Bạn đang ở đây

Sự thật đằng sau nhan sắc người Hàn Quốc

"Gương kia ngự ở trên tường, thế gian ai đẹp được dường như ta?", là câu hỏi đáng sợ mà rất nhiều người Hàn Quốc, cả nam lẫn nữ, thường tự hỏi mỗi khi đứng trước gương.

Kim Min-jeong vừa mới bước vào tuổi 20. Bốn năm trước thôi, cô vẫn còn là một cô học trò trong trường phổ thông xuề xòa và chểnh mảng, không hề quan tâm đến vẻ bề ngoài của mình.

"Thời còn học tiểu học và trung học cơ sở, tôi chẳng bao giờ quan tâm đến việc làm điệu. Chúng tôi học trong lớp và sau đó chơi bóng đá hay bóng ném ngoài sân. Chúng tôi chẳng thèm để ý đến việc liệu tóc mình có rối bù lên hay người bê bết mồ hôi sau khi tập hay không", Kim kể. Nhưng tất cả những điều đó đã thay đổi kể từ khi Kim bước chân vào cấp ba.

Kim thường xuyên bị các bạn chế giễu vì cô không trang điểm, không mặc những bộ quần áo thời trang hay làm tóc. Cô cũng hầu như chẳng bao giờ soi gương. Và lập tức cô bị gán cho một biệt danh đáng ghét nhất: cô nàng bình dân.

“Bình dân là một cách khác để ám chỉ về vẻ ngoài xấu xí", Kim nói. "Tất cả mọi người đều muốn mình đặc biệt. Bình dân có nghĩa là bạn bị lẫn vào đám đông và chẳng ai nhận ra bạn".


inlook.vn - hình ảnh
Ngay cả trẻ em Hàn Quốc cũng bị ám ảnh về vẻ bề ngoài. Ảnh: Yonhap

Chỉ 6 tháng sau, Kim đã học theo cách mà các bạn khác trong trường vẫn làm. Kim trang điểm, mặc quần áo mới, chải tóc và có một cái gương nhỏ trong ví. Ngay lập tức cô nhận ra sự thay đổi. Những người bạn trước đây thường trêu cô, giờ đã chấp nhận cô. Các bạn trai bắt đầu liếc nhìn theo Kim. Ngay cả những người bạn thân của Kim cũng kinh ngạc về sự thay đổi của cô.

"Tôi nhanh chóng bị ám ảnh, cứ 3 phút một lần lại lôi gương ra ngắm. Tôi biết thói quen này không tốt nhưng tôi không dừng được", Kim thừa nhận. "Tôi cảm thấy mình hòa đồng cùng các bạn và tôi phải cố gắng để mình luôn xinh đẹp".

Ám ảnh với vẻ bề ngoài giờ đây còn lan sang cả trẻ em.

"Con gái tôi đã bắt đầu trang điểm và làm tóc", một bà mẹ ở Seoul có cô con gái 11 tuổi nói. "Nó có một cái gương gắn trong nắp hộp bút chì. Nó bảo nó cần gương để ngắm trong lúc nghỉ giữa giờ. Ở tuổi nó ngày xưa, tôi chẳng cần gương".

Nhiều người cho rằng cơn sốt Hallyu, hay còn gọi là "Làn sóng Hàn Quốc", chính là thủ phạm gây ra nỗi ám ảnh về vẻ bề ngoài của người Hàn.

Đầu những năm 1990, Hàn Quốc chuyển đổi từ chế độ quân sự độc tài sang dân chủ và những thay đổi trong văn hóa Hàn đã mang lại sự tự do trong xã hội. Sự thay đổi đó cũng tạo ra một màu sắc mới trong các băng đĩa video âm nhạc. Những bản nhạc mang âm hưởng truyền thống cũ hay các bản ballad cổ điển nhanh chóng được thay thế bằng những thể loại âm nhạc mới: pop. Thể loại âm nhạc này cũng đặt ra những tiêu chuẩn mới cho các ca sĩ: phải xinh đẹp từ đầu đến chân.

Hallyu đạt đỉnh cao vào năm 2009, khi K-pop bắt đầu tạo được ảnh hưởng đến âm nhạc thế giới. Các nữ ca sĩ thần tượng đã tạo ra một định nghĩa mới về người phụ nữ hoàn hảo. Ngay sau đó, họ trở thành chuẩn mực về sắc đẹp trong xã hội Hàn Quốc.

Kinh tế phát triển khiến người Hàn chi tiêu mạnh tay hơn và sự phát triển của Hallyu đã không chỉ khiến cho đất nước này trở thành một điểm sáng trong bản đồ văn hóa thế giới. Hàn Quốc nhanh chóng trở thành một trong những nước dẫn đầu về thời trang. Người dân Hàn cũng ngày một gắn chặt hơn với những chiếc gương soi.
 

inlook.vn - hình ảnh
  Một chàng trai tham gia chương trình trang điểm cho nam giới ở Seoul. Ảnh:Yonhap

Sự ám ảnh về nhan sắc không chỉ xảy ra đối với phụ nữ. Nhiều đàn ông Hàn cũng thường xuyên quan tâm đến việc chăm sóc cho vẻ ngoài của mình.

Với Park Min-woo, chiếc gương là người bạn thân thiết nhất. "Có lẽ tôi mất nhiều thời gian ngắm mình trong gương hơn phần lớn các cô gái", cậu cười to. "Tôi mang theo một chiếc gương nhỏ đi khắp nơi. Với tôi, chiếc gương cũng quan trọng như điện thoại vậy".

Chàng trai 24 tuổi, hiện là sinh viên năm cuối trường đại học Yonsei. Park, có vẻ đẹp trai nổi bật. "Tôi luôn sợ mình xấu. Ở Hàn Quốc, hình thức bề ngoài rất quan trọng", cậu giải thích về việc làm đẹp."Rất nhiều các bạn sinh viên nước ngoài ở đại học Yonsei thấy ngạc nhiên tại sao đàn ông Hàn Quốc lại quan tâm nhiều đến vẻ bề ngoài của mình như vậy".

Những người như Park thích đi mua sắm tại những cửa hàng có đầy những tấm gương gắn xung quanh. "Bạn có thể thấy một cách chính xác mình trông thế nào với những bộ quần áo mới, ngay từ trong cửa hàng", Park nói.

Đối với câu hỏi vì sao đàn ông Hàn Quốc quan tâm đặc biệt đến hình thức của mình, Park lý giải: "Tôi nghĩ rằng, Hàn Quốc đang cố gắng duy trì vị thế của mình trong ngành thời trang tại châu Á. Chúng tôi muốn mọi người biết đến Hàn Quốc như là một đất nước với những phụ nữ và đàn ông đẹp. Kể từ khi các bộ phim truyền hình Hàn Quốc trở nên phổ biến cách đây 10 năm, người ta thường nghĩ rằng đàn ông Hàn Quốc là phải đẹp trai", Park nói.

Trong khi đó, Kim, hiện đang là sinh viên trường đại học Hanyang tại Seoul, vẫn băn khoăn không hiểu tại sao xã hội Hàn Quốc quá coi trọng vẻ ngoài xinh đẹp.

"Tôi còn nhớ, lúc đầu tôi thấy có chút áp lực khi phải cố làm đẹp. Nhưng giờ đây, tôi cảm thấy có quá nhiều áp lực. Tôi nghĩ một phần là do người Hàn Quốc thường xuyên nhìn thấy các thần tượng K-pop hoàn hảo trên tivi", Kim giải thích. "Tôi cho rằng dù không nói ra, song nhiều bạn nữ thực sự muốn mình trông giống các cô gái trong nhóm nhạc Girls Generation hay một nhóm nhạc nữ thần tượng nào đó", Kim nói.

Vậy liệu gương có phải là thứ quan trọng nhất không?

"Sau điện thoại thông minh, ví, chiếc gương có lẽ là thứ tôi coi trọng nhất", Kim nói

 

Theo VNE

 

people like INLOOK.VN fanpage