Bạn đang ở đây

Người 'không biết lớn': Hậu quả của hôn nhân cận huyết

Ở xã Vĩnh Đồng còn có tới hàng chục các cháu bé cũng bị mắc chứng bệnh ‘không lớn’ nhưng hầu hết đã qua đời. Những cháu bé may mắn sống sót đều chịu chung hoàn cảnh trở thành những ‘người lùn’ phát triển không toàn diện.

Người lùn kỳ lạ ở xã Vĩnh Đồng

Cùng trong cảnh ngộ mắc phải căn bệnh kỳ lạ ‘không lớn’ như hai anh em Bùi Văn Bính (SN 1989) và Bùi Văn Bắc (SN 1994), cậu bé Bùi Thanh Ngọc (SN 1998, xóm Sóng Dưới, xã Vĩnh Đồng, Kim Bôi, Hòa Bình) năm nay đã bước sang tuổi thứ 15 nhưng thân hình cũng như diện mạo không khác gì một cậu nhóc vừa bắt đầu chập chững vào lớp 1.

Trò chuyện với tôi trong căn nhà mới được trát lại tường chưa quét sơn, còn phảng phất mùi xi măng ẩm ướt, cô Bùi Thị Nguyến (SN 1968) mẹ đẻ của cậu bé bị mắc bệnh là Bùi Thanh Ngọc kể về câu chuyện buồn của gia đình. Vốn là người dân tộc Mường, năm 1995, cô Nguyến tiến tới kết hôn với một người cùng xã là chú Bùi Văn Thăn (SN 1966) hai vợ chồng không có bất cứ nguồn thu nhập nào khác ngoài mấy sào ruộng và ít đất trồng ngô kiếm thêm chút lương thực cho gia đình.

Cậu bé Bùi Thanh Ngọc 15 tuổi chỉ cao 1,2m và nặng 22kg

 

Năm 1998, hai vợ chồng nghèo sinh hạ được cậu con trai đầu lòng đặt tên là Bùi Thanh Ngọc trong niềm vui vô bờ bến. Sự ra đời của Ngọc mang lại niềm vui, hạnh phúc giúp hai vợ chồng có thêm động lực để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.

Thế nhưng, niềm vui cũng mau chóng tàn lụi thay vào đó là nỗi đau đớn, buồn rầu khi càng lớn bé ngọc càng trở nên yết ớt, da tái nhợt và bắt đầu có những biểu hiện bất thường như cơ thể thấp lùn, răng vẩu, mũi tẹt, bụng to. Sau khi sinh Ngọc, cô Nguyến cho sinh hạ thêm một cháu gái là Bùi Thanh Hằng và Hằng cũng mang trong mình mầm bệnh quái ác. Trong một lần đột nhiên trở ốm nặng, Hằng đã qua đời.

Bùi Thanh Ngọc(trái) 15 tuổi và Bùi Văn Bắc 18 tuổi  (phải) có diện mạo rất giống nhau vì mắc chứng thiếu máu huyết tán

 

Năm Ngọc lên 9 tuổi, dù chưa biết con trai mình chính xác bị mắc bệnh gì nhưng trong một lần vô tình cô Nguyến có dẫn Ngọc sang xóm Chiềng Đồng đi chơi và gặp cậu bé Bùi Văn Bắc thì cô Nguyến hết sức sững sờ vì diện mạo cũng như thân hình của Ngọc giống y hệt Bắc. Cũng từ đây, sau khi hỏi thăm, cô Nguyến biết con trai mình đã bị mắc chứng bệnh thiếu máu huyết tán hiện vô phương cứu chữa, giờ chỉ còn cách đi truyền máu cho con trai để không ốm yếu, quặt quẹo.

Sau Ngọc và Bắc, ở xã Vĩnh Đồng còn có tới hàng chục các cháu bé cũng bị mắc chứng bệnh "không lớn" nhưng hầu hết đã qua đời. Những cháu bé may mắn sống sót đều chịu chung hoàn cảnh trở thành những "người lùn" phát triển không toàn diện. Kể từ sau khi sự việc cháu Bắc và Ngọc được phát hiện giống hệt nhau những người dân ở xã Vĩnh Đồng bắt đầu rỉ tai và nhận thức được về chứng bệnh quái ác. Và những đứa trẻ khi khoảng 5 tuổi nếu bị mắc bệnh là người dân dễ dàng nhận ra qua diện mạo kỳ dị “đặc trưng”.

Cậu bé lùn học giỏi và ước mơ làm thầy giáo

Một điều đặc biệt về cậu bé người lùn Bùi Thanh Ngọc chỉ cao hơn 1m và nặng hơn 20kg là thông thường những đứa trẻ mắc bệnh thiếu máu huyết tán thường chậm phát triển cả về thể chất lẫn trí tuệ, việc tiếp nhận kiến thức rất khó khăn nhưng may mắn thay cậu bé Ngọc lại hoàn toàn ngược lại. Ngọc rất thông minh, hoạt bát, kể từ khi được bố mẹ cho đi học, Ngọc trở nên vui vẻ hơn rất nhiều, ở lớp Ngọc là một trong những học sinh học giỏi nhất lớp, năm nào Ngọc cũng đạt giấy khen. Chẳng thế mà bức tường trát xi măng màu xám xịt sáng bừng một góc vì những tấm giấy khen của Ngọc dán thành hàng đều tăm tắp.

Những tâm giấy khen của cậu bé Bùi Thanh Ngọc

 

Buồn vì con mắc bệnh nhưng việc đứa con trai ngoan ngoãn, học giỏi cũng là niềm động viên an ủi đối với cô Nguyến. Do sức khỏe của Ngọc rất kém, không đi được xe đạp, đi bộ cũng hay bị đuối sức nên hàng ngày cô Nguyến đều đèo con đi học, đến giờ tan lại lên lớp đón Ngọc trở về. Tuy không giúp được mẹ những việc nặng nhọc nhưng những việc nhẹ như nấu cơm, quét ra hay dọn dẹp Ngọc đều chăm chỉ làm để mẹ đỡ mệt nhọc.

Tâm sự với tôi, cậu bé 15 tuổi trông như một chú nhóc với giọng nói cũng vẫn nguyên sự non nớt bảo rằng: “Em thích đi học lắm, em sẽ cố gắng theo học hết cấp 3 rồi thi vào đại học sư phạm để làm nghề thầy giáo”. Câu nói trong veo của Ngọc thật khiến người ta cảm phục về ý chí vượt qua khó khăn của em. Suốt cả buổi trò chuyện Ngọc lúc nào cũng cười tươi rói như chưa bao giờ biết sầu muộn vì số phận hẩm hiu của mình.

Cô Bùi Thị Nguyến lúc nào cũng nơm nớp nỗi lo thiếu tiền đi truyền máu cho con trai

 

Nghe những lời nói của Ngọc, người mẹ nghèo khổ chỉ biết khóc ròng thương con, lúc Ngọc chạy vào bếp lúi húi mấy việc lặt vặt. Cô nguyến khẽ lau nước mắt nhìn tôi bảo rằng, giờ hai vợ chồng chỉ biết cố gắng làm, tiết kiệm để có tiền đi truyền máu cho Ngọc, và cho Ngọc được theo đuổi giấc mơ ham học của mình. Đó là tất cả những gì mà trước mắt cô Nguyến có thể làm cho đứa con mang trong mình mầm bệnh thiếu máu huyết tán.

Theo một nhân viên tại trạm y tế xã Vĩnh Đồng xác nhận, thời gian gần đây địa phương xuất hiện nhiều cháu bé mặt biến dạng, mũi tẹt, da nhợt, bụng to, vàng da, chậm phát triển trí tuệ, thể trạng thấp lùn… xương yếu hay gãy. Lúc đầu cũng chẳng biết là bệnh gì đến khi chuyển đi các bệnh viện Trung ương xét nghiệm mới biết mắc thiếu máu huyết tán bẩm sinh, một căn bệnh có xuất phát điểm có thể là do tình trạng hôn nhân cận huyết tồn tại trong một thời gian dài.

(Còn nữa…)

 

Theo Kinh Vân/ Infonet

people like INLOOK.VN fanpage