Bạn đang ở đây

Nữ y tá nhiễm virus Ebola ở Mỹ là người gốc Việt

Người đầu tiên nhiễm virus Ebola tại Mỹ là một nữ y tá 26 tuổi gốc Việt. Cô sống tại thành phố Dallas, bang Texas.

Cô Nina Pham, nữ y tá 26 tuổi. Ảnh:

 
Cô Nina Pham, nữ y tá 26 tuổi. Ảnh: AP

Theo Reuters, bạn bè cho biết cô Nina Phạm tốt nghiệp Đại học Công giáo Texas năm 2010, là thành viên một gia đình gốc Việt tại thành phố Fort Worth. Hàng xóm thường nhờ cô trông trẻ giúp. Các bài viết trên mạng xã hội cho thấy Nina Phạm là người hâm mộ diễn viên Ryan Gosling và rất yêu thích nghề y tá.

Gia đình Nina Phạm đã rất sốc khi biết tin cô nhiễm virus Ebola. Tom Ha, một giáo viên nghiên cứu Kinh thánh tại Fort Worth, kể: “Mẹ của Nina khóc ròng mấy ngày qua. Bà ấy rất đau khổ”.

Các quan chức Mỹ tiết lộ Nina Phạm thường xuyên tiếp xúc với Thomas Eric Duncan, bệnh nhân nhiễm Ebola trước khi nhập cảnh vào Mỹ, trong vòng 11 ngày khi ông điều trị tại bệnh viện Texas Health Presbyterian. Ông Duncan qua đời ngày 8/10. Nina Phạm là một trong số 50 người điều trị cho Duncan.

Nhà chức trách vẫn chưa rõ Nina Phạm nhiễm virus Ebola như thế nào. Một số nguồn tin cho biết Nina Phạm chỉ được hướng dẫn cách chống nguy cơ nhiễm Ebola trong vòng nửa giờ.

Mới đây bác sĩ Thomas Frieden, Giám đốc Trung tâm Phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC) đã phải lên tiếng xin lỗi sau khi tuyên bố cô “đã mắc sai sót nghiệp vụ”, dẫn tới việc nhiễm Ebola.

Trước đó, Hiệp hội Y tá Texas cũng tuyên bố việc ông Frieden đổ lỗi cho Nina Phạm là hành vi sai. “Chúng ta chưa biết cô ấy nhiễm virus như thế nào. Việc cho rằng cô ấy không tuân thủ các quy định an toàn là hành động không đúng”, hiệp hội khẳng định.

Một người bạn của gia đình Nina Phạm tiết lộ cô đã được truyền máu của một người từng khỏi bệnh Ebola. Nina Phạm đang trong trạng thái ổn định. Cô thường xuyên dùng phần mềm Skype để liên lạc với mẹ.

Mới đây bác sĩ Frieden tuyên bố Mỹ phải xem xét lại cách kiểm soát nguy cơ lây nhiễm Ebola sau vụ y tá Nina Phạm nhiễm bệnh. “Kể cả một vụ lây nhiễm duy nhất cũng là điều mà chúng ta không thể chấp nhận”, ông Frieden nhấn mạnh.

Ở Tây Phi, hôm 13/10,  các bác sĩ và y tá Liberia đã đồng loạt nghỉ việc để gây sức ép đòi chính phủ chi tiền bồi dưỡng độc hại cho họ để bù đắp việc họ phải đối mặt với nguy hiểm hàng ngày khi chăm sóc cho bệnh nhân nhiễm virus Ebola.

Chủ tịch Công đoàn Nhân viên y tế Liberia Joseph Tamba mô tả cuộc đình công có quy mô “cực lớn”.

Khoảng 95 nhân viên y tế Liberia đã thiệt mạng khi nỗ lực ngăn chặn dịch Ebola lây lan. Ông Tamba khẳng định nhiều nhân viên y tế không được chính phủ trả lương đầy đủ dù hy sinh bản thân để chống dịch. Ví dụ, các nhân viên trung tâm y tế Island Clinic được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) bảo trợ được cam kết nhận mức lương từ 500 - 750 USD/tháng, nhưng trên thực tế chỉ nhận 60% số tiền.

“Nhà nước buộc họ làm việc căng sức nhưng lại không chịu trả tiền cho họ”, ông Tamba nhấn mạnh.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa lên tiếng cảnh báo virus Ebola có thể khiến các quốc gia sụp đổ và là mối đe dọa đối với hòa bình quốc tế.

Theo Tuổi trẻ

people like INLOOK.VN fanpage