Bạn đang ở đây

Hàng nghìn người tiễn đưa 18 chiến sĩ hy sinh vụ máy bay rơi

18 linh cữu phủ quân kỳ quyết thắng, xếp thành hai hàng ngay ngắn. Tiếng than khóc của mẹ, của vợ, của chị... tử sĩ như xé toang không gian nhà tang lễ.

Bốn ngày sau khi chiếc trực thăng Mi 171 gặp nạn ở xã Bình Yên, huyện Thạch Thất, Hà Nội, sáng 11/7, đám tang theo nghi thức quân đội được tổ chức trang trọng tại Nhà tang lễ quốc gia, tiễn đưa các chiến sĩ về với đất mẹ. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, lãnh đạo nhà nước, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh và các tướng lĩnh trong quân đội đều có mặt từ sớm để từ biệt tử sĩ.

Các anh – những người lính trong thời bình, đã hi sinh khi huấn luyện, yên nghỉ trong 18 linh cữu phủ quân kỳ quyết thắng, xếp thành hai hàng ngay ngắn. Khi sống là đồng đội, lúc chết họ nằm cạnh nhau, xung quanh là những đóa ly vàng tiễn biệt.

khoc-mi-4776-1405076110.jpg

Tiếng khóc nấc vang dội cả hội trường nhà tang lễ sáng nay. Ảnh: Quý Đoàn.

Mỗi gia đình chiến sĩ là một hoàn cảnh khác nhau, nhưng niềm đau và nỗi mất mát là đồng nhất. Vẫn là người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh, là người vợ trẻ khóc ngất vì mất chồng. Những đứa trẻ bi bô tập nói, chưa kịp vui đùa với bố đã phải đội lên đầu chiếc khăn tang. Ánh mắt ngây thơ nhìn người thân khóc, bởi chúng chưa thấm được nỗi đau.

Ở góc nhà tang lễ, mọi người thay nhau trông hai con của đại úy Lê Thanh Việt (quê ở Trực Ninh, Nam Định). Một người hàng xóm của anh, tay quạt cho các cháu, rơm rớm nước mắt kể, hai hôm nay con bé lớn cứ hỏi “Bố cháu còn thức dậy nữa không? Còn đưa cháu đi học được không”. Còn bé trai Lê Quang Long mới 22 tháng tuổi thì khóc ngặt nghẽo trên tay người thân đòi mẹ.

Với người thân chiến sĩ Đỗ Văn Minh (sinh 1992, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) thì thất thần khi nghe tin đứa con ngoan ngoãn của gia đình gặp nạn. Mẹ Minh, cho đến hôm nay vẫn khóc ngất vì thương con. Muốn ra Hà Nội dự tang, nhưng bà không thể đi được vì sức khỏe rất yếu. “Minh rất chịu khó, là niềm tự hào của gia đình. Giờ em ra đi, không biết đến khi nào nỗi đau của cô chú tôi mới có thể nguôi”, Đỗ Văn Phú, anh họ Minh tâm sự.

Dưới cái nắng nóng buổi sáng sớm mùa hạ, hàng trăm người xếp thành hàng ngay ngắn, chầm chậm bước vào nhà tang lễ. Ngoài những người thân tử sĩ, đồng đội ở các quân binh chủng, còn có hàng trăm dân thường, chỉ mới biết đến các anh sau vụ tai nạn.

“Từng là tiếp viên hàng không, tôi biết các chiến sĩ dù là trong thời bình cũng vất vả, khổ cực, hi sinh như thế nào. Nghe tin tai nạn, lòng tôi đau như cắt. Hôm nay đến viếng các anh, tôi còn muốn tự tay tặng chút quà cho những đứa trẻ mất cha”, bà Phúc (Hà Nội) tâm sự.

khoc1-1247-1405071515.jpg

Đồng đội, người thân và người dân đến tiễn đưa các anh. Ảnh: Quý Đoàn.

Cũng trong dòng người không quen biết tới viếng, Hoài Thu (Phủ Lý, Hà Nam) nhòe lệ. Ngày hôm qua thi đại học, Thu còn viết rất hay về “Nước chúng ta/ Nước những người chưa bao giờ khuất/ Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất/ Những buổi ngày xưa vọng nói về”, thì ngày hôm nay, cô nữ sinh cảm nhận sâu sắc hơn về đất nước của những con người sẵn sàng hi sinh.

“Hôm mùng 7 vừa ra đến Hà Nội để hôm sau làm thủ tục thi, em đọc báo biết vụ tai nạn, trong lòng rất đau đớn. Em chỉ biết đến sự hi sinh của người lính trong thời chiến qua sách vở, nên thi xong quyết định ở lại nhờ chị gái đưa đến nhà tang lễ viếng các anh. Đến đây, em cảm nhận rõ nỗi mất mát và thấy rằng, dù thời chiến hay thời bình, những người lính đều quên mình vì bình yên, hạnh phúc của nhân dân”, Thu xúc động nói.

18 cuốn sổ tang đặt trang nghiêm trên bàn, cuốn nào cũng nhòe đi. Tay cầm bút mà nước mắt rơi lã chã, chị Đỗ Ngọc Diệp (Học viện Quốc phòng) viết lời tiễn biệt đồng đội. Chẳng quen ai, biết ai trong số 18 người nằm trong linh cữu, chị Diệp vẫn thấy đau như chính người thân mình bị nạn. Chồng chị là bộ đội, con chị đã lớn khôn, chị khóc bởi vì xung quanh chị, hơn chục người vợ và những bà mẹ đang đau đớn vì mất chồng, mất con.

“Đặt vị trí mình là những người phụ nữ ấy, không biết mình có chịu đựng nổi không”, chị Diệp không nén được cảm xúc bật khóc thành tiếng.

Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu cúi đầu trước linh cữu tử sĩ, chào tiễn biệt các anh và xúc động viết trong sổ tang: “Tai nạn thật đau xót cho quân đội ta, nhân dân ta. Các anh là những chiến sĩ quân đội nhân dân anh hùng. Tên tuổi của các anh mãi trong trái tim nhân dân và quân đội nhân dân Việt Nam”.

Một người dân đến viếng cũng nắn nót: "Đau thắt lòng khi nhìn các anh nằm đây. Người ra đi thì đã yên phận, thương người mẹ già, cha yếu, vợ trẻ, con thơ. Cầu mong các anh yên nghỉ".

a2-1-JPG-2613-1405070427.jpg

Những người lính bình thường cứng rắn, hôm nay tiễn đưa 18 đồng đội, mắt họ cũng nhòe nước. Ảnh: Anh Huy.

Thay mặt người dân xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây - nơi Trung đoàn không quân 916 đóng quân, ông Khuất Văn Trường, Chủ tịch UBND xã đến viếng các tử sĩ từ sáng sớm. Gửi vòng hoa viếng, ông bày tỏ tình cảm tiếc thương của người dân Cổ Đông trước sự ra đi của những người lính khi làm nhiệm vụ. “Cảm ơn các đồng chí đã bảo vệ tính mạng, tài sản cho nhân dân địa phương”, ông nói.

10h15, lễ truy điệu các tử sĩ bắt đầu. Khán phòng nhà tang lễ không còn chỗ trống. Khi Chính ủy quân chủng Phòng không Không quân, Trung tướng Nguyễn Văn Thanh đọc điếu văn, cũng là lúc trời đổ mưa như trút. Trong biển người đứng lặng nghe lại thời gian cống hiến và những thành tích trong quân đội của từng chiến sĩ, có những người ôm chặt chiếc mũ kêpi của người thân, và nước mắt cứ thế tuôn rơi. Nỗi đau dường như không cách nào xoa dịu.

"Sự anh dũng hi sinh trong huấn luyện chiến đấu vì nhiệm vụ xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng và bảo vệ tổ quốc của 18 chiến sĩ là tổn thất vô cùng to lớn đối với quân đội nói chung và quân chủng Phòng không Không quân nói riêng. Bộ tư lệnh ghi nhận những công lao đóng góp của các đồng chí trong việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của đơn vị trong những năm qua”, tướng Thanh khẳng định.

Một người dân đã mượn những câu thơ của nhà thơ Chính Hữu để tiễn biệt những người lính trong thời bình: "Nhớ đêm ra đi, đất trời bốc lửa/ Cả kinh thành nghi ngút cháy sau lưng/ Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng/ Hồn mười phương phất phơ cờ đỏ thắm/ Rách tả tơi rồi đôi giày vạn dặm/ Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa”.

11h, 18 linh cữu lần lượt được đưa ra xe tang về với đất mẹ. Dưới cơn mưa tầm tã, bóng những người lính tiêu binh khiêng linh cữu nhòe đi. Tiếng than khóc của mẹ, của vợ, của chị... tử sĩ như xé toang không gian nhà tang lễ. Những người lính bình thường cứng rắn, nay cũng nước mắt tràn mi, giơ tay chào đồng đội lần cuối.

11h35, xe tiêu binh dẫn đường cho các xe chở linh cữu tử sĩ bắt đầu chuyển bánh. Ở cổng nhà tang lễ quốc gia, hàng trăm người dân đứng hai bên đưa chân các anh.

“Một đất nước biết quý trọng xương máu chiến sĩ là một đất nước biết chuộng hòa bình và không chịu khuất phục trước mọi âm mưu xâm lược. Xin vĩnh biệt 18 chiến binh”, một nhà văn viết.

Theo VnExpress

people like INLOOK.VN fanpage