Bạn đang ở đây

Không cho điểm bài văn có suy nghĩ tiêu cực về Nam

Ở câu hỏi nghị luận bàn về hành động hy sinh tính mạng cứu người của học sinh Nguyễn Văn Nam, trong đáp án và hướng dẫn chấm thi tốt nghiệp môn Ngữ văn, Bộ GD-ĐT ghi rõ “Không cho điểm những bài làm có suy nghĩ lệch lạc, tiêu cực”.
thi tốt nghiệp, đề thi, ngữ văn, đáp án, lệch lạc, cứu người, Nguyễn Văn Nam
Thí sinh trước giờ thi môn Văn tốt nghiệp THPT 2013. (Ảnh: Văn Chung)

Hướng dẫn chấm bài thi môn Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT 2013, Bộ GD-ĐT yêu cầu “giám khảo đánh giá tổng quát bài làm của thí sinh, tránh cách chấm điểm đếm ý cho điểm. Do đặc trưng của bộ môn nên giám khảo cần chủ động, linh hoạt trong việc vận dụng đáp án và thang điểm, khuyến khích những bài viết có cảm xúc và sáng tạo”.

Câu 2 (3 điểm)  - thí sinh bày tỏ quan điểm về hành động dũng cảm cứu người của học sinh Nguyễn Văn Nam - yêu cầu về kiến thức cần đạt được là “thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng phải bám sát yêu cầu của đề bài, cần làm rõ được những ý chính” mà đáp án đưa ra với ba-rem điểm cụ thể.

Hướng dẫn chấm thi như sau:

Nêu vấn đề nghị luận: Giới thiệu hiện tượng Nguyễn Văn Nam (0,5 điểm).

Phân tích: Cảm phục trước hành động quên mình cứu người của Nguyễn Văn Nam. Đây là tấm gương sáng cho thanh niên cả nước học tập (0,5 điểm).

Hành động này thể hiện tấm lòng nhân ái của một nhân cách đặc biệt; một phẩm chất đạo đức cao đẹp đã được tu dưỡng, học tập, rèn luyện từ môi trường giáo dục tốt của gia đình, nhà trường và truyền thống quê hương,… (0,5 điểm).

Bình luận: Việc làm của Nguyễn Văn Nam là một nghĩa cử cao đẹp, dũng cảm phi thường, song không phải là cá biệt. Hành động này còn giàu ý nghĩa tích cực trong bối cảnh cuộc sống hiện tại (0,5 điểm). Phê phán lối sống ích kỉ, vô cảm; đề cao ý thức nuôi dưỡng điều thiện và tính thiện (0,5 điểm).

Liên hệ bản thân: học tập theo tấm gương Nguyễn Văn Nam,… (0,5 điểm).

Hướng dẫn chấm điểm lưu ý các giám khảo:

“Nếu thí sinh có những suy nghĩ, kiến giải riêng mà vẫn hợp lí thì vẫn được chấp nhận. Nếu thí sinh có kĩ năng làm bài tốt nhưng chỉ đi sâu bàn luận vào một vài khía cạnh cơ bản thì vẫn đạt điểm tối đa” và “Không cho điểm những bài làm có suy nghĩ lệch lạc, tiêu cực”.

Đề thi môn Ngữ văn tốt nghiệp THPT 2013 nhận được nhiều lời khen không chỉ vừa sức mà khá hay, có điểm mới đặc biệt ở câu hỏi nghị luận xã hội.

Theo cô Trịnh Thu Tuyết, GV dạy Văn Trường THPT Chuyên Chu Văn An (Hà Nội): “Đề bài đề cập tới một hiện tượng xã hội có thật, mới mẻ, một hiện tượng gây hiệu ứng mạnh về nỗi xúc động và niềm cảm phục với một thiếu niên dũng cảm, hi sinh thân mình cứu bạn.

Tôi nghĩ đề bài sẽ chạm tới những xúc cảm chân thành của học trò, tránh được cách viết sáo mòn, sách vở”.

Tuy nhiên một số ý kiến băn khoăn có nên “lược sức mình” trước khi hành động hoặc bình tĩnh hơn để gọi người giúp đỡ người gặp nguy hiểm.

Chiều 4/6, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định, việc ra đề mở thì đáp án cũng mở, quan trọng là thí sinh lập luận chặt chẽ để đạt điểm cao. Theo ông, có những chuẩn mực đạo đức khác nhau, nhưng không áp đặt cho bạn trẻ.

Theo Vietnamnet

people like INLOOK.VN fanpage