Bạn đang ở đây

Khởi công tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên

Trước đây TP.HCM đã kỳ vọng khởi công xây dựng một tuyến metro (đường sắt đô thị) trước năm 2005 để đến năm 2010 đưa vào sử dụng. Thế nhưng mất nhiều năm chờ đợi, hôm nay TP.HCM mới khởi công xây dựng tuyến metro đầu tiên.

Nhiều năm chờ đợi

Theo kế hoạch, dự kiến đến năm 2017 sẽ hoàn thành việc xây dựng tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên. Tuyến metro này dự kiến sẽ vận chuyển khoảng 186.000 hành khách/ngày. Đến năm 2020 sẽ vận chuyển 620.000 hành khách/ngày và đến năm 2040 vận chuyển được hơn 1 triệu hành khách/ngày. Với tốc độ tàu metro chạy từ 40-60km/giờ trên lộ trình Bến Thành - Suối Tiên dài 19,7km chỉ mất khoảng 30 phút (cứ 5 phút có một chuyến xuất bến và tàu dừng ở mỗi ga bình quân 1,5 phút để đón và trả khách).

Các kỹ sư Việt Nam và Nhật Bản bên hình phối cảnh con tàu của tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên, TP.HCM - Ảnh: Minh Đức

Người dân xem phối cảnh mô hình tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên đoạn chạy trên cao - Ảnh: MINH ĐỨC


Vì sao phải chờ đợi lâu như vậy?

Ông Lê Hồng Hà - phó Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM - cho biết khó khăn nhất là vốn đầu tư dự án xây dựng tuyến metro quá lớn. Ban đầu tuyến metro số 1 dự kiến vốn đầu tư 1,1 tỉ USD, nhưng sau khi tính toán lại tăng lên hơn 2,4 tỉ USD vì trượt giá và điều chỉnh thiết kế kỹ thuật. Tương tự, việc chuẩn bị đầu tư xây dựng tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương - bến xe An Sương cũng gặp không ít khó khăn do phía nhà tài trợ có sự thay đổi về nhân sự và do vốn quá lớn.

Theo ông Hà, từ tháng 1-2006, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - chợ Nhỏ và đến tháng 10-2006 Thủ tướng Chính phủ chấp thuận kéo dài tuyến đường sắt từ chợ Nhỏ đến Suối Tiên thành dự án tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên. Đây là dự án do phía Nhật nghiên cứu nên họ cam kết tài trợ vốn và mong muốn thúc đẩy nhanh tiến độ dự án.

Xa lộ Hà Nội là tuyến giao thông quan trọng ở cửa ngõ đông bắc TP, nối TP.HCM với Biên Hòa - Vũng Tàu và là nơi có lượng xe lưu thông đông đúc nhất trong số các cửa ngõ TP.HCM. Để đáp ứng nhu cầu giao thông, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trên tuyến đường này mỗi ngày cần phải có 5.000 xe buýt với thời gian xuất bến 10 giây/chuyến trong giờ cao điểm. Còn đến năm 2020, mỗi ngày cần có 6.000-10.000 xe buýt mới đáp ứng nhu cầu đi lại trên tuyến đường này. Do đó, việc xây dựng tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên là bài toán thay cho xe buýt và giải quyết nhiều vấn đề về giao thông trên tuyến xa lộ Hà Nội.
 

Sơ đồ các ga trên tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên - Đồ họa: VĨ CƯỜNG

Thi công ra sao?

Đến nay các quận 1, 9, Bình Thạnh đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và bàn giao cho chủ đầu tư. Đồng thời các cơ quan chủ quản cấp nước, điện, cây xanh, chiếu sáng, thông tin liên lạc đã cơ bản hoàn thành công tác di dời hạ tầng kỹ thuật.

Dự án tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên dài 19,7km được chia thành ba gói thầu xây dựng. Ngày 28-8 khởi công gói thầu số 2 gồm: xây dựng 17,1km tuyến đường trên cao đoạn từ Nhà máy Ba Son đến Suối Tiên với 11 nhà ga (xem sơ đồ) và xây dựng depot Long Bình (trạm bảo dưỡng kỹ thuật đầu máy, toa xe). Trước đó vào tháng 8-2008, ban quản lý đã khởi công xây dựng tường rào, san lấp mặt bằng depot Long Bình và đã hoàn thành vào tháng 7-2010. Hiện nay, nhà thầu đang triển khai công tác khảo sát xây dựng, khoan cọc thử và thiết kế kỹ thuật để đầy đủ cơ sở triển khai thi công đại trà vào tháng 11-2012.

Gói thầu số 2 xây dựng 2,6km đi ngầm và ba nhà ga. Hiện nay chủ đầu tư đang chuẩn bị đấu thầu, theo kế hoạch trong năm 2013 sẽ thi công xây dựng gói thầu số 2. Đây là gói thầu được xem là phức tạp nhất vì làm đường ngầm trong lòng đất (mỗi đường ngầm metro có đường kính 6m là một chiều tàu chạy) ở độ sâu khoảng 20m chạy dọc từ khu vực chợ Bến Thành đến Nhà máy Ba Son (Q.1). Gói thầu số 3 mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy toa xe, đường ray và bảo dưỡng hiện đang hoàn tất công tác đấu thầu.

Mô hình nhà ga ngầm

Mô hình chiếc metro tuyến Bến Thành - Suối Tiên

Các tuyến metro khác

- Dự án tuyến metro số 2 Bến Thành - bến xe An Sương. Trong giai đoạn 1, xây dựng trước tuyến Bến Thành - Tham Lương dài 11,3km với tổng mức đầu tư 1,37 tỉ USD, trong đó Ngân hàng Phát triển châu Á góp 540 triệu USD, Ngân hàng KFW Đức góp 313 triệu USD, Ngân hàng EIB góp 195 triệu USD, vốn đối ứng ngân sách TP góp 326,5 triệu USD. Hiện nay các quận 1, 10, 12 và Tân Phú đang triển khai công tác bồi thường giải tỏa 644 hộ dân, chủ yếu ở các khu vực xây dựng nhà ga.

- Dự án tuyến metro số 5 cầu Sài Gòn (Q.Bình Thạnh) - bến xe Cần Giuộc mới (Q.8). Trong đó giai đoạn 1 xây dựng trước đoạn từ ngã tư Bảy Hiền (Q.Tân Bình) đến cầu Sài Gòn đã được Chính phủ Tây Ban Nha đồng ý tài trợ vốn ODA 500 triệu euro. UBND TP đang đề nghị Bộ Kế hoạch - đầu tư kiến nghị Ngân hàng Thế giới tham gia hợp vốn tài trợ khoảng 190 triệu euro.

- Dự án tuyến metro số 3A Bến Thành (Q.1) - Tân Kiên (huyện Bình Chánh) hiện đang tiến hành lập hồ sơ ranh mốc, làm cơ sở bàn giao cho địa phương quản lý quy hoạch.

- Dự án tuyến metro số 3B ngã sáu Cộng Hòa (Q.Tân Bình) - Hiệp Bình Phước (Q.Thủ Đức) tháng 7-2012 Sở Giao thông vận tải đã trình UBND TP.HCM thông qua thiết kế cơ sở của dự án.

- Dự án tuyến metro số 4 Nguyễn Văn Linh (Q.7) - Thạnh Xuân (Q.12). Hiện nay Sở Giao thông vận tải đang xem xét về thiết kế cơ sở của dự án. Mới đây UBND TP đã yêu cầu bổ sung kéo dài tuyến metro này từ đường Nguyễn Văn Linh đến khu đô thị cảng Hiệp Phước, dự kiến trong năm 2013 sẽ hoàn thành nghiên cứu toàn tuyến này.

- Dự án tuyến metro số 6 Bà Quẹo (Q.Tân Bình - Q.Tân Phú) - vòng xoay Phú Lâm (Q.6). Hiện nay tư vấn đang hoàn thiện báo cáo cuối kỳ về thiết kế cơ sở của dự án này.

Theo Tuổi Trẻ

 

people like INLOOK.VN fanpage