Bạn đang ở đây

Nhờ ổ bánh mì, cảnh sát thoát Top 4 ngành tham nhũng

Theo nghiên cứu của nghiên cứu của Diễn đàn Doanh nghiệp thường niên 2013 (VBF), công bố ngày 3/12 vừa qua, có 4 ngành ảnh hưởng rất lớn đến tham nhũng là hải quan, thuế, cấp giấy phép và quản lý đất đai. Như vậy so với kết quả của năm 2012, ngành cảnh sát giao thông đã ra khỏi top 4 trong danh sách.

Còn nhớ cách đây hơn 1 năm, vào tháng 11/2012, tại cuộc họp báo công bố Báo cáo kết quả khảo sát xã hội học “Tham nhũng từ góc nhìn của người dân, doanh nghiệp và cán bộ, công chức, viên chức” do Thanh tra Chính phủ cùng Ngân hàng Thế giới tổ chức thì top 4 ngành và lĩnh vực tham nhũng phổ biến nhất là cảnh sát giao thông (CSGT), quản lý đất đai, hải quan và xây dựng.

Như vậy năm 2013 này, ngành cảnh sát giao thông- từng dẫn đầu danh sách top 4 năm ngoái đã lặng lẽ rời khỏi vị trí dẫn đầu các ngành và lĩnh vực tham nhũng phổ biến nhất. Đây quả thực là một tin vui đối với các chiến sĩ CSGT.

Thật ra điều này cũng không khó hiểu chút nào vì trước đó một vài ngày, vào hôm 1/12, trong phiên họp để các thành viên Chính phủ cho ý kiến về sử dụng khoản tiền phạt của CSGT, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang cho hay, do thiếu lực lượng tuần tra nên nếu chia bình quân, mỗi CSGT phải phụ trách 70 km quốc lộ.

"Đứng một chỗ không được, cảnh sát phải tuần tra rất căng thẳng. Nhiều khi dự luận hiểu không rõ, tưởng phạt nhiều cảnh sát giao thông được nhưng số tiền này, theo quy định phải nộp về Bộ Tài chính. Mỗi ca trực anh em cũng chỉ được mua thêm cái bánh mỳ".

Hóa đơn tố cáo trả tiền độ nhậu thay CSGT của một doanh nghiệp ở Khánh Hòa (Ảnh: PL TP.HCM)

Bên cạnh đó, thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên- cục trưởng cục CSGT đường bộ, đường sắt (Bộ Công an) cũng cho báo VnExpress biết thêm: “Mỗi ca trực đêm của chiến sĩ được thêm 100.000 đồng, số tiền này chưa đủ để mua nước lọc".

Từ thông tin của các lãnh đạo ngành công an cung cấp có thể thấy hiện nay đời sống của các chiến sĩ CSGT rất khó khăn, mỗi ca trực chỉ được bồi dưỡng số tiền chỉ để mua bánh mì và nước lọc.

Nghe đâu đọc xong bài báo này, một nhà thơ ở tỉnh X đã đồng cảm tới mức khóc nức lên, vì theo ông, món bánh mì và nước lọc cứ tưởng chỉ có trong thực đơn của các văn nghệ sĩ nghèo kiết xác nơi tỉnh lẻ, không ngờ cũng là món ăn thông dụng với các chiến sĩ CSGT.

Trên các diễn đàn và mạng xã hội cũng dấy lên một cuộc tranh luận vô cùng sôi nổi, sau khi cảm thấy bất ngờ thì rất nhiều người tỏ ra thông cảm với nỗi vất vả của các CSGT hiện nay, đặc biệt một thành viên hiệphội ăn chay trường cho biết:

“Cứ tưởng các chiến sĩ CSGT phải ăn uống chế độ đặc biệt thế nào mới đảm nhiệm được công việc vất vả đó, chứ nếu chỉ có bánh mì và nước lọc thì rất nhiều người trong số chúng tôi khao khát muốn được gia nhập lực lượng để chia sẻ gánh nặng với các anh”.

Tuy nhiên cũng có những ý kiến phản đối thông tin này vì họ dẫn chứng hồi tháng 5/2013, báo Pháp luật TP.HCM cho biết giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh vận tải tại Ba Ngòi, TP. Cam Ranh (Khánh Hòa) đã gửi đơn “tố” Trung tá Hồ Lưu Luyến, Trạm phó Trạm CSGT Cam Ranh (thuộc Phòng CSGT- Công an Khánh Hòa)-thường xuyên bắt ông trả tiền các độ nhậu tiếp khách của ông Luyến.

Vị giám đốc này còn gửi cả những hóa đơn lên tới hơn 13 triệu đồng kèm theo đơn tố cáo. Điều đó chứng tỏ vẫn có những CSGT đã không chỉ ăn bánh mì và uống nước lọc cầm hơi sau ca trực.

Từ những thông tin này, có thể đi đến kết luận rằng, sau một năm dẫn đầu danh sách 4 ngành và lĩnh vực tham nhũng phổ biến nhất, ngành CSGT đã có những chuyển biến hết sức tích cực và chỉ một năm sau đã được loại ra khỏi danh sách này.

Bên cạnh đó, xếp ngành CSGT vào lĩnh vực ngành nghề dễ tham nhũng có lẽ chưa chuẩn xác, bởi theo lãnh đạo ngành cho biết số tiền bồi dưỡng ca trực chỉ vừa mua được cái bánh mì và nước lọc.

Tuy nhiên, tôi chỉ hy vọng các độc giả đọc xong thông tin này thì đừng vội mừng, ông bà ta đã có câu “chớ thấy đỏ mà tưởng chín”, còn nữ ca sĩ Lệ Quyên thì có một ca khúc rất nổi tiếng là “Thôi đừng chiêm bao”.

Đừng vì biết được các chiến sĩ CSGT chỉ có tiền bồi dưỡng ca trực ít ỏi mà khi bị tuýt còi do vi phạm giao thông lại chìa ra vài cái bánh mỳ để gọi là… có chút quà bồi dưỡng. Thương nhau như thế hóa ra bằng mười phụ nhau.

Theo nghiên cứu của VBF, có 4 ngành ảnh hưởng rất lớn đến tham nhũng là hải quan, thuế, cấp giấy phép và quản lý đất đai.

Qua khảo sát vào tháng 10/2013 của VBF về cộng đồng doanh nghiệp (DN) ở Việt Nam cho thấy, tình trạng tham nhũng thường phổ biến trong lĩnh vực công hơn lĩnh vực tư nhân.

Trong 3 lĩnh vực mà Chính phủ ưu tiên để chống tham nhũng, số người khảo sát lựa chọn để “đánh” với hải quan 55,2%, thuế 46,2% và quản lý đất đai là 39,8%.

Các viên chức công quyền yêu cầu những khoản hối lộ và tiền bôi trơn hầu như mỗi ngày. Nếu từ chối những yêu cầu đó DN bị làm khó dễ trong lĩnh vực liên quan.

Theo các chuyên gia VBF, có tình trạng cán bộ hải quan được chi trả phí bôi trơn để giải quyết nhanh trong xuất, nhập hàng hóa; nhận hối lộ để làm ngơ trước hàng lậu, hàng cấm. VBF lưu ý rằng, việc này có phần xuất phát từ DN, khi họ muốn “được việc” trong thời gian ngắn.

Chuyên gia VBF cũng dẫn chứng trường hợp về đường dây nóng của Tổng cục Hải quan.

Khi thành viên của VBF gọi thử vào đường dây, được trả lời: Không tiếp nhận những thông tin về tham nhũng của cán bộ trong ngành. Trong lĩnh vực thuế, DN thường xuyên phải trả phí bôi trơn, cán bộ thuế đề nghị cố ý khai báo giảm nghĩa vụ thuế để được hối lộ.

“Hành vi tham nhũng này là kết quả của thực trạng cán bộ thuế quyền hành lớn; còn hệ thống chính sách và quy trình thủ tục cồng kềnh, không rõ ràng”- VBF cảnh báo.

Trước độ nóng tham nhũng, tiêu cực trong ngành thuế, hải quan, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai nói:“Chúng tôi tiếp tục cam kết, nỗ lực thực hiện các biện pháp phòng thống tham nhũng; đơn giản, minh bạch hóa, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN”.

Bà Mai cho biết, ngành thuế, hải quan áp dụng kiểm tra, kiểm soát nội bộ. Có quy định về trách nhiệm của người đứng đầu, cán bộ; có ban phòng chống tham nhũng trong tài chính.

Theo Người Đưa Tin
people like INLOOK.VN fanpage