Bạn đang ở đây

Những miền đất hứa

Đó có thể là nơi nhà thiết kế thời trang được sinh ra hoặc từng ghé chân, một nền văn hóa có sức ảnh hưởng lớn, thôi thúc họ mang đến những thiết kế, bộ sưu tập xuất sắc.

Những cuộc hành trình không ngừng nghỉ

Nếu không có Marc Jacobs, người ta sẽ chỉ biết đến Louis Vuitton như một thương hiệu chuyên sản xuất rương chứa đồ, hành lý, túi xách và những phụ kiện. Marc Jacobs đã làm sống lại các thiết kế túi xách trứ danh của Louis Vuitton khi thực hiện những chiến dịch cộng tác cùng các nghệ sĩ nổi tiếng trên thế giới. Đúng với giá trị cốt lõi của Louis Vuitton, “Nghệ thuật chuyển động”, những sáng tạo năm nào của Louis Vuitton như sống lại với luồng sinh khí mới, nhịp đập mới. Không thể không nhắc đến thành công của sáng tạo được thực hiện bởi nghệ sĩ Nhật Bản Takashi Murakami khiến cho logo và họa tiết monogram quen thuộc trở nên sống động hơn, và các sản phẩm... bán chạy hơn. Hay mới năm ngoái là bộ sưu tập được thực hiện bởi nữ nghệ sĩ Yayoi Kusama với nỗi ám ảnh chấm bi tràn ngập. Không dễ gì để nhận được cái gật đầu của nữ nghệ sĩ tài năng và quái gở nhất tại Nhật Bản này.

 

 
 
Sức sáng tạo của Marc Jacobs từng là dấu hỏi lớn cho mọi người nhưng Marc chẳng mảy may quan tâm. Chắc hẳn mọi người chưa ai quên bộ sưu tập Xuân Hè 2009 của Louis Vuitton với những thiết kế mang đậm ảnh hưởng từ vùng đất châu Phi. Marc từng làm sống lại một Paris sôi động cùng những vũ công can-can nức tiếng Kinh đô Ánh sáng một thời qua bộ sưu tập Thu Đông 2009-10. Đó là những chiếc váy bồng siêu ngắn, những chất liệu mỏng tang, những đôi boots làm bằng gấm cao tới đùi, cùng chiếc mũ đội đầu hình tai thỏ. Đến mùa Xuân Hè 2010, Marc Jacobs lại đưa mọi người đến với hình ảnh New York sôi động, trẻ trung và hiện đại. Cuộc hành trình của Marc lập ra với tinh thần của Louis Vuitton luôn là sự giao thoa hoàn hảo giữa những giá trị của một thương hiệu lâu đời với những nền văn hóa trên thế giới.

BST Louis Vuitton Xuân Hè 2009 - BST Dolce&Gabbana Xuân Hè 2013

Mới đây, Karl Lagerfeld đã công bố địa điểm sẽ diễn ra buổi trình diễn bộ sưu tập Metiers d’Art của Chanel sắp tới là Dallas, bang Texas, Mỹ. Ngay lập tức mọi người đều băn khoăn về mối liên hệ giữa Dallas và Chanel bởi tất cả các thành phố mà bộ sưu tập Metiers d’Art từng “đi qua” đều có một mối liên hệ nhất định với thương hiệu. “Bạn biết vì sao không? Trước tiên là tôi yêu Texas, tôi yêu những con người tại Texas,” Karl giải thích, “lý do sau nữa, đó là khi Chanel mở cửa lại, báo chí Pháp đã không tiếc lời phỉ báng. Ngược lại, báo giới Mỹ lúc đó đã hiểu được thiết kế của Chanel, nên tôi nghĩ cũng nên làm một chuyến tới đó.” Metiers d’Art là bộ sưu tập đặc biệt của Chanel, thường được ra mắt vào thời điểm trước mùa Thu Đông (các nhà mốt khác thường gọi là Pre-Fall), mang đến những thiết kế được đánh giá là “demi-couture” (không đơn thuần là ready-to-wear nhưng chưa đủ tầm cỡ haute-couture). Với những nhà nghề thủ công thuộc sở hữu của mình, Chanel dưới sự dẫn dắt của Karl Lagerfeld đã mang đến những bộ sưu tập Metiers d’Art hết sức ấn tượng từ năm 2002 tới nay. Mỗi bộ sưu tập giống như một cuộc hành trình, một câu chuyện tới những thành phố gắn liền với lịch sử của Chanel, đồng thời tôn vinh tay nghề thủ công của những người thợ. “Thông thường, tôi sẽ cố tìm ra được một mối liên kết nào đấy giữa những thành phố với lịch sử của Chanel. Ví dụ như Scotland, rất dễ giải thích vì Coco đã từng đi săn cùng với người tình tại đây và cũng là nơi Coco phát hiện ra chất liệu vải tweed,” Karl nói. “Cô ấy đến Venice (Ý) rất nhiều lần, đó là lý do tôi chọn Venice. Cô ấy có một người tình Nga, cô ấy yêu nghệ thuật Nga, và thế là tôi cho ra mắt bộ sưu tập Metiers d’Art Paris - Moscow.” Mỗi một thành phố, một địa danh là một chi tiết và với mỗi chi tiết nhỏ đó, Karl Lagerfeld lại mang đến một câu chuyện.
 
Mỗi bộ sưu tập Metiers d’Art đều sử dụng “chất liệu” là những giá trị lịch sử gắn liền với Chanel, tay nghề thủ công truyền thống và những nét đặc trưng trong văn hóa, phong cách ăn mặc đặc trưng của mỗi nơi. Bộ sưu tập Metiers d’Art Paris - Bombay của Chanel là một trong những bộ sưu tập Metiers d’Art xuất sắc nhất cho tới nay. Ngay trong bối cảnh toàn bộ ngành bán lẻ thời trang cao cấp vẫn đang xoay xở với những tác động của khủng hoảng, bộ sưu tập Paris – Bombay được diễn ra trong không gian là một bữa tiệc xa hoa của giới vua chúa, quý tộc thời xưa. Dấu bindi quen thuộc trên trán phụ nữ Ấn Độ được “trang hoàng” thành những món phụ kiện trang sức rất cầu kỳ và tinh tế, hay những chiếc sari được biến tấu bởi Karl Lagerfeld thành những trang phục sang trọng với gam màu trắng kem nền nã, tôn lên vẻ đẹp của phụ kiện đi cùng. Không chỉ vậy, cũng trong thời điểm ra mắt bộ sưu tập này, Chanel còn giới thiệu màu sơn móng tay mới mang tên Diwali – lễ hội ánh sáng diễn ra thường niên ở Ấn Độ với tông màu vàng champagne sang trọng, không quá nổi bật như màu Gold Fingers hay Delight (cũng nằm trong bộ màu sơn móng tay của Chanel).

Toàn cảnh BST Metiers d’Art Paris - Bombay của Chanel

BST Dolce&Gabbana Xuân Hè 2013 - BST Dolce&Gabbana Thu Đông 2013-2014

Miền đất hứa

Matthew Williamson là một trong những nhà thiết kế thời trang xuất sắc đến từ Anh quốc. Thành công đầu tiên đến với anh vào tuổi 25, khi anh cho ra mắt bộ sưu tập đầu tay mang tên “Electric Angels” với 11 bộ trang phục vào năm 1997. 11 cô người mẫu trong đó có Kate Moss, Helena Christensen và Jade Jagger đã nhận lời trình diễn cho anh với cát sê chính là bộ trang phục họ mặc.

Vào thời điểm trào lưu grunge và trường phái tối giản đang dần lụi tàn tại Tuần lễ thời trang London, những thiết kế mang đậm cảm hứng từ Ấn Độ của anh lại gây được sự chú ý và Matthew Williamson ngay lập tức có tên thường xuyên trong các Tuần lễ thời trang London cho tới bây giờ. Mọi chuyện có lẽ bắt đầu từ khi anh đến Delhi, Ấn Độ với 90 bảng Anh trong túi vào năm 1994, sau khi hoàn tất khóa học tại trường Central Saint Martin.

Khi đó anh đã tìm được một khách sạn tại khu Nizamuddin, được coi là một trong những nơi khá khẩm nhất tại đây, với giá phòng 20 bảng Anh một đêm. Tuy nhiên anh không thể ngủ nổi trong căn phòng không khác gì phòng giam, ga trải giường khiến anh ngứa ngáy cả đêm và gió lùa tứ phía. Nhưng những ấn tượng ban đầu không mấy suôn sẻ này không khiến anh ghê sợ Ấn Độ mà ngược lại. “Tôi đã đến Ấn Độ hơn 30 lần rồi,” Matthew nói, “nơi đây mang đến rất nhiều bất ngờ cho tôi bởi sự đa dạng của nó, những khu làng tôi đi qua, mỗi nơi giống như một thế giới khác nhau với những nét rất riêng.”

 

Fashion Voyages


Những cuộc hành trình, những điểm đến mới mẻ, lạ lẫm luôn đem đến cảm hứng sáng tạo cho các nhà thiết kế thời trang. Đó là luồng gió mới để họ tưới tắm cho trí tưởng tượng của mình, mang đến những bộ trang phục thể hiện cảm nhận rất riêng với dấu ấn văn hóa tại mỗi nơi họ đi qua. Câu chuyện thời trang lần này sẽ cùng dõi theo các cuộc hành trình của thời trang đi qua những vùng đất nổi tiếng.

Những màu sắc, mùi vị đặc trưng của Ấn Độ đã đánh thức và kích thích mọi giác quan, tại bất kỳ nơi nào anh ghé đến. Sức ảnh hưởng của nền văn hóa cũng như đời sống tại Ấn Độ được thể hiện rất rõ trong những thiết kế của Matthew Williamson. “Đó là những cảm giác thư thái, chân thật nhất!” anh nói. Màu sắc và họa tiết vẫn luôn là những dấu ấn cá nhân trong các bộ sưu tập của Matthew Williamson. Không ngần ngại kết hợp những màu sắc sặc sỡ tương phản lẫn nhau, anh “đùa giỡn” với chúng, hoặc pha trộn những sắc độ của một gam màu để mang đến những họa tiết ấn tượng.

Khoảng 10 năm về trước, nhắc đến Dolce&Gabbana là người ta hình dung ra những thiết kế đậm chất nhục dục, tôn vinh thân hình người phụ nữ, gợi cảm đôi khi hơi thái quá. Họ không quan tâm đến phong cách tối giản mà ngược lại, tôn thờ chủ nghĩa tối đa (maximalism). Chỉ mới vài năm gần đây, Stefano Gabbana và Domenico Dolce mới thực sự chứng tỏ nguồn gốc Sicily của mình - qua các thiết kế. Ban đầu chỉ là ren nhưng giờ đây chất liệu để họ tôn vinh vùng đất Sicily đã mở rộng ra rất nhiều. Những màu sắc mang đậm hơi thở của vùng biển Địa Trung Hải nắng gió, những họa tiết sinh động thể hiện khung cảnh ồn ào và náo nhiệt của những phiên chợ miền Nam nước Ý, tất cả định hình một Dolce&Gabbana mới mẻ hơn, lãng mạn hơn, quyến rũ hơn và “Ý” hơn nhiều.

BST Dolce&Gabbana Xuân Hè 2013

Trường phái Baroque thể hiện rất rõ qua các thiết kế của Stefano và Domenico với cách sử dụng những màu sắc, họa tiết trên từng chi tiết của trang phục. Những chiếc corset luôn xuất hiện trong các bộ sưu tập từ trước tới nay của Dolce&Gabbana đã bớt “hung hăng, hiếu chiến” mà nữ tính và quyến rũ hơn nhiều. Với bộ sưu tập Thu Đông 2013-14, người xem còn thấy rõ nét sức ảnh hưởng của tôn giáo với hình ảnh những nhà thờ cổ xưa, hình mosaic trên cửa sổ, hình Đức mẹ... Rõ ràng Domenico Dolce và Stefano Gabbana đã và đang đi đúng hướng khi lựa chọn cội gốc Sicily làm kim chỉ nam trong sáng tạo, ngay cả khi Dolce&Gabbana đang phải đối mặt với nỗi lo tài chính.

 

Cảm hứng từ Ấn Độ thể hiện qua BST Metiers d'Art Paris-Bombay của Chanel

Kate Moss với thiết kế trong BST đầu tiên của Matthew Williamson trình diễn năm 1997

Naomi Campbell trong thiết kế thuộc BST Thu Đông 1999-2000 của Matthew Williamson

 

Theo Đẹp
people like INLOOK.VN fanpage