Bạn đang ở đây

Làm thế nào để kiểm soát mọi thứ xung quanh?

Một anh bạn hỏi “Em, giờ anh làm sao để có thể kiểm soát mọi thứ xung quanh anh tốt hơn? Làm sao để anh không bơi trong một mớ những thứ hỗn độn mệt mỏi nữa?”

 

Làm thế nào để kiểm soát mọi thứ xung quanh?
 

Tôi không biết trả lời cụ thể ảnh như thế nào. Tôi suy nghĩ và đặt trường hợp là mình thì mình sẽ như thế nào. Và vì vậy tôi gõ ra ba nguyên tắc bên dưới. Ba nguyên tắc nhỏ của tôi.

1. “You know my name, not my story”

Câu này của anh Jonathan Anthony Burkett. Anh này là nhà văn, còn trẻ, mới hai mươi sáu tuổi. Nguyên văn là “You know my name, not my story. You’ve heard what I’ve done, but not what I’ve been through.” Đại loại ảnh muốn nói, ừ thì bạn biết biết tôi vậy đó, còn tôi vậy đó là như thế nào thì bạn đâu có biết. Bạn không biết những gì diễn ra với tôi, với cuộc đời tôi, sao biết được tôi đã trải qua những gì vân vân.

Câu này là nguyên tắc số 1 của tôi. Không phán xét hay đánh giá gì về những điều mình chưa biết. về những người mà mình chẳng biết gì về họ. Mà có biết, cũng không được nhận xét gì hết. Đúng và sai, dở và hay, mình có phải là họ đâu mà biết. Tuân thủ nguyên tắc này, tôi có hai quyền:

- Một: Yêu cầu người khác đối xử với mình như vậy.

– Hai: Đối với những phán xét không căn cứ, chủ quan và tùy tiện thì chỉ cần có một thái độ duy nhất: Kệ.

2. Dũng cảm không phải là không sợ hãi, mà là dám đối diện với nỗi sợ hãi.

Đây là một nguyên tắc và cũng là một bài học lớn. Nếu thấy quen, bạn có thể Google và kết quả có thể là Nelson Mandela hoặc một vài ông nào đó nổi tiếng. Với tôi, nó đơn giản thôi. Chúng ta đối mặt với nhiều nỗi sợ hãi mỗi ngày. Sợ mất việc, sợ mình không giàu hơn, sợ mình chẳng làm được gì, chẳng đi đến đâu, sợ mình làm phiền lòng người khác, sợ và sợ. Chúng ta sợ rất nhiều. Bạn cũng vậy. Tôi cũng vậy. Có cách nào để không sợ không? Không.

Những nỗi sợ đến từ nhiều lý do. Một trong rất nhiều lý do là vì chúng ta bắt đầu sai. Sai ở một điều gì đó. Nhưng sai thì sao? Chẳng sao hết. Sai thì sửa thôi. Điều cần làm là nhìn thẳng vào những sai lầm, những thiếu sót, những điều còn chưa hoàn hảo, chưa đủ tốt để thừa nhận chúng và khẳng định mình sẽ làm tốt hơn. Đối diện với nỗi sợ, gọi thẳng tên gọi của những sai sót để dũng cảm vượt qua.
 

Làm thế nào để kiểm soát mọi thứ xung quanh?

“Every moment wasted looking back, keeps us from moving forward.” – Hillary Rodham Clinton.
 

3. Nói rất dễ nhưng làm như thế nào? Vậy thì hãy bắt đầu từ việc kiểm soát những việc nhỏ nhất.

Bằng cách nào? Bằng cách tập trung vào từng việc mình làm. Từng việc nhỏ, hãy làm thật chỉn chu tỉ mỉ và đặt sự quan tâm của mình vào đó. Nghe phức tạp quá ha. Nhưng lại đơn giản lắm. Ăn cơm thì hãy nghĩ đến việc ăn cơm, đừng nghĩ đến chuyện chiều nay hẹn hò. Chạy xe thì để ý xung quanh, nghĩ về điểm đến và đường đi, đừng nghĩ về công việc. Chỉ vậy thôi nhưng rất khó làm. Vì khó nên người ta mới gọi việc tĩnh tâm, tại mỗi thời điểm nhất định, làm gì thì chỉ nghĩ về việc đó thôi là Thiền. Cái này đi học Yoga cô giáo dạy mới biết he he.

Kiểm soát những cái nhỏ, tập trung cho từng việc nhỏ sẽ giúp chúng ta thoát khỏi tình trạng bỗng nhiên xui xẻo đua nhau kéo đến cùng lúc, đã nghèo còn mắc cái eo hay kiểu năm nay là năm xui, làm gì cũng xui.

Ba nguyên tắc nhỏ đó thôi mà nói dễ thực hiện khó. Bởi con người chúng ta là những khối mâu thuẫn và tự xung đột. Mẫu thuẫn và xung đột với chính mình. Tuy nhiên, có những thứ cần bắt đầu từ những điều nho nhỏ trước. Ví dụ, hãy bắt đầu từ nguyên tắc số 3.


Theo Xanh

 

people like INLOOK.VN fanpage