Bạn đang ở đây

Khủng hoảng diễn viên và nghịch lý xót xa của phim truyền hình VN

Mỗi năm chúng ta sản xuất khoảng 200 - 300 đầu phim truyền hình, nhưng cơ sở để đào tạo diễn viên thì chỉ đếm trên đầu ngón tay

Không khó để nhận ra việc sản xuất một số lượng lớn phim truyền hình như hiện nay đã đẩy các nhà làm phim vào tình trạng khan hiếm diễn viên, thậm chí buộc họ phải chấp nhận thực tế đáng buồn là làm nghiệp dư hóa đội ngũ này khi phải sử dụng một số lượng lớn diễn viên tay ngang không có kinh nghiệm và khả năng diễn xuất.

Các diễn viên trẻ Việt Nam hầu như thiếu sự đào tạo bài bản

 

Trông người lại ngẫm đến ta

Khi một bộ phim bắt đầu bấm máy cho tới khi làm hậu kỳ, mở các chiến dịch PR hoành tráng thì có lẽ dàn diễn viên chính sẽ luôn nhận được sự quan tâm nhiều nhất của báo giới và người hâm mộ. Ở Hollywood, những bộ phim bom tấn muốn công phá màn ảnh thành công phải luôn đạt được nhiều yếu tố hoành tráng: Tiền đầu tư lớn, đạo diễn nổi tiếng và đặc biệt là dàn diễn viên ngôi saohứa hẹn đủ sức công phá màn ảnh rộng. Chính bởi yếu tố diễn viên quyết định đến vận mệnh của bộ phim như vậy mà catse của những ngôi sao hạng A ở Hollywood như Angielina Jolie, Brad Pitt, Cameron Diaz hay Tom Cruiseluôn ở ngưỡng hàng chục triệu USD.

Từ Hollywood nhìn sang một số các quốc gia châu Á có nền điện ảnh phát triển, có nhiều thành tựu như Trung Quốc, Hong Kong, Nhật Bản hay Hàn Quốcchúng ta đều có thể dễ dàng nhận ra được tầm vóc của người diễn viên trong công nghệ sản xuất phim của những nước này. Tại Hàn Quốc - nơi mà phim truyền hình xâm chiếm màn ảnh Việt suốt bao nhiêu năm, dễ dàng nhận thấy họ sở hữu trong tay một đội ngũ diễn viên không chỉ sắc nước hương trời mà còn có khả năng diễn xuất thực sự. Đó là chuyện những diễn viên xứ người, quay lại ngẫm chuyện diễn viên trong nước ta mới thấy thật nhiều chuyện thật bi hài, cười ra nước mắt. “Cười” để rồi lo lắng, sợ hãi vì sự thiếu hụt, yếu kém của đội ngũ diễn viên nước nhà.

Đào tạo diễn viên – câu hỏi chưa lời giải

Tốc độ sản xuất phim vừa nhanh vừa nhiều đã tạo nên cơn sốt diễn viên, cháy diễn viên. Vì vậy mới thấy, những diễn viên chạy show một ngày tới ba, bốn phim ở các địa điểm khác nhau. Đến cảnh quay phim này thì nhầm lời thoại của phim kia. Nhưng như vậy vẫn còn coi là… may mắn, bởi nhiều trường hợp đạo diễn khi chỉ chỉ đạo diễn viên ở trường quay rồi mới ngã ngửa vì họ còn không biết thoại trong cảnh phim của mình như thế nào, hành động của nhân vật ra sao. Với cách làm việc thiếu trách nhiệm, tinh thần học hỏi như vậy thì câu hỏi tại sao màn ảnh Việt không có diễn viên giỏi, xuất sắc, phim Việt không đủ chất lượng và chẳng hút người xem là chuyện hết sức bình thường.

Theo chủ tịch hội điện ảnh Việt Nam, ông Trần Luân Kim thì: “Diễn viên luôn giữ một vị trí quan trọng, là bộ mặt của tác phẩm điện ảnh, đại diện cho cả đoàn phim tiếp xúc với công chúng. Không có đội ngũ diễn viên được đào tạo chuyện nghiệp là do những người có trách nhiệm đã để buông trôi vấn đề này. Không có nước nào lại không có trường đào tạo diễn viên chuyên nghiệp”.

Đào tạo nhân lực (đội ngũ diễn viên) chất lượng được coi là biện pháp giải quyết mang ý nghĩa then chốt trong thời điểm này. Nhưng nghịch lý thay, số lượng những cơ sở đào tạo diễn viên còn quá ít, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tế. Mỗi năm chúng ta sản xuất khoảng 200 - 300 đầu phim truyền hình, nhưng cơ sở để đào tạo diễn viên thì đếm trên đầu ngón tay. Ngoài hai trường đại học về điện ảnh ở phía Bắc và phía Nam cùng vài trường cao đẳng có khoa đào tạo diễn viên thì còn lại các bạn trẻ yêu thích nghiệp diễn, có khả năng với nghề vì lý do nào đó không có điều kiện theo học ở trường đại học, cao đẳng dường như không biết bám víu vào đâu để thực hiện ước mơ cháy bỏng của mình.

Với mô hình giáo dục phổ biến là đào tạo diễn viên sân khấu song song với đào tạo diễn viên điện ảnh. Sinh viên dường như khi ra trường chủ yếu đầu quân về các nhà hát để đóng kịch. Chỉ có vài trường hợp hãn hữu theo đuổi giấc mơ trở thành diễn viên điện ảnh. Vậy là, nguồn nhân lực đã thiếu lại càng hiếm.

Bên cạnh đó, những diễn viên được đào tạo bài bản trong trường lớáp lại ít có cơ hội cọ xát về mặt nghề nghiệp. Trong quá trình học không mấy khi có cơ hội được tiếp xúc với máy quay, tham gia vào các vai diễn. Khi được mời tham gia casting cho phim mới, họ thường tỏ ra lúng túng, không làm chủ được cảm xúc, ngượng ngùng trước ống kính. Việc giảng dạy diễn viên trong nhà trường cũng còn nhiều bất cập. Giữa bối cảnh đó, thật khó khăn cho các đạo diễn muốn tìm kiếm một ngôi sao điện ảnh trong tương lai hội tụ đầy đủ mọi yếu tố của một diễn viên chuyên nghiệp.

Học diễn viên ở nước ngoài mất khá nhiều thời gian, công sức. Thậm chí ở một số các nước, học điện ảnh nói chung và học diễn viên nói riêng ít nhất phải tốt nghiệp một trường đại học. Tuy nhiên ở Việt Nam, trong quá trình đào tạo thiếu sự liên hệ chặt chẽ, không đủ cơ sở vật chất và các môn học để diễn viên có thể bắt nhịp với dòng chảy điện ảnh thế giới. Vốn sống ít, lại không chịu đầu tư thời gian, công sức trong việc tạo dựng phông văn hóa nền, nhiều bạn trẻ ung dung nghĩ rằng đã được học diễn viên trong trường điện ảnh thì có thể ngang nhiên trở thành diễn hịcviên chuyên nghiệp, chờ đợi cơ hội được tỏa sáng ở những bộ phim mình tham gia.

 

Theo NĐT

 

people like INLOOK.VN fanpage