Bạn đang ở đây

Cách chạy dây dẫn sao cho gọn

Chỉ thêm một chút công sức, đống cáp hỗn độn của hệ thống nghe nhìn sẽ trở nên gọn gàng và đẹp mắt.

 

Nếu phòng có sàn gỗ hoặc sàn lát đá, một trong những phương pháp giấu dây nhanh và hiệu quả là bạn chỉ việc mua một tấm thảm trải suốt từ hệ thống âm thanh tới các loa sau và giấu các sợi cáp tín hiệu xuống dưới. Ảnh: Canadahifi.

Với các hệ thống nghe nhạc stereo đơn giản với chỉ 2 đến 3 thiết bị xếp chồng lên nhau (ampli, đầu đọc hoặc có thể thêm pre-amp) và hai loa hai bên, toàn bộ dây nhợ kết nối thường sẽ được ẩn ở mặt sau của giá đỡ các thiết bị này, vì thế, sắp xếp dây nhợ cho hệ thống này là đơn giản nhất. Đối với một hệ thống âm thanh, dùng những sợi cáp nối giữa các thành phần càng ngắn càng tốt, nhất là đối với các hệ thống analog. Nếu không có dây đủ ngắn, bạn có thể dùng những sợi cáp xoắn nhỏ (thường dùng buộc các dây nối khi mua thiết bị) và buộc các sợi cáp lại với nhau. Lưu ý, chỉ buộc các sợi cáp tín hiệu, còn sợi cáp nguồn phải để độc lập để tránh nhiễu tác động đến âm thanh. Tất nhiên, nếu hệ thống của bạn nếu chỉ có một đến hai sợi cáp thì cũng không cần quan tâm tới việc buộc lại. Đôi khi với các audiophile, khi họ đã đầu tư cả đống tiền cho cáp tín hiệu thì việc cố tình để lộ cáp còn nằm trong chủ ý khoe khéo đẳng cấp của mình.

Nhưng sang đến các hệ thống 5.1 trở lên, vấn đề bắt đầu nảy sinh do các hệ thống này có thêm loa sau, loa bên, thậm chí các loa kênh cao hay máy chiếu nữa. Vì thế, nếu để dây trần, bạn sẽ thấy dây ở khắp mọi nơi, trên sàn, trên tường, trên trần... rất bừa bộn. Đó là lúc bạn phải nghĩ đến việc chạy dây sao cho gọn và thẩm mỹ.

Nếu phòng có sàn gỗ hoặc sàn lát đá, một trong những phương pháp giấu dây nhanh và hiệu quả là bạn chỉ việc mua một tấm thảm trải suốt từ hệ thống âm thanh tới các loa sau và giấu các sợi cáp tín hiệu xuống dưới. Ngoài chức năng che giấu, thảm còn giúp chống được các hiện tượng phản âm từ bề mặt sàn.

Cách thứ hai mất công hơn một chút là bạn đầu tư một hệ thống ống gen nhựa chạy dọc theo tường hoặc trần và nhét các sợi cáp vào bên trong. Để tạo thẩm mỹ, bạn có thể đặt các gen nhựa này chạy trên các đường viền sơn hoặc sơn cùng màu với tường. Các ống gen này thường rất dễ lắp đặt, chỉ việc bắt vít vào tường, thậm chí có những hãng còn có các ống có sẵn keo chỉ việc bóc ra dán vào tường hay trần là xong.

Tuy có gọn hơn, nhưng do chạy nổi nên các ống gen cùng hệ thống dây vẫn ở dạng nhìn thấy được. Nếu vẫn chưa thỏa mãn với cách chạy này, bạn có thể tính tới việc giấu dây sau các phào gỗ hoặc gạch dưới chân tường. Dễ nhất là nếu nhà bạn lát sàn gỗ, sẽ có các phào gỗ chạy dọc chân tường. Bạn chỉ việc khéo léo cậy các phào này ra, cho dây chạy dưới khe tiếp giáp giữa tường và sàn và đóng phào lại. Ở những chỗ đặt vị trí loa, dùng dao khoét một lỗ nhỏ đủ để dây chui ra và nối thẳng đến loa. Lúc này căn phòng của bạn trông sẽ sạch sẽ và gọn gàng hơn nhiều.

Một cách khác là nếu phòng bạn có thêm lớp trần giả, bạn có thể chạy toàn bộ dây trên trần. Cách chạy này rất hữu dụng nếu như hệ thống của bạn có máy chiếu lắp trần hoặc loa sau dạng treo tường. Tùy từng cách bố trí nội thất mà bạn có thể chạy dây từ đầu đọc lên trần qua ống gen hay ẩn sau các tấm bình phong, từ đó các dây sẽ tới các góc nhà và xuống từng loa hoặc xuống máy chiếu.
 
Một hệ thống âm thanh dây dẫn loằng ngoằng. Ảnh: Imageshack.

Dù là chạy dây theo phào hay trên trần, nên nhớ để đảm bảo âm thanh, hãy lựa chọn những dây có chất lượng đủ tốt cả về phương diện âm thanh lẫn độ bền nếu bạn không muốn dỡ tung cả nhà ra khi âm thanh có vấn đề. Đối với các dây HDMI hay VGA nối giữa máy chiếu và hệ thống nghe nhìn, nếu cần bạn còn phải đầu tư thêm thiết bị khuếch đại tín hiệu nếu như khoảng cách giữa các thiết bị này không đủ gần.

Khi được đầu tư đúng mực, bạn sẽ có một hệ thống nghe nhìn không chỉ chất lượng mà còn tạo tính thẩm mỹ cho căn phòng, đem đến một thú vui thưởng thức trọn vẹn hơn.
 
Theo SoHoa
people like INLOOK.VN fanpage