Bạn đang ở đây

Thương bà lão “bán sức khỏe” 3 ngày mới kiếm được… 10 nghìn đồng

Cô em gái không cười, không nói, cứ ngồi trơ trơ trong góc giường tối, còn người chị già yếu tật nguyền ngày ngày lầm lũi, cơ cực mò mẫm kiếm từng hào mua rau cháo nuôi em qua ngày…

Gặp tôi, ông trưởng thôn thở dài, rồi bào: “Tôi làm công tác xã hội cũng lâu năm rồi, mà ít khi thấy hoàn cảnh nào lại khó khăn, éo le, cơ cực như hoàn cảnh của hai chị em bà Hoa. Nghèo đã đành, nhưng ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy” rồi mà vẫn phải mò mẫm, lầm lũi kiếm sống để nuôi đứa em điên dại, thật là đáng thương cho kiếp làm người của bà”.

Rồi ông dẫn tôi vào thăm hai chị em bà Lưu Thị Hoa (73 tuổi) và người em gái điên dại Lưu Thị Tơ (68 tuổi) ở xóm Phú Đa, thôn Liên Tỉnh, xã Nam Hồng, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định.
 
Thương bà lão “bán sức khỏe” 3 ngày mới kiếm được… 10 nghìn đồng
Bà Lưu Thị Hoa đang đút cơm cho người em gái điên dại. Suốt mấy năm nay bà vẫn nhẫn nại với công việc này. Bà chỉ lo nhỡ may bà nằm xuống thì người em gái sẽ sống ra sao

Trước mắt tôi bà cụ già yếu đang cặm cụi, lần từng thanh sắt mỏng để làm bìa thúc sợi thuê cho người dệt khăn. Tai bà đã lãng nặng, nên tôi phải chào bà tới lần thứ 3 bà mới nghe thấy. Dụi dụi khóe mắt choét nhèm, bà mời tôi vào nhà. Ngồi tiếp chuyện tôi trong căn nhà nhỏ không nước, không chè mà chỉ có… nước mắt chứa chan, câu chuyện về cuộc đời lam lũ của người đàn bà lại càng trở nên đối nghịch với cảnh mọi người đang rộn ràng chuẩn bị đón Tết.

Bà Hoa có tất cả 3 người anh em. Bố mẹ bà cả đời đi ở, làm thuê, cuốc mướn. Những năm chạy giặc, người anh cả bị giặc bắn chết còn bà ôm em gái chạy và ngã đến giờ chân bà teo cơ, đi tập tễnh rất khó khăn. Hai cụ thân sinh ra bà năm mất 1981 nhưng trước khi mất cả 2 cụ đều bị tai biến nằm một chỗ gần 20 năm trời. Với cái chân tàn tật, một mình bà phụng dưỡng cha mẹ, rồi 2 cụ cũng bỏ bà mà đi để lại cho bà người em gái gái điên dại.
 
Hàng ngày bà nhận làm bìa cho chủ hàng, phải mất 3 ngày bà mới kiếm được 10 nghìn tiền công
Hàng ngày bà nhận làm bìa cho chủ hàng, phải mất 3 ngày bà mới kiếm được 10 nghìn tiền công

Ở cái làng dệt truyền thống này với cơ thể tàn tật, không vốn, không nơi nương tựa nên ai thuê gì bà cũng làm, ngày mùa thì đi mót những hạt thóc vương vãi ngoài đồng để ăn, ngày thường thì đi thúc sợi thuê để kiếm sống qua ngày. Mấy năm gần đây sức khỏe bà yếu hẳn, mắt mờ đi lại không nổi, cô em gái cũng không đi lang thang nữa mà chỉ ngồi lê lết một chỗ.

“Ngày trước khi còn có sức khỏe thì bà đi làm thuê còn có miếng ăn. Giờ yếu rồi không ai thuê bà nữa, bà phải nhận hàng về để làm bìa, mà có ngồi được lâu đâu chú, làm miết thì 3 ngày mới xong một sản phẩm nhưng tiền công là 10 nghìn đồng”, bà Hoa nói với tôi.

Giờ đây chân bà Hoa bị teo cơ nên đi lại rất vất vả. Mắt bà kém, tay bà run, lại thêm đủ thứ bệnh trên người: thấp khớp, tiền đình, đau khắp người. Nhiều  lúc bà nôn khan, nằm co quắp chân tay, cứ nôn khan mãi rồi mệt quá lịm người đi, cố gắng làm được một lúc hoa mắt, chóng mặt lại phải đứng lên. Việc nhận hàng để làm có khi bốn đến năm ngày mới xong một sản phẩm, chủ hàng cũng tạo điều kiện giúp đỡ lúc nào cũng ưu tiên hàng và thêm thời gian cho bà. “Nhiều khi trả tiền công họ còn cho thêm tôi tiền ấy chứ, giờ 2 chị em tôi sống nhờ vào bà con lối xóm, vào Nhà nước chú ạ”, bà nói.

Nói đến đây hai khóe mắt bà rưng rưng, giọng như nghẹn lại, bà không nói nên lời còn chúng tôi chỉ biết xót xa thay cho một số phận vẫn cơ hàn những năm tháng cuối đời.
 
Nỗi buồn hiện rõ trên khuôn mặt của 2 người đàn bà ở tuổi thất thập cổ lai hy
Nỗi buồn hiện rõ trên khuôn mặt của 2 người đàn bà ở tuổi "thất thập cổ lai hy"

“Thấy hoàn cảnh tôi già cả, tật nguyền không nơi nương tựa, 2 chị em dựa vào nhau mà sống, chính quyền xã cũng rất quan tâm. Cả tháng 2 chị em sống nhờ vào tiền trợ cấp của nhà nước theo chế độ 07 cho người già tàn tật được 360 nghìn một tháng, rồi hai chị em cũng dành dụm, dè xẻn, dắt díu nhau sống qua ngày. Hàng xóm láng giềng ai có cơm cho cơm, ai có cháo cho cháo, có người đi chợ qua cho tôi mớ rau, đồng mắm…”.

Vừa ngồi thúc sợi, bà lại vừa kể về những tháng ngày khốn khó của mình. Lúc thì bà khoe vừa được ông chủ tịch xã giúp cái chăn ấm để đắp, lúc bà than thở  năm ngoái Nhà nước hỗ trợ 7 triệu đồng tiền sửa nhà mà bà không dám nhận chỉ vì 7 triệu không đủ để sửa, mà nhận rồi không sửa thì có tội với sự quan tâm của chính quyền.
 
Nhưng cũng may, sau đó hai chị em bà được trưởng thôn, chủ tịch xã vận động thêm từ bà con hàng xóm được hơn 10 triệu đồng để sửa căn nhà đất thành nhà cấp 4, tránh bớt cái nóng khô của mùa hè, cái lạnh thấu da thấu thịt của trời mùa đông đối với 2 thân già quanh năm ốm đau.

Bà còn kể với tôi nhiều lắm, những câu chuyện chẳng có lấy gì làm vui khi cuộc mưu sinh miếng cơm manh áo luôn đè nặng trên đôi vai gầy của bà, chưa kể bệnh tật liên miên khiến bà nhiều lúc ngã quỵ, thậm chí còn ước… sớm chết để đời mình đỡ khổ hơn.

Tôi chú ý quan sát bà ngồi làm bìa. Mò mẫm, cặm cụi luồn từng thanh sắt mỏng vào khung, lâu lâu mỏi lưng, đau gối bà lại vịn ghế, vịn giường đứng lên cho đỡ mỏi. Tôi cũng không thể hình dung, cái công việc mà bà làm mất đến 3 ngày mới kiếm được 10 nghìn đồng sao mà nó chứa đựng nhiều sự bi ai của cuộc đời đến vậy. 3 ngày đổi lấy 10 nghìn đồng, nghĩa là mỗi ngày bà làm đúng năng suất được có 3 nghìn đồng. Mỗi tháng bà “bán sức khỏe” để đổi lấy... 90.000 đồng. Người ta bảo tuổi trẻ bán sức khỏe để kiếm tiền, về giá lấy tiền mua lại sức khỏe. Còn bà, bà phải bán cả sức khỏe để kiếm tiền nuôi thân, nuôi đứa em tàn tật, mà nào có được là bao.
 
73 tuổi, bà vẫn phải cặm cụi kiếm miếng cơm manh áo
73 tuổi, bà vẫn phải cặm cụi kiếm miếng cơm manh áo
 
Tôi chào từ biệt ra về mà lòng nghẹn đắng, lặng trĩu, cảm thương cho cuộc đời lam lũ, tật nguyền của bà cùng người em gái điên dại, rồi sẽ ra sao trong những ngày cuối đời khi không có người lương tựa, không tiền, không gì cả. Tôi lại nghĩ đến con số 10 nghìn đồng của bà mà thấy cay xè cả mắt mình. Thương quá, bà ơi…
 
 
 
Theo Dân trí
people like INLOOK.VN fanpage