Bạn đang ở đây

Sinh viên thế giới vào đại học như thế nào

Ở Hàn Quốc, học sinh đi thi đại học có thể được hộ tống bởi cảnh sát, trong khi ở Anh các tân sinh viên được tự do đăng ký vào bất kỳ đại học nào mà không cần trải qua kỳ thi tiêu chuẩn.
Một sĩ tử đang ôn tập chuẩn bị cho kì thi đầy thử thách và áp lực. Ảnh: Cfp

Một sĩ tử đang ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi đầy thử thách và áp lực. Ảnh: Cfp

Trung Quốc

Ngày 7 và 8 tháng 6 hàng năm là một ngày trọng đại đối với các học sinh Trung Quốc muốn hướng tới những nấc thang cao hơn trên con đường học vấn. Đây là ngày diễn ra kỳ thi tuyển sinh đại học, hay còn gọi là cao khảo, diễn ra trên phạm vi toàn quốc. 

Cũng như Việt Nam, kỳ thi này dành cho tất cả những ai đã tốt nghiệp trung học phổ thông, không giới hạn tuổi tác. Năm ngoái, 9,12 triệu người đã tham gia kỳ thi này. Để có thể đặt chân vào những trường đại học tốt và danh tiếng, cuộc cạnh tranh của các sĩ tử cũng vô cùng khốc liệt và cam go.

Mỹ

ACT (American College Testing) và SAT (Scholastic Aptitude Test) là hai bài thi quan trọng để đánh giá năng lực thí sinh ứng tuyển vào các trường đại học của Mỹ.

Trong khi bài kiểm tra SAT đánh giá năng lực học tập, thì ACT lại chỉ ra được khả năng phát triển học vấn của một học sinh. Hầu hết các trường đại học ở Mỹ đều chấp nhận kết quả của hai kỳ thi trên, tuy nhiên đa số học sinh lựa chọn kỳ thi ACT. Hàng năm, có khoảng hơn 2 triệu học sinh đăng ký tham gia kỳ thi này với mức phí phải nộp là 50 USD một người. Kỳ thi được tổ chức 6 lần trong năm. Học sinh tùy ý lựa chọn thời gian và hoàn toàn có thể thi lại để cải thiện điểm số.

Anh

Quốc gia này không có một bài kiểm tra tiêu chuẩn nào để đánh giá cũng như lựa chọn sinh viên vào các trường đại học. Thay vào đó, mỗi trường tự đưa ra những tiêu chí riêng biệt. Đa phần để ứng tuyển vào một trường đại học, học sinh phải nộp bảng điểm bậc phổ thông và phải tham gia một cuộc phỏng vấn với nhà trường.  

Một số trường lại có bài kiểm tra riêng, tuy nhiên những bài kiểm tra này không bao quát và toàn diện như kỳ thi SAT của Mỹ hay cao khảo của Trung Quốc. Chứng chỉ và điểm kiểm tra chỉ đóng vai trò thứ yếu, quan trọng là những gì các em thể hiện và đạt được ở cấp trung học phổ thông sẽ quyết định việc được nhận hay không được nhận.

Pháp

Kỳ thi tốt nghiệp bậc nhất (baccalaureate) diễn ra vào tháng 6 hàng năm ở Pháp có thể được coi như thi đại học ở nước này. Học sinh muốn học lên cao có thể chọn tham gia vào 2 hình thức: Đại học hoặc “Grandes Ecoles”. Các trường đại học ở Pháp hoàn toàn mở rộng cửa đối với tất cả học sinh đã hoàn thành kỳ thi baccalaureate bậc nhất. Tuy nhiên để có thể được nhận vào một “Grandes Ecoles” thì lại là một câu chuyện khác. Học sinh phải hoàn thành baccalaureate bậc 2, tương đương với năm thứ 3 của bậc học đại học mới hội đủ điều kiện.

Nhật Bản

Ở đất nước mặt trời mọc, để có thể bước chân vào ngưỡng cửa đại học, các em học sinh phải hoàn thành một kỳ thi do Hội đồng  khảo thí Quốc gia về tuyển sinh đại học đưa ra. Bài thi này có tính chất tiêu chuẩn được chấp nhận bởi hầu hết các trường công lập và tư thục. 

Do học sinh chỉ có cơ hội tham gia kỳ thi này một lần trong năm, áp lực là vô cùng lớn. Năm nay, có hơn 561.000 thí sinh tham gia thi tuyển trong kỳ thi diễn ra vào tháng 1 vừa qua.

Kì thi tuyển sinh đại học ở Nhật cũng vô cùng cam go và căng thẳng. Ảnh: Cfp

Tuyển sinh đại học ở Nhật cũng vô cùng cam go và căng thẳng. Ảnh: Cfp

Hàn Quốc

CSAT (College Scholastic Ability Test) là kỳ thi tuyển tối quan trọng trong hệ thống giáo dục xứ kim chi. kỳ thi này được coi như mở ra hoặc khép lại con đường cũng như cuộc sống tương lai của hầu hết các em học sinh vừa tốt nghiệp bậc trung học. 

Trong khi kỳ thi diễn ra, thị trường chứng khoán mở cửa muộn hơn thường lệ, các tuyến xe buýt và tàu điện ngầm được điều động tăng ca nhằm tránh tình trạng tắc đường, ảnh hưởng tới việc di chuyển đến địa điểm thi của thí sinh. Thậm chí, thí sinh có nguy cơ muộn thi còn có thể được hộ tống bởi cảnh sát.

Quang cảnh làm bài thi hết sức nghiêm túc của các sĩ tử Hàn Quốc. Ảnh: dfic

Quang cảnh làm bài thi hết sức nghiêm túc của các sĩ tử Hàn Quốc. Ảnh: Dfic

Theo VnExpress

people like INLOOK.VN fanpage