Bạn đang ở đây

Những chuyện lạnh gáy về bốc mộ (kỳ 1)

Tự tay sang cát cho mẹ, anh con trai làm đến phần giữa cơ thể thì gào lạc giọng: ‘Sao thế này? Mẹ tôi có mặc quần xi-líp bao giờ đâu?’.

Cải táng cho người thân là chuyện mà gia đình nào cũng phải trải qua, thế nhưng công việc này vẫn phủ một màn sương bí ẩn như mọi thủ tục thuộc về cõi âm khác, khiến người chứng kiến hay nghe chuyện dễ có cảm giác rờn rợn.

Nghề đáng sợ, nhưng thu nhập khá

Mấy tháng cuối năm là dịp bận rộn nhất của anh Hưng, sống ở Phúc Thọ, Hà Nội. Trong năm, Hưng kiếm sống bằng những việc làm thuê lặt vặt, nhưng từ tháng 10 âm lịch đến nửa đầu tháng chạp thì anh chạy như đèn cù với công việc bốc mộ. Có đêm, tổ bốc mộ 3 người của anh “thay áo” cho mấy nhà liền.

Hưng cho biết, đây là công việc vừa ghê sợ vừa mất vệ sinh, tiếp xúc với không khí độc hại, lại phải thức đêm thức hôm nên rất hiếm người dám làm, nhất là khi người ta có cơ hội làm một nghề khác. Thế nhưng bù lại, thu nhập từ nghề này lại rất khá.

Công việc này không cần bỏ vốn, chỉ phải sắm mỗi người một cái đèn đội đầu, đôi găng tay, ủng cao su và khẩu trang. Những thứ cần thiết cho công việc thì gia chủ phải sắm cả. 

Trừ những trường hợp đặc biệt, tổ của Hưng chỉ cần 40 – 60 phút cho mỗi lần cải táng. Vì thế thu nhập trong ngày của anh có thể lên tới vài triệu đồng, và trong mấy tháng cuối năm, hầu như ngày nào anh cũng có việc. Đêm nào chỉ bốc cho một đám, anh nhận luôn cả việc canh mộ, và gia chủ lại cho thêm tiền vì việc này.

Anh Thọ, người làm cùng nhóm với Hưng, giải thích: “Việc bốc mộ thường được làm lúc vài giờ sáng, nhưng nhiều khi phải phạt mộ và nạy ván thiên ngay trong buổi tối để lấy giờ đẹp, việc mở ván trước cũng là để khí thoát bớt ra ngoài. Trong mấy tiếng đồng hồ chợ đợi ấy, gia chủ phải cho người trông coi để đảm bảo an toàn cho hài cốt, vì nhỡ có ai xấu bụng đến phá, ăn cắp hài cốt, hoặc chó hoang trong nghĩa địa đến trộm xương. Đã có nhiều trường hợp như thế rồi. Mà chỉ cần thiếu một mảnh xương thôi thì con cháu sau này khổ lắm”. 

 
Không phải ai cũng dám làm công việc bốc mộ. Ảnh: GDVN. 

Với nhiều người, việc phải ngồi giữa nghĩa địa giữa đêm khuya, bên cạnh một ngôi mộ đã mở nắp là chuyện quá sức rùng rợn. Đó là chưa kể thời gian bốc mộ diễn ra trong mùa đông giá rét, nhiều hôm mưa phùn lâm thâm, gió thổi buốt xương, với những người hiện đại đã quen với tiện nghi sung sướng thì thật quá ngại. Đó là chưa kể có những gia đình neo người, chủ yếu là đàn bà con gái. Vì vậy, nếu không bận “chạy sô” quá nhiều, tổ của Hưng đều kiêm luôn việc này. Họ dựng lán giữa nghĩa trang, đốt lên một đống lửa, cắm cả nắm hương lớn bên mộ, rồi ngồi đánh bài giết thời gian. Nếu chủ nhà nhờ cậy, họ cũng giúp đun luôn nước ngũ vị hương để dành cho việc “tắm rửa” hài cốt.

Rợn tóc gáy vì bốc nhầm mộ

Đến giờ “hành động”, họ bỏ nắp ván thiên qua một bên, nâng hài cốt lên đặt trên tấm nylon trải rộng, nhẹ nhàng lấy ra từng phần xương cốt để rửa sạch trước khi xếp vào tiểu. Phần đầu được “xử lý” đầu tiên, rồi đến các xương có kích thước lớn nhất, sau đó là xương sườn, cuối cùng là các xương ngón chân, ngón tay…

Để tránh mất xương, khi khâm liệm, người ta đã đi tất và găng tay cho người quá cố, lúc này chỉ việc cắt ra. Tuy nhiên, các xương ngón tay, ngón chân rất nhỏ nên vẫn rất dễ bị sót. Những người bốc mộ thường phải cho vào một cái rá để sàng rửa. Sau khi đã ‘tập kết’ hết vào tiểu, Hưng vẫn bảo anh em kiểm tra đám vải óc, đất mùn còn lại, cho những thứ “khả nghi” vào rổ sàng thêm một lượt nữa. Hài cốt phải được làm sạch bằng nước ngũ vị hương ba lần trước khi xếp vào tiểu. Việc sắp xếp xương cũng phải đúng quy trình, vừa đảm bảo cho người chết có tư thế thoải mái vừa dễ kiểm tra xem có thiếu mảnh nào hay không.

Anh Thọ chia sẻ: “Nghề này là nghề liên quan đến người chết, đến tâm linh, nên mình làm cũng phải có cái tâm, phải cực kỳ trách nhiệm. Vì nếu để xảy ra sai sót, sau này gia chủ gặp những chuyện không hay như làm ăn thất bát hay đau ốm, lục đục thì mình cũng mang tội. Thế nên anh em tôi trước khi hành nghề cũng phải để ý học hỏi rất nhiều ở những người đi trước, và trong quá trình làm cũng luôn tự nhắc mình phải cẩn thận tối đa”.

Hỏi về những ly kỳ trong mười mấy năm làm công việc đặc biệt này, anh Hưng nói: “Nhiều chuyện lắm, tôi nhớ nhất là chuyện một gia đình bốc mộ cho mẹ. Bà lão này chết lúc đã ngoài 80 tuổi, đã chôn được 4 năm. Nhà họ đi xem mấy thầy, thầy nào cũng bảo bốc đi, sạch sẽ lắm rồi, thế là yên tâm tiến hành”.

Nhà đó có đông họ hàng, nhiều con trai, họ muốn tự mình sang cát cho mẹ, không phải nhờ đến thợ. Sau khi đào lên, nạy ván thiên, mọi người ngạc nhiên và sợ hãi vì thi thể chưa phân hủy hết như lời thầy nói. Tuy nhiên, họ vẫn không sợ hãi. Anh con thứ, người khỏe mạnh và liều lĩnh nhất, tự tay mở các lớp vải liệm, tách quần áo, làm sạch từng cái xương của bà cụ. Đến phần giữa cơ thể, bỗng nhiên anh giật thót, rồi hét lạc cả giọng: “Sao lại thế này? Sao lại có quần xi-líp? Mẹ tôi có bao giờ mặc quần này đâu? Hôm liệm cho bà cũng rõ ràng không có”.

Mọi người trong nhà kiểm điểm lại việc khâm liệm trước kia, đúng là không mặc quần lót cho bà cụ thật. Họ tá hỏa kiểm tra lại, mới hay đã đào nhầm mộ người khác, là một phụ nữ chết trẻ, nằm gần mộ bà cụ. Thế là gia đình ấy một mặt tìm đúng chỗ mẹ mình để đào lên, làm lại từ đầu, mặt khác tìm cách thông tin cho gia chủ của ngôi mộ kia. Người nhà h cô gái chết trẻ kia đến, khóc dở mếu dở, vì họ chưa có ý định cải táng trong năm đó. Tuy nhiên vì sự đã rồi, hài cốt đã đưa lên và “xử lý” dở, không thể “trả lại hiện trường” được, nên họ đành gọi đội anh Hưng đến hoàn thành nốt công việc. Cũng may là thi thể ấy tuy chưa phân hủy hết nhưng cũng không đến nỗi quá mới, và người chết cũng đã đoạn tang.

Chuyện bốc nhầm mộ không phải là hiếm hoi, theo lời những thợ cải táng trong đội anh Hưng. Nguyên do là công việc ấy được tiến hành vào lúc đêm hôm khuya khoắt, trời tối, người mỏi mệt, thời tiết lại không thuận lợi, các nấm mộ nhiều khi giống hệt nhau, nếu không có vật làm mốc như cái cây, con hào… ở gần đó thì rất dễ nhầm.

Nếu nhầm một ngôi mộ đã đến lúc bốc như trường hợp kể trên thì vẫn là may mắn, còn nếu đào phải thi thể “mới” hơn, chưa đến kỳ bốc thì kẻ đào được phen kinh hoàng mất vía, còn gia chủ của ngôi mộ kia sẽ vừa đau xót cho người thân vừa lo sợ cho gia đình mình vì nỗi động mồ động mả. Có nhà đào lên, biết là nhầm, vội vàng trả lại chỗ cũ, đóng nắp, lấp lại. Báo hại nhà “nạn nhân” sau đó tá hỏa không biết tại sao lại có kẻ đào trộm mộ nhà mình.

Thế nên, theo anh Hưng, anh thường tư vấn cho các gia chủ dọn cỏ, dựng lều trên mộ ngay từ buổi chiều hôm trước, thậm chí nếu được giờ thì phạt ngọn luôn, chờ đến giờ sẽ tiến hành. Làm như vậy sẽ không bao giờ bị nhầm lẫn.

(Còn tiếp) 

* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi. 

 

Theo Tần Chung - Xzone

people like INLOOK.VN fanpage