Bạn đang ở đây

Huyền thoại về lãng tử ‘sát gái’ nhất mọi thời đại

Có 122 người tình và được phụ nữ cả châu Âu khao khát, cuộc đời Casanova lấp lánh huyền thoại. Chàng sống như một đức ông, kết giao với cả giáo hoàng dù xuất thân khá thấp.

Trong con mắt của rất nhiều người phụ nữ trên thế giới, những người đàn ông Italia sở hữu những lợi thế có một không hai: gương mặt đẹp theo kiểu cổ điển, ánh mắt sâu thẳm màu biển xanh, làn da rám nắng, mái tóc bồng bềnh, phong cách mạnh mẽ đầy chất nam tính... là những người đáng yêu nhất. Giacomo Casanova (1725 – 1798, người Italy) đặc biệt đến nỗi tuy là người thật, những người đọc câu chuyện về chàng vẫn tưởng như đó là nhân vật hư cấu, bởi không thể có quá nhiều điều ly kỳ đến thế tập trung vào một con người. Cũng chính vì thế, chàng là một trong những người đi vào tiểu thuyết, sân khấu và điện ảnh nhiều nhất.

Đa tình và sát gái hơn cả Don Juan

Người ta thường so sánh, liên hệ Giacomo Casanova và Don Juan với nhau, nhưng xem ra nhân vật hư cấu Don Juan vẫn còn mờ nhạt khi đứng cạnh Casanova – con người bằng xương bằng thịt, không chỉ vì con số áp đảo 122 người tình mà chàng lãng tử cao 1m87 này chinh phục được trong đời. Nếu như Don Juan là một kẻ lừa tình, coi phụ nữ phương tiện mang tới cho y khoái lạc và vật chất thì với Giacomo Casanova, phụ nữ là ái tình. Chàng là người biết yêu. Chàng yêu họ với trái tim nghệ sĩ nhạy cảm, thứ tình yêu không chỉ có đam mê chăn gối,  trân trọng họ, biết ơn họ dù sau đó rời xa họ. Ngoài bản tính phong tình, điều này có thể “thanh minh” đôi chút cho chuyện yêu quá nhiều của Giacomo: với cuộc đời “xê dịch” hết nước này sang nước khác với tổng cộng gần 70.000 cây số đường đất trong cái thời mà việc đi lại không hề dễ dàng, thật khó để chàng giữ mãi mối liên hệ với một cô gái nào.

Những người chàng yêu và cất công theo đuổi thật muôn hình vạn trạng, đức hạnh có mà phóng đãng cũng có, từ thiếu nữ đến quý bà trung niên, từ mệnh phụ phu nhân đến thôn nữ, gái điếm, thậm chí cả các nữ tu sĩ. Có những người giúp đỡ chàng rất nhiều, nhưng cũng có những người đem lại cho chàng tai họa và nỗi đau khổ, thậm chí cả bệnh tật. Nhưng mỗi người trong mắt chàng đều có nét đẹp làm chàng say đắm. Và tất cả họ đều trao trọn trái tim cho chàng, biết ơn chàng vì đã yêu họ, đem đến cho họ những cảm xúc, những giây phút choáng váng, đê mê mà họ không thể có ở bất cứ tháng ngày nào khác trong đời. Vì thế, ngay cả khi đã chết, Giacomo vẫn là người đàn ông được khao khát nhất, là người tình trong mơ của phụ nữ châu Âu, từ nữ bá tước đến cô hầu gái trong quán trọ, và dĩ nhiên là nỗi sợ hãi của các ông chồng.

 

Tạo hình Casanova trong phim ảnh.

Giáo sĩ và tay cờ bạc bịp

Vậy Giacomo Casanova là ai? Thật khó, nói đúng hơn là không thể định nghĩa về chàng chỉ bằng một danh từ. Chàng là một nhà thám hiểm, một sĩ quan quân đội, một nhà ngoại giao, cố vấn luật pháp (Giacomo có bằng tiến sĩ luật), một tác gia (ngoài cuốn “Chuyện đời tôi” nổi tiếng, chàng từng viết một tiểu thuyết giả tưởng đồ sộ, và các công trình về triết học, kinh tế, y khoa, toán học…). Chàng cũng từng là điệp viên, tu sĩ, nhạc công (chơi đàn violin rất giỏi), thầy thuốc, nhà tài chính – người phát kiến ra hình thức xổ số hoàng gia nhằm kiếm tiền phục hồi nền tài chính Pháp. Bên cạnh những “nghề nghiệp” hoành tráng đó, có những lúc chàng lại là kẻ lường gạt, tay cờ bạc bịp chuyên nghiệp. Cuối đời, Casanova làm thủ thư cho một nhà quý tộc. Đa tài, đa diện và đa tình, đó chính là Giacomo Casanova.

Sinh ngày 2 .4.1725 tại Contrada di San Samuele, thuộc Venezia trong 1 gia đình thuần nghệ sĩ, Giacomo Girolamo Casanova là con trai của 2 diễn viên ca kịch: Gaetano Casanova và Maria ( Zanetta ) Farussi – sau này đã có tin đồn rằng cha của Casanova thật ra chính là chủ của rạp hát, nơi Gaetano và Zanetta làm việc. Vì phải đi lưu diễn thường xuyên nên cha mẹ của Casanova đã phải trao cậu cho bà ngoại Marzia Farussi nuôi nấng và dạy dỗ. Thuở nhỏ Casanova vốn là 1 cậu bé ốm yếu (hay chảy máu cam) và nhút nhát. Đến năm lên 8, cha của Casanova qua đời. Với nhan sắc vẫn còn hết sức mặn mà, bà Zanetta đã nhận được lời cầu hôn của nhiều người đàn ông có địa vị trong xã hội khi đó, nhưng bà đã quyết tâm ở vậy để nuôi con. Chắng bao lâu sau, bà rời bỏ Venezia, mang theo Casanova sang sinh sống tại Dressden - Đức.

Năm lên 10, Casanova được gửi đến nhập học tại nhà của Tiến sĩ Gozzi tại Padua. Tại đây cậu bé học hành rất siêng năng và tỏ ra thông minh lanh lợi trước tuổi. Bước vào tuổi 13 thì cậu bé bắt đầu biết yêu. Người tình đầu tiên của Casanova là Bettina, người em gái nhỏ nhất của ông thầy Gozzi. Bettina đã dạy cho cậu những bài học đầu tiên về thế giới phức tạp và đầy mâu thuẫn của phụ nữ. Cũng trong thời gian này, Casanova đã theo học tại đại học Padua với hy vọng sẽ trở thành tu sĩ để cả đời cống hiến sức lực và trí tuệ cho nhà thờ, nhưng bia rượu và đàn bà đã phá tan "giấc mộng hiền" của chàng thanh niên trai trẻ. Năm 1743, Casanova trở về Venezia và đến ngày 18 - 3 cùng năm thì bà ngoại - người nuôi nấng cậu hồi nhỏ, Marzia Farussi qua đời. Trong suốt các năm 1744 – 1748, Casanova phiêu bạt từ Rome , Naples, rồi sang Corfu chuyển qua Constantinople và cuối cùng là quay lại quê hương Venezia , để kiếm sống cậu đã phải làm nhiều nghề khác nhau từ chức vụ thư ký nhạt nhẽo cho tới tay chơi violin nghiệp dư trong dàn nhạc của nhà thờ, tất cả cũng chỉ vì những vụ scandal tình ái với các quý bà quý cô ở những thành phố mà Casanova dừng chân. Dù cho những đòi hỏi tình dục của Casanova thì vô tận nhưng chàng trai này lại chưa bao giờ tham gia vào những trận chơi bời trác táng, những cuộc làm tình tập thể rất được yêu chuộng trong giới thượng lưu vào quãng thời gian này của Châu Âu.

 

Chân dung Casanova trong đời thực.
 


Đến năm 1479, Casanova đã gặp tình yêu lớn nhất trong đời mình tại thành phố Cesena, đó là 1 người con gái trẻ đẹp nhưng đầy bí ẩn sinh ra và lớn lên tại Pháp : Henriette . Trong giây phút đắm đuối vì hạnh phúc mà tình yêu đã mang lại, có lần Casanova lớn tiếng tuyên bố : " Người nào mà nghĩ đàn bà không thể đem hạnh phúc đến cho đàn ông 24 tiếng đồng hồ trong ngày thì người đó chưa bao giờ biết đến Henriette." Tuy nhiên , mối tình lớn này cũng không kéo dài lâu hơn so với các mối tình trước đó , Henriette cuối cùng đành phải để Casanova tiếp tục sống cái cuộc sống đầy “phiêu lưu” của chàng. Buối chia tay giữa 2 người là thời điểm đau buồn nhất trong đời của chàng thanh niên đa tình. Buồn chán, Casanova lang thang tới Paris , và trong chặng dừng chân ở Lyon , chàng đã được nhận làm thành viên của hội Tam Điểm (Freemason) . Qua Freemason, Casanova đã có được một đường giây giao thiệp với những nhân vật quyền thế trong xã hội Pháp thời bấy giờ. Chàng lãng tử sống không nhất định, từ Paris sang Dresden đến Prague (Tiệp) rồi lại qua Vienna (Áo) và cuối cùng là trở lại Venezia. Tại Dresden, Casanova đã dịch Opêra Zoroastre sang tiếng Ý. Cùng với dExiles François Prévost Casanova viết kịch bản LES THESSALIENNES, kịch bản này sau được diễn tại Paris vào năm 1752. Bản nhạc kịch sống động từ Thébaïde cũng được trình diễn tại Dresden vào năm 1753. 



Tình yêu rồi cũng trở lại rất nhanh với Casanova . Chàng tiếp tục có thêm 1 vài mối tình nữa cho đến 7/1755 thì bị buộc tội là “phù thủy” – vì đã dùng “phép thuật” làm mê hoặc nhiều người phụ nữ danh giá , ảnh hưởng tới hạnh phúc gia đình họ . Và Casanova đã bị kết án 5 năm tại nhà tù nổi tiếng khắc nghiệt ở Venezia , Palast des Doges (Tấm Chì) . Mãi tới 10/1756 , Casanova cùng với 1 người tù có tên là Balbi đã tổ chức vượt ngục thành công , cuộc vượt ngục này sau đó đã được coi là 1 trong số những cuộc vượt ngục nối tiếng nhất trong lịch sử. Casanova lại quay về Paris, cùng hợp tác với 1 doanh nhân có thế lực người Pháp mở ra công ty kinh doanh xổ sổ. Việc kinh doanh thành công đã khiến Casanova trở nên nổi tiếng và hết sức giàu c . Danh vọng và tiền tài càng hỗ trợ đắc lực thêm cho cuộc sống trăng hoa và ưa chơi bời của Casanova, chàng đắm mình vào những cuộc tình cháy bỏng, những cuộc ngao du sơn thủy ở khắp Châu Âu….  Vào những tháng ngày cuối cùng của cuộc đời, Casanova rất muốn quay về Venezia để được sống và chết tại mảnh đất đã sinh ra mình, nhưng tình thế chính trị lúc bấy giờ đã chống lại mong muốn đó, ông đành phải làm quản thủ thư viện cho quận chúa Waldstein tại Dux. Đây cũng là thời gian Casanova ngồi suy tưởng để viết lại cuốn hồi ký về cuộc đời của mình. "Histoire de ma vie" – 15 tập bằng tiếng Pháp , đã đạt được nhiều giá trị về lịch sử văn hóa, giúp người đọc có được những hình dung khá rõ nét về cuộc sống Châu Âu vào thế kỷ 18 (nhất là thú ăn chơi của giới thượng lưu) . 

Có một điều rất đặc biệt là dù đóng vai 1 người tình tuyệt vời cho rất nhiều người phụ nữ nhưng cho đến khi mất, Casanova chưa một lần được làm 1 người chồng thật sự theo nghĩa đen của từ này , ông không hề kết hôn với bất cứ ai và cũng không có bất cứ đứa con nào. Napoleon đã từng nói : “Những trận đánh với đàn bà là những trận đánh duy nhất mà ta có thể chiến thắng bằng cách chạy trốn” . Casanova đã chiến đấu với rất nhiều người phụ nữ và theo cái ý nghĩa thông thường nhất của câu nói trên thì ông đã là người chiến thắng, thậm chí là thắng rất nhiều lần, nhưng cái giá phải trả cho chiến thắng này cũng không hề rẻ chút nào. Ông đã không thể có được 1 gia đình hạnh phúc nho nhỏ cho riêng mình. Casanova “chỉ” có được danh hiệu tay lãng tử chinh phục phụ nữ giỏi nhất thế giới mà thôi.

Cuốn hồi ký đắt nhất thế giới

9,7 triệu USD là số tiền mà Thư viện quốc gia Pháp bỏ ra để mua bản gốc tập hồi ký “Câu chuyện đời tôi” gồm 3.700 trang bằng tiếng Pháp của Giacomo Casanova, được viết trong 13 năm cuối đời ông. Đó là cái giá cao nhất từ trước đến nay dành cho một cuốn hồi ký. Dù mới chỉ một phần nhỏ trong đó được xuất bản (phần còn lại dự kiến sẽ được ra mắt trong một vài năm tới), cuốn hồi ký đã gây chấn động. Ngoài những tình tiết ly kỳ về phiêu lưu và tình ái được người trong cuộc kể lại, “Câu chuyện đời tôi” cũng là nguồn tư liệu phong phú về  phong tục và xã hội châu Âu thế kỷ 18.

Thư viện quốc gia Pháp đã mất đến ba năm để đàm phán việc mua bán và vận động tiền tài trợ để có được bản gốc của tập hồi ký, đựng đầy trong 11 cái thùng. Các trang giấy trải qua hơn 200 năm đã ố vàng, nhưng những dòng chữ viết nét nghiêng vẫn dễ đọc. Hiện bản gốc này vẫn được trưng bày tại Pháp và rất nhiều người tới thưởng lãm. Điều đó cho thấy vầng hào quang mang tính huyền thoại của Casanova, chàng lãng tử đa tài, “vua tán gái” lừng danh châu Âu, lấp lánh đến mức nào.

Mara tổng hợp/ Inlook.vn

 

people like INLOOK.VN fanpage