Bạn đang ở đây

Mùa thi, hãy bảo vệ sĩ tử

Những ngày này, cả nước đang hướng sự quan tâm về kỳ thi tuyển sinh đại học 2013. Ngoài nhhững thông tin thí sinh và người nhà "về kinh ứng thí" thì vẫn còn đó tin tức thương tâm về những cái chết cận kề ngày thi đại học. Trong khi các sĩ tử đang bước vào một cuộc đời lớn thì có những em đã sớm đóng lại cuộc đời mình khi mới vừa 18 tuổi...
Mỗi mùa thi đến, áp lực học hành, thi cử, chuyện gia đình… khiến học sinh, sinh viên rơi vào tình trạng bế tắc, tìm đến cái chết luôn ở trong tình trạng báo động.
Áp lực mùa thi
Cái chết của nữ sinh Nguyễn Thị Chầm Linh (sinh năm 1995), vừa tốt nghiệp lớp 12, trường THPT Hai Bà Trưng (Thạch Thất, Hà Nội) vừa qua gây xôn xao trong dư luận. Linh bị  bạn bè trêu đùa, ghép hình khuôn mặt của Linh vào ảnh của một cô gái ăn mặc hở hang rồi tung lên facebook. Sau khi nói chuyện với các bạn đề nghị gỡ ảnh xuống không được, thậm chí còn bị trêu trọc, thách đố nhiều hơn, Linh đã uống thuốc sâu tự tử vào rạng sáng ngày 26/6. 
 
 
 
Bức di thư của Linh 
 
 Bức di thư Linh viết khi đang điều trị tại bệnh viện Bạch Mai cho biết: "Hôm đi học thêm toán, Thằng Hải nó lấy ảnh cháu, về nó ghép linh tinh, cháu bảo nó mà nó không bỏ, nó bảo nó sẽ đăng lên Facebook. Thế sau nó đăng lên Facebook của lũ con trai của lớp. Thằng Đạo thấy thế down về đăng lên Facebook của cả lớp. Cả lớp xem được. Cháu bực mình gây sự thế là cả lớp thích chí càng trêu hơn. Cháu dọa cho là cháu sẽ chết vì bức ảnhh đó. Nó bảo cháu chết luôn đi, cho bọn nó ăn mừng, thế là cháu làm liều"..
Sau khi cái chết của Linh gây xôn xao dư luận, đã cóc tâm thư của một cô học sinh gửi cho ba mẹ mình với những trăn trở rất đáng quan tâm :
"Ba mẹ ơi! Con không biết trong thế giới người lớn, chuyện gì được xếp vào chuyện “lớn” – có chuyện “lớn” hơn những đứa con của họ? Và trong những chuyện “lớn” liên quan đến con cái, có gì khác ngoài điểm số, kết quả thi cử, chọn trường cho an toàn để đỗ đại học, có là ngoan ngoãn giỏi giang trong mắt thầy cô?

Còn với chúng con, cuộc sống chỉ trọn vẹn ở trường, và ở nhà với ba mẹ, thầy cô và các bạn. Những lời răn dạy, mắng mỏ nhiều khi vô tình của ba mẹ, thầy cô cũng nhiều lúc khiến chúng con thấy mình vô dụng. Những chuyện “vặt” như bị bạn bè chế nhạo, không được tôn trọng, không được yêu quý, thừa nhận, bi thảm nhất, bị tẩy chay, bị đưa ra làm trò cười cho đám đông bạn bè… là quá khủng khiếp khiến chúng con thấy cả trời đất sụp đổ. 

Ngay cả bây giờ, khi đặt mình vào vị trí của người chị chỉ hơn con một lớp kia, con cũng không biết mình có thể xử lí như thế nào để thoát khỏi mọi rắc rối, ê chề của tâm điểm “trò cười”. Làm sao con dám kể hết với ba mẹ, với thầy cô vì con không biết liệu ba mẹ, thầy cô có giúp được con hay không hay ngược lại, còn trách mắng con thêm nữa? Con sợ, sợ lắm ba mẹ ơi…"

Hãy bảo vệ con em mình

Việc học sinh, sinh viên rơi vào tình trạng buồn chán, trầm cảm sau mỗi kỳ thi là không tránh khỏi. Nhưng việc ngăn chặn các em tìm đến những hành động dại dột là điều có thể.

Trang bị cho học sinh vốn kiến thức vững vàng nhất trước kỳ thi.

Trước kỳ thi, thầy cô luôn phân tích rõ cho học sinh những lý do có thể khiến các em không đạt được kết quả như ý muốn. Phần lớn trong đó là do các em chưa học tập một cách hiệu quả và còn hổng nhiều kiến thức. Các em sẽ được hỗ trợ tìm ra phương pháp học tối ưu. Việc học sinh được cảnh báo trước rằng, nếu không cố gắng hết mình thì sẽ bị trượt, và nếu trượt thì còn cơ hội ở những lần thi khác sẽ giúp các em chuẩn bị tâm lý và luôn để sẵn cho mình những phương án dự trù trong hoàn cảnh xấu nhất.

Phát huy sức mạnh của những bài học đạo đức trong nhà trường.

Học sinh ngày nay thường bỏ qua tầm quan trọng của các bài học đạo đức về nhân cách con người và giá trị của cuộc sống. Các em có lối suy nghĩ thực dụng từ quá sớm, bị choáng ngợp trước sự giàu có và phồn hoa của thế giới bên ngoài. Kịp thời ghi sâu vào tâm hồn các em ý nghĩa về sự tồn tại của chính mình đồng nghĩa với việc ươm mầm bản lĩnh và sức mạnh để các em dũng cảm vượt qua sau mỗi lần vấp ngã.

Thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo cho học sinh

Nhà trường cần tổ chức các buổi hội thảo, gặp mặt định kỳ với học sinh. Thông qua đó, thầy cô sẽ chuẩn bị những tình huống bất ngờ để các em làm quen với vấn đề và định hình cho mình một cách ứng phó phù hợp. Thất bại trong thi cử, áp lực học tập hay vấp ngã trong tình yêu, tình bạn tuổi học trò đều là những tình huống phổ biến mà nếu học sinh đã được thực tập từ trước thì khi thực sự giáp mặt với nó, các em sẽ không còn quá bỡ ngỡ. Mô hình giáo dục này là một phương pháp điển hình trong việc hỗ trợ học sinh vượt qua thất bại.

Ngay lập tức tổ chức các hội đồng tư vấn cho học sinh sau kỳ thi.

Nhà trường không khó để khoanh vùng đối tượng học sinh “đuối” trong kỳ thi. Nhóm học sinh này có nguy cơ suy nghĩ và hành động tiêu cực rất cao. Do đó, việc chủ động gần gũi, động viên và định hướng cho các em là điều vô cùng cần thiết. Ngoài ra, khi kết quả thi đã được công bố rõ ràng thì cần gặp gỡ riêng các học sinh thi trượt sớm nhất có thể. Chỉ cần không để các em một mình, cộng với việc giúp các em vạch ra con đường đi khác cũng dẫn tới thành công mà các em kỳ vọng, chắc chắn sẽ khiến những kết cục đáng buồn không còn tái diễn.

Phụ huynh cùng chung tay bảo vệ con em mình.

Cha mẹ luôn là nguồn động viên tinh thần lớn lao mà các em dựa vào. Trở thành niềm tự hào của cha mẹ cũng là khát khao cháy bỏng của nhiều bạn trẻ. Thế nên trước thất bại đầu đời của con, thay vì la mắng, khiển trách, các bậc phụ huynh nên giành nhiều thời gian hơn cho con khi các em không đạt được điều mình mong muốn. Trước kỳ thi, sự nghiêm khắc đối với con em là điều cần thiết, nhưng sau đó, chính cha mẹ cũng cần nhẹ nhàng hơn, bởi sự quở trách không thể thay đổi được kết quả đã rõ mồn một, mà đôi khi còn là nguồn cơn của những số mệnh sớm tàn.

Phụ huynh cần cùng con tìm ra nguyên nhân của thất bại và giúp các em vơi đi nỗi thất vọng, tự trách móc bản thân mà chính các em đang dùng để trừng phạt mình. Gia đình hãy là nơi để học sinh trở về khi vấp ngã, và lại từ đó mà mạnh mẽ đứng lên, rẽ cuộc đời sang những con đường khác với ý chí mạnh mẽ về thành công trong tương lai.

Léa/ Inlook.vn

 

people like INLOOK.VN fanpage