Bạn đang ở đây

Tết dương lịch, ‘xõa’ kiểu gì cho đỡ tốn?

Được nghỉ những 4 ngày, không chơi thì phí, chơi thì mất quá nhiều phí. Các ‘tay hòm chìa khóa’ vắt óc nghĩ cách để hưởng thụ mà không gây ‘đột tử’ cho tài khoản của mình.

Nghỉ ít thì kêu, nghỉ nhiều cũng kêu

Cơn sung sướng của anh chị em trong công ty chị Hà (29 tuổi, Hà Nội) khi báo đưa tin nhà nước cho nghỉ liền 4 ngày trong dịp Tết dương lịch tới vẫn đang cao trào thì sếp đã dội ngay một gáo nước lạnh bằng thông báo: Công ty vẫn làm việc vào ngày 31/12. Nghĩa là sau 2 ngày nghỉ cuối tuần, các nhân viên sẽ đi làm một ngày rồi nghỉ Tết một ngày. Mặt ai nấy méo xẹo. Cánh phụ nữ kêu ca ầm ĩ, rằng sếp mình sao mà trái khoáy thế, ngày đó ai cũng nghỉ, mình đi làm thì lòng dạ đâu, lấy ai ra mà liên hệ công tác khi người ta đã vi vu ở danh lam thắng cảnh nào rồi.

Hai ngày sau, sếp đổi ý, cho phép nghỉ liền 4 ngày và làm bù vào dịp khác. Mọi người tươi hơn hớn, tự hỏi mình sẽ thưởng thức những ngày nghỉ đó như thế nào. Bỗng Hà kêu toáng lên: “Nghỉ lắm thế tiền đâu mà chơi? Giá điện vừa tăng, giá thịt bò cũng ngay lập tức tăng vù một cái đây này. Thưởng quý, thưởng 6 tháng thì bị cắt. Những bốn ngày mà cứ hết ăn cơm nhà lại trùm chăn ngủ cho mặt phị ra thì chán ốm, thà đi làm còn hơn”.

Câu than thở của Hà như dội một gáo nước lạnh vào tâm trạng chị em, vốn có thể phồng lên xẹp xuống trong tích tắc. Các bà tám chuyển từ hào hứng về đợt nghỉ sang kêu ca về túi tiền. Một chị nói: “Lúc nãy mình đang nghĩ cả nhà tranh thủ đi chơi xa một chuyến, nay nghe em Hà nhắc đến kinh phí là bẹp như con dán ngay. Hai vợ chồng với hai đứa con, có đi chơi trong nước thôi cũng mất cả chục triệu đồng chứ không ít. Thưởng Tết chả biết có hay không, tiêu thế thì đến Tết âm không có tiền mua bánh chưng mất”.

Các cô gái trẻ là có vẻ “méo mặt” nhất, vì tiền chưa rủng rỉnh bằng các chị, cũng chưa có “hậu phương” là đức lang quân, trong khi nhu cầu đi chơi của gái chưa chồng thì cao ngút. Làm gì có chuyện con gái hơ hớ mà lại nằm nhà suốt mấy ngày nghỉ!

"Bài toán" của nàng dâu

Chị Loan, làm ở một ngân hàng tại Hà Nội, hý hửng ra mặt sau khi thu xếp xong chuyến đi chơi Tết dương lịch cho cả đại gia đình. Chồng chị là con trai thứ, nhưng xét về khả năng kiếm tiền là nhất nhà, hơn hẳn ông anh đang sống cùng bố mẹ ở Thanh Hóa nên từ trước đến nay, từ công to việc nhỏ đến các cuộc vui chung của đại gia đình, vợ chồng Loan được mặc định là người chi tiền.

Thường thì các dịp nghỉ dài ngày, mẹ chồng Loan đều hô hào con cháu tổ chức đi chơi. Lần này cũng vậy, trước Noel mấy hôm, mẹ đã gọi điện cho Loan: “Tết dương này được nghỉ nhiều như vậy, con thiết kế đi chơi xa một chuyến thay đổi không khí nhé”. Loan vừa “vâng” vừa nhăn trán nghĩ ngợi. Mẹ đã nói thế, không thể từ chối được, đi mà bắt mọi người chia tiền cũng không được, vì trong gia đình, vợ chồng Loan đã được mệnh danh là “đại gia ngân hàng” rồi.

Cho dù ngân hàng chị năm vừa rồi làm ăn không tốt lắm, nghe đâu Tết Nguyên đán còn chả có thưởng, nhưng nói ra chỉ mất vui mà thôi, vì bên nhà chồng chị sẽ nghĩ con lạc đà gầy yếu còn to hơn con ngựa.

Đi đâu vừa đáp ứng tiêu chuẩn “xa” của mẹ chồng vừa không tốn bây giờ? Lâu nay bà mẹ chồng thích du lịch của Loan vẫn nói là muốn đi Phú QuốcVũng TàuNha Trang cho biết, nhưng vào tận đấy thì “móm” nặng.

Bỗng Loan toét miệng cười đắc ý, gọi điện ngay cho mẹ chồng: “Con nghĩ ra rồi, nhà mình sẽ đi Quảng Ninh quê chị dâu. Chị ấy Tết năm ngoái sinh cháu, thành ra gần 2 năm chưa về thăm nhà. Mình chọn chỗ này, một là tạo điều kiện để chị ấy về thăm quê, hai là mẹ nhân tiện thăm thông gia cho thắt chặt tình cảm, ba là nhà mình đi chơi. Nếu nói du lịch thì có đâu bằng Quảng Ninh nữa?”. Mẹ chồng nghe thích quá, đồng ý ngay lập tức.

Bỗng chồng Loan, vẫn lắng nghe nãy giờ, lên tiếng: “Em có hâm không? Trời rét thế này, tự nhiên em kéo cả nhà ra biển hóng gió à?”. Loan hốt hoảng đưa tay lên miệng “suỵt” trước khi kịp nhớ ra là mình đã tắt điện thoại: “Cấm anh lên tiếng đấy, đừng có phá đám em. Đi chỗ đó em mới có tiền trả. Ở nhà thông gia không mất tiền lại còn được mời ăn, chi phí còn lại sẽ không đáng kể. Em sẽ lên mạng kiếm chỗ chơi mà không rét ở Quảng Ninh, nếu không có thì mẹ được thăm thông gia, chị dâu được về nhà là cũng đủ để cả làng cùng vui rồi”.

“Xõa” tại gia cho rẻ

“Kế hoạch tiêu thụ 4 ngày nghỉ của tớ như sau: ngày đầu tiên vì chồng phải trực nên tớ tranh thủ làm nốt công việc tồn đọng của cơ quan, sau đó dọn nhà. Ngày thứ hai tổ chức ăn lẩu nướng, hát karaoke ngay tại nhà với đám bạn cấp ba, trên tinh thần ‘cam-pu-chia’. Thế là có bữa ‘xõa’ ra trò mà chỉ tốn có vài trăm nghìn đồng”, Nhung, 32 tuổi, nói.

“Ngày thứ ba, hai vợ chồng sẽ đưa bọn trẻ con đến các trung tâm mua sắm, kiếm thêm quần áo mùa đông cho chúng nó, thế là vừa giải quyết được việc cần làm vừa có đủ các mục giải trí, shopping. Bọn trẻ chỉ cần được ăn gà rán KFC là sướng quẫy đuôi rồi, hai vợ chồng thì ăn bún miến gì đó đúng sở thích. Ngày cuối cùng thì bố mẹ đọc sách, chơi điện tử, con làm bài tập rồi nghỉ ngơi cho lại sức trước khi trở lại cơ quan, trường học”.  

Đám gái chưa chồng ở cơ quan Vân (23 tuổi, Hà Nội) cũng hẹn nhau đến nhà cô nấu nướng, ăn uống trong dịp nghỉ sắp tới. “Sau đó, nếu ‘máu’ thì cùng đi xem phim, không thì nằm buôn dưa lê với nhau, hoặc cùng nhau dạo phố, ăn kem, lượn các siêu thị với tinh thần xem là chính”, Vân nói. Cô cho rằng, vào những ngày nghỉ, cứ làm việc gì đó mà bản thân cảm thấy thư giãn, vui vẻ là được, không nhất thiết phải đi du lịch.

Cũng với tinh thần đó, gia đình anh Hùng ở Tân Mai, Hà Nội quyết định về quê ngoại trong mấy ngày nghỉ tới. “Tôi là con trai một nên Tết Nguyên đán phải ở Hà Nội, vợ cũng thiệt thòi vì không đón giao thừa với bố mẹ đẻ được bao giờ. Vì thế đợt này bọn tôi đưa con về với ông bà ngoại ở Hà Tĩnh, xin thêm mấy ngày phép cho trọn một tuần. Một chuyến đi như vậy không tốn kém mà cả đại gia đình đều vui. Số tiền lẽ ra chi cho chuyến du lịch, tôi dành để biếu bố mẹ vợ”.

Quả thật, nếu cứ xác định tinh thần vui là chính thì cũng không cần phải quá đau đầu về chuyện “tiền đâu mà chơi”.

Theo Khả Khanh - Xzone

people like INLOOK.VN fanpage