Bạn đang ở đây

Ước mơ của thầy giáo có chiều cao của trẻ lên 10

“Hạnh phúc của tôi là được thấy các em đặt chân vào giảng đường đại học” – thầy giáo Quang Đức chia sẻ.

Tấm gương vượt lên số phận Chu Quang Đức (SN 1984, Đại Thịnh – Mê Linh – Hà Nội) hiện đang là giáo viên Trường THPT Mê Linh, Hà Nội đã “nổi tiếng” từ lâu. Đức là người bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam, năm nay 28 tuổi, nhưng thầy giáo trẻ này chỉ nặng 27kg và luôn phải gắn với chiếc xe lăn khi “đứng” lớp.

Lớp học của thầy giáo Quang Đức.

Ông Chu Quang Chiến, bố của thầy giáo trẻ Chu Quang Đức là một cựu chiến binh. Ông mang trên người vết thương da cam mà người khác không nhìn thấy nên Đức bị ảnh hưởng. Cậu bé Đức thông minh, đẹp trai, nghịch ngợm là niềm hy vọng lớn của cha mẹ. Nhưng không hiểu sao, từ khi lên 4 tuổi Đức bắt đầu đổ bệnh. Tự nhiên cơ bắp cứ dần quắt lại rồi teo đi, biến anh từ người lành lặn thành khuyết tật. Bố mẹ em đã hết nước mắt ôm con khắp các bệnh viện lớn ở Hà Nội. Các bác sĩ không biết em bị bệnh gì cho tới khi nỗi đau da cam được gọi tên. Đức bị ảnh hưởng chất độc da cam từ bố.

Điều lạ đối với cậu bé sớm phải đối mặt với nỗi đau bệnh tật này là đôi mắt luôn lấp lánh sáng và niềm khát khao được cắp sách tới trường. Khát vọng được tới trường càng dữ dội trong cậu bé Đức khi Trường Tiểu học Đại Thịnh B mở lớp học tình thương dành cho trẻ khuyết tật. Vậy là Đức nằng nặc đòi cha xin cho đi học chỉ với một mục đích “được biết chữ”.

“Từ đó ngày hai lượt, Đức được cả gia đình thay phiên nhau cõng đi học. Tới năm lớp ba, thấy Đức có sức học tốt nhà trường đã chuyển thầy sang lớp chọn và cho học cùng các học sinh bình thường khác. Đức có tên trong danh sách được tham dự các kỳ thi học sinh giỏi nhưng vì sức khỏe yếu nên cậu từ chối” – anh Chu Quang Trường, anh trai Đức chia sẻ.

Thầy giáo Đức bên bàn giáo án của mình.

Đức có ước mơ làm thầy giáo. “Mình thấy hợp và rất yêu nghề này. Đó là nghề không phải di chuyển nhiều lại được tiếp xúc với nhiều người…” – Đức chia sẻ. Bằng nghị lực và lòng quyết tâm, Đức đã đỗ vào Trường Cao đẳng sư phạm II. Tuy trường chỉ cách nhà 12km nhưng do sức khỏe yếu, không thuận tiện trong việc đi lại nên Đức đi học bố cậu phải đi kèm. Hai bố con Đức thuê nhà trọ gần trường và cùng sống cuộc đời sinh viên.

“Mình có được ngày này phần lớn đều nhờ công sức của bố. Nhất là quãng thời gian theo học tại trường Cao đẳng Sư phạm, nhiều hôm bố bế lên tầng bốn để học. Nhìn những giọt mồ hôi ướt đẫm lưng cha vì mệt thấy xót lắm” – cậu sinh viên ngày nào nay đã là thầy giáo tâm sự.

Với bệnh tật trên người, nhưng tình yêu nghề và lòng nhiệt huyết đã giúp thầy có thêm sức mạnh để dìu dắt những người học trò của mình đạt được kết quả cao nhất. Thầy Đức chia sẻ: “Việc dậy các em học không hề làm tôi mệt mỏi. Trái lại, mỗi khi đứng trên bục giảng lại giúp tôi có thêm niềm vui, sức khỏe vì mình đã giúp các em chắp cánh ước mơ tương lai”. Lời khẳng định ấy đã được minh chứng bằng sự thành công của các thế hệ học trò đã qua của anh. Trong đó kỳ thi Đại học vừa qua thầy Đức đã đưa được 15 học trò bước vào giảng đường Đại học.

Anh Chu Quang Trường, anh ruột của thầy giáo Đức kể về em trai: “Không bao giờ Đức dựa vào sự thiệt thòi của mình mà đòi hỏi hoặc tìm cách đòi hỏi bất kỳ sự giúp đỡ nào từ phía bên ngoài. Để giúp em thỏa nguyện gia đình đã tạo điều kiện hết sức là mua các loại máy em cần phục vụ công tác giảng dạy. Nhưng thời gian gần đây, thấy em vất vả quá nên gia đình khuyên không nên dạy thêm nữa,  chỉ dạy trường thôi thì em Đức đồng ý. Thế nhưng học sinh tới hỏi bài là em ấy lại ngồi giảng, quên luôn cả giờ giấc”. Như muốn giải thích với anh trai, thầy giáo trẻ Quang Đức tiếp lời: “Hạnh phúc của tôi là được thấy các em đặt chân vào giảng đường Đại học”.

Theo HOA TOÀN/ infonet

people like INLOOK.VN fanpage