Bạn đang ở đây

Làm gì khi điện thoại bị "nhúng" nước?

Một ngày đẹp trời, bạn lỡ tay để điện thoại bị “nhúng” nước thì phải làm gì? Hãy xem các hướng dẫn sau đây của Digital Tips để cứu chúng nhé!

Điện thoại bị ướt - inLook.vn

Bước 01: Nhanh tay lẹ mắt

Việc để điện thoại rơi vào nước thường là do sự bất cẩn của người dùng. Khi đó, tâm trạng của bạn sẽ hết sức bất ngờ và luống cuống không biết phải xử trí thế nào. Thế nhưng, điều cần làm ngay lúc này lại là phải nhanh tay lẹ mắt vớt “chú dế” của mình ra khỏi môi trường nước. Hầu hết nhà sản xuất ĐTDĐ đều bảo vệ các linh kiện bên trong bằng bộ vỏ cứng cáp và ít khe hở nên về mặt lý thuyết, nước sẽ mất một khoảng thời gian nhất định mới thâm nhập sâu vào bên trong máy. Do vậy, bạn càng bình tĩnh xử trí nhanh bấy nhiêu thì thời gian tiếp xúc với nước của điện thoại sẽ ít đi và cơ hội “sống sót” sẽ tăng cao tương ứng.

Điện thoại bị rơi xuống nước - inLook.vn
Nhanh chóng lấy máy ra khỏi môi trường nước

 

Bước 02: tháo pin & thẻ nhớ

Nguyên nhân chính khiến điện thoại “ướt” bị hư hỏng hoàn toàn là do chạm mạch bởi nước là môi trường dẫn điện khiến nguồn điện từ pin được phép “chu du” khắp nơi trong điện thoại gây cháy các cảm biến hoặc vi mạch xử lý siêu nhỏ. Thế nên sau khi “trục vớt” điện thoại khỏi môi trường nước xong, hãy bật tung nắp pin và lấy pin ra khỏi máy nhanh nhất có thể. Thẻ nhớ cũng cần được lấy ra khỏi máy nhanh chóng để bảo vệ dữ liệu bên trong. Dạo sau này, các dữ liệu quan trọng trên điện thoại thường được “đẩy” sang thẻ nhớ nên việc cứu thẻ nhớ sẽ giúp bạn đỡ được phần nào mất mát lỡ khi điện thoại đã “hết thuốc chữa”.

Pin điện thoại - inLook.vn
Tháo pin ra khỏi máy để tránh chạm mạch

 

Bước 03: lau khô máy

Thao tác tháo pin hoàn tất cũng là lúc điện thoại thoát khỏi nguy cơ chạm mạch. Giờ đây là lúc dùng các khăn khô loại thấm nước tốt (có thể dùng khăn lông hoặc giấy vệ sinh) để lau sạch điện thoại. Bạn nên lau kỹ càng & cẩn thận, chú ý đến các khe, hốc như khe cắm thẻ nhớ, giắc tai nghe – giắc nguồn, các khe nơi bố trí loa ngoài ... Máy càng khô ráo sẽ càng tiện lợi hơn cho bước 04 sau đây. Tuy nhiên, tuyệt đối không nên dùng máy sấy tóc để làm khô điện thoại. Nguyên nhân là do luồn không khí nóng tuôn ra từ máy sấy có thể làm cong vênh các vi mạch hoặc càng đẩy sâu nước vào bên trong, gây hư hỏng cả những phần vẫn chưa thấm nước.

Lau khô điện thoại - inLook.vn
Lau khô điện thoại bằng các loại khăn / giấy có độ thấm nước cao

 

Bước 04: hộp đựng & gạo rang

Tìm một chiếc hộp kín có thể đựng vừa điện thoại của bạn. Cho một lon gạo vào đấy và đặt điện thoại vào, đậy kín nắp. Nếu có bạn bè hỗ trợ, bạn hãy nhờ họ rang gạo lên trước rồi hẵn cho vào hộp. Gạo rang sẽ đảm nhiệm việc hút nước ở các nơi bạn không thể lau sạch bằng khăn và giảm độ ẩm cho toàn bộ điện thoại.

Gạo rang giúp hút ẩm - inLook.vn
Gạo giúp hút ẩm hiệu quả

Sau khi thực hiện xong bước 04, bạn mang chiếc hộp kín ấy đến trung tâm bảo hành hoặc sửa chữa điện thoại di động để được các nhân viên kỹ thuật kiểm tra và xử lý chuyên sâu hơn. Digital Tips tin rằng với những thao tác “sơ cứu” nhanh chóng nêu trên, “chú dế cưng” của bạn sẽ có tỉ lệ hoạt động lại bình thường cao hơn hẳn, tránh việc vừa mất tiền lạì vừa ngắt quãng liên lạc trong một thời gian. Chúc bạn may mắn!

Lan Thanh

people like INLOOK.VN fanpage