Bạn đang ở đây

Câu chuyện chiếc mũi

Không phải ngẫu nhiên mà nhà bác học Pascal từng bảo: “Nếu cái mũi của nữ hoàng Cleopatra ngắn hơn một chút, lịch sử thế giới đã thay đổi”…

Mỗi chủng tộc có những đặc thù về hình thái nhân chủng học khác nhau. Do đó, việc tạo hình mũi cũng có nhiều khác biệt. Ví dụ, trong việc tạo hình thẩm mỹ mũi của các nước phương Tây, phần nhiều là chỉnh hình mũi khoằm hoặc mũi quá cao thành chiếc mũi gọn và bớt cao. Trong khi đó, tại các nước châu Á hay các sắc tộc da đen thì việc tạo hình mũi thường là kỹ thuật nâng cao hay làm cho gọn lại.

 

 

Tại châu Á, Nhật Bản là nước có ngành khoa học tạo hình - thẩm mỹ đi tiên phong, phát triển rầm rộ những năm 1970. Khoảng 20 năm trước, người Nhật đi sửa mũi nhiều nhất thế giới. Tuy nhiên, hiện nay, chỉ số chiều cao của người Nhật tăng lên rõ rệt, kèm theo đó là chỉ số chiều cao sống mũi cũng tăng lên. Do vậy, người Nhật không còn đi phẫu thuật thẩm mỹ mũi nhiều nữa.

 

Đó cũng là cơ hội cho ngành phẫu thuật thẩm mỹ của Hàn Quốc vươn lên dẫn đầu tại châu Á hiện nay. Sự thành công của việc phát triển ngành công nghệ này tại Hàn Quốc không chỉ dựa vào nỗ lực của các chuyên gia tạo hình mà còn nhờ chính sách phát triển đồng bộ của quốc gia này, cụ thể là sự phối hợp của ngành du lịch - điện ảnh – công nghiệp thời trang - y tế, được sự ưu đãi về thuế cũng như các chính sách của quốc gia sở tại.

 

Hàng năm, sau các cuộc thi hoa hậu tại Hàn Quốc, luôn có những công trình nghiên cứu, đo đạc các chỉ số gương mặt và thể hình của 30 người đẹp lọt vào vòng trong. Từ thông số của các người đẹp, họ thống kê và phân tích lại những yếu tố tạo nên một cô gái đẹp. Chính nhờ những nghiên cứu đó, các chuyên gia thẩm mỹ có được chỉ số để làm mục tiêu cần đạt được cho khách hàng của mình. Và cũng chính vì những điều này mà rất nhiều người Việt chịu ảnh hưởng bởi công nghệ giải phẫu của Hàn Quốc (phần lớn thông qua phim ảnh). Họ cũng muốn có chiếc mũi đẹp như những nhân vật trên phim… Mơ ước này hoàn toàn chính đáng. Nhưng quan trọng là bạn cần biết cân nhắc để có những quyết định và lựa chọn hợp lý.

 

Sửa mũi bằng phương pháp nào?

 

 

Có nhiều phương pháp phẫu thuật thẩm mỹ mũi: sử dụng vật liệu tự thân hoặc nhân tạo, mà các chất liệu cấy ghép nhân tạo đã được Hiệp hội Y khoa và Hiệp hội Tạo hình thẩm mỹ thế giới công nhận về tính an toàn.

 

Đường vào phẫu thuật - tùy thuộc vào chỉ định và kinh nghiệm của mỗi phẫu thuật viên:

 

- Mổ mũi hở: có một đường rạch ngang qua trụ mũi và hai bên lỗ mũi.

- Mổ mũi kín: đường rạch chỉ nằm trong lỗ mũi một bên hoặc hai bên.

 

Chất liệu:

 

1. Chất liệu nhân tạo: - Phẫu thuật: silicone định hình, gore-tex… - Không phẫu thuật: các chất liệu làm đầy như axit hyaluronic…

2. Chất liệu tự thân: - Sụn vành tai. - Sụn sương. - Xương mào chậu, xương sọ. - Các mô mềm như mỡ trung bì và cân cơ thái dương.

3. Sự phối hợp các vật liệu nhân tạo với tự thân hoặc các vật liệu tự thân với nhau: chẳng hạn như kết hợp silicone với sụn vành tai; hoặc silicone với cân cơ thái dương hoặc với mỡ trung bì; hoặc xương mào chậu với mỡ trung bì…

 

Nên chọn cách nào?

 

1. Nâng mũi bằng vật liệu silicone

 

Ưu điểm:

- Dễ tạo hình sống mũi.

- Thời gian tiến hành phẫu thuật nhanh.

- Giá thành dễ chấp nhận (tùy theo thương hiệu và kinh nghiệm của từng bác sĩ).

 

Nhược điểm:

- Nếu da vùng mũi mỏng sẽ dễ bị bóng da, làm mũi trông không tự nhiên.

- Dễ bị vẹo lệch do yếu tố chủ quan hoặc khách quan.

 

+ Yếu tố chủ quan là do kỹ thuật của bác sĩ. Điều này cũng khó tránh khỏi ngay cả với các bác sĩ giỏi tay nghề. (Nhưng bạn không nên quá hoang mang, nếu mũi bị vẹo lệch, bạn vẫn có thể đến gặp bác sĩ để được điều chỉnh lại).

 

+ Yếu tố khách quan là do không tuân thủ những căn dặn của bác sĩ.

- Có những người không tương thích được với vật lạ đưa vào cơ thể, do vậy sau 2-6 tháng sẽ có những dấu hiệu đào thải vật liệu ghép.

- Biến chứng ít gặp hơn: Sau thời gian dài (trên 10 năm), xuất hiện sự biến dạng da vùng tháp mũi như co kéo hoặc da không mềm mại, hoặc sống mũi bị sa xuống…

 

2. Nâng mũi bằng gore-tex

 

Trong một thời gian dài, gore-tex là chất liệu phẫu thuật thẩm mỹ rất được ưa chuộng tại Hàn Quốc, nhưng hiện nay, người ta hạn chế sử dụng vật liệu này - chỉ sử dụng với những chỉ định khá chặt chẽ.

 

Ưu điểm:

- Dễ tạo dáng theo ý muốn.

- Sau khi đưa vào cơ thể, vật liệu đông cứng và bám chặt vào xương, không di chuyển giống silicone.

 

Nhược điểm:

- Không mềm dẻo như silicone nên ở vị trí chóp mũi không có tính linh hoạt và đàn hồi như bản chất của sụn.

- Sau thời gian dài, da đầu mũi sẽ thay đổi màu sắc.

- Khi đã đặt vào mà không có hình dáng như mong muốn của khách hàng thì việc sửa chữa rất khó khăn.

- Dễ bị nhiễm trùng. Chính vì chất liệu này quá nhiều nhược điểm cho nên ngày nay, người ta chỉ dùng khi sửa chữa vùng vách ngăn để kéo dài chiều dài mũi; hoặc trong tạo hình mũi bị biến dạng và mất hẳn xương chính mũi.

 

3. Nâng mũi bằng sụn vành tai

 

Ưu điểm:

- Chất liệu ghép tự thân nên hoàn toàn tự nhiên.

- Thời gian lành thương nhanh.

- Khoảng bốn tuần sau khi lành thương, sống mũi sẽ dính chặt vào tổ chức xung quanh.

 

Nhược điểm:

- Sụn vành tai mỏng, không đủ làm chất liệu ghép trong trường hợp mũi quá thấp. - Nếu lấy sụn với diện tích nhiều quá có thể gây biến dạng vành tai.

 

4. Nâng mũi bằng xương mào chậu hoặc sụn sườn

 

Ưu điểm:

- Chất liệu ghép lấy ra từ cơ thể mình nên hoàn toàn tự nhiên.

- Thời gian lành thương nhanh.

 

Nhược điểm:

- Khó tạo dáng cho vật liệu ghép.

- Sau thời gian dài, mũi bị biến dạng vì xương mào chậu và xương sườn nguyên khối bị tiêu ngót về mặt thể tích. Hiện phương pháp này chỉ được chỉ định tương đối cho những dị dạng bẩm sinh hay dị dạng mắc phải quá lớn nhiều hơn là trong phẫu thuật thẩm mỹ.

 

5. Nâng mũi phối hợp vật liệu nhân tạo và tự thân

 

Vì các ưu và nhược điểm của các chất liệu nhân tạo và tự thân nên hiện nay, các bác sĩ thẩm mỹ thường có xu hướng phối hợp các loại chất liệu cấy ghép nói trên. Thêm lựa chọn mới Đó là việc sử dụng sụn sườn làm chất liệu cấy ghép, thu nhỏ cánh mũi không để lại sẹo. Sụn được lấy ở sụn sườn, sau đó được đưa qua máy xử lý sụn. Máy này có chức năng loại bỏ những phần không cần thiết và tái tạo sụn theo cấu trúc mới. Sụn sau khi được tái tạo sẽ có hình dạng sợi và bột. Sau đó, bác sĩ sẽ sử dụng sụn được tái tạo để bơm vào mũi. Chính vì nó ở dạng gần như đặc nhưng không định hình nên phẫu thuật viên dễ dàng nắn chỉnh một sống mũi theo ý muốn trong vòng 3 tuần sau phẫu thuật.

 

Ưu điểm:

- Thời gian lành thương nhanh, sự tích hợp của vật liệu vào nơi mới nhanh.

- Có thể nắn chỉnh theo mong muốn, không tạo ra các khấc dọc theo hai bên sống mũi như các loại vật liệu nhân tạo.

- Không bị ửng đỏ đầu mũi.

- Không bị bóng da và căng da.

- Không bị di lệch sau phẫu thuật.

- Không bị đào thải chất liệu ghép.

- Sau thời gian 3 tuần, vật liệu sẽ hoàn toàn vững chắc, tích hợp tốt với mô xung quanh và không bị di chuyển khi bị lắc hoặc dưới tác dụng của các lực, nên không cần hạn chế khi vận động hay không cần ngại khi chơi những môn thể thao nặng nếu đã qua thời gian lành thương cho phép.

 

Nhược điểm:

- Thời gian tiến hành phẫu thuật lâu hơn và người được phẫu thuật có thêm một sẹo nhỏ ở ngực khoảng 1,5-2cm, tùy thuộc thể tích sụn cần lấy.

 

Mỗi phương pháp đều có những ưu – khuyết điểm rất rõ ràng, với những mức chi phí khác nhau. Do đó, nếu thực sự cần thiết phải giải phẫu thẩm mỹ mũi – vì bất cứ lý do nào, bạn cũng nên tham khảo thật kỹ lưỡng ở các bác sĩ chuyên khoa có uy tín.

 

Theo Đẹp

people like INLOOK.VN fanpage