Bạn đang ở đây

Người đàn bà 20 năm lượm xác hài nhi

Một mình bươn chải cho 5 miệng ăn, chị Mười buộc lòng đưa đàn con thơ ra ở căn nhà tạm giữa nghĩa trang lạnh vắng. Tìm niềm vui trong việc chăm sóc phần mộ cho người đã khuất, thù lao đủ để chị Mười lo cho đàn con.

Hễ rảnh rỗi, người đàn bà ấy lại đi thu lượm những thai nhi bị bỏ rơi rồi chắt chiu xây cất mộ phần. Vậy nhưng cuộc sống của gia đình bé nhỏ ấy luôn bị nguy hiểm rình rập…

Cơ duyên “làm bạn với ma”
 
Men theo con đường sỏi đá lởm chởm dẫn vào giữa khu nghĩa trang phường Tân Lập là căn phòng xây bằng gạch đã cũ kỹ, rộng khoảng 12 m2. Chủ nhân của nó là chị Phạm Thị Mười (48 tuổi, trú ở tổ dân phố 7, Tân Lập, thành phố Buôn Ma Thuật ) đã sống gần 20 năm nay trên mảnh đất này. Mọi người ở đây đều gọi chị  Mười là “Mười nghĩa địa” hay “Mười mồ mả”, bởi chị này kiếm sống nuôi đàn con thơ từ việc lau chùi dọn dẹp mộ, bán nhang đèn. 
 
Thấy chúng tôi đến, chị Mười không khỏi lúng túng nhưng đôi tay vẫn thoăn thoắt nhổ những bụi cỏ dại quấn quanh ngôi mộ rồi kể về cuộc đời của mình: “Tôi quê gốc ở Quảng Nam, cuộc sống bấp bênh nên tôi phải tha hương kiếm sống trong khi những người anh em còn lại đều có công việc, gia đình ổn định, thậm chí có người anh còn là 'quan' ở chốn quê nhà”.
 
 
Năm 1986, chị Mười lên Đăk Lăk với hy vọng “đổi vận, lên đời”. Hơn 30 năm mưu sinh trên vùng cao nguyên đất đỏ này, chị Mười đã trải qua những công việc vô cùng vất vả và nhiều bất trắc như phụ hồ, xe ôm, bán vé số, ôsin … Một thời gian sau chị lấy chồng, hai vợ chồng cùng bươn chải kiếm sống nuôi 4 đứa con lần lượt nối nhau ra đời.
 
Sau bao nhiêu năm chia sẻ khó khăn vất vả với người vợ, bỗng dưng chồng chị Mười trở chứng cờ bạc, trai gái. Số tiền ít ỏi dành dụm bấy lâu đều bị người chồng đem đi nướng vào các sòng bài và bao gái. Những khi say rượu về, người chồng bạc ác lại lôi chị ra đánh đập tàn nhẫn. Chị Mười không thể nhớ hết bao nhiêu lần bị người chồng vô tâm bạo hành, ngược đãi. Nhiều lúc uất ức và tuyệt vọng muốn quyên sinh để thoát khỏi cái nợ trần gian, nhưng nghĩ đến đàn con bé dại không có ai lo nên chị Mười lại gắng gượng sống.
 
Sau một ngày lao động cực nhọc, khi trở về nhà, chị Mười vô cùng buồn tủi khi người chồng lấy sạch của cải cuốn gói theo cô bồ, bỏ lại 4 đứa con thơ. Thấy chị Mười chăm chỉ nhưng cuộc sống vẫn hết sức khó khăn, đói khổ, hàng xóm thường gom góp quần áo cũ, cơm nguội, gạo giúp đỡ gia đình chị vượt qua khó khăn. Đồng thời một số người đã giới thiệu chị Mười lên nghĩa trang dọn dẹp mộ phần và bán nhang, đèn kiếm sống. “Lúc đó cuộc sống cơ cực, cùng quẫn quá. Nghe người ta bảo lên nghĩa địa kiếm ăn tôi cũng đánh liều”, chị Mười ngậm ngùi.
 
Kiếm cơm từ những ngôi mộ
 
Chị Mười lên “lập nghiệp” ở nghĩa trang từ năm 1992, đến nay đã có 20 năm gắn bó ở nghĩa địa này. “Lúc đầu lên đây chỉ để bán hương đèn cho khách đi thăm mộ. Sau này có người thấy tôi ở nghĩa địa cả ngày nên nhiều khách ngỏ ý thuê tôi lau chùi. Hiện tại ngoài việc bán nhang đèn, tôi còn lau chùi cho khoảng 200 ngôi mộ lớn nhỏ khác”, chị Mười nói.
 
Nói về thu nhập, chị Mười khẳng định, thu nhập từ việc chăm sóc phần mộ cho người chết là nguồn sống chính giúp chị nuôi năm miệng ăn. “Mỗi ngày bán nhang đèn kiếm được khoảng 15.000 - 20.000 đồng. Lau chùi mồ mả thuê mỗi lần được 1.000 đồng/mộ, có mộ thì được gia chủ thuê làm thường xuyên, có mộ thì cả tháng trời mới làm sạch một lần. Bình quân mỗi tháng thu nhập cũng được 2 - 3 triệu đồng. Tằn tiện hết mức, 5 mẹ con tôi sống qua gần 20 năm trời”, chị Mười tâm sự.
 
Chị Mười kể lại: “Lúc đầu bước chân đến nơi này, tôi hết sức sợ hãi. Mỗi lần đi làm, tôi phải dắt con theo, treo xâu tỏi lủng lẳng trên cổ cho có 'bạn'. Lâu dần tôi cũng quen với hoàn cảnh nên hết sợ”.
 
Rồi cứ mỗi lần đến ngày rằm hay ngày mồng một háng tháng, chị Mười đều thắp nhang cúng bái cho những linh hồn ở đây bớt cô đơn lạnh lẽo. Quán sá của chị Mười dù không có gì đáng giá, nhưng cũng nhiều lần bị kẻ bất lương cạy cửa lấy đồ và vơ vết cả những đồng bạc lẻ khiến cuộc sống của 5 mẹ con chị thêm phần khó khăn.
 
Gom kim tiêm và xác hài nhi
 
Trong lúc dẫn chúng tôi đi xem những ngôi mộ mà chị nhận “hợp đồng” với khách, chị Mười cầm trên tay cái xô nhỏ và giải thích là để lượm kim tiêm: “Khu nghĩa trang này mỗi ngày có hàng trăm kẻ nghiện ma túy vào tiêm chích rồi vứt bỏ kim tiêm bừa bãi. Tôi đi làm tranh thủ gom rồi đêm xử lý cho an toàn. Nếu cứ để như thế thì những người đến thăm viếng người thân hoặc an táng không may dẫm phải thì rất tội”.
 
Trong lúc đi lau mộ, chị Mười thấy bơm kim tiêm nằm vương vãi khắp nơi, nhiều bơm kim tiêm còn dính máu đỏ nên chị liên tưởng đến cảnh một người nào đó khi lên nghĩa trang không may dẫm phải sẽ ra sao nếu lây nhiễm căn bệnh HIV/AIDS. Nghĩ thế nên sau khi dọn dẹp mồ mả xong, chị tranh thủ thời gian cầm túi, xô đi khắp nghĩa địa thu gom kim tiêm. 20 năm qua, chị cũng không nhớ hết mình đã gom được mấy nghìn kim tiêm ở nghĩa địa này.
 
Cách đây mười mấy năm,  chị Mười thấy có một cái túi màu đen có những giọt máu rỉ ra, khi mở túi chị thấy một xác thai nhi khoảng 5 tuần tuổi.
 
Lần khuất trong những ngôi mộ đồ sộ ở nghĩa trang phường Tân Lập là những ngôi mộ bé nhỏ, xinh xắn nằm san sát nhau. Trên mỗi ngôi mộ đều ghi địa chỉ, ngày giờ lượm và có kèm những vật dụng để thắp nhang an ủi linh hồn trẻ thơ bị người thân chối bỏ bơ vơ. Chị Mười là người đi thu gom, an táng và tự thiết kế mộ phần cho gần 200 bào thai bị vứt bỏ.
 
Chị Mười kể lại, cách đây mười mấy năm, trong lúc đi trên con đường tắt băng qua khu nghĩa địa, chị Mười thấy một cái túi màu đen, máu rỉ ra. Khi mở túi, chị thấy xác thai nhi khoảng 5 tuần tuổi. Chị Mười thất thần nhặt xác thai nhi trên tay, nước mắt đầm đìa chảy. “Đó là lần đầu tiên tôi thấy xác thai nhi còn nhỏ bị vứt bỏ. Tui thấy thương, nên đem về đào hố chôn cất, khâm liệm và hàng tháng chăm sóc phần mộ cho cháu”, chị Mười kể lại.
 
Kể từ lúc đó, đi làm thấy ở đâu có bào thai vứt bỏ là chị Mười lại nhặt mang về rồi tự tay khâm liệm, chôn cất. “Cuộc đời các cháu không được may mắn khi chưa được thấy ánh sáng của cuộc đời thì đã phải lìa cõi trần. Sao mà cuộc đời có nhiều kẻ nhẫn tâm đến như vậy? Các cháu nằm giữa đường sá, bụi bờ tội lắm. Tôi nhặt về chôn cất để các cháu có chỗ yên nghỉ, có bạn có bè cho đỡ tủi thân”, chị tâm sự.
 
Sợ mưa gió sẽ cuốn trôi lớp đất làm mất hết dấu tích của những ngôi mộ nhỏ, chị Mười trích trong ngân quỹ vốn ít ỏi của mình đi mua xi măng, đá gạch về rồi hì hục xây cất chu đáo. Chị Mười bảo, tâm nguyện của chị là sẽ cố gắng nhặt nhạnh xây cho những cháu còn lại một ngôi mộ tử tế để các cháu được đầu thai làm người ở kiếp sau, và mong muốn người lớn nên có trách nhiệm, có tình người với chính giọt máu của mình.
 
Ông Nguyễn Minh Đức (phó chủ tịch UBND phường Tân Lập), cho biết: “Chị Mười thu gom hài nhi về chôn cất, nhặt bơm kim tiêm … là việc làm rất đáng tuyên dương. Chính quyền đang đề nghị lên thành phố Buôn Ma Thuật có sự hỗ trợ một phần về vật chất để gia đình chị Mười có cuộc sống ổn định hơn và tiếp tục làm việc có ích. Tuy nhiên, trước mắt, chúng tôi rất cần sự vào cuộc giúp đỡ của các nhà hảo tâm để gia đình chị vơi bớt khó khăn”.

 

Theo Ngọc Minh - Gia đình và Cuộc sống

people like INLOOK.VN fanpage