Bạn đang ở đây

Trực tiếp Lễ viếng Đại tướng từ Mỹ

“Tôi ước gì tôi được biết ông ấy nhiều hơn. Tôi cũng ước gì giá như nước Mỹ đã đứng về phía Việt Nam trong cuộc chiến tranh giành độc lập. Lẽ ra ông phải là một người bạn, một đồng minh của nước Mỹ. Thật đáng hổ thẹn vì điều đó đã không xảy ra”- Thượng nghị sĩ Tom Harkin.

Sáng nay (12/10), tòa nhà Vietnam House ở Washington DC mở cửa đón khách đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Đại tướng
 

Trời mưa rả rích từ mấy ngày nay cũng không ngăn được nhiều người muốn đến thắp nén nhang, ghi đôi lời tiễn biệt vị anh hùng huyền thoại, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam về cõi vĩnh hằng. Nhiều đôi mắt hoe đỏ, có người vội vã quay đi để giấu những giọt nước mắt.

 

Đại tướng
 

Một số bà con Việt kiều đến từ rất sớm, nghẹn ngào khấn nguyện. “Tư tưởng và tấm lòng của Đại tướng sẽ luôn sống mãi trong tâm hồn dân tộc Việt Nam. Cầu mong vong linh Người sẽ luôn phù hộ cho non sông đất nước”.

Đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Washington DC, Thượng nghị sỹ Tom Harkin xúc động viết trong sổ tang: “Tướng Giáp là một con người vĩ đại, người không bao giờ từ bỏ sự nghiệp đấu tranh vì độc lập của Việt Nam. Ông đã để lại một tấm gương lớn cho tất cả những ai đấu tranh vì độc lập và phẩm giá con người”.
 

Đại tướng
Thượng nghị sỹ Tom Harkinđang ghi sổ tang

 

Trong dòng người đến viếng, còn có những bạn rất trẻ, có lẽ thuộc thế hệ 9X. Những người trẻ sinh ra trong hoà bình chắc không có khái niệm gì về chiến tranh, lại càng ít biết về chiến công Điện Biên Phủ cách nay gần sáu chục năm. Nhưng tình cảm tiếc thương và lòng ngưỡng mộ đến thật tự nhiên, bởi ông là một biểu tượng cho tinh thần vì nước vì dân, cho những giá trị cao quý vĩnh hằng của dân tộc Việt.

Cũng không có gì ngạc nhiên khi ông được bạn bè quốc tế quý mến, bởi ông không chỉ là người anh hùng của Việt Nam mà còn là “người anh hùng của những dân tộc đấu tranh cho sự nghiệp độc lập” – như lời nhận xét của phó Đại sứ Algieria, người đã từng có dịp gặp Đại tướng nhiều lần ở Hà Nội.

“Người dân Algieria giành được độc lập vào năm 1964 và chúng tôi luôn hiểu rằng chiến thắng Điện Biên Phủ đã có tác động tích cực đ sự nghiệp giành độc lập của dân tộc mình. Tướng Giáp đã là nguồn cảm hứng lớn lao khích lệ cho sự nghiệp giải phóng của các dân tộc trên thế giới khỏi ách đô hộ của chủ nghĩa thực dân. Sự mất mát hôm nay không phải của riêng Việt Nam mà còn Algierialà sự mất mát của tất cả những ai đang đấu tranh vì hoà bình và công lý”, Phó Đại sứ xúc động nói.

Là biểu tượng cho những giá trị phổ quát toàn nhân loại, vị tướng huyền thoại còn giành được sự nể trọng và khâm phục từ những người đã từng ở phía bên kia chiến tuyến.
 

Đại tướng
 


Thượng nghị sĩ Tom Harkin hồi tưởng lại cuộc gặp với Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi ông lần đầu đến thăm Việt Nam năm 1995. Khi ấy, ông đã đọc một vài cuốn sách viết về chiến tranh Việt Nam, nên rất tò mò muốn được hỏi chuyện nhân vật đã đánh bại cả Pháp và Mỹ .

“Chúng tôi đã nói chuyện trong suốt hai tiếng đồng hồ. Đó là một cuộc nói chuyện đầy hứng thú và ngạc nhiên. Tướng Giáp đã chia sẻ rất cởi mở về những chi tiết trong chiến dịch Điện Biên Phủ, và cả những chiến dịch sau này trong cuộc chiến với Mỹ. Bạn có thể thấy ông là một nhà lãnh đạo lớn, một con người cực kì thông minh.

Nhưng điều làm tôi nhớ mãi từ cuộc gặp lần ấy là tướng Giáp luôn nhắc đến cuộc chiến tranh như “một sai lầm của Mỹ”. Ông thể hiện một tầm nhìn thật bao dung và không một chút nào hận thù hay căm ghét người Mỹ. Dường như ông phân biệt rất rõ, cuộc chiến tranh đó là sai lầm khủng khiếp của lãnh đạo Mỹ nhưng không có nghĩa là tất cả người dân Mỹ đều xấu. Và đó là tầm nhìn khiến tôi nể phục và ngưỡng mộ”.

Vị chính khách kì cựu tỏ ra nuối tiếc vì cách đây 5 năm, khi quay lại thăm Việt Nam, ông có đề nghị được gặp tướng Giáp lần nữa nhưng không thành vì điều kiện sức khoẻ của Đại tướng không cho phép.

“Tôi ước gì tôi được biết ông ấy nhiều hơn. Tôi cũng ước gì giá như nước Mỹ đã đứng về phía Việt Nam trong cuộc chiến tranh giành độc lập. Lẽ ra ông phải là một người bạn, một đồng minh của nước Mỹ. Thật đáng hổ thẹn vì điều đó đã không xảy ra”.

Còn hạ nghị sĩ Eni Faleomavaega dù chưa có dịp được gặp mặt Đại tướng, nhưng lòng ngưỡng mộ dành cho danh tướng lừng lẫy của thời đại đã thôi thúc ông đến đây.
 

Đại tướng

Hạ nghị sĩ Eni Faleomavaega

 

“Thật đáng kinh ngạc khi ông chỉ là một thầy giáo, người chưa từng được đào tạo bài bản qua bất kỳ trường lớp quân sự nào lại đánh bại được cả một đội quân hùng mạnh. Tướng Giáp sẽ luôn được nhớ đến như một trong những nhà lãnh đạo chủ chốt đã giành chiến thắng trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc”.

Không đi lại được nhưng ông Bobby Muller, Chủ tịch Quỹ Cựu Chiến binh Việt Nam vẫn gắng nhờ trợ lý đến thắp nén nhang tiễn biệt Đại tướng và ghi hộ ông đôi dòng cảm tưởng.

“Chúng ta đã gặp nhau trên chiến trường và đã chiến đấu với nhau trong một thời gian dài. Nhiều người đã phải trả giá quá đắt và nhiều người vẫn đang phải chịu đựng những vết thương hôm nay. Giống như ông, chúng tôi nhìn về tương lai và tin tưởng rằng thế kỷ 21 sẽ tốt đẹp hơn cho dân tộc Việt Nam và Hoa Kỳ. Đại tướng, giờ thì người có thể yên nghỉ trong bình an”.

“Cầu mong Bác an nghỉ nơi vĩnh hằng. Bác sẽ luôn sống mãi trong tâm tưởng mỗi người dân yêu nước Việt Nam” – dòng lưu bút run run của một bạn trẻ nói hộ cảm xúc của triệu triệu người dân đất Việt. Một con người vĩ đại đã ra đi, nhưng di sản của ông vẫn sẽ trường tồn cùng dân tộc.

Thay mặt Chính phủ Hoa Kỳ, quyền Trợ lý Ngoại trưởng Scot Marciel đã đến chia buồn với đại diện Chính phủ Việt Nam. Ông Marciel viết trong sổ tang: “Tướng Giáp là một nhà lãnh đạo lớn của nhân dân Việt Nam. Cho dù ông đã từng là kẻ thù của Mỹ, trong những năm sau này, ông đã luôn ủng hộ cho tiến trình hoà giải và tăng cường quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ”.

 

Theo Việt Lâm (từ Washington DC)

people like INLOOK.VN fanpage