đầu tiên tổ chức, người Hà Nội trộm cả hoa ngay trong ngày khai mạc. Năm thứ 2 và thứ 3, người ra "hôi" hoa đầy đường sau ngày bế mạc.

Lễ hội Hoa Hà Nội bên Hồ Gươm nhiều lần xảy ra cảnh nhốn nháo, hỗn loạn như chợ vỡ. Đến nỗi có vị khách nước ngoài đi qua lắc đầu, buông: Crazy! 

Đỡ xấu hơn thì cảnh đạp rào lao vào trong chụp ảnh, giẫm nát cả hoa cỏ dù bị cấm là thường xuyên. Hàng trăm chậu hoa, cây cảnh bị giẫm đạp đổ nát trước sự bất lực của lực lượng an ninh.

 

Ghế đá Hồ Gươm cũng không chịu nổi sức người.

Sau mấy ngày diễn ra lễ hội hoa, quanh khu vực Hồ Gươm luôn là khung cảnh ngổn ngang đất cát, xô lệch ghế đá, hàng rào... Thảm cỏ bờ hồ dọc tuyến đường Đinh Tiên Hoàng trơ trụi. Những hàng rào sắt bên các bồn hoa, thảm cỏ cũng biến dạng, ngả nghiêng; bề mặt đường lát gạch bong tróc. Ghế đá gãy chân, đầy những dấu đất cát…

Quay lại vấn đề tranh luận nói trên, nhìn chung, hầu như không ai cho rằng phải lo tới chuyện dẫm đạp và cướp phá hoa ở Sài Gòn, điều đã xảy ra ở Hà Nội. Có người gay gắt: "Chưa đi đường hoa Sài Gòn thì nên tìm hiểu trước khi gõ bàn phím!".

"Dân Sài Gòn ý thức họ cao lắm!"

 

Đi xem hoa ở đường hoa Nguyễn Huệ

Người Sài Gòn tỏ ra bực mình khi bị liên tưởng với văn hóa thưởng hoa ngắm cỏ của người sống tại Hà Nội. Theo họ, lý do để đường hoa Nguyễn Huệ có tới 10 năm tồn tại là vì ý thức của người dân mà thôi.

"Thật tuyệt vời khi thành phố có đường hoa như vậy. Mà dân TP.HCM có ý thức nên mọi người yên tâm sẽ không có dẫm đạp lên hoa đâu", một bạn cho biết.

"Nói chung, những chuyện như là "phá phách" vườn hoa không hề tồn tại trong suy nghĩ của người miền Nam. Tôi đi với các bạn Mỹ mà không hề cảm thấy xấu hổ. Nếu ở ngoài Hà nội chắc tôi không dám dắt họ đi đâu", Trinh Nguyễn nhận xét.

 

Đứng pose hình bên đường hoa Nguyễn Huệ.

Nói về văn hóa ứng xử nơi công cộng, những người từng sống ở cả Hà Nội và TP.HCM đều nhận xét rằng người Sài Gòn tỏ ra có ý thức khá cao. Dù vẫn xảy ra va chạm trên đường, song nhìn chung, tình trạng nhường nhịn nhau khi đi trên đường là điều dễ thấy nhiều hơn ở Hà Nội.

Quan sát của nhiều người cũng cho thấy, việc đi sai làn đường, vượt đèn đỏ hay các hành động vi phạm giao thông khác đương nhiên cũng có, nhưng rõ ràng không nhiều như ở Hà Nội.

Có lẽ, ý thức chấp hành giao thông của người Sài Gòn cao hơn một phần là do văn hóa lâu nay, một phần do cảnh sát giao thông trong TP.HCM nghiêm hơn Hà Nội nhiều.

 

Đường hoa Nguyễn Huệ ngay sau khi kết thúc lễ hội năm 2011.

"Ở Hà Nội đi sai luật bị cảnh sát thổi còi, thanh niên vọt đi trốn là thường, và cứ nhanh là thoát, Trong Sài Gòn thì, chạy là cảnh sát đuổi ngay, bắt bằng được, và hầu hết tóm gọn nhanh chóng", anh Truyền, một công dân Hà Nội mới vào Sài Gòn làm việc, cho biết.

Từ chuyện giao thông và ngắm hoa, có thể thấy ý thức chấp hành pháp luật cũng như văn hóa ứng xử nơi công cộng của người Sài Gòn đang được cho là có tính tự giác cao hơn Hà Nội.

Theo NCĐT

people like INLOOK.VN fanpage