Bạn đang ở đây

Những gã bồi bàn mang kiếp 'bóng'

Ai từng tiếp xúc với 'bóng' rồi thì khắc biết, đời 'bóng đã buồn, tình 'bóng' lại càng buồn hơn. 'Bóng' đã yêu là yêu như điên như dại, mãnh liệt lắm mà phập phồng lo sợ cũng nhiều.

Sợ rằng, một sớm mai mở mắt ra, người tình bỗng nhiên biến mất khi bên cạnh vẫn còn hằn rõ một dấu nằm… Bi kịch ở chỗ, chính “bóng” không có quyền níu kéo…

Khi “bóng” đơn phương
 
Tôi tạm gọi những nhân vật chính trong bài bằng từ lóng là “bóng”. Tôi tình cờ chơi thân  với một nhóm “bóng” làm phục vụ cho quán nhậu trên đường T.V.Đ khi thực hiện một loạt phóng sự xã hội nội dung đại loại như: “1.001 cách làm đẹp của giới 'bóng' nhà nghèo”. 

Tôi thường gọi các “bóng” là “em” vì tuổi đời họ còn khá trẻ và cũng bởi, họ thích được xưng “em” như thế. Những lần qua lại nhà hàng, tôi thường chọn một chiếc bàn đơn, nhâm nhi ly bia, thỉnh thoảng tôi mang cho các em một ít son phấn, trái cây,… tùy tâm và tùy thời tiết. Cuối giờ làm, các em thường rủ tôi nán lại trước quán, kể đủ thứ chuyện vui có, buồn có. Và rồi, tôi được nghe phong thanh về mối tình oan nghiệt của Nguyễn Thanh N., người mà các em thường gọi là “sếp N.”.
 
 
Giữa khuya, tôi đang thao thức thì bỗng nhiên N. gọi, giọng N. điềm đạm: “Hình như anh muốn gặp em, em mới xong việc, anh ở đâu em chạy tới”. Tôi hẹn gặp N. tại một quán nhậu khuya ở gần nhà. Cái tên đầy đủ của N. có chút gì đó nữ tính và đến khi gặp, tôi không bất ngờ vì dáng điệu khá mỏng manh của anh.
 
Sinh năm 1975, N. lớn hơn tôi khá nhiều tuổi, nhưng N. luôn miệng gọi tôi là anh và tự mình xưng em. Hơi bối rối, nhưng rồi tôi cũng ngại ngùng xuôi theo kiểu xưng hô ấy cho N. vui lòng. N. mời tôi uống rượu. 

Rượu vào lời ra, N. kể với tôi rất nhiều. Rằng, quãng thời gian công khai sống thật với chính mình N. đã vô cùng tủi hổ, và để hòa nhập cộng đồng và có cuộc sống ổn định như bây giờ N. đã trải qua vô vàn cay đắng… nhưng tuyệt nhiên, N. không hề nhắc đến chuyện tình ái. Tôi cũng không muốn hỏi, dù ý định ban đầu khi gặp N. là vì tò mò về mối tình “thâm cung bí sử”, nhưng đôi mắt u uẩn của N. đã khiến tôi dừng việc khai thác thông tin.
 
Trời đổ mưa khuya, cũng là lúc tôi và N. ngà ngà men rượu, N. ngưng chén, nhìn tôi đăm đăm rồi hỏi: “Chắc anh nghe mấy đứa ở nhà hàng to nhỏ về mối tình của em nên hẹn gặp, phải không?”. Tôi ngần ngại gật đầu. N. cụp mặt, thở dài rồi ngập ngừng kể tôi nghe về mối tình để lại cho N. cảm giác ân hận, tủi hổ đến suốt đời.
 
N. kể, nhà anh quê ở Bạc Liêu xa lắc. N. là con út trong một gia đình có đến 10 anh chị em. Ba má N. nay đã ngoài 80, trí óc cũng trở nên lẩn thẩn, mỗi lần N. ghé thăm nhà chỉ kịp dìu đỡ, dúi cho ông bà ít tiền rồi đi, không dám ở lâu vì N. sợ lắm ánh mắt kỳ dị của xóm làng. 

Thuở nhỏ, N. không hiểu sao mình lại không ưa tắm sông, đá banh, chạy nhảy như bọn con trai cùng xóm. N chỉ thích đi chơi với bạn bè là con gái. N. biết mình bị đồng tính khi vừa tròn 14 tuổi. Năm ấy, N. bỗng nhiên rung động trước chàng giáo trẻ mới về làng. N. vào ngẩn ra ngơ, hàng xóm biết chuyện buông lời gièm pha dị nghị. 

Ba má N. từ lâu cũng để dạ nghi ngờ, nhưng không dám hạch hỏi vì thương con. Mà cũng vì vậy mà ông bà đâm ra buồn phiên sầu não. N. lặng thinh không nói, chỉ âm thầm trách than số phận lạ lùng.
 
N. khóc suốt một đêm rồi quyết định bỏ nhà ra đi. Đụng đâu ở đó, đến khi nhớ ba má lại về. Về rồi, N. cũng không dám ló mặt ra đường vì sợ nghe những lời bàn tán khó nghe. Cứ như thế cho đến năm N. 18 tuổi, khi ấy, N. trở về quê thăm nhà, vô tình gặp một người bạn cũ. Anh này rủ N. lên Sài Gòn chơi, nhân dịp anh mới mở quán cà phê mang tên Chân Tình, ở ngã ba Củ Cải, huyện Hóc Môn. 

Vốn đã chán cảnh sống ở quê phải “trốn chui trốn lủi” như kẻ phạm tội, N. không ngần ngại gật đầu. Đêm ấy, N. âm thầm khăn gói ra đi, với ý định bỏ xứ lên Sài Gòn tìm kế sinh nhai. Và rồi, N. ở luôn tại quán cà phê Chân Tình làm công cho người bạn. Tại đây, N. quen một thanh niên tên Hải, cũng chính là tình yêu oan nghiệt của đời N.
 
Hải nhỏ hơn N. 1 tuổi, cũng bỏ nhà trôi dạt về thành phố mưu sinh. Hải làm công nhân, ở trọ gần quán Chân Tình nên sớm tối thường ghé cà phê, mãi thành khách quen. Đời công nhân cũng buồn hiu nên mỗi khi rảnh rỗi, chẳng biết làm gì Hải lại đi nhậu. Nhậu đến khuya, nhà trọ đóng cửa, Hải lại phải xin tá túc một đêm tại quán cà phê Chân Tình. 

Chục lần như một, Hải đều say bí tỉ, và một mình N. vừa phải lo dọn dẹp quán, vừa phải tất bật chăm sóc cho Hải. Sợ Hải say dễ trúng gió, có cái gối, cái màn N. đều nhường hết cho Hải. Mỗi sáng, Hải bụng rỗng qua cà phê suông, N. đều ý nhị dọn thêm cho Hải mấy thức điểm tâm tự mình chuẩn bị, rồi chỉ cần Hải mở lời là N. lại tất tả chạy ngược, chạy xuôi, lo lắng từng chút một…
 
 
Cứ như thế, mối quan hệ giữa Hải và N. ngày càng khăng khít. Có đôi lần Hải ngờ ngợ về thứ tình cảm của N. dành cho mình, nhưng vì N. quá tốt, lại chăm lo cho Hải không khác gì người thân trong nhà, nên Hải cứ tặc lưỡi cho qua. 

Thấy Hải đi làm mà phải dậy thật sớm và đi bộ khá xa, có bao nhiêu tiền công chủ quán trả, N. dành dụm rồi mua chiếc xe máy cũ đưa cho Hải chạy. Rất nhiều lần, N. còn đứng ra trả những món nợ của Hải. Chuyện gì đến rồi cũng sẽ đến, một đêm, N. và Hải cùng có tâm sự buồn nên rủ nhau đi uống rượu giải sầu. Trong cơn say, N. nhìn Hải đăm đăm, đôi mắt ngập tràn tuyệt vọng ngấn lệ. Hải với tay lau nước mắt cho N. và trong hơi men chuếnh choáng, “chuyện đó” đã xảy ra giữa 2 tâm hồn kiệt quệ và cô đơn đến cùng cực.
 
Trái đắng…
 
“Qua cơn mê”, N. đau đớn, ân hận nên định cắt đứt quan hệ với Hải vĩnh viễn. Nào ngờ, Hải chủ động tìm gặp N., anh bùi ngùi thú nhận là ban đầu do ngờ ngợ về giới tính của N. nên có ý định lợi dụng. Nhưng càng về sau, Hải thấy tình cảm của N. dành cho mình quá chân thành, ơn nghĩa ngày càng sâu nặng nên sinh lòng cảm mến. 

Rồi Hải chìa ra trước mặt N. một món tiền, gọi là trả góp dần cho chiếc xe máy N. đã mua cho Hải. N. chỉ biết cúi đầu ngập ngừng xin lỗi về cái đêm định mệnh ấy. Nhưng Hải lại không ngần ngại mà còn sẵn sàng thừa nhận chuyện “ân ái” xảy ra với N. dù có hơi men, nhưng xuất phát từ lòng yêu mến và cảm xúc ham muốn thật sự chứ không hề có chút dối trá nào.
 
Kể đến đoạn ấy, ánh mắt N. ngời lên sự hạnh phúc, gương mặt thoáng tươi cười nhưng rồi bỗng chốc sa sầm xuống, buồn bã, giọng nói cũng nhạt nhòa đi, N. lại đều đều kể… Sau khi trả xong món nợ chiếc xe máy, Hải viện cớ có việc gia đình rồi bỏ về quê rất lâu không trở lại. N. cuống cuồng lo lắng, thâm tâm lúc nào cũng sợ có chuyện không hay xảy ra với Hải. 

N. không tài nào liên lạc được với Hải, vì thời ấy điện thoại di động chưa phổ biến. N. bỗng giật mình, vì trước giờ hầu như Hải chưa bao giờ nói cho N. biết Hải quê ở đâu, gia đình ra sao, chỉ để ý thấy trước lúc đi Hải có vẻ buồn buồn. 
 
N. lại dốc cạn ly rượu, nói trong tiếng nấc: “Hải ra đi, em không hề trách Hải chỉ thấy yêu thương, lo lắng đến quay cuồng đầu óc. Nhưng rồi mọi việc cũng dần ổn, vì em nghĩ đơn giản, Hải bỏ em đi là việc làm đúng đắn. Em đôi lần cũng muốn trả Hải về với thế giới lẽ ra Hải thuộc về, nhưng rồi lại không đủ dũng cảm rời khỏi thứ hạnh phúc mà mình từ lâu hằng ao ước. Chính bản thân em cũng không muốn nhìn thấy cảnh người em thương yêu bị hủy hoại tương lai, bị xã hội gièm pha, xét nét vì lỡ vướng vào một người sinh ra đã trót mang số phận không bình thường như em”. Mưa khuya nặng hạt, N vừa uống rượu vừa khóc ngon lành như một đứa trẻ. 
 
Bẵng đi một thời gian, thương nhớ chưa hẳn phai nhòa nhưng mọi thứ xung quanh N. đã trở về với quỹ đạo của nó. Một ngày, người chị ruột của N. “gõ dây thép” báo tin N. về quê dự đám cưới cháu. Đã lâu không về nhà, N. nhớ cha mẹ và cũng muốn mang chút ít tiền dành dụm từ trước đến giờ để phụ giúp gia đình nên tức tốc về quê, định bụng nghỉ ngơi một thời gian cho khuây khỏa rồi lại lên thành phố. 

Nào ngờ, vừa mới bước xuống xe, người ra đón N. lại là Hải. Nhìn nhau sững sờ vài giây rồi Hải cứ thế quay đầu xe bỏ chạy, để mặc N. đứng ngẩn ngơ ngoài bến xe. Linh cảm không hay ập đến và điều đó đã trở thành sự thực khi Hải chính là cháu ruột gọi N. bằng cậu…
 
N. gạt nước mắt, dốc cạn ly rượu. Tôi hỏi chuyện sau đó thế nào, N. kể, mấy ngày ở quê là mấy ngày không thấy tăm hơi Hải đâu. Và rồi N. và cháu mình chỉ biết kìm nén mọi cảm xúc để đám cưới diễn ra suôn sẻ. Đó là lần đầu tiên sau bao nhiêu năm xa xứ, N. mới được gặp lại anh chị em, bà con dòng họ lẫn hàng xóm láng giềng, nên dù nhớ thương, buồn bã, N. cũng không thể làm gì dại dột để ảnh hưởng đến Hải – vừa là người yêu, vừa là cháu ruột của mình. 

Hải cũng đau khổ, bối rối ra mặt nhưng cả 2 biết làm sao hơn. Vừa xong tiệc cưới, N. tức tốc lên thành phố và chuyển chỗ khác làm như một cách để quên đi nỗi nhục nhã, ê chề mà mình đã trót gây ra….
 
Có lẽ vì cõi lòng tan nát do mối tình đầu oan trái nên N. trở nên ám ảnh và ghê sợ tình yêu. Cho tới giờ N. vẫn chưa dám tiến tới với ai nữa, dù ở thành phố này việc bỏ tiền ra để mua tình một đêm hay có được một chàng trai sớm tối ủi an… không khó. Tôi hỏi: “N. đã khi nào nghĩ đến chuyện sẽ lấy vợ để…”, N. cười buồn hiu: “Đời em đã khổ quá rồi, sao em dám làm khổ thêm ai đó nữa hả anh. Nhiều người chưa rõ, thấy em cứ lặng lẽ đi đi về về cũng vô tình hỏi chuyện vợ con, nhưng em chỉ nói là muốn ở vậy cho khỏe”.
 
N. trước mặt tôi đẹp mong manh và trầm lặng. N. đang là đầu bếp chính của quán nhậu - nơi tôi đã quen nhóm “bóng” trẻ kia. Công việc của N. thu nhập khá ổn định và vui vẻ vì có rất nhiều bạn bè cùng cảnh ngộ vào sống và làm cùng với N. Cậu chia sẻ: “Người như tụi em, nói thật có tuổi rồi mà không có cái nghề ổn định thì khó sống lắm. Em chỉ hy vọng người đời đừng quá khắt khe. 

Ở trong quán của em không hề có chuyện mấy đứa vì thiếu thốn vật chất, tình cảm mà đi làm cave hay mại dâm để kiếm tiền đâu. Tụi nó lành mạnh và tự trọng lắm. Sau này không biết ra sao, chứ em chỉ muốn ở suốt đời trong quán, sống cuộc đời nhẹ nhàng và thanh thản…”. Tôi cũng mong đó là bến đậu cuối cùng của N…
 
Bi kịch của đời “bóng” lụy tình
 
Câu chuyện thứ hai tôi sắp kể đây là một bi kịch. Mà đời “bóng” lỡ yêu đàn ông thì câu chuyện nào chẳng mang dáng dấp bi kịch, có điều đau đớn là “bóng” lại chọn cái chết để kết thúc mọi khổ lụy phận người…
 
“Bóng” là Trần Nhã G., năm nay tròn 30 tuổi. G. là con trai duy nhất của một gia đình giàu sụ tại thành phố ven biển này. G. làm chủ một cửa hàng điện thoại di động, đứng tên một hiệu cơm gà nổi tiếng, còn cha mẹ G. nghe đồn của chìm, của nổi ăn mấy đời không hết. Tôi quen G. trong những ngày thất nghiệp còn ở quê nhà, lang thang, rảnh rỗi đi học… khiêu vũ. G. cao ráo, trắng trẻo, môi mỏng. mũi dọc dừa thẳng tắp. 
 
Tôi thường đùa, G. chỉ cần gỡ kiếng, kẹp mái tóc là sẽ xinh đẹp ăn đứt con gái ở lớp khiêu vũ. Có lần tếu táo kiểu như thế, thấy G. thoáng đỏ mặt cúi đầu bẽn lẽn, tôi giật mình, từ ấy lảng dần với G. Biết tôi đổi khác, G. buồn buồn, số ngày đến lớp cũng thưa hơn. Rồi một ngày G. nhắn tin: “Anh sắp đi xa, em có rảnh đến cà phê V. ngồi chơi với anh”. Cà phê buổi sáng vắng ngắt, tôi mới bước vào đã thấy G. đỏ hoe đôi mắt tự bao giờ. G. bảo: “Anh không yêu em đâu, em đừng sợ. Là anh đang thất tình…”. G. đang thất tình với một chàng trai khác…
 
Người G. yêu tôi tạm gọi là Thanh. Thanh sinh năm 1978, quê gốc Cần Thơ, lớn hơn G. 4 tuổi. Thanh mắt sáng, mũi thẳng, râu cằm lún phún, miệng nói như cười lại thêm cái chất giọng trai miền Tây ngọt xớt… Thanh khiến bao cô gái phố thị tỉnh lẻ say mê. Năm 2008, Thanh rời quê lên Sài Gòn lập nghiệp. Thanh học nghề sửa điện thoại di động rồi nhờ vốn gia đình mở tiệm. Thời buổi làm ăn khó khăn, Thanh thua lỗ nặng nề, cha mẹ ở dưới quê phải bán nhà trả nợ cho Thanh. Bất đắc chí, Thanh bỏ Sài Gòn dạt về phố biển heo hút này.
 
Có tay nghề, Thanh xin vào làm thợ cho tiệm điện thoại di động của G. G. nhìn Thanh, hẳn nhiên là yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên. Người như G., muốn chinh phục một người đàn ông còn gì khác hơn là… vũ khí vật chất. G. cưng Thanh còn hơn trứng mỏng. Thanh làm tháng đầu đã có SH vi vu. Thanh làm tháng sau đã được ở nhà chung cư mặt phố. Thanh ưng nhẫn hột xoàn có nhẫn hột xoàn, Thanh thích đổi gió là ngay lập tức G. đánh ô tô đưa Thanh đi resort nghỉ mát… 

Sau đợt phá sản ở Sài Gòn, gia cảnh Thanh trở nên khó khăn hơn hẳn. Cha Thanh làm giáo viên, mẹ bán bánh kẹo trước cổng trường cha dạy, 2 ông bà phải ở trong căn chòi lá dựng tạm cạnh trường cũng vì món nợ của Thanh. Nghe mủi lòng, quen nhau mới 1 năm, G. sẵn sàng chi tiền cho Thanh cầm về Cần Thơ mua đất cất nhà cho cha mẹ.
 
G. đắm say hạnh phúc, cung phụng người tình bất kể thứ gì. Hết tài sản, G. đâu có sợ, G. chỉ sợ mỗi sáng mở mắt ra không còn được nhìn thấy mặt Thanh, sợ mỗi tối không có giọng Thanh ngọt ngào vỗ giấc… Nhưng Thanh là đàn ông mà. Là đàn ông địch thực, nên Thanh đem lòng yêu một phụ nữ. Thanh lảng tránh G., Thanh đi sớm về khuya, những cuộc điện thoại nửa đêm, những lần gần gũi ân ái thoáng chút ngại ngần khiến G. nghi ngờ. 

G. âm thầm điều tra và khi rõ ra sự thật thì bắt đầu ghen lồng lộn. G. lấy lại nhà, lấy lại tài sản chỉ với ý định dọa Thanh, để Thanh lại trở về bên mình. Nhưng Thanh sau ngần ấy năm được G. cung phụng, số tài sản tích lũy chìm nổi cũng đâu ít. Thanh công khai thách thức G., rồi dẫn cô người yêu mới về Cần Thơ ra mắt gia đình.
 
Dại dột…
 
Biết tin, G. tức tốc đón xe về Cần Thơ phá đám. Hậu quả là cha Thanh nghe chuyện ngất xỉu tại chỗ, còn Thanh hăm he sẽ thuê giang hồ xử G. nếu còn dám “quậy” ở xứ Cần Thơ. G. mặc kệ, G. vào bệnh viện, quỳ trước mặt cha mẹ Thanh khóc lóc van xin và hứa là… sẽ sang Thái chuyển giới. Có một đứa con trai duy nhất, cha mẹ Thanh dù mủi lòng nhưng vẫn không chịu chấp nhận mối duyên tình “kỳ lạ”. Nói là làm, G. tức tốc về lại quê, sửa soạn tiền định bụng sang Thái chuyển giới.
 
Ngày G. gặp tôi tại quán cà phê V. để kể câu chuyện này là một sáng cuối năm 2011. Tôi không ủng hộ lắm ý định chuyển giới của G., nhưng vẫn gật gù: “Anh G. mà là con gái chắc đẹp lắm…”. G. gạt nước mắt cười vui: “Qua Tết anh đi, xong về sẽ tìm gặp em liền. Không biết chừng em thấy anh đẹp quá rồi ghen với Thanh luôn”. 2 anh em cười nắc nẻ, tôi chia tay G. trở lại Sài Gòn tiếp tục nghiệp viết lách.
 
Nào ngờ khoảng được nửa năm sau thì G. vào Sài Gòn tìm tôi. G. ngồi đó, vẫn trắng trẻo, vẫn thanh tao, ngón tay vẫn thuôn thuôn dài nhưng G. không ở hình dạng là con gái… Tôi ngạc nhiên, chưa kịp hỏi thì G. đã khóc, anh kể, lần ấy mới qua được Thái Lan đã bị cha mẹ cho người theo dõi rồi bắt buộc phải về. Nếu G. không về ông bà dọa sẽ tự vẫn ngay tại chỗ. G. sợ quá xách va li trở lại Việt Nam. 

Rồi G. lang thang tìm tung tích của Thanh. Biết được Thanh mới bỏ vợ và đang làm công nhân ở Bình Dương, G. lập tức vào đây tìm kiếm với hy vọng mong manh là lại được ấm nồng với Thanh như lúc xưa. Nghe G. kể, tôi chỉ biết tặc lưỡi trách sao anh quá lụy tình…
 
Khoảng đầu tháng 8.2012, nghe tin đồng nghiệp qua đời vì tai nạn giao thông, tôi tức tốc về quê dự đám tang. Xong đâu đấy, tôi có ghé tiệm điện thoại di động của G. để ghé thăm anh. Chưa kịp mừng nỗi cố tri lại nhận được tin dữ, G. đã tự vẫn và qua đời hồi tháng trước. Theo lời những người trong lớp khiêu vũ kể lại, từ lúc thất tình Thanh, G. tự vẫn cũng mấy lần nhưng may được người nhà phát hiện kịp. Cha mẹ G. lúc nào cũng cho người theo dõi anh sát sao. 

Một chiều vắng gió, G. đi biển tắm, bơi mãi rồi không thấy về… G. mất, nhẹ như không. Phải đến mấy ngày sau người nhà mới tìm được xác G. Mới đầu, người ta nghĩ G. bị tai nạn chết đuối, nhưng cha mẹ G. lại tìm thấy lá thư tuyệt mệnh, G. đã âm thầm giấu trong cuốn album ảnh gia đình…
 
Tôi nghe chuyện, tay chân rụng rời, nước mắt cứ thế chảy vòng quanh má. Ghé nhá, thắp cho G. nén nhang thấy di ảnh anh thanh tú, làn môi mỏng, vẻ đẹp như sương… mà tay chân run rẩy, chỉ muốn rời bước đi thật nhanh. Tôi sợ chậm ít phút sẽ lại rơi nước mắt, lại khiến người thân của anh thêm đau lòng.
 
Sau, tôi có đi tìm tông tích Thanh, người tình của G. Biết là khó trách được Thanh nhưng tôi vẫn đi tìm, để là gì thì tôi cũng chưa rõ. Thông qua một vài mối quan hệ, tôi dò được tin Thanh vẫn đang ở Bình Dương, cuộc sống có vẻ khá sung túc. Thanh sau khi bỏ cô vợ đầu tiên được khoảng 1 tháng thì mới đây đã làm đám cưới với một cô gái khác. Cô này là con ông chủ một xưởng may mặc ở Bình Dương. Biết tới đó thôi, rồi tôi không muốn đi gặp Thanh nữa…
 
“Bóng” hoàn toàn không phải giới đồng tính nam như một số người vẫn thường nhầm lẫn. Đồng tính nam là những người đàn ông ngoại hình bình thường nhưng có thiên hướng chỉ muốn quan hệ tình dục với phái nam. Còn “bóng” thường thích ăn mặc như con gái, ăn nói ẻo lả, dáng bộ yểu điệu (ở Việt Nam thường bị gọi là “pê – đê” nhưng thực chất từ này dùng để chỉ dân gay, đồng tính). Và “bóng” chỉ yêu… đàn ông.

Thế mới nói, đời “bóng” đã buồn, tình “bóng” lại càng buồn thê thiết hơn, có cái gì chực chờ sẵn ly tan mà không buồn…
 

 

Theo Đang Yêu

people like INLOOK.VN fanpage